Tăng cường vai trò công đoàn trong gắn kết kinh tế với xã hội
Nghiên cứu

Tăng cường vai trò công đoàn trong gắn kết kinh tế với xã hội

TS Phạm Thị Thu Lan
Hiện nay, trong sự phát triển kinh tế - xã hội và nhìn nhận về sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và xã hội ở Việt Nam, chúng ta đang thấy kinh tế vẫn được quan tâm và chú trọng hơn. Điều này có nguyên nhân xuất phát từ chính sách coi kinh tế là trọng tâm được thực hiện kể từ khi Việt Nam đổi mới và mở cửa nền kinh tế.
Công nhân, Công đoàn: nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế tư nhân bền vững và thịnh vượng

Một số thực tế chứng minh cho điều này:

Thứ nhất, tiêu chí đánh giá sự phát triển và thịnh vượng của quốc gia vẫn dựa trên chỉ số tăng trưởng GDP là chính, trong đó đặc biệt quan tâm tới đóng góp từ xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, trong khi thế giới bắt đầu thảo luận về việc thay thế chỉ số GDP bằng chỉ số hạnh phúc (Happiness Index). Việc đo sự phát triển bằng chỉ số kinh tế và xác định mục tiêu phát triển dựa trên sự cải thiện chỉ số kinh tế (ví dụ: tỷ lệ tăng trưởng GDP hàng năm, tốc độ tăng năng suất hàng năm, tỷ lệ doanh nghiệp được thành lập, v.v…) mà thiếu đi các chỉ số lao động – xã hội đi kèm dẫn tới sự thiên lệch trong đánh giá về kết quả của quá trình phát triển.

Thứ hai, sự hình thành cơ cấu, thể chế cho sự phát triển ở Việt Nam vẫn phân tách giữa kinh tế và lao động - xã hội. Ví dụ: các bộ ở Việt Nam vẫn tách biệt và chỉ chuyên phụ trách về một lĩnh vực là kinh tế hoặc lao động – xã hội. Trong khi đó, trên thế giới, xu hướng phát triển bao trùm đòi hỏi sự thay đổi các bộ theo hướng hỗn hợp hơn, gắn kinh tế với lao động – xã hội. Chẳng hạn, New Zealand có Bộ Kinh doanh, Đổi mới và Việc làm, hay quốc đảo Nam Thái Bình Dương Samoa có Bộ Thương mại, Công nghiệp và Lao động (Minisry of Commerce, Industry and Labour), hay tỉnh bang Alberta của Canada có Bộ Việc làm, Kinh tế và Thương mại (Ministry of Jobs, Economy and Trade). Việc cơ cấu, tổ chức, bộ máy tách biệt giữa kinh tế và lao động khiến cho hai vấn đề này được thảo luận và giải quyết tách biệt nhau, từ đó ảnh hưởng tới thực hiện chính sách xã hội gắn với chính sách kinh tế.

Tăng cường vai trò công đoàn trong gắn kết kinh tế với xã hội
Công đoàn Tổng Công ty Điện lực miền Bắc thăm hỏi, động viên cán bộ, công nhân viên Điện lực Quan Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: Hùng Mạnh.

Thứ ba, các chương trình hoạt động của Chính phủ hay chính quyền địa phương ở Việt Nam chưa có sự gắn kết giữa kinh tế và lao động và chủ yếu vẫn tách biệt giữa các chương trình phát triển kinh tế và các chương trình lao động – xã hội. Ví dụ, Quy hoạch điện VIII của Việt Nam đặc biệt quan tâm tới phát triển năng lượng tái tạo để đóng góp cho thực hiện mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2050, nhưng quy hoạch phát triển điện phục vụ phát triển kinh tế này không đề cập tới các tiêu chuẩn về lao động.

