Bà bầu bị cúm, cách nhận biết và phương pháp phòng tránh cúm cho bà bầu 4 sự khác biệt giữa viêm phổi Vũ Hán, cảm lạnh và bệnh cúm Đại diện WHO cho rằng chưa thể coi Covid-19 như cúm mùa |
Đến nay đã 17 chủng (loài, type) virus cúm gia cầm lưu hành trên phạm vi toàn cầu, trong đó có nhiều loại gây bệnh cho người, thậm chí là đại dịch…
Ngoại trừ chủng virus cúm gia cầm gây bệnh cho người được ghi chép lần đầu năm 1878 ở Italia không được định danh, còn lại là các chủng H1N1; H2N2; H3N2; H5N1, H5N2, H5N3, H5N4, H5N5, H5N6, H5N8; H7N2, H7N3, H7N7, H7N9; H9N7, H10N5 đều đã định danh.
Nói cho rõ thì virus cúm gia cầm (avian influenza, cúm chim) là virus cúm nhóm A (Influenza A virus) thuộc họ Orthomyxoviridae (họ virus có vỏ bọc (capsid), bản chất di truyền ARN sợi đơn, gồm các nhóm A, B, C, Thogotovirus, Isavirus, Quaranjavirus).
Virus cúm A gây bệnh cho gia cầm, gia súc và người do loài này có khả năng tái tổ hợp gene rất “linh hoạt” để thích ứng với nhiều loài vật chủ khác nhau. Cúm A được chia thành nhiều phân type dựa trên 2 protein mang tính kháng nguyên có trên bề mặt vỏ hạt virus (virion) là Hemagglutinin (H hay HA - kháng nguyên ngưng kết hồng cầu, có vai trò quan trọng giúp virus xâm nhập tế bào vật chủ) và Neuraminidase (N hay NA - kháng nguyên trung hoà, giúp giải phóng virus khỏi tế bào vật chủ sau khi hoàn tất chu trình nhân lên - nghĩa là phá hủy tế bào vật chủ).
Cúm A có 18 nhóm kháng nguyên H (H1 - H18), 11 nhóm kháng nguyên N (N1 - N11) và tên gọi của virus cúm A được ghép bởi 2 nhóm protein này, ví dụ, cúm A/H1N1 (gây đại dịch cúm Tây Ban Nha lớn nhất năm 1918 - 1920, được cho là có 25 - 50 triệu tử vong toàn cầu (được chấp nhận hơn cả); ước tính khác là 17 - 100 triệu hay 500 triệu tử vong) là loại có Hemagglutinin nhóm H1 và Neuraminidase nhóm N1.
Cúm A có đặc tính quan trọng là dễ tái tổ hợp gây nên đột biến gene và hệ gene (nhất là ở gene mã hóa 2 protein Hemagglutinin và Neuraminidase) hoặc trao đổi các gene kháng nguyên với nhau trong quá trình xâm nhiễm, lây truyền giữa các loài vật chủ để tồn tại.
Đặc tính này sẽ tạo ra nhiều phân type khác nhau về độc tính và khả năng gây bệnh. Mỗi phân type lại có những biến thể phụ (còn gọi là nhánh, dòng phụ, xác định bằng giải trình tự gene) cũng là kết quả của tái tổ hợp.
Chẳng hạn, cúm A/H5N1 phân lập được từ các ổ dịch gia cầm năm 2022, 2023 ở Việt Nam là hai nhánh phụ 2.3.2.1c và 2.3.4.4b (nhánh 2.3.4.4b đã lan rộng toàn cầu từ năm 2021) do cúm A/H5N1 tái tổ hợp khi lây nhiễm giữa gà và ngan (tương tự như biến thể Omicron của COVID-19 có các nhánh phụ XBB, XBB.1.5 là kết quả tái tổ hợp giữa các nhánh phụ BA.2.10.1 và BA.2.75)…
Cúm A được chia thành 2 loại là độc lực thấp (lowly pathogenic avian influenza - LPAI) và độc lực cao (highly pathogenic avian influenza - HPAI) - như các type H5, H7.
Tổ chức Thú y thế giới (OIE) xác định cúm A gây bệnh truyền nhiễm cấp tính cực kỳ nguy hiểm cho gia cầm và là 1 trong 15 bệnh nguy hiểm nhất ở động vật.
Mặt khác, do đặc tính dễ đột biến nên việc ngăn chặn và kiểm soát lây nhiễm cúm A vô cùng khó khăn!
