Chị Trần Thị Ngân (Công nhân Công ty CP Môi trường – Đô thị Đà Nẵng) kể về những kỷ niệm khi trả lại đồ bị đánh rơi. |
Sau vài lần từ chối vì "nhặt của rơi trả lại là việc đương nhiên mà", chúng tôi cũng gặp được chị Trần Thị Ngân, một trong những người lao động tiêu biểu của phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Chiều muộn, chúng tôi theo chân chị Ngân bắt đầu ca làm việc trên tuyến phố Bạch Đằng, Đà Nẵng. Tuyến phố này chị đã được công ty phân công quét dọn trong nhiều năm liền và cũng từ đây, các câu chuyện buồn vui của những lần nhặt của rơi mang trả lại người mất gắn liền với công việc của chị.
Sinh ra trong gia đình nghèo khó, mẹ chị vất vả nuôi 4 chị em khôn lớn. Để đỡ đần phụ mẹ cho em đi học, chị rời vùng quê lúa yên bình Quế Sơn, Quảng Nam để ra thuê trọ ở Đà Nẵng tìm việc. Căn trọ nhỏ ở quận Sơn Trà, nơi chị và chồng mới cưới dọn vào ở là nơi hai người nương náu. Cuộc sống khó khăn là vậy, nhưng chị Ngân vẫn giữ cho mình một tinh thần lạc quan và tấm lòng giúp đỡ mọi người.
Chị kể, có lần nhặt được điện thoại và giấy tờ tùy thân, lần mò mãi mà không mở khóa để gọi cho người nhà nên chị cẩn thận cất bên mình trong suốt giờ làm. Hôm đó, dù tan ca làm đã lâu, chị vẫn nán lại đợi chủ nhân nhưng vẫn không thấy ai quay lại tìm. Sau tháo sim gọi được cho người nhà đến nhận, họ còn nghĩ là khó tìm lại nên khi nhận điện thoại giấy tờ từ chị trao trả đã rất cảm động.
Vậy nhưng, không phải lúc nào lòng tốt của chị cũng được mọi người nhìn nhận đúng. Một kỉ niệm buồn mà chị nhớ nhất trong những lần trả lại của rơi là một dịp nhặt được túi xách có cả ví tiền và điện thoại. Số tiền trong ví khá lớn, nhưng chị Ngân tâm niệm, có thể người mất lúc này đang gần số tiền vào việc quan trọng nên chị cố gắng liên lạc với chủ nhân thật sớm. Ấy vậy mà, khi vừa đến nơi, người chủ làm mất đã tỏ thái độ nghi ngờ lòng thành của chị, vội tìm xem mất gì không và đếm lại tiền ngay. “Lúc đó mình cũng tủi chứ, khó chịu nữa, vì mình giúp đỡ thì không nghĩ ngợi gì, nhưng đáp lại chỉ nhận được sự hoài nghi. Buồn thì có buồn, nhưng tôi gạt qua một bên vì hiểu được ý nghĩa việc mình làm”, chị Ngân chia sẻ.
Chị Ngân trong buổi làm việc của mình. |
Cũng theo chị, gia đình chính là nơi dạy dỗ chị hiểu rõ ý nghĩa câu “đói cho sạch, rách cho thơm” nên dù cuộc sống khó khăn, nhưng với những đồ vật người khác đánh rơi, chị chỉ mong tìm lại được chủ. “Mẹ mình nghiêm khắc lắm, từ nhỏ các chị em của nhà đã được mẹ dạy không được lấy của ai cái gì. Mẹ biết sẽ đánh đòn ngay. Vì vậy chị em chúng tôi đều không bao giờ có tư tưởng xấu trước của cải của người khác”, chị Ngân chia sẻ.
Trưởng thành hơn, ở nơi làm việc, được Công đoàn cho tham gia những buổi chia sẻ học tập theo gương Bác, chị càng trân trọng những việc mà mình đã làm. Từ những lần nhặt của rơi trả lại, năm 2016, chị vinh dự được LĐLĐ Đà Nẵng khen tặng là một trong những người lao động tiêu biểu của phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Chúng tôi kết thúc trò chuyện để chị Ngân tiếp tục với ca làm của mình. Chia tay chúng tôi bằng nụ cười hiện hữu sau lớp khẩu trang vải dày bảo hộ, những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán càng tô đậm hơn nét đẹp người lao động với tấm lòng thật đáng trân quý.
Covid-19: Cập nhật thông tin mới nhất ngày 18/5 Đến 7h sáng ngày 18/5, số người nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã lên tới gần 4,8 triệu người với hơn 316 nghìn người đã ... |
Con gái xin cơm từ thiện để chăm sóc bố bị tai nạn liệt nửa người Tình trạng bệnh tình của người lao động dân tộc thiểu số Sùng Mí Thà, quê Hà Giang hiện vẫn chưa có tiến triển tốt. ... |
Ấn Độ: Hàng chục nghìn người lao động bỏ phố về quê vì Covid-19 Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng chục nghìn người lao động mất việc làm ở Ấn Độ đang phải rời bỏ những thành phố ... |