
Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo: 'Chìa khóa vàng' cho khát vọng hùng cường |
Đội ngũ đông đảo, chất lượng ngày càng được nâng cao
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến hết năm 2023, số người trong độ tuổi lao động của cả nước là hơn 50 triệu người, trong đó, đội ngũ công nhân có khoảng 15 triệu người, chiếm hơn 29% lực lượng lao động toàn xã hội. Tuy chỉ chiếm tỷ lệ trên 14% dân số, song hằng năm đội ngũ công nhân nước ta đã tạo ra trên 65% giá trị tổng sản phẩm xã hội, hơn 70% ngân sách Nhà nước.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao thưởng cho các điển hình sáng kiến vượt khó, sáng tạo, chiến thắng đại dịch Covid-19. Ảnh: TGCC. |
Trình độ, năng lực của đội ngũ công nhân, lao động cũng ngày càng được nâng cao, nhất là ở một số lĩnh vực, ngành nghề mũi nhọn. Nếu phân theo trình độ công nghệ, chỉ tính riêng trong ngành chế biến, chế tạo, công nhân có trình độ công nghệ cao chiếm 21,87%, công nhân có trình độ công nghệ trung bình chiếm 14,68%.
Việt Nam được đánh giá là một quốc gia trẻ, năng động, với tỷ lệ cơ cấu dân số đang ở giai đoạn “vàng”. Do đó, độ tuổi bình quân của công nhân nước ta nhìn chung khá trẻ. Nhóm công nhân từ 18 đến 30 tuổi chiếm 36,4%; trong các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài công nhân dưới 25 tuổi chiếm 43,4%, từ 26-35 tuổi chiếm 34,7%, từ 36-45 tuổi chiếm 14%. Hầu hết họ được tiếp cận với kinh tế thị trường nên thích ứng nhanh với công nghệ hiện đại.
Đội ngũ đông đảo này là nguồn vốn quý nhất, đã, đang và sẽ là lực lượng nòng cốt góp phần hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Phát huy tiềm năng trong công tác nghiên cứu
Nếu khái niệm “công nhân” truyền thống để chỉ những người lao động phổ thông, làm việc chân tay, không đòi hỏi cao về trình độ; thì với sự phát triển của khoa học công nghệ và sự vận động của xã hội, khái niệm công nhân đã mở rộng hơn. Nhiều lĩnh vực, người công nhân trực tiếp đứng máy sản xuất có trình độ rất cao và được xếp vào nhóm lao động có trình độ cao.
![]() |
Lao động ngành Dầu khí đòi hỏi phải có trình độ, năng lực cao, nhiều người trong số đó có khả năng sáng tạo, có sáng kiến, công trình đoạt giải. Trong ảnh: Các đại biểu tham quan sản phẩm đoạt giải tại Hội thi tay nghề Dầu khí lần VII (năm 2022). Ảnh: TGCC. |
Với cách hiểu như vậy, đội ngũ công nhân lao động hoàn toàn có thể tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học một cách trực tiếp theo định nghĩa tại Điều 3 Luật Khoa học và Công nghệ 2013: “Khoa học là hệ thống tri thức về bản chất, quy luật tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy… Hoạt động khoa học và công nghệ là hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và triển khai thực nghiệm, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ, phát huy sáng kiến và hoạt động sáng tạo khác nhằm phát triển khoa học và công nghệ”.
Như vậy, công nhân, lao động - nhất là công nhân, lao động có trình độ cao hoàn toàn có thể tham gia các khâu, các công đọan phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học. Bởi, tất cả các tri thức khoa học bản chất, quá trình khám phá quy luật tồn tại, phát triển của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy đều đòi hỏi khảo sát thực nghiệm.
Công nhân, lao động, bằng thực tế làm việc của mình cũng là những người phát hiện, cung cấp đề tài thiết thực nhất cho công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ.
Phát huy tiềm năng trong đổi mới sáng tạo
Nếu việc tham gia nghiên cứu khoa học, công nghệ của người công nhân nhìn chung còn hạn hẹp, do những giới hạn về trình độ, điều kiện, phương pháp nghiên cứu, thì tiềm năng đổi mới sáng tạo trong công nhân, lao động lại hết sức dồi dào.
Điều 3 Luật Khoa học và Công nghệ 2013 định nghĩa: “Đổi mới sáng tạo (innovation) là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa”.
Nói nôm na, nghiên cứu khoa học, công nghệ tạo ra tri thức nền tảng, nhưng chưa trở thành sản phẩm hàng hóa cụ thể. Đổi mới sáng tạo là quá trình ứng dụng, đưa những tri thức nền tảng đó thành giải pháp kỹ thuật, công nghệ, thành sản phẩm cụ thể phục vụ sản xuất và đời sống.
Đây chủ yếu là công việc của các trường đại học, các viện nghiên cứu và của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn; song tất cả đều có sự tham gia của người công nhân, nhất là công nhân có trình độ cao. Từ ý tưởng, tri thức sách vở đến sản phẩm hoàn chỉnh là một bước dài, phải làm đi làm lại, sửa chữa, nâng cao cho đến khi có sản phẩm tối ưu. Mỗi công đoạn, mỗi bước như vậy, vai trò của người công nhân rất quan trọng, đôi khi quyết định.