Hiện không tìm thấy thống kê toàn cầu số quốc gia có dịch cúm gia cầm nói chung. Nhưng chỉ riêng cúm A/H5N1, đến tháng 7/2009, đã gây dịch ở hơn 160/204 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Năm 2022, 67 nước ở 5 châu lục báo cáo dịch cúm A/H5N1 ở gia cầm và chim hoang dã với OIE. Từ tháng 10/2021 - 9/2022, có khoảng 2.500 đợt dịch cúm gia cầm ở rất nhiều trang trại 37 nước châu Âu. Năm 2023, 14 nước phần lớn ở châu Mỹ báo cáo dịch…
Số gia cầm và chim hoang dã (nhiều loài) chết vì bệnh hoặc phải tiêu hủy là hàng tỷ, thiệt hại hàng trăm tỷ USD…
Trước đây, virus cúm gia cầm hoành hành ở châu Á, nhưng từ năm 2020 cúm A/H5N1 đã tấn công gia cầm châu Phi và năm 2022 là các loài chim hoang dã châu Âu.
Ở Anh, số chim Cướp biển (Great Skua), chiếm khoảng 2/3 lượng chim này toàn cầu, nhưng ước giảm 50% - 80% do H5N1 và hơn 99% số gia cầm ở Anh nhiễm bệnh do lây từ chim hoang dã. Tháng 7/2023, Na Uy và Phần Lan phải chống chọi với các đợt bùng phát cúm gia cầm lớn nhất từ trước đến nay…
Năm 2021, cúm A/H5N1 lan sang Bắc Mỹ và 2022 đến Trung và Nam Mỹ. Từ cuối năm 2021, châu Âu, Bắc và Nam Mỹ phải chống chọi những đợt bùng phát dịch cúm gia cầm tồi tệ nhất chưa từng có trước đây…
Năm 2021, có 64 quốc gia, vùng lãnh thổ báo cáo phát hiện cúm A/H5N8 độc lực cao, gây ra gần 70% trong số hơn 3.300 ổ dịch cúm gia cầm toàn cầu.
Tháng 1/2024, phát hiện H5N1 ở xác 35 chim cánh cụt trên quần đảo Falkland, nam Đại Tây Dương, thuộc Nam Cực giá lạnh - nơi có hàng ngàn chim cánh cụt chết…
Số gia cầm và chim hoang dã (nhiều loài) chết vì bệnh hoặc phải tiêu hủy là hàng tỷ, thiệt hại hàng trăm tỷ USD…Ảnh minh họa. Nguồn: childrenshealthdefense.org. |
Năm 2021, Anh phát hiện cúm A/H5N1 ở 9 con rái cá; Mỹ tìm thấy H5N1 ở chồn hôi, gấu, gấu trúc, cáo đỏ, hải cẩu và cá heo; Pháp tìm thấy virus này ở mèo; Tây Ban Nha bùng phát H5N1 ở một trang trại nuôi chồn lấy lông.
Tháng 2/2023, Chile phát hiện sư tử biển và chim cánh cụt nhiễm cúm gia cầm. Biến chủng virus này đã phát hiện ở các loài chim hoang dã các nước Ecuador, Peru, Colombia, Venezuela, Argentina, Uruguay và 11 nước khác. Sau đó, Chile phát hiện chủng virus này ở 21 loài chim nước hoang dã, trong đó bồ nông bị nhiễm bệnh nhiều nhất.
Cúm gia cầm cũng được phát hiện ở sư tử biển Mỹ và Peru. Tháng 7/2023, Phần Lan phát hiện H5N1 ở mòng biển và thú nuôi lấy lông ở 20 trang trại. Trước đó, tháng 6/2023, ở Ba Lan có 25 con mèo chết trong số 46 mèo và linh miêu nuôi nhốt dương tính với cúm A/H5N1.
Tháng 10/2023, đã nghi ngờ chim Skua trên đảo Bird (tiếng Hawaii là Nihoa, thuộc bang Hawaii, Mỹ) cũng như ở Nam Georgia và quần đảo Nam Sandwich (các lãnh thổ hải ngoại của Anh) thuộc Nam Cực mang H5N1 và sau đó thấy hải cẩu ở đây chết hàng loạt? Tháng 12 cùng năm, nước Anh phát hiện H5N1 trong các mẫu thu từ hải cẩu, hải tượng, mòng biển và chim cốc Nam Cực.
Tháng 3/2024, lần đầu phát hiện bò và dê nhiễm H5N1, gây ngạc nhiên vì hai loài này trước đây không nhạy cảm với H5N1.
Tháng 5/2024, Mỹ phát hiện cúm A/H5N1 ở loài lạc đà Alpaca. WHO thông báo phát hiện cúm A/H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu. Trước đó, tháng 4, ở Mỹ, một người Texas mắc cúm gia cầm sau tiếp xúc với bò sữa.
Đến tháng 6/2024, hơn 80 đàn bò sữa và 3 nhân viên chăn nuôi chúng dương tính với H5N1 nhánh 2.3.3.4b ở 11 bang nước Mỹ…
H5N1 lây lan nhanh và rộng giữa các động vật có vú làm tăng khả năng lây nhiễm sang người và nguy hiểm hơn là tăng khả năng lây truyền người - người do đặc tính biến dị của chúng.