Về mục tiêu phát triển bền vững, các nước trên thế giới bắt đầu gắn kết các chương trình, hoạt động về kinh tế với các chương trình, hoạt động về xã hội – lao động. Ví dụ: ở Ma-lai-xia, Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Ma-lai-xia (MITI) – một Bộ chuyên về phát triển kinh tế - đã ban hành quy định về Quản trị, Lao động và Môi trường trong phát triển ngành công nghiệp quốc gia (The National Industry Environment, Social and Governance Framework – i-ESG) với bốn trụ cột: xây dựng tiêu các chuẩn quản trị, lao động và môi trường, phân bổ nguồn tài chính cho thực hiện các tiêu chuẩn, xây dựng năng lực thực hiện và áp dụng cơ chế thị trường trong thực hiện, nghĩa là ưu tiên cơ hội cho các đơn vị đảm bảo đầy đủ cả ba tiêu chuẩn: quản trị, lao động và môi trường.

Theo khuôn khổ này, các công ty lớn sẽ phải báo cáo với MITI không chỉ về các chỉ số kinh tế mà còn các chỉ số lao động – xã hội, nghĩa bên cạnh tiêu chí về kinh tế còn có tiêu chí về sự cải thiện đối với quyền và điều kiện làm việc của người lao động, có tên gọi là Báo cáo phát triển bền vững hàng năm của doanh nghiệp (sustainability report). Việc gắn kết các tiêu chí kinh tế với lao động – xã hội trong đánh giá doanh nghiệp sẽ đóng góp cho phát triển bền vững quốc gia. Rất nhiều nước đã đi theo hướng này, những nước đi đầu trong lĩnh vực này là các nước Bắc Âu, một số nước châu Âu và New Zealand.

Thứ tư, nội dung của giáo dục, đào tạo vẫn tách biệt giữa kinh tế và lao động-xã hội chứ chưa có sự gắn kết. Ví dụ: trường đại học kinh tế chuyên về nội dung kinh tế, hay các khoa kinh tế, quản trị kinh doanh của các trường chỉ chuyên về các môn học thuần túy kinh tế. Giáo dục, đào tạo về kinh tế vẫn thuần túy phục vụ mục tiêu kinh tế, không đề cập tới mục tiêu xã hội, nghĩa là giáo dục, đào tạo về kinh tế không đặt mục tiêu phục vụ cả kinh tế và xã hội đi liền với nhau.

Ở cấp vi mô, các chủ thể quyết định kinh tế vẫn chủ yếu là cổ đông, các nhà quản lý kinh tế không có hoặc ít có tiếng nói của các chủ thể lao động – xã hội. Mặc dù phát triển kinh tế để phục vụ con người và quá trình phát triển kinh tế sẽ ảnh hưởng tới tất cả các bên tham gia, bao gồm người lao động và cộng đồng địa phương nơi đặt cơ sở sản xuất kinh doanh, nhưng trong các lý thuyết về kinh tế, các yếu tố được đề cập chủ yếu là yếu tố đầu vào: lao động, vốn và đất đai.

Lao động được đề cập nhưng với tư cách là phương tiện sản xuất (yếu tố đầu vào) hơn là chủ thể thụ hưởng từ quá trình sản xuất (yếu tố đầu ra). Đầu ra của lý thuyết kinh tế chủ yếu được đề cập là hiệu quả, lợi nhuận và người thụ hưởng là chủ cơ sở sản xuất và cổ đông, hay nói cách khác là người có vốn và sở hữu tài sản. Không thấy lý thuyết kinh tế nào đề cập tới đầu ra, người thụ hưởng lợi nhuận là người lao động hay cộng đồng địa phương, mặc dù đương nhiên khi kinh tế phát triển, phần nào người lao động và cộng đồng địa phương cũng được hưởng lợi.

Sự hưởng lợi “kéo theo” này khác với sự hưởng lợi với vai trò thành viên và được đưa vào lý thuyết kinh tế. Với vai trò thành viên, sự hưởng lợi được xác định rõ ràng trong lý thuyết kinh tế, miếng bánh kinh tế sẽ được chia sẻ công bằng hơn. Với vai trò thành viên, người lao động sẽ có đại diện tham gia vào ban quản lý, ban giám đốc, ban lãnh đạo doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất để tham gia ý kiến trong quá trình hoạch định chính sách và ra quyết định của doanh nghiệp cũng như tham gia trong chia sẻ lợi nhuận về sau. Rõ ràng là không có sự tham gia về mặt cơ cấu lãnh đạo này, sự hưởng lợi sẽ không công bằng bởi phần chia sẻ của người sử dụng lao động (NSDLĐ) cho người lao động là đơn phương quyết định của NSDLĐ, và trong bối cảnh NSDLĐ luôn đặt mục tiêu lợi nhuận càng cao càng tốt (là điều hiển nhiên của NSDLĐ), sẽ dẫn tới gia tăng bất bình đẳng.

