e magazine
13/06/2024 16:25
Lao động sáng tạo 'để bà con mình bớt khổ'

13/06/2024 16:25

Nền y tế ngày càng hiện đại đã giúp ích con người rất nhiều. Song với những địa phương còn khó khăn thì việc người dân đi xa, tìm đến các trung tâm y tế lớn để điều trị là điều không tránh khỏi. Với mong muốn giúp bà con mình bớt khổ, nhiều bác sĩ giỏi đã từ chối những lời mời hấp dẫn để trở về quê hương làm việc. Và để hiện thực hóa ước nguyện "cứu dân", các bác sĩ cũng phải… sáng tạo ngay chính trên mảnh đất quê nhà còn gian khó.
Lao động sáng tạo 'để bà con mình bớt khổ'
Lao động sáng tạo 'để bà con mình bớt khổ'

Một buổi sáng, chúng tôi hẹn gặp bác sĩ Hoàng Ngọc Huỳnh - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị. Cuộc tiếp xúc phải gián đoạn rất nhiều lần bởi chốc chốc bác sĩ Huỳnh lại nghe điện thoại ai đó nhờ tư vấn, hoặc có người nhà bệnh nhân cần gặp, hoặc phải đi hội chẩn gấp…

Bác sĩ Huỳnh áy náy bảo: "Anh thông cảm, công việc nhiều quá". Tất nhiên là chúng tôi sẵn sàng đợi, vì việc cứu người là quan trọng trên hết. Giữa những khoảng lắng nghỉ ngơi, câu chuyện nghề cao quý được chắp nối.

Lao động sáng tạo 'để bà con mình bớt khổ'

BS Hoàng Ngọc Huỳnh nhận bằng Chuyên khoa cấp 1 tại Trường
Đại học Y Hà Nội.

Năm 2011, sau khi tốt nghiệp ngành bác sĩ đa khoa Trường Đại học Y dược Huế, bác sĩ Hoàng Ngọc Huỳnh được tiếp nhận vào làm việc tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị theo chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh (Đề án 236).

"Mình xuất phát từ con nhà nông thôn khó khăn nên rất hiểu người nghèo. Người nghèo là thành phần thiệt thòi, dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Thế nên mình chọn theo nghề y và quay về làm việc ở quê hương để giúp bà con. Trước hết đó là mình có chuyên môn để tư vấn cho bà con những khi mắc bệnh, chẳng hạn với bệnh nhẹ thì chỉ cần khuyên bà con đến các trạm xá, các bệnh viện tuyến huyện hoặc bệnh viện tỉnh mình, tránh đi xa để đỡ tốn kém phiền hà. Những bệnh nào thuộc chuyên môn thì mình có thể trực tiếp điều trị", bác sĩ Hoàng Ngọc Huỳnh chia sẻ.

Video: bác sĩ Hoàng Ngọc Huỳnh chia sẻ về việc chọn nghề và trở về quê nhà làm việc.

Luôn khát khao cống hiến và nâng cao trình độ, từ năm 2017 - 2019, anh theo học bác sĩ chuyên khoa 1 (BSCK1) tại Trường Đại học Y Hà Nội. Ngoài ra, anh còn tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn 3 tháng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai…

Quá trình làm việc và nâng cao chuyên môn, bác sĩ Huỳnh nhận thấy tâm lý người bệnh thường muốn tìm đến những bệnh viện lớn để điều trị. Đây là một nhu cầu chính đáng và cũng là một thực trạng đặt ra với các địa phương còn khó khăn như tỉnh nhà Quảng Trị. Từ những quan sát đó, bác sĩ Huỳnh đã quyết tâm đưa những kỹ thuật mới về áp dụng trong điều trị tại bệnh viện tỉnh nhà để bà con mình bớt khổ.

Lao động sáng tạo 'để bà con mình bớt khổ'

Lao động sáng tạo 'để bà con mình bớt khổ'

Một trong những trường hợp thường gặp khi tiếp nhận bệnh nhân tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc là tình trạng đột quỵ não. Đột quỵ não gồm 2 dạng: Xuất huyết não và nhồi máu não, là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ hai sau bệnh lý động mạch vành và là nguyên nhân tàn phế số một.

Đây chính là lý do ra đời của đề tài khoa học Nghiên cứu hiệu quả của phương pháp dẫn lưu não thất kết hợp với bơm tiêu sợi huyết trong điều trị xuất huyết não thất tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị do BSCK1 Hoàng Ngọc Huỳnh chủ trì.

