e magazine
02/09/2021 19:46
Những đứa trẻ chông chênh trước thềm năm học mới

02/09/2021 19:46

Bố mẹ vào Nam làm công ty, nay mất việc, mắc kẹt vì Covid, phải sống bằng đồ cứu trợ, những đứa trẻ đang đối diện với một năm học mới đầy trắc trở.
"Mai mốt sách vở, điện thoại không có, chắc con tôi phải nghỉ học mất”Gia đình chị Đinh Thị Nga trong căn phòng trọ tại TP Thủ Đức

Những đứa trẻ chông chênh trước thềm năm học mới

Bố mẹ vào Nam làm công ty, nay mất việc, mắc kẹt vì Covid, phải sống bằng đồ cứu trợ, những đứa trẻ đang đối diện với một năm học mới đầy trắc trở.

“Vợ chồng chúng nó bất lực rồi, không khéo các con lại thất học như chúng!”

Câu nói của ông Đinh Văn Thân (55 tuổi), quê huyện Hương Khê, Hà Tĩnh như một dự cảm buồn bã về cái vòng luẩn quẩn của gia đình ông từ nhiều đời nay: Cha mẹ nghèo, con vất vả gian nan.

Vợ chồng ông Thân có bốn người con đều nghỉ học, bươn chải khắp nơi từ sớm. Đầu năm nay, các con ông đem theo gia đình nhỏ vào TP Thủ Đức xin làm công nhân, ông bà ở quê trông nom hai sào ruộng, đàn gà và ba đứa cháu ngoại đang tuổi tới trường.

Ngân, Nga - hai cô con gái ông Thân nói hằng tháng sẽ gửi về cho mỗi đứa con một triệu để lo tiền tiền ăn học nhưng rồi tháng đủ, tháng thiếu do thu nhập bấp bênh.

"Mai mốt sách vở, điện thoại không có, chắc con tôi phải nghỉ học mất”

Ông Đinh Văn Thân và ba cháu ngoại trong căn nhà ở Hương Khê, Hà Tĩnh

“Hai tháng nay chúng nó mất việc do dịch bệnh, kẹt ở trong đấy, tiền không có mà ăn nói gì đến việc gửi về nuôi con, nghĩ mà tội”, ông Thân nói. “Vợ chồng tôi mất ăn mất ngủ, chỉ cầu mong con cháu trong Nam được bình an trở về”.

Người đàn ông lâu nay ở nhà trông nom, đưa đón các cháu đi học, cho biết nguồn sống cả gia đình hiện trông chờ vào những đồng tiền công ít ỏi, phập phù của vợ từ công việc bóc tràm, bóc keo ở lâm trường cách nhà 3 cây số.

Cách đây vài hôm, sau khi nhận tiền công, vợ ông xuống chợ Hương Lâm mua cho đứa cháu ngoại (con chị Nga - PV) một bộ quần áo và đôi dép để chuẩn bị vào lớp 1 hết gần 300 nghìn. “Cặp sách thì dùng lại của chị”, bà kể.

Bà nói rằng không đủ tiền để mua cho cả ba cháu, đành lựa chọn ưu tiên cho đứa vào lớp 1. Vì chuyện này mà cháu bé con chị Ngân tị nạnh, khóc, khiến ông bà phải dỗ mãi mới nín.

“Nó khóc tôi cũng đành chịu chứ không thể đủ tiền để mua cho cả ba đứa”, bà nói và giải thích về sự “thiên vị” của mình: “Hai đứa con của Ngân vừa nhận cặp và sách vở của một nhóm từ thiện ở địa phương nên phải nhường em quần áo”.

“Họ thấy nhà tôi khổ quá, gọi vô rồi kết nối xin được cho hai bé nhà tôi ít sách, vở, và hai chiếc cặp”, chị Đinh Thị Ngân kể.