Thứ năm, để thực hiện chính sách xã hội, Nhà nước đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bên cạnh việc hoạch định chính sách, pháp luật, Nhà nước là một nhà đầu tư công lớn nhất. Chương trình hợp tác công – tư đang tạo ra mối liên hệ chặt chẽ giữa khu vực nhà nước và tư nhân. Rất nhiều công trình, dự án của Nhà nước, sử dụng vốn nhà nước là do tư nhân thực hiện. Vì vậy, Nhà nước có quyền xác định các tiêu chí đấu thầu công, trong đó không chỉ bao gồm các tiêu chí về tiết kiệm, hiệu quả ngân sách Nhà nước mà còn phải đảm bảo các tiêu chí xã hội, trong đó có điều kiện thụ hưởng của người lao động (tiền lương, môi trường làm việc, phương tiện làm việc….) và sự cải thiện môi trường, điều kiện sống của cộng đồng nơi có dự án của Nhà nước. Thông qua các tiêu chí lao động – xã hội – là một phần của tiêu chí đấu thầu, các nhà thầu tư nhân tham gia đấu thầu sẽ coi trọng các tiêu chuẩn lao động - xã hội do Nhà nước đặt ra, là điều kiện để tham gia đấu thầu và trúng thầu.

Các tiêu chí lao động này bao gồm tiền lương đủ sống, giờ làm việc được cải thiện, đảm bảo các quyền cơ bản trong lao động như quyền công đoàn, quyền an toàn vệ sinh lao động, quyền được đào tạo trong giờ làm việc, bên cạnh đào tạo kỹ năng cho công việc hiện tại còn bao gồm cả quyền được đào tạo kỹ năng cho tương lai, đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Kinh nghiệm quốc tế là các tiêu chí đấu thầu này do chính quyền trung ương và địa phương xây dựng, có sự tham gia của các tổ chức đại diện của người lao động và NSDLĐ trong quá trình xây dựng tiêu chí cũng như trong quá trình đánh giá, phê duyệt, triển khai và nghiệm thu gói thầu.

Thứ sáu, về lý thuyết, nếu lĩnh vực kinh tế và xã hội đều phát triển cân bằng thì địa phương hay quốc gia không gia tăng bất bình đẳng và khoảng cách giàu nghèo, tức là chỉ số gini không thay đổi. Theo báo cáo của ILO, trong những thập kỷ qua, tốc độ tăng lương bình quân đầu người trên toàn cầu tụt lại so với tốc độ tăng GDP bình quân đầu người. Tuy nhiên, ở Việt Nam, theo Tổng cục Thống kê, Hệ số GINI ở tất cả các vùng kinh tế giai đoạn 2016-2020 có xu hướng giảm dần, hàm ý khoảng cách bất bình đẳng được thu hẹp.[1] Điều này có thể được hiểu rằng mặc dù chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa chính sách, cơ cấu, thể chế, chương trình, dự án kinh tế với lao động-xã hội, nhưng kết quả thực tế về bất bình đẳng lại không gia tăng. Điều này có thể do xuất phát điểm của lao động ở Việt Nam có tiêu chuẩn thấp (đặc biệt tiền lương đặc biệt thấp dẫn tới làn sóng đình công thập niên 2000), và kinh tế thị trường với thu hút đầu tư nước ngoài đã đóng góp cho nâng cao chất lượng việc làm tự nhiên trên thị trường lao động.

Tăng cường vai trò công đoàn trong gắn kết kinh tế với xã hội

Lãnh đạo Công đoàn các khu công nghiệp, khu kinh tế Đồng Tháp thăm, chúc Tết Công ty TNHH thức ăn thủy sản NEWHOPE Đồng Tháp. Ảnh: Thanh Nhàn.

