Ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu: Việt Nam không thể chậm hơn
Kinh tế - Xã hội - 08/02/2023 07:36 Nguyễn Ngọc
Ngay từ đầu năm 2023, những thông tin về một số quốc gia trên thế giới sẽ chính thức áp dụng Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 đã nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang sử dụng công cụ ưu đãi thuế để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Cụ thể, ngày 15/12/2022, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua kế hoạch áp thuế suất tối thiểu 15%; hay Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua Đạo luật Điều chỉnh Thuế quốc tế, áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu từ ngày 01/01/2024.
Theo đó, các công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu EUR trở lên sẽ bị áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15%. Dễ hiểu hơn, khi các công ty này đi đầu tư ở nước ngoài mà nộp thuế thu nhập tại nước đầu tư dưới mức 15% thì sẽ phải nộp phần chênh lệch tại nước nơi họ có trụ sở chính.
Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu là một nội dung chính trong chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng và đã được hơn 140 quốc gia đồng thuận, trong đó có Việt Nam.
Công cụ tốt để chống chuyển giá, trốn thuế
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE), thời gian qua, Việt Nam vẫn duy trì ổn định sự tăng trưởng trong việc thu hút nguồn FDI. Tuy vậy, thực tiễn có nhiều doanh nghiệp FDI ở Việt Nam đã liên tục báo cáo thua lỗ, song vẫn tiếp tục mở rộng phạm vi kinh doanh của mình.
“Tình trạng các tập đoàn xuyên quốc gia, đặc biệt là các tập đoàn lớn tận dụng nơi nào đó đánh thuế, hoặc bằng 0, hoặc thuế rất thấp để thu hút các tập đoàn xuyên quốc gia chuyển lợi nhuận về đấy và chịu thuế suất rất thấp. Đây thực chất là động tác chuyển giá. Để khắc phục bài toán này là cực kỳ khó đối với nhiều nước không chỉ Việt Nam”, ông Toàn nêu.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE) |
Vì vậy, quy tắc này là một cải cách thuế tiến bộ, nhằm hạn chế thực trạng nhiều công ty lớn lập kế hoạch giảm thiểu thuế bằng cách chuyển lợi nhuận sang các thiên đường thuế, hay hoạt động kinh doanh qua nền tảng số xuyên quốc gia mà không hiện diện vật lý.
“Khi áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu này thì có thể hạn chế được tình trạng chuyển giá rất nhiều bởi mặt bằng áp dụng thuế là 15%. Đây cũng là công cụ tốt để chống được hiện tưởng chuyển giá, và gia tăng nộp thuế tại Việt Nam”, ông Toàn nhìn nhận.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh việc góp phần tăng nguồn thu từ thuế, hạn chế các hiện tượng trốn, tránh thuế, chuyển giá…, thì việc tham gia triển khai thuế tối thiểu toàn cầu góp phần tăng cường hội nhập quốc tế của Việt Nam nói chung, cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế nói riêng sẽ góp phần cải thiện hình ảnh của Việt Nam trong mắt các đối tác, nhà đầu tư quốc tế.
“Việc tích cực tham gia, thực hiện các công cụ, khuôn khổ pháp lý của OECD góp phần hoàn thiện khung pháp lý về thuế của Việt Nam nói riêng và thúc đẩy sửa đổi chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam theo hướng giảm ưu đãi về thuế và tăng cường cạnh tranh bằng môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng, nhân lực...”, ông Lực nêu rõ.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế |
Giảm sức cạnh tranh trong thu hút FDI vào Việt Nam
Tuy nhiên, theo TS. Cấn Văn Lực, một trong những công cụ để thu hút vốn FDI vào Việt Nam là miễn giảm thuế trong một thời gian nhất định. Vì vậy, khi áp dụng Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu sẽ làm giảm sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư của Việt Nam.
Trên thực tế, dù thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay ở mức 20%, song Việt Nam đang áp dụng cơ chế ưu đãi thuế dựa trên địa bàn, lĩnh vực được khuyến khích đầu tư và quy mô dự án.
Các ưu đãi bao gồm: ưu đãi thuế suất (10% lên đến 15 năm và 20% lên đến 10 năm); miễn, giảm thuế có thời hạn (tối đa đến 9 năm); cho phép chuyển lỗ (trong vòng 5 năm); miễn đánh thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài; hoàn thuế cho lợi nhuận tái đầu tư; cho phép được khấu hao nhanh. Ở các khu kinh tế đặc biệt, cơ chế ưu đãi có thể còn nhiều hơn, dài hạn hơn.
“Các ưu đãi về thuế, giảm tiền thuê đất... đã góp phần giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất sản xuất, xuất khẩu, nâng cao sức cạnh tranh của các nhà đầu tư, đồng thời thu hút mạnh mẽ vốn FDI vào Việt Nam”, ông Lực nhìn nhận.
Vì vậy, nếu mức thuế tối thiểu 15% được áp dụng thì những ưu đãi về thuế để thu hút vốn FDI sẽ không còn hiệu lực.
“Khi khung thuế ưu đãi thay đổi sẽ làm mất tính ổn định chính sách đầu tư đối với nhà đầu đã vào Việt Nam, và cũng ảnh hưởng đến nhà đầu tư đã và đang dự định đầu tư vào Việt Nam, thậm chí cũng ảnh hưởng đến doanh nghiệp đang đầu tư và có kế hoạch mở rộng tại Việt Nam”, ông Lực quan ngại.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, dù có cơ hội tăng thu cho ngân sách, song việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với việc duy trì tính cạnh tranh về môi trường đầu tư của Việt Nam
“Khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, các nhà đầu tư sẽ phải nộp bổ sung phần thuế chênh lệch về chính quốc, khiến các biện pháp ưu đãi thuế không còn mang lại nhiều tác dụng”, ông Hiếu nói.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội |
Chính vì vậy, ngày 4/8/2022, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 55/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD.