"Mai mốt sách vở, điện thoại không có, chắc con tôi phải nghỉ học mất”

Chị Ngân và con gái út 18 tháng tuổi "mắc kẹt" tại phòng trọ ở TP Thủ Đức - Ảnh: Nguyễn Quang

Nữ công nhân 30 tuổi làm việc trong công ty may ở Khu chế xuất Linh Trung, TP Thủ Đức nhưng mất việc 2 tháng nay. Chồng chị làm “3 tại chỗ” trong công ty dưới Bình Dương, cuối tháng 7 bị nhiễm Covid-19, phải điều trị 21 ngày.

Hai vợ chồng chị cùng đứa con út 18 tháng tuổi hiện cách ly trong phòng trọ ở khu phong toả phường Linh Xuân trong tình trạng rỗng túi, nợ 2 tháng tiền phòng.

Hằng ngày chị lên mạng cầu cứu trên các hội nhóm thiện nguyện để xin gạo, mì tôm, rau ăn qua ngày. Anh chị còn đăng ký gói hỗ trợ an sinh xã hội ở phường nhưng chưa được hồi âm.

“Bây giờ có cho tôi được về quê rồi tôi bán nhà trả, tôi cũng chấp nhận. Ở đây chưa hết lo nhiễm bệnh lại lo cái ăn hằng ngày, rồi lo sách vở, tiền cho con đi học ở quê”, chị Ngân trải lòng. “Tôi vô Sài Gòn mấy lần rồi nhưng chưa lần nào khốn khổ như thế này”.

Nghĩ đến năm học mới của các con, chị ngậm ngùi: “Ngày trước đi làm còn có tiền gửi về cho con ăn uống, học hành, bây giờ thì bó tay. Thôi thì ông bà có gì thì cháu ăn đó. Thương con mà không biết làm sao, tôi thấy mình vô dụng.

"Mai mốt sách vở, điện thoại không có, chắc con tôi phải nghỉ học mất”

Từ 30/7 đến 21/8, chồng chị Nga đi điều trị Covid-19, mẹ con chị quanh quẩn trong phòng trọ - Ảnh: Nguyễn Quang

Thầy chủ nhiệm thông báo 6/9 cháu phải học trực tuyến nhưng con tôi chưa biết lấy điện thoại đâu ra để học. Năm nay cháu lớn lên lớp 4, nó cũng là đứa học được, cũng có giấy khen nhưng tôi sợ mai mốt sách vở, điện thoại không có, chắc phải nghỉ học quá”.

“Có lẽ tôi phải viết đơn xin nhà trường miễn giảm học phí cho con chứ bây giờ vợ chồng tôi cũng hết cách rồi”, chị nói thêm.

Căn nhà mái ngói cũ kỹ, lụp xụp, chẳng có vật dụng gì giá trị là nơi ở của vợ chồng ông Thân và ba đứa cháu ngoại. Nhà chẳng có tivi, mới 7h tối mà tưởng như đã khuya lắm. Dưới ánh đèn leo lét, ba đứa trẻ ríu rít dạy nhau học bài.

Cháu Đoàn Thị Khánh Trà, lớp 4 đang dạy cháu Đinh Thị Bảo Trâm – năm nay vào lớp 1 đọc các chữ cái và chữ ghép. Đứa bé tập trung và nghe lời chị trong suốt 2 tiếng vào mỗi buổi tối.

"Mai mốt sách vở, điện thoại không có, chắc con tôi phải nghỉ học mất”

Năm học vừa rồi, cháu Trà được Trường Tiểu học Chúc A tặng giấy khen học sinh xuất sắc. Cháu rất vui vì mới được nhà hảo tâm tặng sách, cặp mới, nhưng nói rằng trong bộ sách của mình vẫn còn thiếu 7 quyển, chưa được mua bổ sung.

“Ba mẹ thỉnh thoảng gọi điện về hỏi việc học hành. Ba mẹ nói ở trong đó vẫn ổn nhưng có bữa không có tiền nạp điện thoại, mấy hôm không gọi. Cháu rất nhớ ba mẹ!”, Trà nói.

