
Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với Công đoàn trong Luật Công đoàn 2024 |
Từ một Sắc lệnh đặt nền móng pháp lý cho hoạt động công đoàn
Theo Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước, trải qua 96 năm hình thành và phát triển (28/7/1929 – 28/7/2025), dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Công đoàn Việt Nam không ngừng lớn mạnh, đóng góp quan trọng vào các thắng lợi của cách mạng và luôn đồng hành cùng sự phát triển đất nước.
Ngay từ khi Chính phủ lâm thời ra đời, vấn đề xây dựng khung pháp lý cho hoạt động công đoàn đã được đặt ra. Hiến pháp 1946 ghi nhận quyền lập hội, quyền tự do công đoàn – nền tảng đầu tiên cho việc tổ chức và bảo vệ quyền lợi người lao động.
Ngày 12/3/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 29/SL gồm 10 chương, 187 điều, quy định về chế độ lao động trên toàn quốc – được xem như tiền thân của Bộ luật Lao động ngày nay. “Mục đích Sắc lệnh này là để quy định trong toàn cõi Việt Nam những sự giao dịch về việc làm công, giữa các chủ nhân, người Việt Nam hay người ngoại quốc và các công nhân Việt Nam làm tại các xưởng kỹ nghệ, hầm mỏ, thương điếm và các nhà làm nghề tự do”.
![]() |
Sắc lệnh số 29-SL ngày 12/3/1947 về chế độ lao động trong cả nước đối với người làm công ăn lương. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Phủ Thủ tướng, mục lục 1, hồ sơ số 5, tờ 36 - 74 |
Sắc lệnh số 29 quy định toàn diện các giao dịch lao động trên phạm vi cả nước, trong đó Chương VIII dành riêng cho việc tổ chức đoàn thể công nhân – một nội dung có ý nghĩa đặc biệt về chính trị, xã hội và pháp lý trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ.
Cụ thể, Chương VIII quy định:
Thứ nhất, quyền lập đoàn thể: Công nhân tại các xí nghiệp, nhà máy, công trường được phép tổ chức các đoàn thể như công đoàn, nhằm bảo vệ quyền lợi, cải thiện điều kiện lao động và tăng cường đoàn kết nội bộ.
Thứ hai, về tổ chức và hoạt động: Các đoàn thể phải có điều lệ rõ ràng, ban lãnh đạo cụ thể và sinh hoạt nội bộ nền nếp. Việc thành lập cần được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.
![]() |
Sắc lệnh số 108-SL/L.10 ngày 5/11/1957 về ban hành Luật Công đoàn. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Phủ Thủ tướng, mục lục 1, hồ sơ số 17, tờ 44 - 48 |
Thứ ba, quyền lợi và nghĩa vụ của đoàn thể: Đoàn thể công nhân được quyền đại diện người lao động trong thương lượng các vấn đề về tiền lương, giờ làm, an toàn lao động... Đồng thời, có quyền góp ý, phản ánh bất công với chủ doanh nghiệp hoặc cơ quan quản lý.
Với những nội dung trên, Chương VIII của Sắc lệnh số 29 đã pháp lý hóa quyền lập tổ chức công đoàn, chính thức ghi nhận vai trò chính trị – xã hội của công đoàn trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Đây được xem là một trong những văn bản pháp lý đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khẳng định vị thế của công đoàn – tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của Công đoàn Việt Nam sau này.
Trong bối cảnh hội nhập ngày nay, nội dung của Chương VIII càng khẳng định tính tiên phong và tầm nhìn xa của tư tưởng Hồ Chí Minh về giai cấp công nhân và vai trò tổ chức công đoàn. Các nguyên tắc này tiếp tục được kế thừa trong Luật Công đoàn và Bộ luật Lao động hiện hành, đặc biệt là quyền lập công đoàn, thương lượng tập thể và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.
Khung pháp lý vững chắc cho hoạt động Công đoàn
Ngày 5/11/1957, Chủ tịch nước ban hành Sắc lệnh số 108-SL/L10, chính thức công bố Luật Công đoàn đầu tiên – nhằm xác định rõ vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức Công đoàn trong chế độ dân chủ nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo.
Luật đặt mục tiêu tạo điều kiện cho công nhân phát triển tổ chức, tham gia xây dựng chính quyền, phát triển kinh tế – văn hóa, tiến lên chủ nghĩa xã hội và góp phần vào công cuộc thống nhất đất nước.
Luật phản ánh đặc điểm của thời kỳ mới giành độc lập, bước đầu xây dựng CNXH. Điều 1, Chương I xác định: “Công đoàn là tổ chức của giai cấp công nhân tự nguyện lập ra. Mọi lao động chân tay, trí óc làm công ăn lương đều có quyền gia nhập Công đoàn”.
