Dù bản thân mình còn rất nhiều khó khăn nhưng người công nhân vẫn sẵn sàng tương trợ những người không may mắn bằng các hình thức khác nhau, trong đó có gửi tin nhắn ủng hộ. Song, đã có hiện tượng một số người ép buộc người công nhân phải mua hàng giá cao nhân danh làm từ thiện. Ảnh có tính minh họa của mattran.org.vn |
Hôm qua tôi viết bài “Tin có đúng người, thương có đúng nơi?”, nói về những tấm lòng nhân ái trong cộng đồng và cả những thủ đoạn lừa gạt, lạm dụng lòng tốt của một số người, khiến cho những ai “tin nhầm người, thương nhầm chỗ” không khỏi phẫn nộ, tổn thương. Nhưng còn nhiều biến tướng khác nhân danh làm việc thiện mà người công nhân thậm chí còn bị cưỡng ép.
Trên mạng xã hội, một bạn công nhân phàn nàn: “Trước công ty giày da T.D, thành phố T.A, tỉnh B.D, một nhóm người đứng trước công ty lúc công nhân vào cổng và tan tầm, tiến tới áp sát các công nhân mời chào họ lấy cây viết (bút) “từ thiện ủng hộ người nghèo” và ký tên. Tưởng cây viết giá trị 5, 10 ngàn nên nhiều công nhân đã đồng ý ký tên nhưng khi ủng hộ dưới 50 ngàn thì chúng chửi bới, thách thức, kéo áo, xô đẩy... bắt ép công nhân đóng từ 50 ngàn đến 100 ngàn cho cây viết giá trị vài ngàn đồng, với danh nghĩa từ thiện?”...
Bài viết về việc công nhân được mời lấy cây viết rồi bị ép buộc đóng tiền được nhiều công nhân quan tâm chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh chụp từ Facebook. |
Bài viết nhanh chóng được công nhân chia sẻ. Nhiều comment cũng nói lên bức xúc tương tự: “Chỗ tôi cũng thế. Tình trạng này xảy ra lâu rồi. Sao không thấy ai xử lý”, một bạn viết; “Trước đây gói tăm mấy chục ngàn, giờ lại cây viết cũng mấy chục ngàn. Từ thiện kỳ ghê?”, một bạn khác thắc mắc; “Để mai tôi ra, nếu chửi bới, kéo áo, ép buộc, tôi xử luôn, chấp cả bọn”, một người, có lẽ có tinh thần khá “hiệp sĩ và gấu” không giấu được tức giận lên tiếng.
Nếu sự việc đúng như bài người viết nói thì chắc chắn đây là hành động cưỡng bức mua hàng trục lợi nhân danh việc làm từ thiện, là hành vi bất hợp pháp cần lên án.
Người công nhân vất vả làm việc với đồng lương không cao. Họ càng vất vả hơn trong cơn dịch bệnh. Công nhân nhiều công ty, doanh nghiệp còn buộc phải nghỉ việc, giãn việc, thu nhập giảm sút. Trong khi đó, giá cả sinh hoạt vẫn cao, giá thịt lợn dù có nhiều giải pháp của các cơ quan chức năng nhưng mức độ giảm rất chậm. Tiền nhà, điện, nước, tiền học cho con lớn, tiền sữa cho con bé, tiền thuốc cho bố mẹ già... bao nhiêu thứ chi tiêu trông cả vào đồng lương ít ỏi ấy. Thậm chí, đêm hôm nhiều công nhân còn phải đối mặt với nạn trộm cắp, nghiện hút, nhất là tại những khu “ổ chuột” đông đúc với nhiều thành phần bất hảo. Bao nhiêu thứ gian khó khiến họ phải đối mặt.
Dù với mục đích nhân văn và là việc làm rất nên khuyến khích, song hoạt động từ thiện đã bị không ít người lợi dụng, đòi hỏi việc làm này phải được quy định các tiêu chí cụ thể, rõ ràng và sự quản lý chặt chẽ hơn của Nhà nước. Ảnh có tính mih họa của baophapluat.vn |
Song, với tấm lòng nhân ái “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, người công nhân vẫn hào phóng “mở hầu bao” cho những người cùng cảnh ngộ. Những người sẵn sàng mua cây viết trong bài của bạn nêu trên chính là sự thể hiện đẹp đẽ tinh thần ấy. Tuy nhiên, họ đã bị lừa. Nhận cây viết và ký tặng là họ bị “sập bẫy”. Sự việc diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, thật hết chỗ nói.
“Mong công đoàn, lãnh đạo công ty tuyên truyền cho người lao động được biết để họ phòng tránh”, bài viết của bạn công nhân trên khép lại như vậy. Cá nhân tôi hoàn toàn đồng ý với kiến nghị này, thậm chí cần quyết liệt hơn, đề nghị cơ quan chức năng như công an vào cuộc để bảo vệ người lao động.
Covid-19: Cập nhật thông tin mới nhất ngày 24/6 |
Quan tâm, chăm lo cho con của công nhân lao động |
Nắng mưa và số điện |