|
Những năm gần đây, khi cụm từ “chuyển đổi số” trở thành xu hướng bắt buộc trong mọi lĩnh vực, ngành cấp nước – tưởng chừng là ngành hạ tầng kỹ thuật ít thay đổi – cũng đứng trước nhu cầu cấp thiết phải đổi mới. Trong làn sóng đó, chị Dương Thị Ngọc Hân chính là người “đi đầu mở lối” tại Trung An, bằng một loạt các sáng kiến công nghệ mang tính đột phá, giúp nâng cao hiệu quả quản lý và cải thiện trải nghiệm người dùng. Một trong những sáng kiến nổi bật là giải pháp tạo mã QR để tra cứu thông tin và thanh toán tiền nước trực tuyến. Trong bối cảnh nhu cầu thanh toán điện tử ngày càng phổ biến, chị Hân nhận ra rằng việc tích hợp mã QR vào hệ thống thanh toán không chỉ giúp khách hàng dễ dàng kiểm tra thông tin sử dụng nước, mà còn mở ra cánh cửa mới cho một hệ sinh thái dịch vụ điện tử tiện lợi và nhanh chóng. |
|
Với sáng kiến này, khách hàng chỉ cần quét mã QR trên giấy báo tiền nước, biên nhận thu tiền, hay thậm chí ngay trên điện thoại để truy cập vào App MyTawaco – ứng dụng chăm sóc khách hàng do chính chị và đội ngũ CNTT của công ty phát triển – và thực hiện các giao dịch thanh toán nhanh gọn. Không cần ghi nhớ mã danh bộ, không cần đến quầy giao dịch, khách hàng vẫn có thể thực hiện mọi thao tác chỉ với vài cú chạm. Việc triển khai đồng bộ mã QR tại các điểm giao dịch, các kênh thu hộ và trên các thông báo đến khách hàng đã mang lại hiệu quả rõ rệt: giảm áp lực cho các quầy giao dịch, rút ngắn thời gian thanh toán, tăng tỷ lệ khách hàng thanh toán đúng hạn, và quan trọng nhất là tạo thói quen thanh toán điện tử trong cộng đồng – một thói quen văn minh và hiện đại. Tính đến nay, sáng kiến này đã giúp công ty tiết kiệm chi phí đáng kể do giảm nhân sự thu tiền tận nhà – vốn trước đây là phương thức chủ yếu. "Chúng tôi muốn mỗi tờ hóa đơn nước không còn là phiền toái, mà trở thành cầu nối giữa khách hàng với công nghệ. Việc quét mã QR không chỉ để thanh toán, mà còn để truy cập thông tin, cài đặt ứng dụng MyTawaco, nhận cảnh báo bất thường…”, chị Hân chia sẻ. Nhờ đó, Công ty đã tiết kiệm hơn 672 triệu đồng/năm từ việc giảm nhu cầu thu tiền tận nhà và nâng cao tỷ lệ thanh toán điện tử. Không chỉ tập trung vào trải nghiệm khách hàng, chị Hân còn chủ động đưa công nghệ vào cải tiến vận hành nội bộ. Một điển hình là phần mềm Xử lý sự cố trực tuyến – được triển khai từ cuối năm 2020. Trước đây, các thông tin về sự cố mạng lưới cấp nước thường được báo về từ nhiều kênh khác nhau như điện thoại, Zalo, Viber… và việc tổng hợp, xử lý phụ thuộc khá nhiều vào nhân sự, gây chậm trễ. Việc đối chiếu vật tư, ghi nhận hình ảnh hiện trường… cũng còn thủ công, tản mạn. |
Với phần mềm mới, mọi thông tin được nhập và lưu trữ tập trung, tích hợp với các hệ thống như GIS (bản đồ địa lý), quản lý khách hàng, quản lý vật tư. Nhờ đó, các đội thi công – sửa chữa có thể nhanh chóng định vị sự cố, đánh giá mức độ qua hình ảnh/video, điều phối nhân sự hợp lý và rút ngắn đáng kể thời gian xử lý. Riêng trong năm 2021 – thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn ra khốc liệt, dù số lượng sự cố giảm do các công trình tạm dừng hoạt động, phần mềm vẫn giúp tiết kiệm hơn 724 triệu đồng nhờ giảm thất thoát nước, giảm chi phí xử lý thủ công. |
Một giải pháp khác tưởng như rất cụ thể, nhưng lại có tác động lớn là phần mềm hỗ trợ thay đồng hồ nước. Trước đây, việc thay đồng hồ ở các vị trí khó tiếp cận (nhà đổi chủ, không có người ở…) thường bị tồn đọng, gây thất thoát nước hoặc chậm quyết toán. Ứng dụng do chị Hân phát triển cho phép nhận thông tin thay đồng hồ trực tuyến, định vị vị trí đồng hồ qua bản đồ GIS, cập nhật trạng thái đồng hồ qua màu sắc trực quan, lưu trữ hình ảnh hiện trường, và tự động liên kết với kho vật tư để quyết toán. |
