Hàng loạt quảng cáo tuyển lao động với hứa hẹn khá hấp dẫn xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội. Không cảnh giác, người lao động có thể mắc bẫy của lũ "kền kền" bất lương. Ảnh dantri.com.vn |
Thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hàng triệu công nhân, người lao động Việt Nam bị thất nghiệp, mất việc; nhu cầu tìm việc làm là rất lớn. Lợi dụng điều này, những kẻ bất lương - chúng như những con kền kền luôn ngửi thấy mùi máu trong hoàn cảnh sinh vật đối đầu với sự sinh tử - đã lừa đảo, kiếm tiền trên nỗi vất vả của đồng loại. Việc một người tên Tiến “nổ bao đậu xin việc”, lừa của hàng trăm công nhân, người lao động số tiền có thể tới hàng trăm triệu đồng, đang làm “dậy sóng” cộng đồng mạng là vụ việc mới nhất của vấn nạn này.
Vậy, làm thế nào để công nhân, người lao động tìm việc có thể nhận diện được “cạm bẫy” của lũ kền kền? Trang hướng dẫn tìm việc Jobsgo.vn của Công ty Cổ phần hỗ trợ tìm kiếm việc làm JOBSGO đã chỉ ra những dấu hiệu lừa đảo, người lao động cần cảnh giác, như sau:
1. Thông tin mập mờ. Khi thông tin tuyển dụng công việc chung chung cùng với mức lương tương đối hấp dẫn mà không hề có tên tuổi, địa chỉ công ty; không yêu cầu kinh nghiệm, bằng cấp, độ tuổi của người lao động… thì nhiều khả năng đây chỉ chiêu trò các doanh nghiệp, công ty môi giới hoặc cá nhân lừa đảo mà thôi.
2. Phải nộp các khoản phí vô lý. Nếu khi nộp hồ sơ mà người lao động bị yêu cầu nộp phí thu hồ sơ, phí giữ chỗ hay phí đặt cọc, tiền đồng phục,… thì chắc chắn bạn đã bị lừa. Các nhà tuyển dụng không thu bất kì một khoản phí nào của nhân sự trước khi vào làm việc. Nhiều công ty “ma” còn yêu cầu thu các giấy tờ tùy thân như chứng minh thư nhân dân, bằng lái xe,… rồi cho họ ký những bản hợp đồng với các điều khoản chung chung, mập mờ, nhằm trói chân những người nhẹ dạ cả tin, khiến họ không thể bỏ được công việc vì nghỉ việc sẽ phải bồi thường, không được trả lương,…
3. Nơi phỏng vấn “có vấn đề”. Thường các nhà tuyển dụng có uy tín sẽ tiến hành phỏng vấn ngay tại văn phòng của công ty, sạch đẹp sáng sủa. Nếu địa điểm phỏng vấn mà người lao động được chỉ định chỉ là quán ăn, quán café,… thì cần phải cảnh giác cao độ.
4. Không được làm việc ngay. Các công ty lừa đảo sau khi phỏng vấn xong xuôi, thành công vẫn không cho bạn đi làm mà hẹn sang tuần rồi sang sang tháng… Đến khi bạn đã mệt mỏi thì họ đưa bạn đến một nơi khác, làm một công việc khác và lặng lẽ “chuồn” mất. Bạn chỉ có thể ngậm đăng nuốt cay mà thôi.
Người lao động cần làm một số động tác kiểm tra thông tin tuyển dụng có phải là lừa đảo hay không bằng cách tìm hiểu trên internet về công ty; số điện thoại, tên người mà bạn liên hệ; đồng thời bổ sung thêm các kiến thức về luật lao động Việt Nam. Nên nộp hồ sơ trực tiếp tại công ty. Cũng có thể chia sẻ, hỏi ý kiến bạn bè, người thân, người có kinh nghiệm về ý định của mình để được tư vấn. Đặc biệt, cần yêu cầu mọi khoản phí, tiền cọc hay hợp đồng phải có giấy tờ rõ ràng, xác đáng; tránh cam kết chỉ bằng lời nói.
