
Nếu như năm 2024, các hoạt động chủ yếu tập trung vào triển khai nghị quyết và củng cố tổ chức Công đoàn, thì năm 2025, với chủ đề "Công nhân Việt Nam tiên phong bước vào kỷ nguyên mới", Tháng Công nhân không chỉ nhấn mạnh vai trò tiên phong của công nhân trong thời đại mới mà còn thể hiện sự thích ứng linh hoạt với tình hình kinh tế - xã hội.
Tháng Công nhân 2025, với chủ đề "Công nhân Việt Nam tiên phong bước vào kỷ nguyên mới", được Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phát động, nhằm khơi dậy khát vọng vươn lên, tinh thần làm chủ khoa học công nghệ và ý chí cống hiến của người lao động, tăng cường sự quan tâm, chăm lo của toàn xã hội đối với giai cấp công nhân.
Tháng Công nhân 2025 là dịp để tôn vinh những đóng góp to lớn của giai cấp công nhân, đồng thời khẳng định vai trò chủ thể của người lao động trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sự thay đổi này phản ánh tinh thần đổi mới của tổ chức Công đoàn, góp phần nâng cao nhận thức của người lao động và thúc đẩy sự tham gia tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
So với năm 2024, chủ đề Tháng Công nhân năm 2025 đã có sự điều chỉnh quan trọng. Nếu như năm 2024, chủ đề "Đoàn kết công nhân – Triển khai nghị quyết" nhấn mạnh vào việc quán triệt và thực thi nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, thì năm 2025, chủ đề "Công nhân Việt Nam tiên phong bước vào kỷ nguyên mới" phản ánh một giai đoạn phát triển cao hơn của tổ chức Công đoàn, với trọng tâm là sáng tạo, hội nhập và thích ứng với thời đại công nghiệp 4.0.
Điểm nhấn của chủ đề này không chỉ là sự đổi mới trong tư duy của tổ chức Công đoàn mà còn thể hiện kỳ vọng về vai trò chủ động của công nhân trong kỷ nguyên số, chuyển đổi công nghệ và hội nhập quốc tế.
![]() |
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam trao quà cho công nhân trong Tháng Công nhân 2024, tại TP. HCM |
Ngoài ra, năm 2025 cũng là dấu mốc quan trọng với nhiều sự kiện lớn như kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 80 năm Cách mạng tháng Tám, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bối cảnh này đòi hỏi một cách tiếp cận khác, đặt công nhân vào vị trí trung tâm của quá trình phát triển đất nước.
Trao đổi với Tạp chí Lao động và Công đoàn, chị H’ Chuyên Niê - công nhân Nông trường Cao su Cuôr Đăng (Đắk Lắk) chia sẻ mong muốn được tổ chức thêm nhiều buổi đối thoại giữa công nhân và lãnh đạo. Theo chị, đây là cơ hội để người lao động bày tỏ nguyện vọng, chia sẻ những khó khăn trong công việc, đặc biệt là về chế độ lương, phụ cấp. Chị cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự gắn kết giữa công nhân và lãnh đạo, bởi nếu các buổi đối thoại diễn ra quá thưa thớt, người lao động sẽ e ngại, không dám lên tiếng về những vấn đề của bản thân.
Về cải tiến kỹ thuật và sáng kiến lao động, chị cho rằng cần có sự hợp tác của cả tập thể. Đồng thời, chị khẳng định vai trò quan trọng của tổ chức Công đoàn trong việc hỗ trợ công nhân không chỉ về công việc mà cả đời sống gia đình, tạo ra một môi trường đoàn kết, chia sẻ giữa các đoàn viên công đoàn. |
Một trong những thay đổi quan trọng của Tháng Công nhân 2025 so với 2024 là sự sắp xếp lại các nhóm hoạt động. Nếu như năm 2024 tập trung nhiều vào triển khai nghị quyết, tuyên truyền và chăm lo đời sống, thì năm 2025 sẽ hướng đến các yếu tố sáng tạo, đổi mới và thúc đẩy vai trò công nhân trong nền kinh tế số.
Điểm mới nổi bật đầu tiên là Chương trình "Công nhân sáng tạo, vững tin bước vào kỷ nguyên mới" thay thế cho hoạt động "Đưa nghị quyết đại hội vào cuộc sống" của năm 2024. Đây là chương trình khuyến khích công nhân nâng cao tay nghề, đổi mới sáng tạo và áp dụng công nghệ trong sản xuất.
![]() |
Chương trình “Muôn nẻo yêu thương” số đặc biệt 2024 được tổ chức tại trụ sở Tổng LĐLĐ Việt Nam, ngày 24/5/2024 - Ảnh: Hải Nguyễn |
"Đối thoại tháng 5" kết hợp với Diễn đàn "Đảng với công nhân – Công nhân với Đảng", tạo không gian trao đổi hai chiều giữa cấp ủy Đảng và công nhân, giúp giải quyết các vấn đề thực tiễn.
"Cảm ơn người lao động" được nâng lên một tầm mới, gắn với các chính sách hỗ trợ thiết thực.
Tháng cao điểm phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) được mở rộng thêm nội dung "giới thiệu phát triển đảng viên công nhân", nhằm bồi dưỡng nguồn nhân lực trẻ, có chất lượng cho Đảng.
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: Các hoạt động trong Tháng Công nhân 2025 nhằm khẳng định vai trò, vị trí và đóng góp của giai cấp công nhân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp đổi mới đất nước, lao động sáng tạo, tự tin bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội trong chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, cải thiện điều kiện sống, làm việc của công nhân, tôn vinh và phát huy công nhân trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Tháng Công nhân cũng là dịp để thúc đẩy công nhân tích cực học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng, chuyển đổi nghề nghiệp, tiếp cận các xu hướng lao động hiện đại, thích ứng với bối cảnh hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuẩn bị tâm thế cho giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng nhấn mạnh yêu cầu: Phấn đấu có từ 55% trở lên công đoàn cơ sở trong các loại hình doanh nghiệp có ít nhất 01 hoạt động hưởng ứng Tháng Công nhân; có 35% trở lên công đoàn cơ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có ít nhất 01 hoạt động phù hợp hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2025.
![]() |
Lãnh đạo Công đoàn Đường sắt Việt Nam thăm hỏi, tặng quà cho công nhân đang làm công việc thay ray tàu trên đèo Hải Vân. Ảnh: PHAN NGUYÊN |
Những điều chỉnh trong kế hoạch tổ chức Tháng Công nhân 2025 thể hiện sự đổi mới của tổ chức Công đoàn và khẳng định vai trò tiên phong của công nhân trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn phát triển cao hơn. Các chương trình trọng điểm như "Công nhân sáng tạo, vững tin bước vào kỷ nguyên mới", "Diễn đàn Đảng với công nhân – Công nhân với Đảng", cùng với việc thúc đẩy sáng tạo và chuyển đổi số sẽ giúp nâng cao vị thế của người lao động.
Những đổi mới này cũng đặt nền móng cho một giai đoạn phát triển mới, nơi công nhân không chỉ là lực lượng sản xuất mà còn là nhân tố tiên phong trong công cuộc đổi mới của đất nước.