Kinh tế bộc lộ khó khăn ngay đầu năm: Chỉ là thời điểm hay xu hướng?
Kinh tế - Xã hội - 05/02/2023 12:10 NGUYỄN NGỌC
Dữ liệu kinh tế tháng vừa qua có đặc điểm cần nhìn đến: cận và nối sang Tết Nguyên đán với số ngày nghỉ đáng kể. Song, khó khăn của doanh nghiệp nói riêng và của kinh tế Việt Nam nói chung đã được dự báo trước, đã bắt đầu xuất hiện từ quý 4/2022.
Bước sang đầu năm 2023, những khó khăn này đã lộ rõ; hầu hết các chỉ số kinh tế vĩ mô của tháng 1/2023 đều sụt giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm trước.
"Dường như túi tiền của người dân đã bị ảnh hưởng..."
Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh quần áo thời trang, ông Đặng Quốc Dũng, Giám đốc Công ty TNHH D.Suit Việt Nam cho biết, những tác động của nền kinh tế như lạm phát và lãi suất tăng cao, sự khó khăn của nhiều lĩnh vực ngành nghề… khiến đơn hàng sụt giảm mạnh.
“Nếu như năm trước, dù vẫn còn dịch COVID-19 nhưng lượng đơn hàng vẫn ở mức độ chấp nhận được bởi lượng tiền tích lũy của người dân vẫn còn. Thế nhưng, bước sang năm 2023, dường như túi tiền của người dân đã bị ảnh hưởng trực tiếp và doanh số nhiều đơn vị thời trang đã sụt giảm từ 20-30% so với mọi năm”, ông Dũng lo ngại.
Khó khăn của doanh nghiệp nói riêng và của kinh tế Việt Nam nói chung đã được dự báo trước, đã bắt đầu thể hiện từ quý 4/2022 và đến nay chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo Tổng cục Thống kê, hầu hết các chỉ số kinh tế vĩ mô của tháng 1/2023 đều sự sụt giảm của so với tháng trước và cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1/2023 ước giảm 14,6% so với tháng trước đó và giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, IIP của riêng ngành chế biến - chế tạo đã giảm tới 9,1% so với cùng kỳ năm trước và làm giảm 7 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Về xuất nhập khẩu, tổng kim ngạch chỉ đạt 46,56 tỷ USD, giảm 17,3% so với tháng trước đó và giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 25,08 tỷ USD, giảm 13,6% so với tháng trước đó và giảm 21,3% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, trong tháng đầu năm, đã có tới gần 43.900 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 34.994 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhìn nhận về những con số này, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, ngoài nguyên nhân do Tết Nguyên đán diễn ra trong tháng 1/2023, nên số ngày làm việc ít hơn 8-10 ngày, thì do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới, nhiều đối tác kinh tế lớn của Việt Nam lâm vào cảnh khó khăn, tiêu dùng giảm, khiến sản xuất trong nước gặp khó.
“Trong bối cảnh đơn hàng bị suy giảm, doanh nghiệp còn phải đối mặt với chi phí sản xuất gia tăng khiến lợi nhuận giảm sút, thậm chí thua lỗ… khiến cho doanh nghiệp phải thu hẹp lại sản xuất. Nhiều dự án đầu tư phải đình hoãn hoặc chuyển đổi, thậm chí tạm dừng hoạt động lại để đối phó với những khó khăn và bất lợi trước mắt”, ông Cung nhìn nhận.
Ảnh minh họa |
Tạo động lực cho tăng trưởng
Lường trước các khó khăn này, khi xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2023, Chính phủ chỉ đặt ra mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay, khác với yếu tố nền cao và tốc độ trên 8% đạt được năm vừa qua.
Tuy nhiên, việc đạt được mục tiêu 6,5% năm nay cũng là thách thức lớn. Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, với 11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Đến thời điểm này, nhiều bộ, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch hành động để triển khai thực hiện nghị quyết quan trọng này.
Trả lời phóng viên bên lề hội nghị giao thương ngày 31/1 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải dẫn lại, Bộ Công thương đã được Chính phủ giao 9 chỉ tiêu kế hoạch cho năm 2023, trong đó có các chỉ tiêu quan trọng như: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8 - 9%, tăng trưởng xuất khẩu 6 - 6,5%... Bộ đã cụ thể hóa thành 9 nhóm nhiệm vụ lớn và hơn 50 nhóm giải pháp cụ thể.
Về hỗ trợ xuất khẩu, Bộ đã phối hợp với các bộ ngành và cơ quan liên quan cùng các doanh nghiệp để đưa ra biện pháp thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, sẽ tận dụng những thị trường mà Việt Nam đang có thuận lợi, những thị trường trọng điểm, những thị trường có các hiệp định thương mại tự do FTA đã có hiệu lực.
“Ngoài ra, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các bộ ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm hiểu từng thị trường và từng mặt hàng đối với thị trường tiềm năng mới như châu Phi, Nam Mỹ và Trung Đông”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.
Bộ Công thương cũng đã và đang đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại cũng để đẩy mạnh xuất khẩu.
“Bộ đã ký kết hợp tác với Alibaba với Amazon Global Selling là những tập đoàn thương mại điện tử có hàng triệu khách hàng trên thế giới, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm với các thị trường nước ngoài trên cả môi trường trực tiếp và trực tuyến”, Thứ trưởng Hải kỳ vọng.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, ngay đầu năm, ngành ngân hàng đã khẩn trương quyết liệt đưa ra các giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, hướng dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm để tạo động lực cho nền kinh tế.
