Muôn kiểu chống nóng của công nhân lao động
Anh Luân (32 tuổi, quê ở huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) cùng 3 đồng nghiệp ở trong căn phòng trọ rộng khoảng 10 mét vuông ở thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Mỗi ngày, họ phải di chuyển 20km tới công trình xây dựng để làm việc. Dù đã quen với cảnh làm việc ngoài trời, song phải làm việc dưới thời tiết nắng nóng kéo dài đối với họ như một "cực hình".
Đã thế, mỗi lần tan làm, trở về căn phòng trọ chật chội, bí bách, xung quanh không một bóng cây khiến họ vô cùng mệt mỏi. Thiết bị làm mát chỉ là 2 chiếc quạt điện chia đều cho 4 người: Hai người nằm trên giường, hai người trải chiếu nằm dưới nền nhà.
Anh Luân ngồi trong phòng trọ - Ảnh: Lâm Dũng |
Anh Luân chia sẻ: "Ở phòng trọ này bí lắm, nên cố mà ngủ thôi. Không có cách nào để đỡ được nóng. Buổi tối, cơm nước xong mấy anh em lại lang thang đi chơi, đến tầm 10h - 11h, trời dịu mát hơn thì về ngủ. Thú thực, tôi chỉ khoái ở công trình, nhất là các nhà cao tầng, mình lên tầng trên ngủ mát lắm. Nhưng có phải công trình nào họ cũng cho ở lại đâu?"
Ghi nhận của PV Cuộc sống an toàn, tại nhiều xóm trọ công nhân gần KCN Bắc Thăng Long cũng lác đác thấy có phòng trang bị điều hòa để chống chọi với nắng nóng. Anh Đặng Thanh Trung (30 tuổi, quê Đô Lương, Nghệ An) - công nhân Công ty TNHH Panasonic Việt Nam cho biết: "Trước đây tôi ở một mình thì cũng tiết kiệm, không lắp điều hòa. Nhưng bây giờ có vợ rồi, mà vợ lại đang mang bầu, nên cũng cố gắng sắm điều hòa để đảm bảo giấc ngủ còn có sức khỏe làm việc".
Nhiều phòng trọ lắp điều hòa để chống chọi với nắng nóng - Ảnh: Lâm Dũng |
Nhiều gia đình công nhân chưa đủ điều kiện lắp điều hòa thì cũng có những cách chống nóng riêng. Có người dội nước ra sàn nhà, té nước lên mái ngói fibro xi măng, đêm ngủ thì đặt chậu nước trước cái quạt để giảm nhiệt... Tuy nhiên, trong những ngày nhiệt độ cao kỷ lục, những cách làm ấy cũng không khiến họ cảm thấy dễ chịu hơn.
Một góc xóm trọ công nhân tại thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội - Ảnh: Lâm Dũng |
"Nóng quá không thiết tha ăn gì, chỉ có uống nước thôi. Sức khỏe cũng ảnh hưởng nhiều", anh Trương Văn Quyết - công nhân Công ty TNHH Yasufuku Việt Nam chia sẻ.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hoa (55 tuổi) - người bán ngô rong tại các phố phường ở Hà Nội thì nói rằng: "Một tháng vừa rồi tôi sút mất 2 cân". Bà cho biết, nhiều khi đi trên đường nóng quá, phải tự té nước vào người cho hạ nhiệt. Biết là hại người lắm, nhưng không làm thế thì không thể đi tiếp được".
Coi chừng sốc nhiệt!
Theo dự báo, đợt nắng nóng ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, miền Trung còn có khả năng kéo dài đến đầu tháng 7. Nắng nóng kéo dài gây tình trạng mất nước, kiệt sức, thậm chí có thể dẫn tới đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Theo các chuyên gia y tế, làm việc trong điều kiện thời tiết nắng nóng sẽ khiến cơ thể chịu tác động của nhiệt độ cao và tia tử ngoại. Nắng nóng khiến não bộ không thể điều hòa nhiệt độ cơ thể, gây tổn thương nội tạng, rối loạn đông máu, xuất huyết não. Bên cạnh đó, tia tử ngoại gây tổn thương cho da. Nếu không chú ý và có người trợ giúp kịp thời sẽ dẫn tới tình trạng sốc nhiệt, nguy kịch đến tính mạng.
Công nhân làm việc tại bờ hồ Hoàn Kiếm ngày 24/6/2020 - Ảnh: Lâm Dũng |
Vừa qua, khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân nam, 40 tuổi, trong tình trạng hôn mê, phù não, phải thở máy. Người nhà cho biết, anh đang làm việc trên cánh đồng thì cảm thấy mệt, sau đó lịm người đi. Các bác sĩ cho biết, nếu qua khỏi, người bệnh chắc chắn phải chịu di chứng nặng nề, như đi lại khó khăn, phản xạ chậm chạp... do não bị tổn thương.
Nắng nóng còn khiến nhiều người bỏ ăn, mất ngủ... gây hao tổn sức khỏe.
Cần có những biện pháp chống nóng hiệu quả, an toàn
Các bác sĩ khuyến cáo, những người lao động trong điều kiện nắng nóng nên chọn thời điểm phù hợp, khi ánh nắng đỡ chói chang để làm việc. Bên cạnh đó, phải có phương tiện chống nóng tốt, uống đủ nước, tính toán thời gian nghỉ ngơi hợp lý.
Trong những ngày nắng nóng, nhiều người lựa chọn giải pháp tắm rửa để cơ thể cảm thấy mát mẻ. Tuy nhiên, lưu ý tắm trong thời điểm quá nóng cần đợi cơ thể ráo mồ hôi và không nên xả nước lạnh đột ngột.
Mới đây, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau để phòng bệnh mùa nắng nóng.
7 biện pháp để không đổ bệnh mùa nắng nóng: - Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng. - Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol… Tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng. - Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người. - Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể. - Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. - Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. - Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. |
Covid-19: Cập nhật thông tin mới nhất ngày 25/6 |
Người lao động nên tự bảo vệ mình trong mùa nắng nóng |
Công nhân PouYuen mất việc là mẹ đơn thân “sắp tới rất khó khăn nhưng cố gắng vì con” |