Nhờ đó, thời gian xử lý được rút ngắn đáng kể, và dù khối lượng thay đồng hồ tăng theo năm, công ty không cần tuyển thêm nhân sự, ước tính tiết kiệm 336 triệu đồng mỗi năm. Một lần nữa, công nghệ đã chứng minh giá trị không chỉ ở mặt kỹ thuật, mà cả ở mặt nhân sự – tài chính – chiến lược. Không dừng lại ở đó, chị Hân tiếp tục phát triển và hoàn thiện ứng dụng MyTawaco, biến đây thành một nền tảng đa chức năng, đáp ứng hầu hết nhu cầu của khách hàng: từ tra cứu chỉ số nước, lịch sử thanh toán, đăng ký lắp đặt hoặc tái lập đồng hồ nước, báo sự cố mạng lưới, cho đến nhận thông báo tự động thông qua Notification (thay cho tin nhắn SMS có phí). Nhờ đó, khách hàng không còn phụ thuộc hoàn toàn vào việc gọi tổng đài hay đến trực tiếp quầy, mà có thể tự quản lý tài khoản sử dụng nước của mình chỉ qua chiếc smartphone. Hiện nay, 131.204 khách hàng – chiếm 54,73% tổng khách hàng – đang sử dụng App MyTawaco. Một con số biết nói, thể hiện sự tin tưởng và tiện ích mà ứng dụng mang lại. Đặc biệt, dù số lượng khách hàng tăng trưởng hàng năm, công ty không cần tuyển thêm nhân sự cho bộ phận giao dịch hay tổng đài, tiết kiệm được khoảng 336 triệu đồng mỗi năm. Đồng hành cùng những sáng kiến ấy là phong cách làm việc khoa học, tư duy đổi mới không ngừng nghỉ và tinh thần tiên phong ứng dụng công nghệ. Trong mắt đồng nghiệp, chị Hân không chỉ là một trưởng phòng giỏi chuyên môn mà còn là người truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ trong ngành – đặc biệt là phụ nữ làm việc trong lĩnh vực công nghệ, vốn không dễ dàng. “Chị Hân luôn tâm niệm: làm công nghệ là để phục vụ con người, chứ không phải để phô trương kỹ thuật. Chính cách nghĩ đó khiến những giải pháp của chị luôn gần gũi, dễ ứng dụng và mang lại hiệu quả thật sự,” một đồng nghiệp nhận xét. |
|
Chủ tịch Công đoàn Công ty Cấp nước Trung An, Nguyễn Văn Tâm, nhận xét: “Chị Dương Thị Ngọc Hân không chỉ là một cán bộ kỹ thuật giỏi mà còn là tấm gương sáng trong phong trào thi đua lao động giỏi – lao động sáng tạo của công ty. Những sáng kiến của chị đều xuất phát từ thực tiễn, gắn liền với lợi ích của khách hàng và đồng nghiệp. Công đoàn đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy và đặc biệt là tính lan tỏa tích cực từ những nỗ lực của chị Hân. Chị đã góp phần tạo động lực để nhiều đoàn viên khác mạnh dạn hơn trong đề xuất, cải tiến kỹ thuật, góp phần xây dựng tập thể lao động vững mạnh, đoàn kết và sáng tạo”. Với những đóng góp không ngừng nghỉ, trong nhiều năm liền, chị Hân đã liên tiếp nhận các danh hiệu, như: Đoàn viên Công đoàn xuất sắc, Chiến sĩ thi đua cơ sở, Bằng khen UBND TP. HCM… Đặc biệt, năm 2024, chị vinh dự là một trong số 15 gương lao động sáng tạo tiêu biểu được nhận giải thưởng Tôn Đức Thắng của LĐLĐ TP. HCM. Dù đạt được nhiều thành quả đáng tự hào, chị Dương Thị Ngọc Hân vẫn không dừng lại. “Chuyển đổi số không phải đích đến, mà là hành trình. Mỗi ngày, tôi và đội ngũ đều nghĩ xem còn chỗ nào có thể rút ngắn thao tác, giảm thủ tục, nâng cao trải nghiệm cho khách hàng hơn nữa không?”, chị cười hiền, ánh mắt lấp lánh niềm tin vào tương lai. Trong dòng chảy của nước, có một “dòng chảy” khác âm thầm và mạnh mẽ không kém – đó là dòng chảy của chuyển đổi số, của những sáng tạo thầm lặng nhưng bền bỉ. Và chị Hân – người phụ nữ giản dị, điềm đạm ấy – chính là người đang lặng lẽ kết nối, kiến tạo nên dòng chảy đó, để nước không chỉ đến đúng nơi, đúng lúc, mà còn đến bằng niềm tin, sự tiện lợi và hài lòng của người dân thành phố.
|
Bài viết: TRẦN LƯU Thiết kế: TRƯỜNG SƠN |