Về tỷ giá, theo Phó thống đốc, trong điều kiện và nguồn lực có thể Ngân hàng Nhà nướcsẽ tiếp tục điều hành theo hướng ổn định nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh và hỗ trợ cho nền kinh tế.
Về lãi suất, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã rất tích cực và giảm đáng kể, đến nay hầu hết các ngân hàng đã đạt đến mức huy động với lãi suất tối đa là 9,5%, trừ một 1-2 ngân hàng đang phấn đấu.
“Sang năm 2023, chúng tôi tiếp tục đặt ra định hướng là tiếp tục vận động các NHTM và bằng tất cả các biện pháp có thể để tạo dư địa giảm tiếp lãi suất hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp thời gian tới”, ông Tú khẳng định.
Để triển khai Nghị Quyết 01 của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho biết, ngành Tài chính chính đã và đang triển khải 108 các nhiệm vụ, trong đó có 53 nhiệm vụ trực tiếp chủ trì, còn 55 nhiệm vụ sẽ phối hợp với các bộ ngành khác để thực hiện và trọng tâm tiếp tục thực hiện tốt chính sách tài khóa và phối hợp tốt với chính sách tiền tệ một các hợp lý và hiệu quả.
“Năm 2023 chúng tôi vẫn thực hiện đề xuất với Chính phủ thực hiện chính sách gia hạn và kéo dài giãn hoãn thời gian nộp thuế như chính sách đã thực hiện năm 2022 để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Cùng với đó, phối hợp với các bộ ngành địa phương tập trung giải ngân vốn đầu tư công hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Từ đó, giải quyết được lao động và tăng thu ngân sách và đảm bảo an sinh xã hội”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ.
Các chuyên gia kỳ vọng, việc triển khai nhanh chóng và đưa ra các kế hoạch hành động cho năm 2023 của các bộ, ngành, địa phương đóng vai trò rất quan trọng. Nếu thực hiện các giải pháp cải cách một cách thực chất, mang lại môi trường kinh doanh an toàn cho doanh nghiệp, thì trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, doanh nghiệp Việt Nam rất có thể sáng tạo, tìm ra nhiều cách làm mới, từ đó phục hồi qua giai đoạn khó khăn, đồng thời có định hướng phát triển trong tương lai. Đây được coi là động lực và là chìa khóa cho sự tăng trưởng trong năm 2023 và những năm tới.
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 26/12/2024 16:42
Techfest VinhPhuc 2024: Sân chơi khởi nghiệp với 80 gian hàng đa lĩnh vực
Sự kiện “Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ hai, năm 2024” (Techfest VinhPhuc 2024) diễn ra từ ngày 20 - 21/12, với sự tham gia của 80 gian hàng trưng bày sản phẩm từ các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân thuộc nhiều lĩnh vực như công nghệ, nông nghiệp, công nghiệp, y tế, giáo dục và sản phẩm OCOP.
Kinh tế - Xã hội - 26/12/2024 16:17
Cách Masan thúc đẩy phát triển bền vững xuyên suốt hoạt động doanh nghiệp
Là doanh nghiệp dẫn đầu Khối Doanh nghiệp Niêm yết, được vinh danh Top 50 Doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu Việt Nam 2024 do Nhịp cầu Đầu tư tổ chức, Masan Group đạt cả 3 hạng mục tiêu biểu ứng với 3 trụ cột ESG.
Kinh tế - Xã hội - 26/12/2024 14:59
Vĩnh Phúc nằm trong top 10 địa phương hấp dẫn doanh nghiệp lớn
Năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc không chỉ vượt kế hoạch thu hút vốn FDI mà còn lọt vào top 10 địa phương hấp dẫn doanh nghiệp lớn. Thành tựu này tạo động lực mạnh mẽ để tỉnh tiếp tục cải thiện năng lực cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư có công nghệ cao và tiềm lực tài chính mạnh, thúc đẩy sự phát triển bền vững và sẵn sàng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới.
Kinh tế - Xã hội - 26/12/2024 14:29
Vĩnh Phúc đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ
Việt Nam SuperPort TM và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển các nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) xuất khẩu sang thị trường Châu Á. Quan hệ đối tác chiến lược này sẽ thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong khu vực, giúp SME dễ dàng tiếp cận thị trường quốc tế.
Kinh tế - Xã hội - 25/12/2024 17:09
XE CỦA NĂM 2025 chính thức mở cổng bình chọn
Chương trình XE CỦA NĂM 2025 chính thức mở cổng bình chọn cho cộng đồng trên trang www.xecuanam.vn từ 15h chiều ngày 25/12/2024 đến 23h59 ngày 3/1/2025 với các phần thưởng giá trị.
Kinh tế - Xã hội - 25/12/2024 17:00
Những khách hàng đầu tiên nói gì về Omoda C5?
Trong tháng 12/2024, Omoda & Jaecoo Việt Nam đã bắt đầu hành trình mang đến những chiếc xe Omoda C5 đầu tiên cho khách hàng ngay tại sự kiện khai trương nhà phân phối mới. Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của khách hàng về mẫu xe này.
- Nhiệm vụ cấp bách của Công đoàn trong thực hiện tinh gọn bộ máy
- Techfest VinhPhuc 2024: Sân chơi khởi nghiệp với 80 gian hàng đa lĩnh vực
- Cách Masan thúc đẩy phát triển bền vững xuyên suốt hoạt động doanh nghiệp
- Đón xem lễ trao giải "Vòng tay Công đoàn" và sáng tạo phòng, chống ma túy
- Cô giáo khuyết tật, lấy tri thức làm… “đôi chân”