Thực tiễn đã chứng minh
Các phong trào phát huy sáng kiến, sáng tạo của các cấp, các ngành thời gian qua đã phần nào khơi dậy, phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo trong đội ngũ công nhân, lao động; cho thấy tiềm năng vô tận của họ.
![]() |
Kỹ sư Phạm Văn Thuần (Phó trưởng phòng Cơ điện Tổng Công ty May 10) với đề tài “Chế tạo máy cắt vải cuộn tự động, giúp nâng cao năng suất, chất lượng cắt” đã đạt giải Nhất tại Ngày hội Lao động sáng tạo ngành Dệt May lần thứ III năm 2022. Ảnh: Laodongcongdoan.vn. |
Về vấn đề này, không thể không nhắc tới Chương trình “01 triệu sáng kiến - Nỗ lực vượt khó, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động từ ngày 01/9/2021, với mục tiêu đến 01/9/2023 đạt 01 triệu sáng kiến. Song, chương trình đã đạt mốc 01 triệu sáng kiến trước gần 11 tháng và cuối cùng đã có hơn 02 triệu sáng kiến gửi tham gia chương trình. Nhiều sáng kiến có giá trị làm lợi cao, trên 100 tỷ đồng/năm; tổng giá trị làm lợi của các sáng kiến ước tính lên tới hơn 33.000 tỷ đồng.
Có thể kể các sáng kiến như “Tối ưu nguồn khí bypass V-101A”, giá trị làm lợi 292 tỷ đồng của nhóm tác giả Nguyễn Đắc Luân và đồng nghiệp, Công ty Chế biến Khí Vũng Tàu; sáng kiến “Tiết kiệm nhiên liệu bay”, giá trị làm lợi 263 tỷ đồng của Đoàn bay 919; sáng kiến “Gia tăng nguồn vốn đảm bảo an toàn thanh khoản”, với giá trị làm lợi 239 tỷ đồng của tác giả Trần Thị Thúy Liên và đồng nghiệp, Công đoàn Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam; sáng kiến “Cải tiến giảm tỷ lệ lỗi Resolution ở ACT Line”, giá trị làm lợi 104 tỷ đồng của tác giả Nguyễn Huy Hoàng, Công ty Samsung Electronics VietNam; sáng kiến “Cải tiến và tối ưu hóa thiết kế của hộp đựng phụ kiện cho sản phẩm máy in”, có giá trị làm lợi 104 tỷ đồng, của tác giả Nguyễn Văn Minh, Công ty Canon Việt Nam…
Thành công của Chương trình “01 triệu sáng kiến…” nêu trên là minh chứng rõ nét cho thấy sức sáng tạo to lớn của đội ngũ công nhân, lao động nước ta nếu được khơi dậy và phát huy. Đó cũng là việc rất nên làm trong thời gian tới.
Đề xuất một số giải pháp
Nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số không phải là việc hay đặc quyền của cấp, ngành nào, mà là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có đội ngũ công nhân, lao động.
Để phát huy tiềm năng to lớn - nhất là trong đổi mới sáng tạo của đội ngũ công nhân, lao động - cần có những giải pháp thiết thực, khả thi. Người viết bài này xin đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, Nhà nước có cơ chế chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho công nhân, lao động được tham gia nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo với tư cách cá nhân hoặc nhóm lao động, hoặc thông qua một tổ chức (như Công đoàn), hoặc tại doanh nghiệp.
Thứ hai, trong tổng nguồn vốn dành cho nghiên cứu khoa học, công nghệ theo Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị (dự kiến 3% GDP), dành một khoản lập sàn trao đổi ý tưởng, thẩm định, mua các ý tưởng nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo thiết thực, khả thi của tất cả mọi người, trong đó có công nhân, lao động. Đầu tư cho các ý tưởng tốt mà người có ý tưởng có thể hiện thực hóa.
Thứ ba, các tổ chức đoàn thể như công đoàn, tiếp tục phát động các phong trào phát huy sáng kiến, sáng tạo, khơi dậy tiềm năng nghiên cứu khoa học, công nghệ, đỏi mới sáng tạo trong công nhân, lao động. Khen thưởng thích đáng các phát minh, sáng chế, sáng kiến tốt được ứng dụng thành công, hiệu quả.
![]() Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị được Tổng Bí thư Tô Lâm ví như một “Khoán 10” trong lĩnh vực khoa học, công nghệ ... |
![]() Khi pháp luật thôi là rào cản, mà trở thành điểm tựa, người công nhân sẽ không còn là người “thi hành ý tưởng” mà ... |
![]() Suốt một thời gian dài, đổi mới sáng tạo ở Việt Nam vẫn được gắn liền với những phòng thí nghiệm khép kín, những đề ... |
Tin mới hơn

Học để làm chủ công việc, làm chủ cuộc đời

Đội ngũ công nhân trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Văn hóa công nhân với nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
Tin tức khác

Công nhân Việt Nam và hành trình không nghỉ

Học để hoàn thiện nhân cách, làm giàu trí tuệ

Những cơ hội học tập “trong tầm tay” cho công nhân thời đại mới

Luật BHXH 2024: An sinh không dừng lại ở người lao động

Học để không bị bỏ lại phía sau