Từ năm 2013 đến đầu năm 2017, đã phát hiện cúm A/H7N9 ở gia cầm và một số loài động vật nhưng không biểu hiện bệnh (gọi là vật lành mang trùng), nên virus này được cho là độc lực thấp.
Tuy nhiên, tháng 10/2017, Giáo sư Yoshihiro Kawaoka, Bộ môn virus, khoa Sinh học phân tử và Miễn dịch, Viện Khoa học y học, Đại học Tokyo, Nhật Bản, sau khi tiêm mẫu bệnh phẩm phân lập ở một người tử vong do cúm A/H7N9 cho chồn, đã công bố virus này có thể lây truyền và giết chết động vật, đặc biệt là nhân lên hiệu quả ở chuột, chồn và một số loài linh trưởng. Từ đó virus cúm A/H7N9 được xếp vào nhóm độc lực cao.
Từ năm 2015, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định nhiều nguy cơ có thêm các ca mắc cúm A/H7N9 và cúm A/H5N1 mới ở người trên phạm vi toàn cầu. Cũng theo WHO, thời điểm này dịch cúm A/H7N9 ở Trung Quốc vẫn chưa được khống chế và có nguy cơ bùng phát. Riêng 3 tuần đầu tháng 01/2015, Trung Quốc có thêm 16 người mắc cúm A/H7N9 với 3 tử vong.
Tính từ năm 2013 đến 24/01/2015 có 486 người mắc cúm A/H7N9 (Trung Quốc: 469; Đài Loan (Trung Quốc): 04; Hồng Kông (Trung quốc): 12, Malaysia: 1) với 185 tử vong. Số người mắc ở Trung Quốc có xu hướng lan xuống các tỉnh phía Nam, gần biên giới Việt Nam. Kể từ tháng 02/2013, khi có người mắc cúm A/H7N9 đầu tiên ở Trung Quốc, đến nay nước này đã có 1.622 người mắc cúm A/H7N9 với 619 tử vong (gần 38,2% số mắc).
Cúm A/H5N1 được phát hiện năm 1961 ở chim hải yến Nam Phi; năm 1996 lại phát hiện ở ngỗng Hong Kong, Trung Quốc…
Ngày 06/01/2015, WHO thông báo Ai Cập có 16 người mắc mới cúm A/H5N1 với 2 tử vong; năm 2014, Ai Cập có 14 người mắc cúm này. Tính từ 2003 đến tháng 01/2015, Thế giới có 694 người mắc cúm A/H5N1 với 402 tử vong (hơn 57,9% số mắc).
Dịch cúm A/H5N1 phát sinh lần đầu ở Việt Nam từ cuối tháng 12/2003 từ các tỉnh phía Bắc, trong thời gian ngắn nhanh chóng lan ra hầu hết các tỉnh, thành cả nước, với hàng chục triệu gia cầm bị tiêu hủy.
Sau 8 năm (từ 2014) vắng bóng, tháng 10/2022, tỉnh Phú Thọ có 1 người mắc cúm A/H5N1 và tháng 3 năm nay là thanh niên ở Khánh Hòa nói trên, với xét nghiệm dương tính với cúm A/H5N1 của Viện Pasteur Nha Trang.
Tính từ năm 2003 đến đầu năm 2024, Việt Nam có 129 người mắc cúm A/H5N1 (nhiều nhất trong khoảng 2003 - 2010) với 65 tử vong (gần 50,4% số mắc).
WHO tính từ 2003 đến ngày 01/4/2024 có 889 người mắc cúm A/H5N1 ở 23 nước với 463 tử vong (52% số ca mắc).
Các nước gần Việt Nam đều có dịch: Từ năm 2003 đến nay Campuchia có 63 người mắc cúm A/H5N1 với 41 tử vong (hơn 65% số mắc); tháng 01/2024, bé 3 tuổi ở tỉnh Prey Veng nhiễm virus này. Thái Lan: 23 người mắc với 15 tử vong. Indonesia xuất hiện H5N1 từ 2005, có 192 người mắc với 160 tử vong. Gần đây nhất, tháng 02/2024, phát hiện H5N1 ở chợ huyện Xaythany, thuộc Vientiane, Lào và tháng 4, bùng phát H5N1 ở một trang trại ở miền Trung Philippine.
WHO thông tin, từ năm 2014 - tháng 6/2024 Trung Quốc có 63 người nhiễm H5N6 thì quá nửa số này mắc trong 6 tháng đầu năm 2024. Tuy số người nhiễm H5N6 thấp hơn số nhiễm H7N9 năm 2017, nhưng phần lớn ca bệnh đều nghiêm trọng hơn.
