e magazine
30/06/2023 15:51
Kỳ 2: Tích cực chăm lo cho đoàn viên, người lao động

30/06/2023 15:51

Thấu hiểu rằng, còn rất nhiều đoàn viên, người lao động của ngành có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, điều kiện công tác xa nhà, ốm đau, bệnh tật.
Giúp nhà giáo vượt qua khó khăn

Kỳ II: TÍCH CỰC CHĂM LO CHO ĐOÀN VIÊN, NGƯỜI LAO ĐỘNG

Thấu hiểu rằng, còn rất nhiều nhà giáo, người lao động của ngành có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, điều kiện công tác xa nhà, ốm đau, bệnh tật, thế nên Công đoàn ngành Giáo dục luôn trăn trở, nỗ lực để chăm lo tốt hơn cho đoàn viên, người lao động.

LAN TOẢ TINH THẦN SẺ CHIA

5 năm qua, Công đoàn ngành Giáo dục đã có nhiều cách làm hiệu quả để chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động. Cùng với đó, Công đoàn ngành đã phát động nhiều phong trào, chương trình ý nghĩa, thiết thực để nâng cao hoạt động chuyên môn, hỗ trợ giáo dục vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh. Đơn cử như các chương trình: “Phòng giúp phòng - Trường giúp trường - Bộ môn giúp bộ môn”, “Sóng và máy tính cho em”, “Tết sum vầy– Xuân bình an” , “Cầu nối yêu thương - Cùng em tới trường”,…

Không thể kể hết những trường hợp đoàn viên, người lao động đã được Công đoàn ngành hỗ trợ, giúp đỡ. Từ sự tích cực vào cuộc, kêu gọi, kết nối của Công đoàn ngành Giáo dục, nhiều đoàn viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được hỗ trợ, giúp đỡ, từ đó lan toả, nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn.

Giúp nhà giáo vượt qua khó khăn
Công đoàn ngành và Sở GD&ĐT Nghệ An trao hỗ trợ cho thầy Trần Hoàng Diễn Vinh. Ảnh: THANH NHÀN

Đơn cử như trường hợp cô giáo Nguyễn Thị Tâm, giáo viên Trường THPT Thái Lão, huyện Hưng Nguyên ra đi đột ngột, để lại người chồng bị bệnh nặng và hai người con thơ dại. Hoàn cảnh gia đình cô hết sức khó khăn. Hình ảnh ngôi nhà cũ kỹ, người chồng nằm liệt giường không thể dậy lo đám tang cho vợ, hai con nhỏ ngơ ngác nhìn di ảnh mẹ, nhiều người không cầm được nước mắt.

Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An và Công đoàn nhà trường đã kêu gọi đoàn viên, người lao động quyên góp giúp đỡ cho gia đình cô. Sau vài ngày kêu gọi, số tiền quyên góp được 500 triệu đồng, Công đoàn ngành đã trao cho gia đình cô để chữa bệnh cho chồng và lo cho các con tiếp tục đến trường.

Hay trường hợp của thầy Trần Hoàng Diễn Vinh, giáo viên Trường THPT Ngô Trí Hòa, Diễn Châu. Hơn 13 năm chạy thận, đồng lương ít ỏi của thầy ở trường tư thục không kham nổi chi phí chữa bệnh. Gia đình thầy suy kiệt về kinh tế. Để duy trì sự sống, thầy Vinh phải thay thận, chi phí cho ca phẫu thuật thay thận gần 1 tỷ đồng. Đó là một khoản tiền khổng lồ vượt quá khả năng của gia đình và thầy rơi nước mắt vì bất lực.

Công đoàn ngành Giáo dục đã hỗ trợ cho thầy và kêu gọi các cấp công đoàn, đoàn viên, người lao động chung sức giúp đỡ thầy vượt qua nguy kịch. Sau một tháng phát động, số tiền quyên góp được 700 triệu đồng, đón nhận số tiền này từ Công đoàn ngành Giáo dục, thầy Vinh nghẹn ngào bật khóc. Thầy đã được thay thận, sức khỏe bình phục và tiếp tục cống hiến cho ngành.

Giúp nhà giáo vượt qua khó khăn
Từ sự quan tâm, chia sẻ của tổ chức Công đoàn, rất nhiều đoàn viên, người lao động đã được hỗ trợ, giúp đỡ. Công đoàn đã lan tỏa tình cảm yêu thương và những giá trị nhân văn sâu sắc đến đoàn viên, người lao động. Ảnh: THANH NHÀN

Rồi trường hợp của thầy Ngô Đức Đồng, giáo viên Trường THPT Bắc Yên Thành, huyện Yên Thành bị tai nạn trong khi làm nhiệm vụ chấm thi tốt nghiệp THPT. Để đảm bảo tính mạng, bệnh viện phải cắt đi chân trái của thầy. Tai nạn này đã khiến gia đình thầy rơi vào bế tắc. Thầy là con út trong gia đình có 4 chị em, hai chị gái của thầy bị bệnh về thần kinh, bị mù, vợ chồng thầy là trụ cột cho đại gia đình. Trước hoàn cảnh đó, Công đoàn ngành cùng Công đoàn nhà trường đã kêu gọi các CĐCS khối trực thuộc quyên góp, giúp đỡ cho gia đình thầy được hơn 800 triệu đồng để chữa bệnh và trang trải cuộc sống.

