Khu cách ly đủ wifi, nước nóng lạnh, sẵn sàng phục vụ chống dịch covid-19 ở Thái Nguyên - Ảnh: thainguyentv |
Dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona gây ra (Covid-19) vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Cả nước ghi nhận đã có 16 ca nhiễm, hàng nghìn người nghi nhiễm hiện đang phải cách ly. Vấn đề đặt ra là nếu công nhân, người lao động bị nghi nhiễm virus corona và buộc phải cách ly thì họ sẽ được hưởng quyền lợi, chế độ gì?
Thực tế, tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, “tâm dịch” của cả nước hiện nay, các cơ quan chức năng đã tiến hành cách ly toàn bộ số người trong xã (lên tới hơn 10.000 người). Mỗi người bị cách ly ở đây được hỗ trợ 40.000 đồng/ngày. Song, đó là chế độ do địa phương đưa ra. Điều đáng nói là hiện pháp luật chưa có quy định về chế độ nghỉ, hỗ trợ đối với trường hợp người lao động bị cách ly vì nghi nhiễm bệnh dịch. Điều này khiến cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động, người lao động lúng túng, phân vân.
Xung quanh vấn đề này, trên Báo Diễn đàn doanh nghiệp, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh cho biết, không chỉ pháp luật hiện nay mà ngay cả Bộ luật Lao động 2019 đã được Quốc hội thông qua, sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 tới đây cũng không quy định trường hợp này.
Khu cách ly đặt tại Công ty Centre Way (Móng Cái, Quảng Ninh), nơi cách ly hơn 100 người lao động sau khi nhập cảnh từ Trung Quốc về nước - Ảnh: thanhnien.vn |
Dịch bệnh như virus corona là vấn đề chung của cả cộng đồng. Nếu người lao động bị cách ly xin nghỉ làm với lý do ốm cũng không hoàn toàn phù hợp, bởi ốm đau có thể tạm thời xin nghỉ trong thời gian nhất định, nhưng cách ly vì dịch bệnh thì không chắc sẽ là bao nhiêu ngày (nếu cách ly rồi nhiễm bệnh thì thời gian ra viện phụ thuộc vào việc tiến triển trong điều trị). Người sử dụng lao động cũng không biết phải ứng xử với người lao động như thế nào. Do đó, trường hợp này sẽ phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Ở đây xảy ra tình huống việc áp dụng chế độ đối với người lao động mỗi nơi sẽ khác nhau, gây thiệt thòi cho người lao động.
Theo Luật sư Hòa, trong trường hợp dịch bệnh như hiện nay, khi chưa có quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động tạm thời coi đây như những trường hợp ốm đau, người lao động không có lỗi, vì đó là việc hoàn toàn khách quan. Người sử dụng lao động nên trả người lao động một khoản tiền, hỗ trợ vật chất cho người lao động trong trường hợp không mong muốn này.
Người dân xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc được cung cấp nhu yếu phẩm khi bị cách ly - Ảnh: SaoStar |
Vẫn theo Luật sư Hòa, Bộ luật Lao động 2019 đã được thông qua, đặt vấn đề bổ sung tình huống này vào luật là không khả thi, song thực tế cuộc sống luôn phong phú hơn luật. Cách nhanh nhất là các cơ quan có thẩm quyền như Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội… cùng phối hợp ra văn bản hướng dẫn cụ thể như trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 hiện nay; quy định rõ những quyền, lợi ích của người lao động đang bị cách ly vì dịch bệnh; hướng dẫn người sử dụng lao động những biện pháp hỗ trợ người lao động bị cách ly để làm cơ sở cho các đơn vị, doanh nghiệp thống nhất thực hiện.
Mặt khác, với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, có khả năng lây lan nhanh; đối với những trường hợp bắt buộc phải cách ly, cơ quan có thẩm quyền nên quy định rõ ràng ai sẽ là người chịu trách nhiệm thanh toán các khoản về bảo hiểm, chế độ làm việc, nghỉ ngơi, tiền lương… Còn với trường hợp người lao động không bị bắt buộc cách ly, nhưng thuộc đối tượng nghi ngờ và tình nguyện tự cách ly thì người sử dụng lao động nên tạo điều kiện cho họ, vì lợi ích của mình, các nhân viên khác và cả cộng đồng.
Nước mắt chảy xuôi |
Vệ sinh điện thoại thế nào để phòng chống virus corona? |
Tận cùng nỗi đau của nữ công nhân có chồng, con và cả bản thân mang trong mình bạo bệnh |