Năm 2021, Trung Quốc báo cáo 21 ca nhiễm H5N6 ở người với WHO (năm 2020 nước này có 5 ca), đa số ca nhiễm ở tỉnh Tứ Xuyên; rải rác ở Trùng Khánh, Quảng Tây, Quảng Đông, An Huy và Hồ Nam. H5N6 được phát hiện năm 2014 và ca tử vong đầu tiên của Thế giới do virus này là ở Tứ Xuyên, cùng năm. Năm 2014, Việt Nam có các ổ dịch H5N6 ở gia cầm các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi. Phú Thọ, Bắc Giang, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam.
Giải trình tự gene các mẫu H5N6 phát hiện ở Việt Nam có 99% tương đồng với H5N6 gây bệnh cho người ở Trung Quốc. Đầu năm 2020, Việt Nam có 10 ổ dịch H5N6 ở Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Nghệ An. Tháng 5/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu có ổ dịch H5N6 trên gia cầm huyện Xuyên Mộc…
Tháng 01/2024, một phụ nữ 63 tuổi, ở tỉnh An Huy, Trung Quốc, có bệnh nền, tử vong do nhiễm hai loại cúm H3N2 và H10N5.
Từ năm 2015 đến tháng 6/2024, khu vực Tây Thái Bình Dương có 98 người mắc H9N2, với 2 tử vong.
Hiện cúm gia cầm nói chung lây sang người chưa nhiều và lây người - người hầu như chưa thấy, nhưng đã nghi ngờ khả năng này, sau khi một gia đình 7 người ở Indonesia nhiễm bệnh với 6 tử vong vào tháng 5/2006?
Tuy nhiên, mức độ bùng nổ dịch gia cầm quy mô toàn cầu với nhiều chủng cúm A và ngày càng có thêm những chủng độc lực cao là báo hiệu rất xấu. Bởi với đặc tính luôn tái tổ hợp để thích nghi với vật chủ mới, khi tiến hóa đủ để thích nghi với người cúm gia cầm sẽ gây đại họa.
Lịch sử đã chứng minh khi H1N1 biến chủng thành H2N2 đã gây ra đại dịch toàn cầu (1957 - 1958, gọi là cúm châu Á, vì khởi phát từ Quý Châu, Trung Quốc) với 1,1 triệu người tử vong (ước tính của Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ; các ước tính khác từ 2 - 4 triệu). Khi H3N2 xuất hiện từ H2N2 đã gây đại dịch cúm Hông Kông (1968 - 1969), ước tính có 1 triệu người tử vong…
Khoảng 2 thập kỷ gần đây H5N1 gây dịch trên gia cầm diện rộng, gây bệnh cho người nhiều nhất là virus có khả năng cao nhất gây đại dịch cho người. Ở thời điểm đỉnh dịch COVID-19, năm 2021, ngoại trừ Yemen có tỷ lệ tử vong cao nhất 19,49%, đến Peru 9,2%, Mexico 7,7%, các nước có tỷ lệ tử vong thuộc hàng cao cũng chỉ 3 - 4%, riêng Singapore thấp nhất với 0,05%.
Dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng, 2002 - 2004) và MERS (hội chứng hô hấp cấp Trung Đông, 2012 - 2019) rất đáng sợ cũng chỉ tử vong 9,55% (774 tử vong/8.098 mắc bệnh) và 34,4% (858 tử vong/2.494 mắc bệnh), trong khi H5N1 gây tử vong đến 52%. Nếu H5N1 lây lan giữa người với người thì đại dịch quy mô toàn cầu sẽ xảy ra và tồi tệ có thể gấp hàng trăm lần COVID-19. Các nhà khoa học đã xếp Orthomyxoviridae vào nhóm 5 virus có khả năng gây đại dịch trong tương lai!
Chung tay ngăn chặn bệnh dịch cúm gia cầm, mỗi người cần tuân thủ nghiêm túc các quy định phòng bệnh khi tiếp xúc, sử dụng thực phẩm gia cầm…
Bùi Thị Vân Anh - nữ bác sỹ chữa lành "cửa sổ tâm hồn" Qua 12 năm công tác trong ngành Y tế tỉnh Quảng Trị, bác sỹ Bùi Thị Vân Anh - Bệnh viện Mắt Quảng Trị đã ... |
Tỷ lệ thương tật 87%, công nhân Công ty TNHH Châu Tiến “cầu cứu” Công đoàn Mới đây, Công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam (Nghệ An) đã có văn bản gửi LĐLĐ tỉnh Nghệ An, Bảo hiểm xã hội tỉnh ... |
Lao động sáng tạo 'để bà con mình bớt khổ' Nền y tế ngày càng hiện đại đã giúp ích con người rất nhiều. Song với những địa phương còn khó khăn thì việc người ... |