Đẩy mạnh chi tiêu không dùng tiền mặt: "Biến hiện tượng thành xu hướng" Quan tâm sát sao đến điều kiện làm việc của lao động nữ |
Sáng nay 18/10, Tạp chí Lao động và Công đoàn phối hợp với Công đoàn CĐ các KCX - CN TP.HCM tổ chức Tọa đàm “Tạo điều kiện để lao động nữ được làm việc hạnh phúc”. Tọa đàm với sự tham gia của hơn 350 công nhân lao động, cán bộ công đoàn, đại diện doanh nghiệp hoạt động trong KCX - CN TP.HCM.
Khách mời tham gia tọa đàm hào hứng với chủ đề "Tạo điều kiện cho lao động nữ được làm việc hạnh phúc". |
Tọa đàm nằm trong chuỗi hoạt động Ngày Hội nữ công nhân lao động năm 2020 do Ban Thường vụ CĐ các KCX - CN TP.HCM tổ chức nhằm kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2020) và 10 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 (20/10/2010 - 20/10/2020). Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia, khách mời sẽ cùng chia sẻ về các nội dung hiểu thế nào về hạnh phúc cho lao động nữ; các điều kiện để lao động nữ được làm việc hạnh phúc cũng như tạo cơ hội để lao động nữ được lựa chọn nghề nghiệp, công việc mình yêu thích…
Nhà báo Trần Duy Phương, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn, phát biểu tại tọa đàm. |
Phát biểu khai mạc tọa đàm, nhà báo Trần Duy Phương, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn cho biết: "Khi có ý định làm một chương trình tọa đàm dành cho chị em nhân kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam, Ban Tổ chức khá băn khoăn khi lựa chọn chủ đề. Và chúng tôi nhận thấy, hạnh phúc và việc làm là mối quan tâm lớn nhất của phụ nữ bây giờ".
Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn nêu, theo báo cáo, chỉ số hạnh phúc năm 2020 của Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã chiếm vị trí thứ 83/156 quốc gia về chỉ số hạnh phúc, thứ bậc của Việt Nam đã tăng lên đáng kể so với năm 2019 và năm 2018. Năm 2014, Việt Nam lần đầu tiên hưởng ứng ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3). Trước đó, Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án tổ chức các hoạt động nhân ngày này. Gần đây nhất, Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX diễn ra từ 22/9 đến 24/9 đã đưa chỉ số hạnh phúc vào chương trình Đại hội Đảng bộ tỉnh để trở thành mục tiêu phấn đấu. Như vậy, chỉ số hạnh phúc, tiêu chí hạnh phúc đã và đang được quan tâm, cụ thể hóa từ cấp quốc gia, đến địa phương.
“Vậy ở quy mô doanh nghiệp thì sao? Nơi người lao động gắn bó trung bình 8 giờ mỗi ngày? Làm thế nào để biết được người lao động, đặc biệt là lao động nữ đang được hạnh phúc? Họ có cảm thấy thỏa mãn với vị trí công việc mình đang làm. Họ có cân bằng được công việc và cuộc sống gia đình? Họ có nhận được sự chia sẻ từ chủ doanh nghiệp. Họ có sống trong một môi trường đồng nghiệp quan tâm nhau? Họ có được đối xử bình đẳng với nam giới?.…”, nhà báo Trần Duy Phương đặt vấn đề.
Buổi tọa đàm này chưa thể đưa ra được bộ tiêu chí cụ thể nhưng đại diện Ban Tổ chức hy vọng với những câu chuyện được chia sẻ từ các vị chuyên gia, khách mời, buổi tọa đàm sẽ gợi mở để chúng ta bắt đầu suy nghĩ về việc đưa tiêu chí “Lao động nữ được làm việc hạnh phúc” vào văn hóa doanh nghiệp, vào mục tiêu mà các doanh nghiệp hướng đến…
Làm sao đánh giá sự hài lòng về công việc? Bà Đỗ Thị Xuân Chi, Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn, Trưởng ban Truyền thông Tổng công ty Điện lực TP.HCM, doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam được nhận Chứng chỉ Bình đẳng giới toàn cầu (EDGE) cho biết, EVN HCM có gần 7.000 lao động, trong số đó lao động nữ chiếm gần 1/3, là lực lượng lớn và gắn bó với phát triển của doanh nghiệp. Để đánh giá sự hài lòng trong công việc không chỉ riêng với nữ giới, công ty có các ban điều hành giữ gìn mối quan hệ lao động, đó là Ban Nữ công của công đoàn, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ. Qua đó, lao động nữ được bố trí công việc hợp lý. Công ty tổ chức các hoạt động đối thoại định kỳ 6 tháng, những buổi gặp gỡ tiếp xúc lao động, hàng tuần bố trí họp cố định để tiếp cán bộ, công nhân viên có vấn đề cần trao đổi gặp trực tiếp với lãnh đạo.
Các vị khách mời chia sẻ về hạnh phúc với lao động nữ. |
Hạnh phúc không chỉ là biểu hiện lên khuôn mặt bằng nụ cười, biểu cảm của cơ mặt. Bà Nguyễn Thị Thu Huyền – Phó Giám đốc Madina Beauty & Academy, chia sẻ: “Hạnh phúc với người phụ nữ là cân bằng được giữa công việc và cuộc sống. Thỏa mãn là sự thể hiện việc chúng ta cảm thấy tự tin khi chúng ta vui vẻ nơi làm việc, tìm thấy giá trị tại nơi làm việc. Đồng thời nhận được thù lao chính đáng, thể hiện đam mê, yêu thích trong công việc. Ngay từ bản thân Huyền, khởi nghiệp bằng nghề chăm sóc sắc đẹp, nhằm làm đẹp cho người phụ nữ ở mọi thời điểm dù là con gái hay lúc đã lập gia đình và có con. Quan trọng nhất là chúng ta nên chăm sóc bản thân mình trước khi chăm sóc người thân”.
