Anh Núi chia sẻ khó khăn cùng cán bộ địa phương. |
Theo chân ông Bùi Ngọc Hải, Trưởng Đài phát thanh xã Lai Vu, huyện Kim Thành (Hải Dương) đến tìm hiểu về đời sống công nhân lao động tại các xóm trọ trên địa bàn, phóng viên cuocsongantoan.vn đã được chứng kiến nhiều mảnh đời khó khăn tại đây.
Ông Hải cho biết, xã Lai Vu hiện có hơn 200 hộ kinh doanh nhà trọ, với trên 2.500 công nhân lao động đang làm việc tại KCN Lai Vu (Kim Thành, Hải Dương) thuê trọ. Phần lớn số lao động này đều là người đến từ các tỉnh Nghệ An, Lai Châu, Sơn La… và hiện làm việc tại công ty TNHH May Tinh Lợi và Dệt Pacific. Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, rất nhiều CNLĐ tay nghề thấp bị mất việc, còn lại đa phần thu nhập, việc làm rất bếp bênh, bị cắt giảm giờ làm, tiền hỗ trợ xăng xe, nhà trọ.
Chia sẻ với phóng viên, chị Vi Thị Sáng, công nhân Công ty TNHH May Tinh Lợi cho biết: “Trước đây, việc thì nhiều, lương cũng tạm ổn, cùng các khoản thưởng chuyên cần, rồi xăng xe và nhà trọ cũng được 600 nghìn mỗi tháng. Giờ thì việc ít, các khoản bị cắt hết, nhất là nguy cơ mất việc chỉ vì một lỗi nhỏ trong lúc làm việc khiến chúng tôi luôn căng thẳng. Làm tiếp thì không đủ chi phí sinh hoạt, mà về quê cũng không đành vì không biết lấy gì mà sống?”.
Theo tìm hiểu, từ những ngày cuối tháng 3 đến nay, các hộ kinh doanh nhà trọ tại Lai Vu đã đồng loạt giảm 150.000 - 200.000 nghìn tiền thuê phòng và miễn phí tiền điện, nước hàng tháng cho công nhân lao động. Thậm chí nhiều hộ còn cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn ở hoàn toàn miễn phí.
Anh Vi Văn Núi có vợ vừa sinh em bé là một trong những người có hoàn cảnh khá đặc biệt tại xóm trọ nhà ông Bùi Duy Cần, tại thôn Quyết Tâm, xã Lai Vu. Vợ chồng anh Núi đều là công nhân Công ty TNHH May Tinh Lợi. Vợ vừa nghỉ chế độ thai sản, chồng sau đó cũng bất đắc dĩ trở thành người thất nghiệp do đợt cắt giảm nhân công của doanh nghiệp.
Theo anh Núi cho biết, hai vợ chồng anh là người ở một xã nghèo thuộc huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Qua đơn vị tuyển dụng, hai vợ chồng cùng khăn gói ra Hải Dương làm việc. Lương cộng lại cũng tạm đủ cho mọi sinh hoạt cá nhân và tích góp được đôi chút gửi về cho gia đình hai bên.
“Đến nay, mọi hy vọng đang dần khép lại, khó khăn chồng chất, chắc vợ chồng tôi phải kéo nhau về quê thôi nhưng cháu nó mới sinh còn yếu, rồi giờ về mà phải đi cách ly thì cũng không biết thế nào nữa”, anh Núi giãi bày.
Bà Tín hỏi thăm tình hình công việc của CNLĐ thuê trọ. |
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Duy Cần, chủ hộ kinh doanh nhà trọ tại thôn Quyết Tâm, xã Lai Vu cho biết: “Nhà tôi có 20 phòng trọ, mỗi phòng là mỗi hoàn cảnh khác nhau, thương lắm. Đặc biệt là đôi vợ chồng mới sinh con (nhà anh Núi), rất khó khăn. Cũng chẳng giúp được gì, gia đình tôi chỉ biết động viên các cháu nên ở lại đây để chăm cho bé cứng cáp, rồi muốn về quê thì về, nhất là lúc dịch bệnh nguy hiểm thế này. Tôi và gia đình để các cháu ở đến bao giờ thì ở, không thu tiền phòng, mong là chồng nó có thể kiếm được việc làm khác mà lo thêm cho vợ con”, ông Cần chia sẻ.
Đồng tình với nghĩa cử của ông Cần, bà Bùi Thị Tín, một chủ nhà trọ khác cho biết: “Thực tế thời gian này, nhiều cháu bị mất việc làm, mất thu nhập đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống. Để san sẻ gánh nặng cùng các cháu, chúng tôi tùy vào tình hình thực tiễn của dịch bệnh sẽ tiếp tục giảm thêm tiền thuê vào các tháng tiếp theo”.
Covid-19: Cập nhật thông tin mới nhất ngày 9/4 Tính đến 7h sáng ngày 9/4, Covid-19 đã xuất hiện ở 209 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 1,51 triệu người nhiễm virus corona ...
|