Hình ảnh ông Đinh Tiên Sinh và cụ Nguyễn Thị So được nhiều trang mạng xã hội công nhân chia sẻ với hàng nghìn lượt like và comment. Ảnh chụp từ Facebook. |
Những ngày nắng nóng vừa qua như thêm ngột ngạt với liên tiếp những thông tin không vui về tình hình dịch bệnh, sản xuất khó khăn. Gần 8 triệu người lao động bị mất việc, nghỉ việc luân phiên hay giãn việc làm, còn số người lao động bị ảnh hưởng vì dịch lên tới gần 31 triệu người.
Cuộc sống đang rất khó khăn. Lướt trên mạng xã hội công nhân nhan nhản những thông tin tìm việc, những cảnh đời bất hạnh. Thật khó mỉm cười trong những ngày này; người đủ đầy có tấm lòng nhân hậu cũng không nỡ thể hiện quá vui khi đồng loại đang còn nhiều vất vả.
May mắn, tôi tìm thấy một việc lấp lánh nhân văn được nhiều trang mạng công nhân với hàng nghìn người chia sẻ. Thông tin rất ít nhưng chỉ cần thế đủ ấm lòng người. Ở đây có thể cười kèm theo những giọt nước mắt.
Những tấm gương hiếu thảo có khả năng lay động rất lớn. Hình ảnh người con trai tắm cho mẹ khiến nhiều người xúc động. Ảnh Internet. |
Tất cả những gì chia sẻ trên mạng xã hội chỉ là bức ảnh một người đàn ông không còn trẻ mỉm cười hiền hậu trước một cụ bà tóc bạc và dòng chữ: “Biết cụ không có gia đình, ông năn nỉ rước về để bà có chỗ nghỉ ngơi. Làm mẹ tụi con nha!”.
Tôi tìm hiểu thêm thì được biết thông tin trên chia sẻ từ một bài viết trên báo Người lao động. Chuyện kể, hàng ngày ông Đinh Tiên Sinh (nay 63 tuổi) ngụ ở phường Thạnh Xuân, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh đi qua chợ Bà Chiểu đều tìm cụ bà Nguyễn Thị So (nay 88 tuổi) quê ở Tây Ninh bán vé số mua một tờ vé ủng hộ. Biết cụ không có gia đình, ông trao đổi với vợ và năn nỉ rước cụ về để cụ có chỗ nghỉ ngơi. Cũng phải mất cả tháng cụ bà mới đồng ý.
Điều đáng nói là gia cảnh ông Sinh không khá giả gì, vợ ông đau ốm thường xuyên, nhà cửa chật chội; con cái lớn đã ra ở riêng. Đón cụ về, ban đầu hai bên còn xưng hô khách sáo nhưng được ít hôm, ông Sinh nói: Bà làm mẹ tụi con nha! Bà gật đầu. “Vậy là sau mấy chục năm không còn mẹ, vợ chồng tôi lần nữa lại có mẹ", ông Sinh kể lại.
Chăm sóc người cao tuổi là đạo lý truyền thống của dân tộc. Những hình ảnh như thế này thật ấm lòng. Ảnh Internet. |
Tôi, một người đàn ông trung niên không may mắn vì mẹ mất đã lâu; từng không ít lần chạnh lòng trước cảnh các gia đình sum vầy cùng cây cao bóng cả; từng ghen tị trước cảnh con cháu sà vào lòng ông bà như tìm chỗ chở che; nhưng tôi không đủ can đảm, không đủ rộng lòng, không đủ tình yêu thương để đón một cụ bà không nơi nương tựa về làm mẹ. Tôi ngưỡng mộ người đàn ông bình dị kia và cũng tự xấu hổ với chính mình.
Không biết học sinh giờ còn học truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân không - tác phẩm văn chương mà lứa tuổi tôi đi học phổ thông từng học. Bối cảnh là trận đói lịch sử năm 1945, những người lao động khốn khó nương tựa vào nhau mà nên vợ nên chồng. Nhưng đó là những người trẻ, họ có cả một tương lai phía trước. Còn trường hợp này là một cụ bà...
Thế nhưng, vẫn còn nhiều trường hợp ngược đãi cha mẹ già. Trong ảnh, vụ con dâu bạo hành mẹ chồng trước sự chứng kiến của con trai tại Chợ Gạo , Tiền Giang từng làm "dậy sóng" cộng đồng mạng. Ảnh vov.vn |
Tôi chắc ông Đinh Tiên Sinh và vợ ông tự nguyện làm việc này mà không cần, không thích được đưa lên báo chí. May mắn thay, “tiếng lành đồn xa, việc tốt cũng đồn xa”, việc của ông vẫn đến với chúng ta và nó sưởi ấm tấm lòng chúng ta, nơi dường như mỗi ngày chai lì đi vì biết bao toan tính.
Xin được cảm ơn vợ chồng ông Sinh, cảm ơn cuộc đời! Và nói như một nhà thông thái, dù thế nào cuộc đời này vẫn đẹp!
Covid-19: Cập nhật thông tin mới nhất ngày 6/7 |
Đoàn xe Công ty Doosan Việt Nam nghênh ngang cản đường xe chữa cháy |
Mong trường trung học phổ thông chuyên chưa hết thời |