Bà Huyền nhận định, khi làm việc, người lao động nữ nói riêng gặp nhiều áp lực cơm áo gạo tiền trong đời sống nên hạnh phúc không dễ dàng. Để hạnh phúc cần có được đủ chi tiêu trong cuộc sống. Có những nỗi lo khiến mình không thể suy nghĩ tích cực. Nên ngoài việc tăng cường nhận thức, học hỏi giúp chúng ta sẽ có nhiều cơ hội kiếm thêm thu nhập. Khi đã đủ thu nhập, chúng ta sẽ có thêm hạnh phúc. Cần có sự linh hoạt về thời gian, nơi chốn làm việc. Và ngoài việc kiếm tiền, người phụ nữ nên rèn luyện sức khỏe ví dụ như yoga để cân bằng cuộc sống.
Nụ cười của một lao động nữ tham gia chương trình. |
Tọa đàm có sự tham gia của nhiều nữ công nhân lao động. |
Các khách mời chia sẻ về "làm thế nào để hạnh phúc?". |
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm cho biết: Mong muốn thì ai cũng có nhưng để có được hạnh phúc, hành động để hạnh phúc không phải ai cũng làm giống nhau. Nhưng trong tâm lý, muốn hạnh phúc thì cá nhân mình phải tự cảm nhận, tự hỏi xem bản thân có hạnh phúc khi đi làm không? Tràn đầy năng lượng không? Đặt câu hỏi đó là mình sẽ trả lời được mình hạnh phúc chưa?
Chính người phụ nữ đã sáng tạo ra hạnh phúc của mình. Nhiệm vụ của người vợ, người mẹ là tự tạo cho mình hạnh phúc. Nhưng nghịch lý là: Người phụ nữ bị quá tải trong cuộc sống cá nhân của mình, mang trên vai quá nhiều gánh nặng trách nhiệm “Hai giỏi"; "Ba đảm đang”. Bản thân người phụ nữ đang sống trong ảo tưởng hy sinh là hạnh phúc. Đó là sai lầm. Bản thân trước tiên phải yêu thương mình, phải hạnh phúc rồi sau đó mới yêu thương và cho đi.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm, điều đầu tiên cần làm là tạo bầu không khí làm việc lành mạnh, tích cực và thoải mái. Ví dụ như mình bận phải ở nhà thì mình sẽ nhớ đồng nghiệp, nhớ công việc, không có lời tiêu cực, không có ghen ghét đố kỵ... Làm được điều đó chính là bản thân người phụ nữ tạo ra bầu không khí lành mạnh đó. Muốn có năng lượng tích cực thì suy nghĩ phải tích cực, hành động tích cực và cảm xúc tích cực. Liên tục nâng cao hiểu biết của mình, học khắp mọi nơi. Học hỏi đồng nghiệp, những người tích cực xung quanh. 8 tiếng làm việc là thời gian khá nhiều trong 1 ngày, tương tác đồng nghiệp nhiều hơn người thân trong gia đình nữa. Mỗi bản thân người lao động cần là đại sứ hòa bình, đại sứ tích cực nơi công sở.
Chuyên gia tâm lý chia sẻ công thức cho người phụ nữ để thể hiện quan điểm với người chồng. Đó là, luôn luôn dùng ngôi thứ nhất, không dùng ngôi thứ hai khi nói về cảm xúc. Hãy dùng “Em rất tức giận vì ngày nào anh cũng không về ăn cơm đúng giờ, đi nhậu…”. Đừng nói “Sao tháng này không thấy đưa lương, chắc nhậu hết rồi...”.
Có nên đưa chương trình lao động nữ được hạnh phúc vào tiêu chí khi xây dựng tiêu chuẩn văn hóa doanh nghiệp? Bà Tâm cho rằng, doanh nghiệp thì có lao động nam và nữ, đưa ra yếu tố tạo điều kiện nữ được hạnh phúc thành tiêu chuẩn văn hóa doanh nghiệp là chưa toàn diện. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp cũng phải đào tạo nhân sự, có yếu tố đầu tư phát triển con người. Văn hóa ở đây là sự tôn trọng giá trị con người, có thể xây dựng yếu tố đó thành một tiêu chí cho phù hợp với nữ giới, hơn là chỉ đề cập đến phụ nữ không.
Ban Tổ chức tặng hoa cho khách mời tham gia chương trình. |
Trao "Học bổng Nguyễn Đức Cảnh" cho con công nhân lao động có thành tích tốt trong học tập. |
Ký kết thỏa thuận đào tạo nghề miễn phí cho người lao động giữa Công đoàn các KCX - CN TP.HCM và Madina Beauty Academy – Doanh nghiệp đào tạo chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. |
"Nghĩa tử là nghĩa tận" Hôm nay là ngày nghỉ cuối tuần, đáng ra phải nói những chuyện vui vẻ. Nhưng, sẽ thật không yên lòng, sẽ thật thấy vô ... |
"Những bông hoa" gặp khó khăn càng thêm rực rỡ! Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam được nhận Chứng chỉ bình đẳng giới toàn cầu, đó ... |
"Cuộc sống đã đủ khổ rồi, lại còn nghiện" Nghiện ngập ma túy đã được nói đến rất nhiều, trong đó có không ít công nhân, nhưng tình trạng này vẫn không thuyên giảm. ... |