PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn –Phó viện trưởng viện phẫu thuật tiêu hóa, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Ống tiêu hóa, Bệnh viện TWQĐ 108. Ảnh: Hoàng Hà |
Để giúp bạn đọc hiểu rõ về căn bệnh này để biết cách phòng và phương pháp điều trị đúng cách, PV Tạp Chí Lao Động và Công Đoàn đã xin phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn – Phó viện trưởng viện phẫu thuật tiêu hóa, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Ống tiêu hóa, Bệnh viện TWQĐ 108.
PV: Thưa PGS, ông có thể cho biết tình hình tổng quan về bệnh ung thư thực quản của Việt Nam nói chung và bệnh viện Trung ương Quân Đội 108 nói riêng được không ạ?
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn: Ung thư thực quản là khối u ác tính xuất phát từ các tế bào biểu mô của niêm mạc thực quản, có thể là biều mô tuyến hoặc biểu mô vảy. Ung thư thực quản (UTTQ) có tỉ lệ mắc đứng thứ 9 trong các bệnh ung thư phổ biến trên thế giới, đứng thứ 3 trong ung thư đường tiêu hóa (sau ung thư dạ dày và ung thư đại – trực tràng). Trên phạm vị toàn cầu, thống kê Globocan năm 2018 cho thấy có 572.034 người mắc và 508.585 người tử vong vì căn bệnh này. Ở Mỹ, mỗi năm có khoảng 17.000 người mắc và 15.000 người tử vong vì ung thư thực quản. Tại một số vùng có tỷ lệ mắc ung thư thực quản cao, người ta tìm thấy mối liên hệ trực tiếp với thới quen hút thuốc lá, uống rượu mạnh và thức ăn, đồ uống quá nóng. Viêm thực quản trào ngược kéo dài cũng có liên quan tới UTTQ.
PV: Thưa PGS, ông có thể cho biết các dấu hiệu của bệnh ung thư thực quản?
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn: "Thật khó để phát hiện được bệnh ở giai đoạn sớm vì thường bệnh không có triệu chứng gì đặc hiệu, khiến cho bệnh nhân thường bỏ qua không đi khám bệnh, có thể chỉ là các dấu hiệu toàn thân như chán ăn, mệt mỏi, gầy sút cân hoặc đau thoáng qua sau xương ức mà không rõ căn nguyên gì. Dấu hiệu lâm sàng quan trọng và thường gặp nhất của UTTQ ở giai đoạn tiến triển là nuốt nghẹn.
Khi bệnh nhân đến khám vì nuốt nghẹn, bệnh thường đã ở giai đoạn muộn do khối u to gây hẹp lòng thực quản. Triệu chứng nói khàn, ho khan, nôn ra máu hoặc khó thở thường xuất hiện khi bênh đã ơ giai đoạn rất muộn, khối u đã xâm lấn rộng vào các cơ quan lân cận hoặc di căn xa. Ở Việt Nam, tỷ lệ UTTQ được phát hiện sớm rất thấp, do triệu chứng bệnh thường mờ nhạt, đồng thời do hiểu biết của người dân về bệnh còn nhiều hạn chế nên không chủ động đi khám sớm khi có dấu hiệu nghi ngờ. Năng lực của hệ thống y tế cơ sở còn hạn chế cả về con người lẫn trang thiết bị khiến cho việc phát hiện bệnh sớm còn nhiều khó khăn”.
Bệnh thường phát hiện ở giai đoạn muộn, khi đã không còn khả năng điều trị triệt căn. Một nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy, tại thời điểm chẩn đoán, chỉ có khoảng 10% bệnh nhân còn khả năng phẫu thuật triệt căn, có tới 18% BN đã có di căn xa (gan, phổi, hạch ổ bụng), tỉ lệ sống thêm sau 5 năm rất thấp, chỉ khoảng 15%”.
