Một lễ khai giảng đơn sơ ở vùng sâu, vùng xa. Giáo viên mầm non ở những vùng này nên nghỉ hưu ở độ tuổi nào? Ảnh vietnamnet.vn |
Tôi viết thêm về nguyện vọng của giáo viên mầm non và giáo viên thể dục mong muốn được nghỉ hưu ở độ tuổi 55. Xin bạn đọc lượng thứ cho tôi về tiêu đề của bài viết này. Nó có thể hơi tối nghĩa chứ không chơi chữ, bởi vấn đề tôi trình bày dưới đây nếu chơi chữ là một sự bất nhẫn.
Khi bài viết “Nguyện vọng của giáo viên mầm non, giáo viên thể dục: Muốn được nghỉ hưu ở tuổi 55!” đăng tải trên Tạp chí Cuocsongantoan.vn và chia sẻ trên một số trang mạng xã hội, nó nhanh chóng nhận được hàng nghìn lượt tương tác và hàng trăm conment. Chứng tỏ sự quan tâm lớn của giáo viên và dư luận xã hội về vấn đề này.
Bài viết kể về việc tổ chức Công đoàn đang tiến hành khảo sát lấy ý kiến tham gia xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ về độ tuổi nghỉ hưu, điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của Bộ luật Lao động 2019; trong đó có hai lĩnh vực khá đặc thù của ngành Giáo dục là giáo viên mầm non và giáo viên thể dục. Tuyệt đại đa số các comment tán thành nghỉ hưu ở tuổi 50 hoặc 55. “50 (tuổi) thôi, chứ 60 ai mà còn cầm trống hát múa được”. “50 tuổi học sinh nhìn đã không muốn vào lớp rồi. Các cháu thích cô giáo trẻ. 55 tuổi học sinh nhìn thấy chạy mất dép”. “Ở miền núi, giáo viên mầm non 55 tuổi mới nghỉ hưu thì chỉ có đi bộ thôi. Mà đi bộ đến lớp cũng vừa hết giờ”. “60 tuổi đi dạy mầm non, bốn bà ngồi bốn góc cầm gậy chỉ chỉ trỏ trỏ như bốn mụ phù thủy”. “50 tuổi đã thấy quá oải rồi, nói gì đến 60. Cảm ơn công đoàn đã thấu hiểu”…
Các giáo viên Trường Mầm non An Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình đội mưa san lấp mặt bằng sân trường. Ảnh giaoducthoidai.vn |
Đó là một số comment tôi nhặt ra và nhắc lại ở đây. Tới lúc này, số lượt like, comment vẫn đang không ngừng tăng lên. Hẳn là trong số bạn đọc bài viết này có người không liên quan đến ngành Giáo dục; nhưng tôi chắc số người là giáo viên mầm non, người thân của họ chiếm tỷ lệ lớn. Mặc dầu vậy, tôi nghĩ, vẫn vắng bóng ý kiến của rất nhiều cô giáo mầm non ở vùng sâu, vùng xa; những vùng chưa có internet, wifi và thậm chí là chưa có điện.
Cách đây khá lâu, tôi có dịp đi công tác vùng cao Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang. Một cô giáo mầm non kể với tôi, cô dạy ở một phân trường, đó là một lớp ghép gồm cả em độ tuổi mầm non lớp lớn, cả em học chương trình tiểu học nhưng đã cao lớn như một thanh niên. Các em bé có khi cô phải đến tận nhà cõng đi học; em lớn thì có thể bỗng nhiên nghỉ mấy ngày vì lý do… lấy vợ! Thậm chí, một em còn bảo cô: “Cô giáo có lấy tao không? Lấy tao, bố cho một đôi bò và một nương ngô!”… Tôi không thể nào quên những giọt nước mắt lăn trên má cô theo lời kể ngày ấy.
Giáo viên mầm non, các cấp học ở miền núi còn rất nhiều vất vả. Trong ảnh: Giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Nậm Mười, Văn Chấn, Yên Bái được máy xúc giúp vượt suối lũ đến trường. Ảnh 2sao.vn |
Giờ đây, cuộc sống của bà con vùng cao đã được cải thiện rất nhiều nhưng vẫn còn vô cùng gian khó. Những cô giáo mầm non, giáo viên tiểu học vẫn thầm lặng “trồng người”. Hình ảnh các cô chỉ được biết đến thoáng qua qua những bài viết về cô giáo cắm bản, những người “cõng chữ lên non”, hay một vài bài thơ, bài hát. Vẫn còn đó hàng vạn giáo viên ngày ngày lặn lội hàng chục cây số đến các thôn bản vùng sâu, vùng xa, dạy trẻ mầm non, học sinh tiểu học, bất chấp gió mưa, bão lũ, giá rét và trơn trượt. Họ được hưởng chế độ công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, nhưng điều đó không bù đắp được hết cho những cống hiến lớn lao của họ.
Các cô giáo mầm non, người dạy chúng ta bập bẹ đọc những chữ a, b, c là người đầu tiên trao cho chúng ta chiếc chìa khóa vàng với câu thần chú “Vừng ơi, mở ra”, để mỗi chúng ta mở kho tàng tri thức. Nhưng tiếng nói của họ, nguyện vọng của họ còn khuất lấp đâu đó như chính con đường khúc khuỷu mỗi ngày họ đến trường. Tôi nghĩ, mỗi chúng ta vẫn nợ họ một lời cảm ơn đúng nghĩa.
Làm thế nào để ý kiến của họ được đặt lên bàn những người làm chính sách?
Covid-19: Cập nhật thông tin mới nhất ngày 4/6 |
Cảm ơn chủ nhà trọ đã đồng hành với công nhân lúc khó khăn! |
Trên máy bay, ghế ngồi, chỗ để tay, khay ăn… rất nhiều vi khuẩn, bạn nên... |