Người lao động nên nộp hồ sơ trực tiếp tại các công ty và tìm hiểu thông tin chính xác về nơi mình làm việc để tránh bị lũ "kền kền" lừa đảo. Trong ảnh : Đại diện một doanh nghiệp đang hướng dẫn thông tin việc làm tại một hội chợ việc làm tại thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh thanhnien.vn |
Phiên bản tiếng Việt của Indeed, trang tìm kiếm việc làm an toàn số 1 thế giới có trụ sở tại Mỹ đã tổng hợp những điều nên làm, không nên làm và cần tránh như sau:
Những điều nên làm khi tìm việc
- Tìm địa chỉ email công ty có thể xác minh được.
- Hãy xem xét kỹ những địa chỉ email có tên công ty viết sai chính tả hoặc "bị giả mạo".
- Đối chiếu thư mời làm việc với đơn xin việc của bạn. Hãy thận trọng khi theo đuổi các vị trí có mức lương, quyền lợi và sự linh hoạt có vẻ quá tốt.
- Đề nghị một cuộc gặp trực tiếp, bởi kẻ lừa đảo thường lảng tránh điều này.
Những điều không nên làm khi tìm việc
- Tuyệt đối không thanh toán dưới bất kỳ hình thức nào cho một nhà tuyển dụng tiềm năng.
- Tuyệt đối không đồng ý thực hiện bất kỳ giao dịch tài chính nào thay mặt cho một nhà tuyển dụng tiềm năng.
- Tuyệt đối không đồng ý với công việc đòi hỏi phải mở nhiều tài khoản và/hoặc đăng quảng cáo trên các trang web khác.
- Tuyệt đối không nhận tiền thanh toán trước cho những việc mà bạn chưa làm.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình đọc lệnh bắt 01 đối tượng để điều tra về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua hứa hẹn xin việc. Ảnh thanhnien.vn |
Các loại hình lừa đảo cần tránh
Lừa đảo qua séc
Loại hình lừa đảo này sẽ khiến mọi người chuyển séc khống mà không hề hay biết. Hãy cảnh giác với những kẻ lừa đảo bịa đặt những câu chuyện về việc cần trợ lý cá nhân, người chăm sóc hoặc người lĩnh chi phiếu để mua hàng số lượng lớn hoặc chuyển khoản hộ trong khi chúng vắng mặt.
Lừa đảo thông qua rửa tiền
Các công ty uy tín và hợp pháp không bao giờ yêu cầu bạn thực hiện các giao dịch tài chính hoặc chuyển tiền cho họ, đặc biệt là qua Western Union, MoneyGram hoặc BitCoin. Ngay cả khi không yêu cầu bạn chuyển tiền, thì kẻ lừa đảo vẫn sẽ lừa người khác thực hiện các giao dịch tài chính lừa đảo để chúng không phải làm việc đó.
Lừa đảo thông qua chuyển hàng
Trong mọi trường hợp, việc nhà tuyển dụng yêu cầu bạn chuyển lại các gói hàng từ quốc gia của bạn là hành vi bất hợp pháp.
Lừa đảo thông qua lệ phí trả trước
Bạn không phải trả tiền để xin việc. Hành vi lừa đảo thông qua lệ phí trả trước không chỉ lừa tiền của người tìm việc mà còn là dấu hiệu cho thấy một công ty đang tham gia vào các hoạt động mờ ám khác. Bạn có thể phải trả một số khoản phí hợp pháp như đồng phục và công cụ làm việc sau khi nhận việc, nhưng khoản phí đó thường được khấu trừ vào lương sau khi bạn bắt đầu làm việc.
Covid-19: Cập nhật thông tin mới nhất ngày 24/5 |
“Tái sinh đa tầng” chỉ là “mỹ từ” tự xưng để nâng tầm đẳng cấp |
Đâu là lỗ hổng trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bạc Liêu? |