Anh Vi Hồng Thái (quê Phú Thọ) - công nhân Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam |
So với đợt dịch lần thứ nhất, lần thứ hai dịch Covid-19 quay lại Việt Nam, NLĐ không còn tâm lý hoang mang, lo lắng như trước mà thay vào đó họ đối mặt với tâm thế bình tĩnh, tin tưởng hơn vào các chính sách, biện pháp mà Đảng và Nhà nước, Chính phủ triển khai phòng chống dịch. Trước những mối đe dọa về sức khỏe, tính mạng, nền kinh tế, ở thời điểm hiện tại, vũ khí chiến đấu của người dân lúc này chính là sự sáng suốt, ý chí, nhận thức và tinh thần đoàn kết.
Bảo vệ sức khỏe là mối quan tâm hàng đầu
Xóm trọ nơi anh Vi Hồng Thái ở trong những ngày dịch Covid-19 bùng phát trở lại. |
Ngay khi đại dịch Covid-19 quay trở lại, anh Vi Hồng Thái (quê Phú Thọ) - công nhân Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam, thường xuyên theo dõi báo đài để kịp thời cập nhật tình hình dịch bệnh. Mặc dù trước đó đã có “kinh nghiệm” vượt qua quãng thời gian khó khăn do Covid-19 nhưng anh Thái vẫn cảm thấy có chút hoang mang, lo lắng. Bởi theo anh Thái khi dịch bệnh bùng phát trở lại dễ khiến cho NLĐ chủ quan hơn khi họ nghĩ rằng Việt Nam có khả năng khống chế được virus. “Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế của tất cả mọi ngành nghề không chỉ riêng công nhân lao động như mình. Hiện tại, công việc của mình vừa mới bắt đầu ổn định hơn khi có việc làm đều, không phải nghỉ luân phiên thì nay thông tin Covid-19 quay trở lại khiến mình khá lo lắng cho công việc hiện tại. Trước đây do tình hình đại dịch ngày càng bất ổn, phía công ty không có việc khiến cho mình phải nghỉ làm ở nhà 1 tháng không lương”, anh Thái tâm sự.
Anh Thái cũng cho biết thêm, công ty và công đoàn nơi anh làm việc cũng đã nhanh chóng, chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh như: quy định 100% công nhân đeo khẩu trang trước khi đi vào công ty, rửa tay sát khuẩn và đo thân nhiệt,...
Bên cạnh đó, qua nắm bắt thông tin, anh Thái cũng hiểu rằng để tự bảo vệ bản thân và gia đình, cần phải áp dụng triệt để các biện pháp phòng chống do các cơ quan khuyến cáo như: rửa tay sạch sẽ, đeo khẩu trang khi làm việc và tiếp xúc với người lạ, hạn chế đến nơi đông người…
Tránh tâm lý hoang mang
Chị Đỗ Thị Lan (quê Mê Linh, Hà Nội) - công nhân Công ty TNHH linh kiện điện tử Sei. |
Tương tự, chị Đỗ Thị Lan (quê Mê Linh, Hà Nội) - công nhân Công ty TNHH linh kiện điện tử Sei (KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội) cho biết, là lần thứ hai chiến đấu với đại dịch, chị không quá lo lắng bởi lần này đã biết cách phòng chống và đặt niềm tin vào sự lãnh đạo của chính quyền, công ty. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, trong thời gian qua, chị Lan cho rằng, NLĐ nên thường xuyên cập nhật thông tin nhưng cần tỉnh táo tránh những thông tin sai lệch, không chính xác vì dịch bệnh. Ngay khi dịch bùng phát, rất nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, sai lệch được đăng tải trên trang mạng xã hội với mục đích “câu view” khiến người dân, NLĐ không khỏi bất an, lo lắng.
“Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, điều mình cảm thấy yên tâm chính là công tác phòng, chống dịch bệnh được các ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương trong cả nước thực hiện có hiệu quả. Mối quan tâm và lo ngại nhất của mình ở thời điểm hiện tại là mất việc làm. Cả hai vợ chồng đều làm công nhân tại khu công nghiệp, nếu thất nghiệp thì không biết phải xoay xở ra sao. Bên cạnh đó, mình cũng thường xuyên dặn dò gia đình phải nắm bắt thông tin dịch bệnh từ cơ quan chức năng, các phương tiện truyền thông chính thống thay vì các trang mạng xã hội. Đồng thời thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng tránh để bảo vệ bản thân, gia đình”, chị Lan chia sẻ.
Ý thức của mỗi cá nhân
Theo chị Lê Thị Thảo Phương (quê Thanh Hóa) - công nhân Công ty Volex (KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội), sau đợt dịch lần thứ nhất, chị rút ra được nhiều kinh nghiệm và có thêm nhiều cách để phòng chống dịch. Chị Phương chia sẻ: “Việc kịp thời tuyên truyền và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại công ty là rất cần thiết. Điều đó thể hiện sự quan tâm, chăm lo của công ty đối với sức khỏe của NLĐ, nhờ vậy NLĐ sẽ yên tâm hơn khi đến công ty làm việc và có thêm kiến thức để tự bảo vệ bản thân và gia đình. Tuy nhiên, bản thân mình nói riêng và mỗi NLĐ nói chung phải có ý thức trong việc phòng, chống dịch. Mỗi cá nhân cần tuân thủ mọi biện pháp mà cơ quan chức năng đưa ra cả ở nơi ở lẫn ngoài cộng đồng như: chủ động đeo khẩu trang khi làm việc và tiếp xúc với mọi người, tránh tụ tập đông người, nhắc nhở người thân trong gia đình và đồng nghiệp chủ động tìm hiểu, áp dụng các biện pháp để phòng chống dịch bệnh giúp cho việc tuyên truyền phòng chống dịch có hiệu quả cao hơn”.
Chủ động trước tình hình đại dịch Covid-19 bắt đầu quay trở lại Việt Nam, đồng chí Đinh Quốc Toản - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết, ngay khi nắm bắt được tình hình, phía công đoàn đã lập tức triển khai văn bản đến các cơ sở ban ngành để khẩn trương chỉ đạo, rà soát đồng thời có những biện pháp phòng chống dịch bệnh tức thời. Bên cạnh đó, công đoàn sẽ tích cực phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn và giám sát NLĐ thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của ngành Y tế như: không tụ tập nơi đông người, đeo khẩu trang, xịt khuẩn... Đồng thời sẽ tiếp tục đồng hành cùng NLĐ vượt qua những khó khăn, tạo tâm lý yên tâm, tránh hoang mang cho công nhân lao động làm việc. Kiên quyết không để dịch lây lan trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp...
Hà Nội tối 29/7: Hàng quán vắng khách, người dân đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 |
Covid-19: Cập nhật thông tin mới nhất ngày 30/7 |
Lại có thêm 1 người ở Hà Nội, 8 người ở Đà Nẵng nhiễm COVID-19 |