So với đột quỵ nhồi máu não, xuất huyết não điều trị vẫn còn rất khó khăn, di chứng nặng nề và tỷ lệ tử vong cao. Việc triển khai những kỹ thuật mới, tối ưu hóa kĩ thuật, theo dõi sát và cá thể hóa trên từng bệnh nhân là yếu tố quyết định thành công.

Lao động sáng tạo 'để bà con mình bớt khổ'

BSCK1 Hoàng Ngọc Huỳnh (người thứ 2 bên phải) nhận giải Ba tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Trị lần thứ IX (2020 - 2021).

Xuất huyết não chiếm 40,8% các trường hợp đột quỵ não tại các bệnh từ tuyến tỉnh trở lên ở Việt Nam. Trước đây, điều trị xuất huyết não chỉ đơn thuần là đặt dẫn lưu não thất. Tuy nhiên tắc dẫn lưu thường hay xảy ra, hơn nữa dẫn lưu não thất cũng không làm giảm một cách nhanh chóng lượng máu trong não thất.

Vì vậy, một phương pháp mới ra đời là tiêu sợi huyết não thất.

Đây là một kỹ thuật cao, ở nước ta được khởi đầu từ khoa Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai từ năm 2011 và sau đó cũng chỉ một vài bệnh viện lớn áp dụng. Tuy nhiên, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã triển khai kỹ thuật dẫn lưu não thất kết hợp bơm tiêu sợi huyết trong điều trị xuất huyết não thất từ cuối năm 2018. Bác sĩ Hoàng Ngọc Huỳnh là một trong những người mạnh dạn tiên phong đưa kỹ thuật này về bệnh viện tỉnh.

Có thể vắn tắt kỹ thuật này như sau: Đặt ống thông nhỏ thường được luồn qua hộp sọ vào não thất bên, nó được kết nối với thiết bị thu gom kín cho phép dịch não-tủy được dẫn lưu ra. Sử dụng thuốc tiêu sợi huyết rt-PA (Alteplase) với liều 1 mg cách 8 giờ một lần bơm vào não thất để làm tiêu nhanh máu đông trong não thất, tạo thuận lợi làm thông sớm hệ thống não thất phía dưới và từ đó tránh được biến chứng giãn não thất.

Lao động sáng tạo 'để bà con mình bớt khổ'

Bác sĩ Huỳnh (người thứ 3 bên phải) nhận bằng Lao động sáng tạo
|của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.

Đề tài của bác sĩ Hoàng Ngọc Huỳnh và cộng sự có tính khả thi cao, góp phần tạo nên một quy trình chuẩn áp dụng trong điều trị xuất huyết não thất tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị. Chính đề tài này đã đoạt giải Ba tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Trị lần thứ IX (2020 - 2021). Đồng thời, vào tháng 11/2021, bác sĩ Hoàng Ngọc Huỳnh đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo.

Phương pháp điều trị này cũng là một trong những tiêu chí quan trọng giúp đơn vị Đột quỵ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị được trao giải thưởng Vàng (Gold) vào tháng 11/2020, và giải thưởng Bạch kim (Platinum) vào tháng 12/2021 của Hội Đột quỵ thế giới.

Dù đã đạt được những thành tựu nhất định trong nghiên cứu và áp dụng y học hiện đại, tuy nhiên bác sĩ Hoàng Ngọc Huỳnh cho biết, việc điều trị đột quỵ cũng cần kết hợp với y học cổ truyền để phục hồi chức năng cho bệnh nhân.

Lao động sáng tạo 'để bà con mình bớt khổ'

Với những nghiên cứu khoa học và áp dụng điều trị, BSCK1 Hoàng Ngọc Huỳnh được các cấp khen thưởng.

Lao động sáng tạo 'để bà con mình bớt khổ'

Tại khoa y học cổ truyền, chúng tôi gặp cháu L.N.H.U. (15 tuổi, hiện sống tại xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong) đang điều trị phục hồi chức năng tích cực sau khi đột quỵ. Theo chia sẻ của mẹ cháu U., chiều ngày 26/4/2024, sau khi chơi cầu lông cháu kêu đau đầu, đến tối thì cháu bất tỉnh nên gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị. Qua chẩn đoán cấp cứu, các bác sĩ xác định cháu bị đột quỵ xuất huyết não, hôn mê sâu.

Bác sĩ Hoàng Ngọc Huỳnh cho biết, với những trường hợp này, nếu không điều trị kịp thời và tích cực thì hậu quả rất xấu. May mắn, nhờ tiến hành kỹ thuật dẫn lưu não cùng bơm tiêu sợi huyết não thất, sau 4 liều dùng thuốc rt-PA, tình trạng bệnh nhân chuyển biến tốt và 3 ngày sau đã tỉnh lại.

