Lượng ô tô tại Việt Nam lên tới 6,8 triệu chiếc: Nan giải bài toán chuẩn thiết bị an toàn cho trẻ em
Kinh tế - Xã hội - 23/12/2024 14:53 Phương Huyền
Hội thảo Tăng cường tuyên truyền tiêu chuẩn về thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô tại Việt Nam. |
Số lượng ô tô đăng ký tại Việt Nam đã đạt 6,8 triệu
Hôm 20/12 vừa qua, Uỷ ban An toàn Giao thông (ATGT) Quốc gia phối hợp với Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP) đã tổ chức hội thảo Tăng cường tuyên truyền tiêu chuẩn về thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô tại Việt Nam.
Mở đầu hội thảo, ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, cho biết công tác đảm bảo ATGT tại Việt Nam hiện nay đã có những tín hiệu tích cực khi tai nạn giao thông (TNGT) đã được kiềm chế qua từng năm. Tuy nhiên, số lượng phương tiện tăng nhanh vượt xa sự phát triển của kết cấu hạ tầng và năng lực vận tải hiện có.
"Cho đến nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã công bố con số 6,8 triệu xe ô tô đăng ký tại Việt Nam, chưa kể xe chuyên dụng khác, và khoảng 77-78 triệu xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện. Điều này cho thấy Việt Nam đang trở thành quốc gia hàng đầu về số lượng phương tiện tính trên đầu người", ông Thành cho biết.
Như vậy, với 100,5 triệu dân số và 84-85 triệu phương tiện xe cơ giới, Việt Nam đang có tỉ lệ sở hữu phương tiện cơ giới lớn, với 800 xe/1.000 người, theo ông Thành. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng Việt Nam là nước có giao thông hỗn hợp nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT. Nhiều chính sách của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao như bắt đội mũ bảo hiểm, phòng chống tác hại của rượu bia, nhưng diễn biến TNGT vẫn vô cùng phức tạp.
"Theo thống kê từ nhiều quốc gia, TNGT là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em. Tỉ lệ trẻ em thương vong do không trang bị thiết bị an toàn trên ô tô rất cao. Trẻ em có đặc điểm cơ thể, sức khỏe khác biệt so với người trưởng thành nên sử dụng thiết bị an toàn trên ghế ngồi phù hợp lứa tuổi, đặc điểm của trẻ là vô cùng cần thiết", ông Thành nhấn mạnh.
Đau đầu bài toán quy chuẩn thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô
Có mặt tại hội thảo, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an), cho hay theo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ được Quốc hội thông qua ngày 27/6/2024, có hiệu lực từ 1/1/2025, từ ngày 1/1/2026, trẻ dưới 10 tuổi và có chiều cao dưới 1,35 m không được ngồi cùng hàng ghế với lái xe và phải sử dụng thiết bị an toàn phù hợp.
“Đây là một trong những điểm mới, tiến bộ, quan tâm đến đối tượng tham gia giao thông là trẻ em,” Đại tá Nhật nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Lê Kim Thành cũng cho biết đây là bước phát triển tương đồng với các quốc gia phát triển khác. Tuy nhiên, việc thực hiện luật sẽ gặp nhiều khó khăn.
"Luật đã ban hành 6 tháng, chúng ta cũng chuẩn bị nhiều bước để đi vào thực hiện, nhưng quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn vì bản thân quy chuẩn chưa ban hành một cách đồng bộ. Bên cạnh đó, ý thức và nhận thức của các bậc phụ huynh có xe ô tô còn hạn chế", ông Thành nhận xét.
Chuyên gia khuyến cáo nên hướng tới việc chuyển sang R129 trong tương lai. Ảnh:minh họa |
Cụ thể, điều ông Thành băn khoăn là quy chuẩn về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô sẽ áp dụng theo tiêu chuẩn nào, và áp dụng như thế nào.
Tại hội thảo, PGS. TS Lý Hùng Anh, Đại học Bách khoa TP.HCM có bài phát biểu từ xa, trình bày sự khác biệt giữa hai bộ tiêu chuẩn kỹ thuật về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô, gồm tiêu chuẩn R44 và tiêu chuẩn R129.
Trong đó, tiêu chuẩn R129 có nhiều cải tiến hơn so với tiêu chuẩn R44, giúp bảo vệ trẻ toàn diện hơn, việc thử nghiệm thiết bị an toàn cũng nghiêm ngặt hơn với 32 cảm biến, bảo vệ trẻ cả va chạm phía trước, phía sau và bên hông.
