Công ty Miwon Việt Nam nơi xảy ra vụ tai nạn lao động khiến 5 người lao động tử vong. Ảnh: NGỌC TIẾN |
Về vụ việc đáng tiếc xảy ra tại Công ty DEASANG Việt Nam (hay còn gọi là Công ty Miwon), ở Việt Trì, Phú Thọ), luật sư Vũ Ngọc Hà - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh Đồng Nai cho biết: "Sự cố nghiêm trọng có 5 NLĐ tử vong ở Công ty Miwon là rất đáng tiếc và đau lòng. Vụ việc này cũng đã nói lên sự thiếu kiến thức, thiếu trang bị về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) của NLĐ cũng như trách nhiệm của người sử dụng lao động (NSDLĐ) liên quan”.
Cũng theo luật sư Hà, cả 5 nạn nhân tử vong tại Công ty Miwon đều được coi là những trường hợp TNLĐ dẫn tới chết người. Theo Khoản 8 Điều 3 Luật ATVSLĐ năm 2015, TNLĐ là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho NLĐ, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
Ngoài ra, căn cứ quy định tại Luật ATVSLĐ năm 2015 và Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, trường hợp NLĐ được xác định là tử vong do TNLĐ thì thân nhân của người đó sẽ được hưởng các quyền lợi như sau: Ít nhất 30 tháng tiền lương (TNLĐ không hoàn toàn do lỗi của NLĐ). Do đó, gia đình của những nạn nhân trong vụ TNLĐ tại Công ty Miwon có thể thỏa thuận mức bồi thường thiệt hại với NSDLĐ ( ở đây là Công ty Miwon). Đặc biệt thỏa thuận bồi thường thiệt hại này không được ít hơn 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
Theo Điều 48 Bộ luật Lao động 2019, NSDLĐ có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ tiền lương, BHXH, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của NLĐ theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động đã ký trước đó; hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu NSDLĐ đã giữ của NLĐ cho đại diện hợp pháp của NLĐ đã mất.
Theo Điểm a Khoản 1 Điều 66 Luật BHXH 2014, NSDLĐ phải trợ cấp mai táng cho NLĐ bằng 10 lần mức lương cơ sở (10 x 1.490.000 = 14,9 triệu đồng); trợ cấp tử tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở (50% x 1490.000 = 745.000 đồng), trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tử tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở (70% x 1490.000 = 1.043.000 đồng), hoặc có thể trợ cấp tử tuất một lần nếu đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 69 Luật BHXH 2014; trợ cấp thôi việc theo Điều 46 Bộ luật Lao động 2019. Số thân nhân được hưởng tiền tử tuất tối đa 04 người (con, vợ, cha, mẹ theo quy định), trường hợp có từ 02 người chết trở lên thì thân nhân được hưởng 02 lần mức trợ cấp quy định.
Đồng thời, NSDLĐ phải hoàn tất hồ sơ cần thiết, đầy đủ để NLĐ được hưởng các chế độ TNLĐ do BHXH chi trả. Trong trường hợp NSDLĐ không đóng Bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp cho NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH thì ngoài việc bồi thường, trợ cấp, NSDLĐ phải trả khoản tiền tương ứng với chế độ Bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp theo quy định cho NLĐ.
Theo Điều 53 Luật ATVSLĐ: “Thân nhân NLĐ được hưởng trợ cấp một lần bằng ba mươi sáu lần mức lương cơ sở tại tháng NLĐ bị chết và được hưởng chế độ tử tuất theo quy định của Luật BHXH".