
![]() |
Trường THPT Đạ Tông (xã Đạ Tông, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: Chí Thành |
Đây là phản ánh của nhiều giáo viên công tác tại các trường học trên địa bàn xã Đạ Tông, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng xung quanh việc thực hiện chế độ chính sách với giáo viên ở đây.
Cụ thể, cả năm qua, dù vẫn giảng dạy ở địa bàn thôn đặc biệt khó khăn nhưng họ không được nhận chính sách ưu đãi của Nhà nước chỉ vì xã Đạ Tông đạt chuẩn nông thôn mới.
Đó là các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định tại Nghị định 76/2019/NĐ-CP 08/10/2019 của Chính phủ (sau đây gọi là Nghị định 76). Nghị định này quy định về về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Theo Nghị định 76, các chính sách ưu đãi mà cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được hưởng gồm phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng; phụ cấp ưu đãi theo nghề bằng 70% mức lương hiện hưởng; phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tối đa đến 1,0 lần mức lương cơ sở.
Ngoài ra còn có các khoản trợ cấp lần đầu khi nhận công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc khi nghỉ hưu…
Các giáo viên cho biết, trước đây họ vẫn được hưởng các chế độ chính sách ưu đãi này. Nhưng đến khi xã Đạ Tông được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối tháng 12/2023, thì từ tháng 1/2024, các giáo viên đang làm việc trên địa bàn xã không còn được nhận trợ cấp theo Nghị định 76 - mặc dù tại xã này vẫn còn một số thôn đặc biệt khó khăn, trong đó có thôn Liêng Trang 1.
Điều đáng nói là, dù cùng nằm trong một thôn, nhưng cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Trường THPT Đạ Tông vẫn được hướng dẫn thực hiện các thủ tục để hưởng chế độ theo Nghị định 76.
Trong khi đó, cán bộ, công chức, viên chức công tác tại Trường THCS Liêng Trang và các trường học khác trên địa bàn xã Đạ Tông lại không được áp dụng các chế độ này.
Theo phản ánh của các giáo viên, tình trạng này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ, khi từ trước đến nay vẫn công tác và sinh hoạt tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, mà còn gây dư luận không tốt.
Sự bất cập này đã tạo ra tâm lý bất bình trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cũng như những người hưởng lương trong lực lượng vũ trang đang công tác tại đây. Họ băn khoăn và đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề này.
Giáo viên N.X.H. công tác tại xã Đạ Tông bày tỏ sự bức xúc: “Chúng tôi là giáo viên công tác ở cùng một địa bàn nhưng nơi thì được hưởng chế độ chính sách theo Nghị định 76, nơi lại không. Thật khó hiểu”…
Theo tìm hiểu của phóng viên, Trường THPT Đạ Tông trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng, trong khi Trường THCS Liêng Trang cùng ba trường học khác trên địa bàn xã Đạ Tông lại do UBND huyện Đam Rông quản lý.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng “mỗi trường một chính sách” xuất phát từ sự khác biệt trong cách áp dụng văn bản pháp luật giữa Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng và UBND huyện Đam Rông. Chính điều này đã khiến các đơn vị có cách chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chế độ chính sách không đồng nhất.
Cụ thể, tại văn bản số 278/UBND-TC, ngày 18/02/2025 gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đam Rông – ông Trương Hữu Đồng ký cho rằng: “Thôn Liêng Trang 1 thuộc không còn là thôn đặc biệt khó khăn khi xã Đạ Tông được cấp có thẩm quyền công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới”.
Vì vậy, huyện Đam Rông không thực hiện chi trả các chế độ theo Nghị định 76 đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác tại đây.
Trong khi đó, tại văn bản số 1668/SGDĐT-TCHC, ngày 02/10/2024 trả lời Trường THPT Đạ Tông, do Giám đốc sở Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng – bà Phạm Thị Hồng Hải ký khẳng định: “Thôn Liêng Trang 1 thuộc xã Đạ Tông, huyện Đam Rông là thôn đặc biệt khó khăn. Trường THPT Đạ Tông đóng trên thôn Liêng Trang 1, xã Đạ Tông, huyện Đam Rông nên viên chức, người lao động công tác tại Trường THPT Đạ Tông được hưởng các loại phụ cấp theo quy định của Nghị định 76”.
![]() |
Giáo viên vùng khó khăn ở huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng đón học sinh trong ngày khai giảng năm học 2024 - 2025. Ảnh: Hồng Thắm |
Cùng quan điểm với Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng, tại văn bản số 1762/SNV-CCVC ngày 25/12/2024 trả lời Phòng Nội vụ huyện Đam Rông, Sở Nội vụ Lâm Đồng trích dẫn phạm vi điều chỉnh của Nghị định 76, trong đó nêu rõ: “Các thôn, buôn, xóm, bản, làng, phum, sóc, ấp,... (gọi chung là thôn) đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ”.
Văn bản trên cũng khẳng định: “Do vậy, những đối tượng theo quy định tại Điều 2 Nghị định 76/2019/NĐCP đang công tác và đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 76/2019/NĐ-CP nêu trên và các quy định của pháp luật liên quan thì được hưởng chế độ chính sách theo Nghị định 76/2019/NĐ-CP”.
Đồng thời, mới đây tại văn bản số 155/SNV-CCVC, ngày 14/02/2025 Sở này cũng yêu cầu UBND huyện Đam Rông tiến hành rà soát và báo cáo việc thực hiện Nghị định số 76 về Sở Nội vụ trước ngày 24/02/2025.
Với trường hợp tương tự tại Kon Tum, Ủy ban Dân tộc đã có hướng dẫn tại văn bản số 59/UBNT-CSDT, ngày 12/01/2024.
Tại văn bản này, Ủy ban Dân tộc nêu: "Đối với các thôn, ấp đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực I, khu vực II, khu vực III (kể cả thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã đạt chuẩn nông thôn mới) tiếp tục được thụ hưởng các chính sách đối với thôn đặc biệt khó khăn".
Video: Trao đổi của một giáo viên ở huyện Đam Rông
Nghị định 76/2019/NĐ-CP 08/10/2019 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Điều 1. Phạm vi điều chỉnh 1. Nghị định này quy định về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang (Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và cơ yếu) công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, gồm: Phụ cấp thu hút; phụ cấp công tác lâu năm; trợ cấp lần đầu; trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và sạch; trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc khi nghỉ hưu; thanh toán tiền tàu xe; trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; phụ cấp ưu đãi theo nghề; phụ cấp lưu động và phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số đối với nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục. 2. Vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại khoản 1 Điều này, bao gồm: a) Huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, DK1; b) Các xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đảo đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; c) Các thôn, buôn, xóm, bản, làng, phum, sóc, ấp,... (gọi chung là thôn) đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Điều 2. Đối tượng áp dụng Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang (bao gồm cả trường hợp điều động, biệt phái, luân chuyển và không phân biệt người địa phương với người nơi khác đến) đã được xếp lương theo bảng lương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quy định, đang công tác và đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, gồm: 1. Cán bộ, công chức, viên chức (kể cả người tập sự) trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến cấp xã; 2. Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; 3. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; 4. Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, công nhân công an và lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc Công an nhân dân; 5. Người làm việc trong tổ chức cơ yếu; 6. Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế trong các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. |