Cả hai tiêu chuẩn trên đều đang được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới, tuy nhiên, đa số các các nước đều hướng tới việc áp dụng tiêu chuẩn R129. Vì thế ông Hùng Anh khuyến cáo nên áp dụng đồng thời hai tiêu chuẩn nhưng hướng tới việc chuyển sang R129 trong tương lai.
Ông Dương Kim Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương Đại học Y tế công cộng mang đến hội thảo bài phát biểu, trình bày những lưu ý quan trọng trong tiêu chuẩn áp dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô tại Philipine, qua đó đưa ra những kinh nghiệm về việc triển khai các quy định về an toàn cho trẻ em trên xe ô tô tại Việt Nam.
"Trẻ em không nên ngồi ghế trước bởi sẽ chịu nhiều tác động khi xảy ra tai nạn, va chạm; dễ văng ra ngoài xe, sự va đạp của túi khí; hiếu động, tò mò, gây mất tập trung hơn cho người lái xe, không có hệ thống lắp thiết bị an toàn cho trẻ em ở ghế trước trong thiết kế xe,” ông Tuấn nói.
Ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia phát biểu tại hội thảo. |
Theo ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia, thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô có thể giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong (giảm 34%-81%), giảm các chấn thương nghiêm trọng (giảm 35-72%) và các chấn thương khác của trẻ (giảm 25-58%) trong các vụ va chạm.
Ông Minh cho rằng, để tăng cường ATGT cần sự thay đổi từ rất nhiều khía cạnh, từ cơ sở hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông, cho đến các thiết bị an toàn giúp giảm thiểu thương vong khi TNGT xảy ra. Trong đó, việc trang bị các thiết bị an toàn theo quy chuẩn là cách nhanh nhất, tốn ít chi phí nhất để thực hiện mục tiêu này.
Theo ông Minh, thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô hiện có mức giá 1,5-2 triệu đồng. Chi phí mua một ô tô cũ trên thị trường trung bình khoảng 200-300 triệu đồng, chi phí mua ô tô mới trên thị trường trung bình 500-700 triệu đồng. Như vậy, ông Minh tính toán chi phí thiết bị an toàn chỉ chiếm 0,7-0,8% với xe cũ và 0,3-0,4% đối với xe mới.
Bên cạnh đó, ông Minh cho hay quy định quy chuẩn thiết bị an toàn cho trẻ cũng phân biệt rõ các khoảng tuổi cho từng thiết bị. Mục đích là tạo thuận lợi cho người dân áp dụng, thực hiện và cũng đảm bảo an toàn tối đa cho trẻ, tránh sử dụng sai thiết bị so với độ tuổi, chiều cao của trẻ.
Cần lộ trình để thay đổi thói quen
Theo ông Dương Kim Tuấn, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thiết bị an toàn; cung cấp các chương trình hỗ trợ tài chính, giảm giá hoặc cho vay để các gia đình tiếp cận mua; kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm; theo dõi và đánh giá các biện pháp đã triển khai và điều chỉnh nếu cần thiết.
Ông Trần Hữu Minh, cho biết theo quy định hiện nay tất cả các chuyến đi bằng ô tô có trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m đều cần thực hiện đúng quy định.
Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam trả lời tại hội thảo. |
Với vận tải công cộng, xe kinh doanh vận tải, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng trước mắt khuyến khích với các loại xe vận tải công cộng nên có lộ trình dài để có thể chuẩn bị bởi phương tiện này có tốc độ thấp, hoạt động trong đô thị, tiêu chuẩn an toàn cao hơn, khó khăn trong đáp ứng nhu cầu ngẫu nhiên chở trẻ em trong vận tải công cộng và kinh doanh vận tải.
Tại hội thảo, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô, về cơ bản sẽ áp dụng song song quy định tại cả hai tiêu chuẩn R44 và R129 trên thế giới, tuy nhiên, không loại bỏ hoàn toàn câc quy chuẩn R44 do cần lộ trình để người dân thay đổi thói quen.
- Công nhân Dệt May ở Huế nhận quà Tết sớm
- Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc chưa xử lý đơn xin đi làm trở lại của bác sĩ Lê Khắc Thu
- Lượng ô tô tại Việt Nam lên tới 6,8 triệu chiếc: Nan giải bài toán chuẩn thiết bị an toàn cho trẻ em
- Hyundai Creta 2025 từ 594 triệu đồng sắp ra mắt Đông Nam Á, rộng cửa về Việt Nam?
- Công nhân may ở Huế hưởng quà Tết và phiên chợ ưu đãi