Trước khi đổi mới, tình trạng thiếu việc làm dẫn tới đời sống người dân khó khăn. Kể từ khi đổi mới, việc làm liên tục tăng. Đầu tư nước ngoài đem tới sự cải thiện về tiền lương và điều kiện làm việc của khu vực đầu tư nước ngoài, từ đó tác động lan tỏa sang khu vực đầu tư trong nước. Chính sách tiền lương tối thiểu được hình thành, đặc biệt kể từ khi Hội đồng Tiền lương Quốc gia được thành lập năm 2013 (để ứng phó với thực tiễn làn sóng đình công thời điểm đó), đưa tới sự cải thiện tiền lương tối thiểu tăng khá cao hàng năm. Điều này đóng góp cho thực tế hệ số gini giảm và khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng giảm. Tuy nhiên, cần chú ý là xu hướng giảm này sẽ không thể duy trì trong một vài thập kỷ tới nếu chính sách xã hội cân bằng với chính sách kinh tế không được quan tâm. Có một số nguyên nhân giải thích điều này.

Mặc dù Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình nhưng đại dịch Covid-19 đã làm cho cuộc sống của nhiều người nghèo trở nên khó khăn hơn. Thiên tai, lũ lụt, hạn hán cũng ảnh hưởng tới cuộc sống của đa số người nghèo. Tỷ lệ thất nghiệp đã tăng hơn so với trước Covid-19. Mức tăng tiền lương tối thiểu trong những năm gần đây cũng đã giảm xuống nhiều, không còn cao như giai đoạn đầu thập kỷ trước (tăng 15,20% năm 2014 so với 6% năm 2024). Với đặc thù ở Việt Nam là nền kinh tế vẫn dựa trên sức lao động, nên mức lương tối thiểu ảnh hưởng rất nhiều tới thị trường lao động. Đa số các ngành thâm dụng lao động đều có tỷ lệ cao người lao động được hưởng mức lương ngang bằng hoặc cao hơn một chút so với mức lương tối thiểu. Nếu tốc độ tăng lương tối thiểu tiếp tục thấp, trong một hai thập kỷ tới, Việt Nam có thể rơi vào tình trạng chung của thế giới là tỷ trọng tiền lương và lao động trong GDP sẽ giảm xuống và khoảng cách giàu nghèo sẽ gia tăng.

Đề xuất giải pháp

Thứ nhất, cần xây dựng bộ chỉ số đánh giá sự phát triển - chỉ số Hạnh phúc – dựa trên các tiêu chí cân bằng giữa kinh tế, lao động - xã hội và môi trường. Các chỉ số lao động - xã hội làm cơ sở đánh giá hàng năm bao gồm, ví dụ, tỷ lệ chi lao động – xã hội trong GDP, tỷ lệ tăng lương trong tăng năng suất, tỷ lệ sinh con trong lực lượng lao động (do thực tế mức sinh thay thế thấp hiện nay), tỷ lệ trường học trên tổng số trẻ em và tỷ lệ trường học trong khu công nghiệp, tỷ lệ có nhà ở trong công nhân lao động, v.v…

Thứ hai, cần thí điểm quy hoạch các bộ để có sự gắn kết hơn giữa kinh tế và lao động – xã hội. Đây cũng là kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới.

Thứ ba, cần xây dựng tiêu chí đấu thầu cho các dự án công, trong đó bao gồm các tiêu chuẩn về lao động như đảm bảo tiền lương đủ sống, đảm bảo quyền công đoàn và các quyền cơ bản khác của người lao động. Việc xây dựng các tiêu chí này cần được thực hiện theo cơ chế ba bên, có sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động và các hiệp hội ngành toàn quốc.

Thứ tư, cần xây dựng chính sách về tiền lương tối thiểu đủ sống, tính và công bố mức lương tối thiểu đủ sống cho địa bàn thủ đô để làm cơ sở tham chiếu cho các doanh nghiệp và đơn vị thực hiện; trước mắt thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện tự nguyện, có thể gắn với đấu thầu các dự án công hay các chương trình từ ngân sách Nhà nước; có khen thưởng hoặc chính sách ưu đãi các doanh nghiệp đảm bảo mức lương đủ sống cho người lao động.