PV: Thưa PGS, ông có thể cho biết việc phát hiện bệnh ung thư thực quản ở giai đoạn sớm sẽ giúp gì cho các bệnh nhân?
PGS.TS.Nguyễn Anh Tuấn: Tại các nước phát triển và có tỷ lệ mắc bệnh cao Nhật Bản, và một số nước Phương Tây,sàng lọc ung thư được đánh giá như là “chiếc chìa khóa vàng” giúp phát hiện bệnh sớm. Để có thể phát hiện sớm UTTQ, người ta tiến hành sàng lọc bằng nhiều biện pháp khác nhau như nội soi, sinh thiết hoặc xét nghiệm tế bào học qua chải rửa niêm mạc đường tiêu hóa trên những người có yếu tố nguy cơ cao như trên 50 tuổi, hút thuốc lá, uống rượu mạnh, bị viêm thực quản trào ngược, có yếu tố gia đình hoặc khi có các triệu chứng nghi ngờ. Ở những nơi có tỷ lệ mắc UTTQ thấp, người ta không đặt ra vấn đề sàng lọc, tuy nhiên việc nâng cao hiểu biết của người dân cũng như theo dõi chặt chẽ nhóm người có nguy cơ cao để có thể phát hiện ung thư sớm hoặc các tổn thương tiền ung thư để giải quyết triệt để các tổn thương này là những biện pháp rất quan trọng, góp phần phát hiện sớm và điều trị triệt căn UTTQ.
Việt nam là nước có tỷ lệ mắc UTTQ cao. Do điều kiện kinh tế và hệ thống y tế cơ cở còn nhiều hạn chế, chúng ta chưa thể tiến hành các chương trình sàng lọc phát hiện ung thư sớm như Nhật Bản hoặc một số nước phát triển khác, việc người dân tự ý thức, nâng cao khả năng hiểu biết về bệnh, để chủ động đi khám bệnh khi có dấu hiệu nghi ngờ là vấn đề hết sức quan trọng. Nội soi, sinh thiết đường tiêu hóa trên là biện pháp duy nhất có thể làm hiện nay tại các phòng khám bệnh nhằm phát hiện bệnh sớm. Khi bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm thì khả năng chữa khỏi là hoàn toàn có thể thực hiện được với các biện pháp sẵn có hiện nay tại các trung tâm lớn. Bệnh nhân không nên quá tuyệt vọng và bi quan để từ chối điều trị mà nên tuân thủ theo hướng dẫn của các thầy thuốc chuyên khoa.
PV: Thưa PGS, ông có thể cho biết phương pháp để điều trị và phòng bệnh ung thư thực quản?
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn: Hiện nay, điều trị UTTQ là điều trị đa mô thức, có nghĩa là phải đồng thời kết hợp nhiều biện pháp như hóa trị, xạ trị và phẫu thuật, trong đó phẫu thuật đóng vai trò trung tâm. Việc kết hợp các biện pháp này như thế nào tùy thuộc vào giai đoạn bệnh và loại tế bào ung thư. Tuy nhiên, do việc điều trị UTTQ vô cùng phức tạp nên chỉ có thể điều trị bệnh tại các trung tâm y tế chuyên sâu, nơi có đội ngũ các chuyên gia giỏi và có đầy đủ trang thiết bị để chẩn đoán chính xác giai đoạn bệnh, loại tế bào ung thư và quyết định đúng phương án điều trị.