Ông Thân tỏ ra sốt ruột: “Sắp tới chúng tôi rất lo tiền ăn học cho các cháu. Vợ chồng chúng tôi sức khoẻ yếu, người đi làm, người ở nhà trông nom, đưa các cháu đi học, không thể lo cho 3 đứa. Vợ chồng chúng nó thì bất lực rồi, không khéo các con lại thất học như chúng”.

“Chúng tôi không biết làm cách nào”

Trong căn phòng trọ tuềnh toàng ở khu phố 3, phường Linh Trung, TP Thủ Đức, vợ chồng chị Đinh Thị Nga (28 tuổi) và đứa con gái 4 tuổi vừa ăn xong bữa tối bằng mì tôm nấu rau muống.

Cũng giống như gia đình chị gái, hơn hai tháng nay, vợ chồng chị Nga sống bằng những bó rau, gói mì cứu trợ của chính quyền địa phương và các nhóm từ thiện. Hễ được hỗ trợ gì, nữ công nhân lại chia cho gia đình chị gái một nửa, và ngược lại.

"Mai mốt sách vở, điện thoại không có, chắc con tôi phải nghỉ học mất”

Tối hôm trước, qua điện thoại, bố chị nói năm nay con gái chị ở quê vào lớp 1, nhà trường yêu cầu học trực tuyến song chưa biết xoay xở thế nào. Chị trằn trọc cả đêm, đến cái ăn hằng ngày chị còn không lo được, làm sao mua nổi điện thoại thông minh?

“Tôi lo lắm! Năm học đầu tiên của cháu mà chúng tôi không biết làm cách nào, chỉ biết trông cậy vào ông bà, nhờ ông bà lo hoặc đi vay giúp mua sách vở, đồ dùng cho cháu, sau này chúng tôi về quê, đi làm có tiền thì trả lại”, chị Nga chia sẻ. “Bây giờ tôi chỉ mong có chuyến xe đưa gia đình về quê, có mắm ăn mắm, có rau ăn rau”.

"Mai mốt sách vở, điện thoại không có, chắc con tôi phải nghỉ học mất”Gia đình chị Nga về quê bằng xe máy hôm 15/8 nhưng bị kẹt lại ở khu vực Bến xe Miền Đông mới, sau đó được chính quyền động viên trở lại phòng trọ - Ảnh: Nguyễn Quang

Chị Nga cho biết chồng chị bị viêm phổi do tụ cầu, thỉnh thoảng ho ra máu, đã đi điều trị trong Nam ngoài Bắc nhưng dở dang vì thiếu tiền, bệnh không khỏi.

Ông Nguyễn Văn Anh, trưởng xóm 2, xã Hương Lâm, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh nói rằng gia đình chị Đinh Thị Nga thuộc diện cận nghèo, chồng chị là anh Hồng, đau ốm thường xuyên, giảm khả năng lao động. Địa phương hằng năm có quan tâm hỗ trợ nhưng cuộc sống khó khăn khiến họ phải vào Nam kiếm tiền.

“Xóm nghèo, ruộng đất ít, không riêng gì vợ chồng Nga mà xóm có gần 100 người đi làm trong Nam, đều có hoàn cảnh khó khăn. Đợt dịch vừa qua, có khoảng 20 người kịp trở về địa phương, số còn lại mắc kẹt chưa thể về”.

“Sắp vào năm học mới, các cháu học sinh phải học trực tuyến, rất nhiều cháu gặp khó khăn do thiếu phương tiện. Bố mẹ ở xa, mất việc, không có điều kiện chuẩn bị cho các con vào năm học mới. Việc học của các cháu vì thế càng trở nên khó khăn hơn”, ông Nguyễn Văn Anh cho hay.

Ý YÊN

Ảnh: Nguyễn Quang, NVCC

Xem phiên bản di động