Đây cũng là ca bệnh trẻ tuổi nhất từ trước đến nay được áp dụng kỹ thuật bơm tiêu sợi huyết não thất tại bệnh viện tỉnh. Sau thời gian điều trị tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, cháu được chuyển sang khoa Y học cổ truyền để hồi phục chức năng.

Lao động sáng tạo 'để bà con mình bớt khổ'

BSCK1 Hoàng Ngọc Huỳnh thăm hỏi tình hình sức khỏe bệnh nhân L.N.H.U. (15 tuổi).

Qua một tháng điều trị tại bệnh viện, cháu L.N.H.U. cho biết, hiện tại đã cảm thấy khỏe, ăn uống sinh hoạt bình thường, chỉ còn mắt hơi bị yếu nên được các bác sĩ châm cứu. Mẹ cháu L.N.H.U. xúc động chia sẻ, sự may mắn của gia đình khi đã đưa cháu đến bệnh viện tỉnh kịp thời, được các bác sĩ ở đây quan tâm điều trị tích cực.

Dẫu biết y học là nghề cao quý, các bác sĩ không cần lời cảm ơn. Song chính những lời cám ơn từ gia đình bệnh nhân là nguồn động viên quý báu. Chúng tôi được tiếp xúc một lá thư như vậy từ gia đình ông Nguyễn Văn Lữ (76 tuổi ở xã Triệu An, huyện Triệu Phong).

Video: chia sẻ của gia đình bệnh nhân L.N.H.U.

Theo thư cám ơn, tháng 8/2022, ông Lữ bị đột quỵ được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị trong tình trạng hôn mê. Quá trình điều trị, có những lúc gia đình giao động muốn xin chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế, hoặc xin đưa về nhà để lo hậu sự, nhưng được các bác sĩ giải thích nên gia đình tin tưởng ở lại điều trị.

Thời gian điều trị ở đây, gia đình chứng kiến sự làm việc tận tình, nhanh nhẹn, giỏi về chuyên môn cũng như tấm lòng thương yêu người bệnh thật sự của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. Gia đình vô cùng xúc động trước niềm vui tột cùng được đón người thân về nhà bình an, hạnh phúc, và tự hào sự phát triển vượt bậc của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị về con người, về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, tạo niềm tin cho Nhân dân.

Lao động sáng tạo 'để bà con mình bớt khổ'

Cấp cứu can thiệp cứu sống bệnh nhân đột quỵ thành công tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị.

Lao động sáng tạo 'để bà con mình bớt khổ'

Theo chia sẻ của BSCK1 Hoàng Ngọc Huỳnh, tình trạng đột quỵ ở nước ta nói chung, hay Quảng Trị nói riêng, ngày càng tăng và trẻ hóa. Trước đây đột quỵ thường chỉ ở độ tuổi trên 60, nhưng gần đây đã có những bệnh nhân tuổi 30 - 40, thậm chí là 15 tuổi như trường hợp cháu L.N.H.U. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, hiện tại mỗi quý tiếp nhận khoảng 200 bệnh nhân đột quỵ. Đây là những thông tin đáng báo động, cần phải có một chiến lược dự phòng.

Lao động sáng tạo 'để bà con mình bớt khổ'

BSCK1 Hoàng Ngọc Huỳnh (người thứ 2 bên phải) đại diện Đơn vị Đột quỵ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị nhận giải Vàng của Hội Đột quỵ thế giới.

Bác sĩ Huỳnh cũng mong muốn bệnh viện tỉnh mình phát triển nhiều hơn nữa, chuyên sâu hơn nữa, đầu tư máy móc tốt hơn nữa, để cứu được người dân quê mình nhiều hơn. Chẳng hạn riêng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cần có thêm các máy móc hiện đại như hệ thống hạ thân nhiệt...

"Dân quê mình nghèo, đi xa, đi nhiều rất tốn tiền. Đặc biệt bệnh nhân đột quỵ thì thời gian là vàng, di chuyển càng nhanh đến bệnh viện thì cơ hội càng cao, vì thế bệnh viện tỉnh phải là nơi cứu dân mình trước tiên" - BSCK1 Hoàng Ngọc Huỳnh chia sẻ thêm.

Lao động sáng tạo 'để bà con mình bớt khổ'

Tác phẩm tham dự Cuộc thi viết về “Công nhân và Công đoàn Quảng Trị” năm 2024.

Mời độc giả xem thêm TẠI ĐÂY

Bài viết: HOÀNG CÔNG DANH

Ảnh, video: H.C.D - N.V.C.C

Đồ họa: THIÊN SƠN

Xem phiên bản di động