Cùng với hóa, xạ trị, phẫu thuật luôn đóng vai trò trung tâm. Với những tổn thương sớm chưa có di căn hạch, phương pháp cắt bỏ niêm mạc qua nội soi đang được phát triển mạnh tại Nhật bản, Hàn quốc và đang thu hút nhiều nhà nội soi tiêu hóa tại Việt nam. Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ thực quản, thay bằng ống dạ dày, vét hạch 2 hoặc 3 vùng vẫn là phương pháp cơ bản áp dụng cho đa số các trường hợp UTTQ còn khả năng cắt bỏ triệt căn, có thể tiến hành ngay khi được chẩn đoán hoặc sau hóa xạ trị tiền phẫu. Đây là một phẫu thuật lớn với tỷ lệ tai biến, biến chứng và tử vong phẫu thuật khá cao bao gồm 3 thì: Ngực - Bụng - cổ. Một số trung tâm lớn có thể thực hiện bằng phẫu thuật nội soi trong thì ngực hoặc cả 2 thì bụng – ngực. Còn rất nhiều điều chưa thống nhất về mặt kỹ thuật trong phẫu thuật này
Mới đây, khoa Phẫu thuật Ống tiêu hoá, bệnh viện TƯQĐ 108 đã triển khai thành công một phương pháp mới: “Phẫu thuật nội soi hoàn toàn 2 đường bụng ngực, thay thực quản bằng dạ dày đặt sau xương ức”. Trước đây, chúng tôi thường áp dụng phương pháp phẫu thuật nội soi trong thì ngực để cắt thực quản, sau đó phải mở bụng để cắt một phần dạ dày tạo thành một ống cuốn nhỏ đưa qua vị trí cũ của thực quản trong trung thất sau để nối với thực quản cổ, phương pháp có nhiều hạn chế cần phải khắc phục. Với phương pháp mới, thay cho việc nội soi một thì ngực, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật nội soi cả 2 thì bụng- ngực.
Thay cho việc tạo một ống cuốn nhỏ dạ dày thay thế thực quản, bệnh nhân sẽ được sự dụng toàn bộ dạ dày để thay thế thực quản. Thay cho việc sử dụng ống cuốn dạ dày đặt vào vị trí cũ của thực quản, bệnh nhân sẽ được sử dụng một con đường mới đi sau xương ức để đặt ống dạ dày thay thế. Phương pháp mới sẽ khắc phục được những hạn chế của các phương pháp đang được sử dụng phổ biến hiện nay, bệnh nhân không còn đường mở bụng nên chỉ còn một đường rạch duy nhất tại cổ..
Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị, UTTQ vẫn còn là một trang xấu nhất trong ung thư ống tiêu hóa. Cách tốt nhất dự phòng căn bệnh này là từ bỏ hoặc không bao giờ hút thuốc lá và sử dụng các chế phẩm có thuốc lá. Hạn chế uống rượu ở mức trung bình, thay đổi chế độ ăn uống một cách khoa học, tăng lượng rau và hoa quả ăn vào hàng ngày. Đặc biệt, mọi người rất cần quan tâm để chủ động đi khám khi có những dấu hiệu nghi ngờ. Việc điều trị UTTQ rất phức tạp, đòi hỏi trình độ chuyên môn sâu và phối hợp nhiều chuyên ngành nên chỉ có thể thực hiện được tại các trung tâm y tế lớn của Việt nam.
Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS.Nguyễn Anh Tuấn đã chia sẻ những kiến thức bổ ích về căn bệnh ung thư thực quản. Chúc PGS nhiều sức khỏe ạ!
Bước tiến mới điều trị ung thư thực quản: Phẫu thuật nội soi hoàn toàn với ống dạ dày Thực quản là đoạn ống tiêu hóa nối giữa cổ họng và dạ dày. Ung thư thực quản đứng thứ tám trên toàn cầu cả ... |
Lời nhắn của những bệnh nhân bị ung thư vú và nỗi đau không thể diễn tả thành lời Ung thư vú là căn bệnh ung thư hay gặp hàng đầu của phụ nữ trong số các bệnh lý ác tính. Ở nước ta, ... |
Trung tâm Chống độc Bạch Mai cứu sống một công nhân bị rắn hổ mang bành cắn Cứ vào mùa mưa, mùa sinh sôi phát triển của rắn, số bệnh nhân bị rắn độc cắn lại gia tăng. Đặc biệt, do sơ ... |