Thứ năm, thí điểm xây dựng chính sách sàn thu nhập tối thiểu cho những người lao động tự làm, tính và công bố mức thu nhập tối thiểu cho người lao động tự làm, đồng thời tiến hành khảo sát thực tiễn thu nhập của người lao động tự làm để hình thành chính sách hỗ trợ cho người có thu nhập dưới mức tối thiểu.

Thứ sáu, cần cải cách lại các chương trình giáo dục đào tạo để các chương trình đào tạo về kinh tế có các nội dung đào tạo về lao động và môi trường.

Thứ bảy, để quản lý chuỗi cung ứng và đảm bảo tuân thủ pháp luật, ngăn chặn “lách luật” và vi phạm pháp luật, cần thí điểm xây dựng và han hành các tiêu chuẩn và quy chế về quản trị, lao động và môi trường, và quy định các doanh nghiệp lớn có trách nhiệm quản lý chuỗi cung ứng của mình theo các tiêu chuẩn về quản trị, lao động và môi trường đã ban hành.

Tăng cường vai trò công đoàn trong gắn kết kinh tế với xã hội

Lãnh đạo Công đoàn TKV tặng quà cho công nhân lao động Phân xưởng kho cảng Làng Khánh 2. Ảnh: Văn Huân.

Thứ tám, một trong những giải pháp quan trọng để đảm bảo sự gắn kết giữa phát triển kinh tế và xã hội, hướng tới phát triển bền vững chính là phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc đại diện tiếng nói của người lao động và tham gia xây dựng chính sách phát triển. Công đoàn không chỉ là tổ chức bảo vệ quyền lợi người lao động, mà còn là cầu nối giữa người lao động và doanh nghiệp, giữa người lao động và Nhà nước trong việc thúc đẩy thực hiện các tiêu chuẩn lao động, công bằng xã hội và phát triển hài hòa giữa lợi ích kinh tế với lợi ích xã hội.

Tổ chức Công đoàn có thể đóng vai trò trong các phương diện sau:

+ Tham gia xây dựng và phản biện chính sách: Công đoàn cần được thể chế hóa vai trò trong các hội đồng, tổ chức hoạch định chính sách kinh tế - xã hội, đặc biệt là các chính sách liên quan đến việc làm, an sinh, tiền lương, điều kiện lao động, để bảo đảm các yếu tố xã hội được cân nhắc song song với mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

+ Giám sát thực hiện các tiêu chuẩn phát triển bền vững tại doanh nghiệp: Công đoàn tại cơ sở cần được tăng cường năng lực và quyền hạn để giám sát việc tuân thủ các tiêu chuẩn lao động, quyền con người và môi trường tại nơi làm việc, tham gia vào việc xây dựng báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp (nếu có), qua đó đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững quốc gia.

+ Thúc đẩy đối thoại xã hội và tiếng nói của người lao động: Công đoàn cần chủ động thúc đẩy đối thoại ba bên giữa Nhà nước – doanh nghiệp – người lao động, để tiếng nói của người lao động được thể hiện một cách chính thức và có trọng lượng trong các quyết định về kinh tế. Điều này góp phần xây dựng mô hình quản trị công bằng, tiến bộ và hài hòa.

+ Tham gia giáo dục, đào tạo và nâng cao nhận thức xã hội: Công đoàn có thể hợp tác với các tổ chức giáo dục, đào tạo, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, doanh nghiệp và người lao động về phát triển bền vững, từ đó xây dựng lực lượng lao động có trách nhiệm, gắn bó và sáng tạo, thúc đẩy năng suất lao động một cách bền vững.

+ Đề xuất cơ chế gắn kết giữa tiêu chí kinh tế với tiêu chí lao động – xã hội trong đánh giá doanh nghiệp: Tổ chức Công đoàn có thể đề xuất việc xây dựng bộ chỉ số phát triển bền vững của doanh nghiệp có sự tham gia và phản ánh từ người lao động, hướng tới các tiêu chí không chỉ đánh giá thành công về tài chính mà còn về chất lượng việc làm, sự hài lòng của người lao động, và tác động tới cộng đồng.

[1] https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/06/xu-huong-bat-binh-dang-trong-phan-phoi-thu-nhap-o-viet-nam-giai-doan-2016-2020/

Công đoàn tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội như thế nào? Công đoàn tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội như thế nào?