Đặc biệt, luật khẳng định vai trò của công đoàn trong phát huy dân chủ, giám sát, sáng tạo, tổ chức thi đua sản xuất. Điều 6, Chương II quy định: “Trong các xí nghiệp Nhà nước, Công đoàn thay mặt công nhân, viên chức tham gia quản lý xí nghiệp và ký kết hợp đồng tập thể với giám đốc”.
Theo Điều 9, Chương II của Luật Công đoàn 1957, công đoàn có quyền giám sát việc thực hiện hợp đồng tập thể và các quy định liên quan đến sản xuất, kinh doanh, quyền lợi người lao động; đồng thời đấu tranh chống lại những hành vi trái chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Luật cũng đặt nền móng cho cơ chế tài chính độc lập của tổ chức công đoàn. Điều 20 trao quyền cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành thể lệ quản lý tài chính, tạo nguồn lực để tổ chức hoạt động phục vụ đoàn viên và người lao động.
Sự ra đời của Luật Công đoàn 1957 không chỉ khẳng định vị thế tổ chức công đoàn trong hệ thống chính trị mà còn khơi dậy tinh thần yêu nước, thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm của công nhân, viên chức và người lao động trong công cuộc kiến thiết đất nước.
Chuyển sang thời kỳ đổi mới, ngày 30/6/1990, Quốc hội khóa VIII thông qua Luật Công đoàn mới – đạo luật đánh dấu bước chuyển mình quan trọng khi Việt Nam bước vào giai đoạn chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Luật Công đoàn 1990 gồm 4 chương và 19 điều, kế thừa và phát huy từ Luật Công đoàn 1957, nhưng đã quy định cụ thể, rõ ràng hơn về chức năng, quyền và trách nhiệm của Công đoàn. Điều 1 khẳng định vai trò của Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động Việt Nam, do người lao động tự nguyện thành lập, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, là thành viên trong hệ thống chính trị và là "trường học chủ nghĩa xã hội của người lao động".
So với Luật Công đoàn 1957, Luật Công đoàn 1990 cụ thể hóa các chức năng như đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tham gia quản lý nhà nước, giám sát và tuyên truyền giáo dục. Khoản 3 Điều 15 quy định quyền của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách, bảo đảm sự hoạt động hiệu quả của tổ chức.
Đặc biệt, lần đầu tiên quyền sở hữu tài sản của công đoàn được quy định tại Điều 17, với tài sản công đoàn được coi là tài sản xã hội chủ nghĩa, được pháp luật bảo vệ và khuyến khích phát triển.
Luật Công đoàn năm 1990 ra đời trong bối cảnh đầu của công cuộc đổi mới, đã bước đầu thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Luật này đã có bước tiến quan trọng khi xác định rõ hơn vai trò của Công đoàn trong hệ thống chính trị và vai trò đại diện cho người lao động. Các quy định mới về cán bộ chuyên trách, tài sản và quyền hoạt động đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Công đoàn phát huy vai trò trong giai đoạn phát triển mới.
Tuy nhiên, Luật Công đoàn 1990 chưa đề cập sâu đến các quyền như thương lượng tập thể, đình công, hoặc sự độc lập của Công đoàn – những yếu tố này sau này đã được tiếp tục sửa đổi và bổ sung trong Luật Công đoàn 2012. Luật Công đoàn 2012 gồm 6 chương và 33 điều, tăng 2 chương và 14 điều so với Luật Công đoàn 1990. Trong đó, hai chương mới được bổ sung là Chương III (Trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với Công đoàn) và Chương IV (Giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm pháp luật về Công đoàn).
Nội dung chủ yếu của Luật Công đoàn 2012 tập trung vào quy định quyền và trách nhiệm của Công đoàn theo từng lĩnh vực hoạt động, trên cơ sở chức năng của Công đoàn đã được Hiến pháp và pháp luật quy định. Luật cũng đã đưa ra các quy định bảo vệ cán bộ công đoàn, chống các hành vi phân biệt đối xử, và quy định tài chính để bảo đảm hoạt động của Công đoàn.
![]() |
Luật Công đoàn năm 2012 ra đời trước khi Hiến pháp năm 2013 được thông qua nên trong thực tiễn thi hành có một số quy định còn bất cập. Ảnh minh hoạ |