Sự chung tay, hỗ trợ kịp thời của các cấp công đoàn, của đoàn viên, người lao động trong ngành đã giúp những hoàn cảnh éo le vượt qua nguy kịch, hoạn nạn, tiếp thêm động lực để họ vững vàng đứng lên, tin yêu cuộc sống, tin yêu công đoàn.

Năm 2022, trước rất nhiều khó khăn của giáo viên và học sinh khi thiếu thốn thiết bị dạy và học trực tuyến, Công đoàn ngành đã kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp hỗ trợ 94 chiếc điện thoại nối mạng cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền 193 triệu đồng.

Giúp nhà giáo vượt qua khó khăn
Công đoàn ngành trao điện thoại có kết nối mạng cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ảnh: THANH NHÀN

Thực hiện chương trình “sóng và máy tính”, Công đoàn ngành đã phối hợp trao tặng 1.500 chiếc điện thoại và 1.500 sim dùng trong 12 tháng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Không ngại khó, không ngại vất vả, các cán bộ Công đoàn ngành Giáo dục đã tích cực kêu gọi, vận động hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động, với tâm nguyện làm những điều thiết thực, có ý nghĩa cho người lao động, giúp họ vơi bớt khó khăn. Với một mục tiêu “Ngừng đến trường nhưng không ngừng học”.

YÊU THƯƠNG, ĐÙM BỌC HỌC SINH MỒ CÔI DO DỊCH COVID-19

Đại dịch Covid-19 đã để lại nỗi đau cho nhiều gia đình, tại Nghệ An, có 48 em học sinh mồ côi cha hoặc mẹ thuộc các cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Thẩu hiểu nỗi đau, sự mất mát, thiệt thòi của các em, Công đoàn ngành đã phối hợp với Sở GD&ĐT, Hội Khuyến học tỉnh tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng học sinh mồ côi do Covid-19”. Qua chương trình, Công đoàn ngành cùng Sở GD&ĐT đã trao cho mỗi em 2 triệu đồng cùng những chiếc cặp, bánh trung thu và sữa. Tổng giá trị các phần quà gần 150 triệu đồng.

Tiếp đó, Công đoàn ngành Giáo dục đã phát động Chương trình “Mẹ đỡ đầu" cho học sinh mồ côi giai đoạn 2022 - 2025. Chương trình nhằm vận động cán bộ, nhà giáo, người lao động nhận đỡ đầu, hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là học sinh, con đoàn viên, người lao động mồ côi do dịch Covid-19, trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện giúp các em yên tâm học tập, rèn luyện và trưởng thành.

Giúp nhà giáo vượt qua khó khăn
Công đoàn ngành Giáo dục thăm hỏi, động viên, trao quà cho học sinh mồ côi do dịch Covid-19. Ảnh: THANH NHÀN

Đến nay, đã có 66 cháu được nhận đỡ đầu, với số tiền hỗ trợ trên 1,2 tỷ đồng/3 năm. Trong đó, Công đoàn ngành đã kêu gọi Công ty CP Melaconic nhận đỡ đầu 10 cháu, mỗi cháu có học bổng 5 triệu đồng/năm; Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An nhận đỡ đầu, chăm sóc cho 1 học sinh lớp 4, là con của cố Chủ tịch Công đoàn Cao Tiến Trung, Trường THPT Đô Lương 2.

Chương trình “Mẹ đỡ đầu" cho học sinh mồ côi là một chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là nghĩa cử cao đẹp, tô thắm thêm lòng nhân ái trong mỗi người. Từ việc tích cực phát động, lan toả, biểu dương, khích lệ kịp thời của Công đoàn ngành đến cán bộ, nhà giáo, người lao động và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã giúp cho các trẻ mồ côi có thêm động lực, vững vàng đứng lên sau hoạn nạn.

Liên đoàn Lao động tỉnh đánh giá cao chương trình này của Công đoàn ngành Giáo dục và đề nghị mở rộng thêm đối tượng, quan tâm hơn nữa con em của công nhân lao động gặp khó khăn để các cháu được viết tiếp ước mơ.

Giúp nhà giáo vượt qua khó khăn
Công đoàn ngành Giáo dục và các đơn vị nhận đỡ đầu cho học sinh mồ côi đã thăm hỏi, trao phần quà cho các cháu. Ảnh: THANH NHÀN

Từ chuỗi các hoạt động thiết thực, ý nghĩa, lan toả do Công đoàn ngành phát động, tổ chức đã khẳng định vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn đối với đoàn viên, người lao động. Qua đó, làm cho đoàn viên thêm tin tưởng, gắn bó với công đoàn.

TIẾP TỤC ĐỔI MỚI ĐỂ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU, NHIỆM VỤ

Với nỗ lực đổi mới hoạt động công đoàn trong những năm qua, cùng với những kết quả toàn diện, nổi bật đã đạt được, Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An luôn là đơn vị dẫn đầu của LĐLĐ tỉnh, Công đoàn Giáo dục Việt Nam.

Nói về hoạt động của Công đoàn ngành Giáo dục trong nhiệm kỳ qua, đồng chí Đặng Văn Hải, Chủ tịch Công đoàn ngành đánh giá: Đây là nhiệm kỳ mà Công đoàn ngành triển khai nhiệm vụ một cách chủ động, bài bản, khoa học, sát thực, sáng tạo và sôi nổi. Đặc biệt, khi đối diện với những khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh, Công đoàn ngành đã triển khai kế hoạch công tác một cách kịp thời, linh hoạt, thích ứng với tình hình để chăm lo hiệu quả cho đoàn viên, người lao động, đồng thời góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành.

Hàng nghìn đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn đã được thường xuyên giúp đỡ với số tiền hàng tỷ đồng; rất nhiều đoàn viên, người lao động gặp hoạn nạn đột xuất, ốm đau, bệnh tật đã được thăm hỏi, hỗ trợ; các công đoàn cơ sở khó khăn, thiếu thốn được quan tâm, hỗ trợ.

Giúp nhà giáo vượt qua khó khăn
Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An Đặng Văn Hải trân trọng, ghi nhận sự đồng lòng, đoàn kết của cán bộ, nhà giáo, người lao động toàn ngành. Ảnh: THANH NHÀN

Điều đáng trân trọng và ghi nhận là sự đồng lòng, đoàn kết của cán bộ, nhà giáo, người lao động toàn ngành trong thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như tham gia các hoạt động do Công đoàn ngành phát động. Công đoàn ngành cảm ơn đoàn viên, người lao động, cảm ơn sự đồng hành của Sở GD&ĐT và cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của LĐLĐ tỉnh.

Cũng theo chia sẻ của Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An, trong thời gian tới, yêu cầu về đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn trong tình hình mới ngày càng cao, để tiếp tục làm tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi đoàn viên, người lao động, Công đoàn ngành đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện.

Đó là nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, có giải pháp tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong cán bộ, nhà giáo, người lao động. Động viên nhà giáo tích cực đổi mới phương pháp dạy học, đẩy mạnh các phong trào thi đua: “Dạy tốt – học tốt”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, ... Động viên, chỉ đạo các công đoàn cơ sở đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động; triển khai sát thực, sôi nổi các phòng trào thi đua, các cuộc vận động của ngành, của tổ chức Công đoàn.

Giúp nhà giáo vượt qua khó khăn
Công đoàn ngành Giáo dục tin tưởng nhiệm kỳ mới sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác chăm lo cho đoàn viên, người lao động. Ảnh: THANH NHÀN

Cùng với đó, Công đoàn ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm lo cho người lao động; kêu gọi sự hỗ trợ, ủng hộ từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm để làm tốt hơn công tác xã hội hóa giáo dục; quan tâm nhiều hơn nữa đến đời sống của đội ngũ nhà giáo, người lao động các đơn vị ngoài công lập. Xây dựng hoạt động công đoàn thiết thực, hướng mạnh về cơ sở.

Thực hiện tốt hơn nữa quy chế phối hợp giữa Công đoàn ngành và Sở GD&ĐT. Trên cơ sở đó, các công đoàn cơ sở xây dựng, điều chỉnh, ký kết quy chế phối hợp với chuyên môn. Tích cực xây dựng mối quan hệ công tác giữa Công đoàn và chuyên môn các cấp trong ngành ngày càng gắn kết nhịp nhàng và hiệu quả. Chỉ đạo các công đoàn cơ sở thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập thể, chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động, tạo niềm tin cho người lao động nhằm xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh.

Để hoạt động công đoàn đáp ứng được yêu cầu của đoàn viên, người lao động trong tình hình mới, đòi hỏi Công đoàn ngành và công đoàn cơ sở không ngừng tư duy, đổi mới, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động. Phát huy tốt truyền thống tốt đẹp của ngành Giáo dục, đó là tinh thần đoàn kết, sẽ chia, yêu thương, đùm bọc, hỗ trợ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.

THANH NHÀN

Đồ họa: THANH NHÀN

Xem phiên bản di động