Hiện nay, Tổ công tác đang được kiện toàn nhân sự để nhanh chóng xây dựng khung pháp lý nội luật về thuế thu nhập doanh nghiệp liên quan đến việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, để đảm bảo các chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được thực thi hiệu quả.
Cần phải hành động nhanh và quyết liệt
Trên thực tế, không chỉ Việt Nam mà các quốc gia trên thế giới đang rất tích cực, chủ động trước vấn đề này, thậm chí đã có những hành động cụ thể. Những nước đi đầu tư như EU, Hàn Quốc, Anh, Nhật Bản… đều đã thông qua hoặc đang ráo riết sửa đổi các quy định liên quan để áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu nhằm thu thuế bổ sung từ năm 2024.
Ngược lại, những nước tiếp nhận đầu tư như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… cũng đều đã có các động thái quyết liệt để tìm giải pháp nhằm ứng phó, giữ chân nhà đầu tư trước ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu.
Vì vậy, ông Hiếu cho rằng, Việt Nam không thể chậm trễ trong việc rà soát chính sách hiện hành một cách toàn diện để tìm hướng đi phù hợp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực, đảm bảo vị thế cạnh tranh của môi trường đầu tư.
Tổ công tác của Chính phủ cần phải có hành động khẩn trương quyết liệt hơn nhằm đưa ra giải pháp sửa đổi kịp thời các thể chế và trình sửa đổi các luật liên quan lên Quốc hội. Bởi thực tế, thay đổi thể chế ở đây là không chỉ là phải thay đổi nội luật mà còn đòi hỏi thay đổi cả ngoại luật như liên quan đến các Hiệp định thương mại đầu tư buộc Việt Nam phải đàm phán và sửa đổi.
“Những thay đổi này này liên quan đến rất nhiều luật, từ luật về thuế, từ luật về đầu tư, các luật chuyên ngành, thậm chí có những luật cái liên quan đến điều ước quốc tế đầu tư thương mại giữa các quốc gia. Trong khi chúng ta không thể kiểm soát về mặt thời gian nên cần phải hành động nhanh quyết liệt”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Về giải pháp thu hút FDI thay thế cho những ưu đãi về thuế, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, ngoài việc cải thiện môi trường kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư dễ dàng vào Việt Nam thì các chính sách sắp tới phải đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ đầu tư, nhất là các biện pháp hỗ trợ sau thuế theo xu thế chung và phù hợp với các cam kết quốc tế.
“Trước đây mình chỉ làm đất sạch để nhà đầu tư vào, thì nay các địa phương có thể xây dựng sẵn hạ tầng miễn phí thay vì ưu đãi thuế để thu hút các nhà đầu tư FDI. Hay, các bộ ngành và địa phương cần có những chính sách thu hút nguồn nhân lực, đào tạo nhân lực để các doanh nghiệp này có thể tuyển dụng và sử dụng ngay sau khi đầu tư”, ông Toàn gợi ý.
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 23/11/2024 11:08
Lô xe Omoda C5 đầu tiên cập bến Việt Nam, ra mắt vào ngày 26/11
Lô xe Omoda C5 đầu tiên đã cập cảng để chuẩn bị cho chương trình ra mắt vào ngày 26/11, được nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia.
Kinh tế - Xã hội - 23/11/2024 11:01
Range Rover Velar 2025 ra mắt Việt Nam với 7 phiên bản
Mẫu SUV hạng sang Range Rover Velar 2025 đã chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam với nhiều nâng cấp đáng giá. Xe được cung cấp với ba phiên bản chính là S, Dynamic SE và Dynamic HSE, đi kèm hai tùy chọn động cơ xăng và một tùy chọn hệ truyền động plug-in hybrid.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 18:55
Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp 3,5 lần so với vùng đồng bằng, đô thị; tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc Mông cao gấp 7-8 lần so với dân tộc Kinh, Tày.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 14:42
Nâng cao năng lực ứng phó sự cố môi trường và cháy nổ trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Các doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đã không ngừng nỗ lực triển khai các biện pháp phòng cháy chữa cháy (PCCC) để giảm thiểu tối đa rủi ro, bảo vệ môi trường và tài sản.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 11:30
Địa ốc Đà Nẵng lột xác toàn diện, bước vào giai đoạn tăng trưởng mới
Trong đà tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường địa ốc Đà Nẵng năm 2024, ghi nhận dấu ấn và vai trò lực đẩy của những tổ hợp bất động sản đẳng cấp ven sông Hàn với quy hoạch bài bản cùng hệ thống tiện ích cao cấp theo mô hình “all-in-one” tiên phong.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 10:00
VietinBank tăng trưởng CASA, tối ưu hóa nguồn vốn huy động và góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh
Các giải pháp mang tính chiến lược này đã giúp VietinBank không chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng biểu tượng CASA mà còn tiết giảm chi phí vốn (COF), cải thiện biên lợi nhuận (NIM), và khẳng định vị trí tiên phong trong lĩnh vực lĩnh vực thanh toán số hiện đại.