Luật Công đoàn (sửa đổi) 2012 khắc phục những hạn chế của Luật Công đoàn 1990, đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Luật thể chế hóa các quan điểm của Đảng về phát triển giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Các điểm mới của Luật Công đoàn 2012 gồm:
Kinh phí công đoàn: Tất cả cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải trích nộp 2% quỹ lương đóng BHXH cho công đoàn, dù có thành lập công đoàn cơ sở hay không.
Quyền gia nhập Công đoàn: Lao động nước ngoài không được gia nhập Công đoàn Việt Nam.
Bảo vệ cán bộ Công đoàn: Cán bộ công đoàn không chuyên trách có quyền gia hạn hợp đồng lao động đến hết nhiệm kỳ.
Tên gọi của Tổng LĐLĐ Việt Nam: Không thay đổi tên gọi thành Tổng Công đoàn Việt Nam.
Mặc dù có nhiều cải tiến, nhưng Luật Công đoàn 2012 vẫn chưa hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Các vấn đề này tiếp tục được khắc phục trong Luật Công đoàn 2024, với những quy định mới như:
Lao động nước ngoài: Lao động nước ngoài có hợp đồng lao động từ đủ 12 tháng trở lên có quyền gia nhập công đoàn.
Kinh phí công đoàn: Bổ sung các trường hợp miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí.
Giám sát và phản biện xã hội: Công đoàn có quyền giám sát và phản biện xã hội đối với cơ quan nhà nước.
Phân cấp kinh phí công đoàn: Phân phối kinh phí công đoàn cho cấp cơ sở tại doanh nghiệp.
Luật Công đoàn 2024 thể chế hóa Hiến pháp 2013 và các nghị quyết của Đảng, khẳng định vai trò, vị thế của công đoàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế - xã hội.
Những thách thức trong tình hình mới
Luật Công đoàn phản ánh quá trình cách mạng và phát triển của đất nước, từ những ngày đầu giành độc lập, Đảng và Nhà nước đã chú trọng bảo vệ người lao động (NLĐ) thông qua một nền tảng pháp lý tiên tiến (Sắc lệnh số 29). Luật này không chỉ là một bộ luật chuyên ngành mà còn là cột trụ trong hệ thống pháp luật về quyền con người và quyền công dân trong lĩnh vực lao động. Qua các thời kỳ, Luật Công đoàn không chỉ phát triển về mặt pháp lý mà còn là hành trình trưởng thành của giai cấp công nhân Việt Nam, từ tư tưởng Hồ Chí Minh đến thể chế hóa pháp luật hiện đại, góp phần xây dựng xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA...), yêu cầu bảo vệ NLĐ theo chuẩn quốc tế đang đặt ra thách thức lớn cho tổ chức Công đoàn. Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đòi hỏi giảm đầu mối, tinh giản biên chế và nâng cao hiệu quả của tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có Công đoàn.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cũng yêu cầu Công đoàn đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng AI, big data, Chatbot vào các hoạt động tổ chức và giám sát quan hệ lao động.
Những yêu cầu này tạo ra thách thức trong việc đưa Luật Công đoàn vào cuộc sống. Cụ thể, sự hình thành các tổ chức đại diện NLĐ theo chuẩn quốc tế đòi hỏi Công đoàn phải nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có năng lực đối thoại, pháp lý và công nghệ.
Để phù hợp với bối cảnh mới, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV, khai mạc ngày 5/5/2025, Quốc hội sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, trong đó có Luật Công đoàn và các dự án luật khác nhằm phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
![]() “Lúc đó tôi không có việc làm, lại phải lo cho gia đình ở quê. Nếu không có công đoàn, không biết tụi tôi xoay ... |
![]() Không còn phải rời xưởng sớm để nộp một tờ đơn. Không còn mất công cả buổi để đi xin xác nhận giấy tờ. Không ... |
![]() Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động từ lâu đã trở thành dịp cao điểm để toàn xã hội, đặc biệt là ... |
Tin mới hơn

Tăng cường vai trò công đoàn trong gắn kết kinh tế với xã hội

Tăng cường năng lực tiếp cận thông tin của người lao động: Góc nhìn từ ngành Dệt may Việt Nam
Tin tức khác

Kinh tế tư nhân phát triển: Công nhân lớn mạnh, công đoàn vững chắc

Kinh tế tư nhân và bứt phá thể chế

Công đoàn đồng hành cùng kinh tế tư nhân phát triển bền vững

Phát triển kinh tế tư nhân: Cơ hội và thách thức với tổ chức Công đoàn Việt Nam

Học tập suốt đời – Động lực phát triển của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam
