Nếu nhầm giới hạn đầu tư nước ngoài tại Sacombank, hướng xử lý ra sao?
Kinh tế - Xã hội - 22/02/2023 17:07 Huyền Châm
Thông tin chưa đồng nhất liên quan tới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room) tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - mã chứng khoán STB) gần đây nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Vụ việc xuất phát từ thời điểm ngày 10/2, khi dữ liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) cho thấy tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại Sacombank đã được lấp đầy tới 29,99% (quy định hiện hành là 30%).
Ngày 14/2, Sacombank có văn bản gửi VSD, Ủy ban Chứng khoán, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đề nghị xem xét lại tỷ lệ sở hữu tối đa được phép của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng này.
Cụ thể, Sacombank khẳng định room ngoại tại ngân hàng này chỉ là 23,63%, không phải mức 30% như thực tế đã xẩy ra theo dữ liệu của VSD.
Ngân hàng đề cập, từ 19/9/2016, VSD từng thông báo tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với STB là xấp xỉ 23,63%, tính trên gần 1,9 tỷ cổ phiếu sau sáp nhập do phát sinh việc niêm yết bổ sung 400 triệu cổ phiếu của Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank). Tuy nhiên tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại Sacombank theo VSD cung cấp ngày 10/2/2023 lại lên tới 29,99%.
Sacombank khẳng định chưa có bất kỳ văn bản nào đề nghị VSD tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 23,63% lên 30% khi chưa được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Ngân hàng đề nghị VSD kiểm soát và quản lý room ngoại theo đúng tỷ lệ 23,63% như thông báo ngày 19/9/2016.
Đến ngày 16/2, VSD đã có văn bản khẳng định việc nâng room ngoại cổ phiếu STB là có căn cứ theo các hồ sơ đề nghị của ngân hàng, UBCK và theo quy định pháp luật về ngân hàng.
Theo lãnh đạo VSD chia sẻ với báo chí chiều cùng ngày 16/2, vào tháng 5/2021, VSD đã có văn bản nới room cho Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank) nhưng do sự nhầm lẫn nên đã điều chỉnh Sacombank.
"Tuy nhiên, VSD đã kiểm tra lại và thấy mức room ngoại tại Sacombank là 30% là đúng với quy định pháp luật, nên sau đó không điều chỉnh lại về 23,6%", lãnh đạo VSD cho biết.
Ngày 17/2, Sacombank một lần nữa khẳng định từ năm 2016 đến nay, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại đối với cổ phiếu STB do VSD công bố liên tục trong nhiều năm là 23,63%. Theo ngân hàng, việc VSD giữ nguyên tỷ lệ cũ trong thời gian dài và đột ngột thay đổi tỷ lệ mới mà không thông báo chính thức đến công chúng và Sacombank đã gây ảnh hưởng đến hoạt động cũng như chiến lược phát triển của ngân hàng.
Sacombank cho biết sẽ tiếp tục làm việc với cơ chức năng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ về vấn đề room ngoại và đề nghị VSD cần có văn bản giải thích thỏa đáng và hướng xử lý minh bạch, đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan.
Xử trí hướng nào?
Theo luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty luật BASICO, khi chưa niêm yết, mọi giao dịch liên quan tới nhà đầu tư nước ngoài phải được NHNN duyệt trước khi triển khai. Nay khi ngân hàng đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn chứng khoán, dẫn tới tình huống không kiểm soát được giao dịch.
“Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán, Trung tâm Lưu ký đặt ra các quy tắc về giao dịch để quản lý. Nếu vượt quá tỷ lệ sở hữu thì lỗi không thuộc về phía ngân hàng, không phải lỗi của cổ đông, nhà đầu tư nước ngoài. Lỗi không quản được là lỗi của cơ quan quản lý”, luật sư Hải nêu quan điểm.
Theo luật sư Hải, cơ quan quản lý nhà nước đặt ra giới hạn nhưng không có công nghệ quản lý. Luật sư cho rằng, cách xử trí cho trường hợp này nên linh hoạt. Nếu cứng nhắc, có thể cả NHNN, VSD và ngân hàng giải quyết bằng việc đưa nhau ra tòa, và nếu tuyên các giao dịch cổ phiếu vô hiệu thì rất phức tạp.
Về sự việc này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại thị trường nước ngoài đưa ra hai hướng xử trí.
Thứ nhất, trong trường hợp STB muốn khối ngoại thoái bớt vốn để giảm tỷ lệ room về lại hơn 23% thì ngân hàng phải đàm phán với khối ngoại để mua lại cổ phiếu.
“Cách này, khối ngoại có thể sẽ đòi hỏi STB trả cho họ phí phạt hoặc giá cổ phiếu cao hơn mức giá họ đã mua vào mới chịu bán lại để thoái vốn. Hướng này tôi thấy rất khó khăn cho STB. Được biết, trước đây khối ngoại còn muốn tăng sở hữu tại ngân hàng lên, nên việc bắt họ thoái bớt vốn là điều khó khăn”, TS. Hiếu nêu.
Hướng thứ hai là hợp pháp hóa tỷ lệ room ngoại tại STB lên 30% như thông báo của VSD. Và theo chuyên gia đây là điều khả thi hơn. Tuy nhiên điều này phải được NHNN phê chuẩn.
“Tôi thấy phương án này dễ dàng, khả thi hơn cho các bên. NHNN có lẽ sẽ không có lý do nào lớn để từ chối phương án này, trừ trường hợp NHNN nhận thấy có rủi ro tiêu cực cho STB”, chuyên gia chia sẻ.
Ông Hiếu cũng nêu thêm, tại Việt Nam, việc kéo nhau ra tòa là điều bất đắc dĩ, là bước cuối cùng. Trong khi điều này ở Mỹ là thường xuyên. Nếu trường hợp của STB xảy ra ở Mỹ, phía STB sẽ kiện Ủy ban Chứng khoán, VSD vì lỗi nhầm lẫn do cơ quan quản lý làm thì phải chịu trách nhiệm.
Ngoài ra, theo chuyên gia này, ngân hàng có thể kiện cả nhà đầu tư khi họ mua cổ phiếu trên thị trường ngầm mà không thông báo cho ngân hàng để báo NHNN xin sự chấp thuận. Về phía nhà đầu tư, họ cũng có thể kiện ngược lại STB, bởi đây là thị trường chứng khoán, họ là nhà đầu tư nước ngoài, STB là bên am hiểu luật lệ hơn, khi mua khối ngoại cũng có đăng ký ở Ủy ban Chứng khoán, VSD. Và phần thua kiện có thể nằm ở phía STB hơn là phía nhà đầu tư.
Như trên, sau một tuần kể từ khi sự việc trên phát sinh, vẫn chưa có kết luận cuối cùng thống nhất từ các bên. Còn trên thị trường, nhà đầu tư nước ngoài vẫn giao dịch hai chiều tại STB khi cổ phiếu này vẫn hở một phần room nhất định (theo giới hạn 30%).
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 26/12/2024 16:42
Techfest VinhPhuc 2024: Sân chơi khởi nghiệp với 80 gian hàng đa lĩnh vực
Sự kiện “Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ hai, năm 2024” (Techfest VinhPhuc 2024) diễn ra từ ngày 20 - 21/12, với sự tham gia của 80 gian hàng trưng bày sản phẩm từ các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân thuộc nhiều lĩnh vực như công nghệ, nông nghiệp, công nghiệp, y tế, giáo dục và sản phẩm OCOP.
Kinh tế - Xã hội - 26/12/2024 16:17
Cách Masan thúc đẩy phát triển bền vững xuyên suốt hoạt động doanh nghiệp
Là doanh nghiệp dẫn đầu Khối Doanh nghiệp Niêm yết, được vinh danh Top 50 Doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu Việt Nam 2024 do Nhịp cầu Đầu tư tổ chức, Masan Group đạt cả 3 hạng mục tiêu biểu ứng với 3 trụ cột ESG.
Kinh tế - Xã hội - 26/12/2024 14:59
Vĩnh Phúc nằm trong top 10 địa phương hấp dẫn doanh nghiệp lớn
Năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc không chỉ vượt kế hoạch thu hút vốn FDI mà còn lọt vào top 10 địa phương hấp dẫn doanh nghiệp lớn. Thành tựu này tạo động lực mạnh mẽ để tỉnh tiếp tục cải thiện năng lực cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư có công nghệ cao và tiềm lực tài chính mạnh, thúc đẩy sự phát triển bền vững và sẵn sàng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới.
Kinh tế - Xã hội - 26/12/2024 14:29
Vĩnh Phúc đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ
Việt Nam SuperPort TM và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển các nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) xuất khẩu sang thị trường Châu Á. Quan hệ đối tác chiến lược này sẽ thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong khu vực, giúp SME dễ dàng tiếp cận thị trường quốc tế.
Kinh tế - Xã hội - 25/12/2024 17:09
XE CỦA NĂM 2025 chính thức mở cổng bình chọn
Chương trình XE CỦA NĂM 2025 chính thức mở cổng bình chọn cho cộng đồng trên trang www.xecuanam.vn từ 15h chiều ngày 25/12/2024 đến 23h59 ngày 3/1/2025 với các phần thưởng giá trị.
Kinh tế - Xã hội - 25/12/2024 17:00
Những khách hàng đầu tiên nói gì về Omoda C5?
Trong tháng 12/2024, Omoda & Jaecoo Việt Nam đã bắt đầu hành trình mang đến những chiếc xe Omoda C5 đầu tiên cho khách hàng ngay tại sự kiện khai trương nhà phân phối mới. Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của khách hàng về mẫu xe này.
- Nhiệm vụ cấp bách của Công đoàn trong thực hiện tinh gọn bộ máy
- Techfest VinhPhuc 2024: Sân chơi khởi nghiệp với 80 gian hàng đa lĩnh vực
- Cách Masan thúc đẩy phát triển bền vững xuyên suốt hoạt động doanh nghiệp
- Đón xem lễ trao giải "Vòng tay Công đoàn" và sáng tạo phòng, chống ma túy
- Cô giáo khuyết tật, lấy tri thức làm… “đôi chân”