Điều 12 Luật Công đoàn 2024 quy định Công đoàn tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội cụ thể ...

Vai trò của cán bộ Công đoàn trong thu hút lao động phi chính thức vào tổ chức Công đoàn Vai trò của cán bộ Công đoàn trong thu hút lao động phi chính thức vào tổ chức Công đoàn

Luật Công đoàn 2024 có hiệu lực từ 1/7/2025 mở rộng đối tượng tham gia tổ chức Công đoàn cho cả người “làm việc không ...

Công nhân, Công đoàn: nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế tư nhân bền vững và thịnh vượng Công nhân, Công đoàn: nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế tư nhân bền vững và thịnh vượng

Trong bài phát biểu “Phát triển kinh tế tư nhân – Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ...


Tin tức khác

Tăng cường năng lực tiếp cận thông tin của người lao động: Góc nhìn từ ngành Dệt may Việt Nam

Tăng cường năng lực tiếp cận thông tin của người lao động: Góc nhìn từ ngành Dệt may Việt Nam

Quyền tiếp cận thông tin của người lao động không chỉ là vấn đề pháp lý mà còn là yếu tố quyết định trong việc xây dựng môi trường làm việc minh bạch, công bằng và ổn định. Trong ngành Dệt may Việt Nam, nơi chủ yếu là lao động nữ với trình độ phổ thông, việc thực thi quyền này lại đối mặt với nhiều thách thức. Bài viết này phân tích thực trạng quyền tiếp cận thông tin trong ngành Dệt may, từ những khó khăn trong công tác truyền thông đến những hạn chế về chính sách pháp luật. Đồng thời, bài viết cũng đưa ra các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người lao động, thúc đẩy sự minh bạch và phát triển bền vững trong ngành.
Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển pháp luật về Công đoàn

Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển pháp luật về Công đoàn

Ngay từ khi thành lập, Chính phủ lâm thời đã chú trọng xây dựng pháp luật về Công đoàn, đặt nền móng cho sự phát triển phù hợp với tiến trình kinh tế – xã hội của đất nước.
Kinh tế tư nhân phát triển: Công nhân lớn mạnh, công đoàn vững chắc

Kinh tế tư nhân phát triển: Công nhân lớn mạnh, công đoàn vững chắc

Kinh tế tư nhân đang ngày càng thể hiện được vai trò “một động lực quan trọng của nền kinh tế” như tinh thần Đại hội Đảng lần thứ XII xác định. Tầm quan trọng và hiệu quả của kinh tế tư nhân từ thực tế 40 năm đổi mới của đất nước một lần nữa cho thấy thành phần kinh tế này đang được định vị lại, có một vị trí xứng đáng.
Kinh tế tư nhân và bứt phá thể chế

Kinh tế tư nhân và bứt phá thể chế

Muốn có doanh nghiệp lớn, thì phải có tư duy lớn và thể chế lớn. Một quốc gia muốn phát triển bền vững không thể thiếu khu vực kinh tế tư nhân năng động, sáng tạo và vững mạnh. Khi thể chế mở đường, doanh nhân sẽ tự tin bước tới.
Công đoàn đồng hành cùng kinh tế tư nhân phát triển bền vững

Công đoàn đồng hành cùng kinh tế tư nhân phát triển bền vững

Trước yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, khu vực kinh tế tư nhân cần có sự đồng hành, hỗ trợ thiết thực từ các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó tổ chức Công đoàn giữ vai trò không thể thiếu trong việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động và thúc đẩy mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.
Phát triển kinh tế tư nhân: Cơ hội và thách thức với tổ chức Công đoàn Việt Nam

Phát triển kinh tế tư nhân: Cơ hội và thách thức với tổ chức Công đoàn Việt Nam

Trong những năm gần đây, khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ và trở thành một trong những động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia. Nhờ vào sự hỗ trợ của các chính sách cải cách và môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi, khu vực này không ngừng mở rộng quy mô, đa dạng hóa lĩnh vực hoạt động và gia tăng đáng kể về số lượng doanh nghiệp.
Xem thêm