e magazine
14/12/2023 15:36
Giáo viên mầm non - nghề nặng nhọc

14/12/2023 15:36

Làm việc từ sáng đến tối, những cô giáo mầm non lặng lẽ “chăm con người như con mình” để các bậc phụ huynh yên tâm lao động, sản xuất. Cái nghề “chơi với trẻ” tưởng nhàn nhã mà nhiều nhọc nhằn không kém những ngành nghề đặc thù khác.
Giáo viên mầm non - nghề nặng nhọc

giáo viên mầm non - nghề nặng nhọc

Làm việc từ sáng đến tối, những cô giáo mầm non lặng lẽ “chăm con người như con mình” để các bậc phụ huynh yên tâm lao động, sản xuất. Cái nghề “chơi với trẻ” tưởng nhàn nhã mà nhiều nhọc nhằn không kém những ngành nghề đặc thù khác.

KHÔNG CÓ THỜI GIAN ĐỂ MỆT

16 năm gắn bó với nghề, cô giáo La Thị Kim Xuân, Trường Mầm non Nam Hòa (huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) đã góp sức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục nhiều thế hệ trẻ mẫu giáo, mầm non.

Theo cô Xuân, công việc chăm sóc, giáo dục trẻ trên lớp rất vất vả, tốn nhiều thời gian. Cô ví các cháu như tờ giấy trắng, chưa tự phục vụ được bản thân mà cần có sự hướng dẫn tận tình, kiên trì.

Muốn trẻ biết chữ cái, tô chữ cái, các cô phải hướng dẫn tỉ mỉ theo từng hoạt động, từ làm quen đến tập tô. Ngoài ra, các cô còn sưu tầm thêm các nguyên vật liệu sẵn có, tái sử dụng để trẻ tư duy xếp được các chữ cái, chữ số khác nhau.

Trong quá trình dạy, các cô giáo luôn gần gũi, quan tâm đến từng trẻ, dạy trẻ các hoạt động theo chế độ sinh hoạt có trong chương trình giáo dục mầm non.

Luôn yêu trẻ, coi trẻ như con, cô Xuân cho biết: “Toàn bộ thời gian ở trên lớp chúng tôi dành để chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, đôi khi cuốn vào công việc không có thời gian để mệt nữa. Chỉ cố gắng làm sao truyền kiến thức, yêu thương cho trẻ để phụ huynh yên tâm".

NhGiáo viên mầm non - nghề nặng nhọc
Những học liệu do các cô giáo Trường Mầm non Nam Hoà tự làm để hướng dẫn trẻ. Ảnh: Thu Chinh

Một lớp học có 35 cháu, được phụ trách bởi 2 cô giáo. Giờ làm việc theo quy định là 8 tiếng/ngày nhưng trên thực tế các cô thường xuyên làm thêm giờ, có khi 10 tiếng, 12 tiếng/ngày khi phụ huynh đón trẻ muộn.

Ngoài công việc chăm sóc, giáo dục trẻ, các cô còn làm đồ chơi, trang trí môi trường trong và ngoài lớp học, hoàn thiện hồ sơ sổ sách, tham gia các phong trào do ngành Giáo dục, địa phương tổ chức. Công việc ở trường chiếm nhiều thời gian nên thời gian dành cho gia đình rất ít.

Cô Xuân cho biết, để có không gian, môi trường lý tưởng cho các cháu học tập, vui chơi, các cô thậm chí làm thêm cả ngày nghỉ.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Tâm - Hiệu trưởng Trường Mầm non Nam Hoà, nhà trường có 647 trẻ, chia thành 25 lớp học; 50 giáo viên, trong đó 40 giáo viên là biên chế, 10 giáo viên hợp đồng. Ngoài số giáo viên tại điểm trường chính, nhà trường còn phân công một số cô dạy tại hai điểm trường lẻ.

“Chúng tôi vẫn thiếu giáo viên nhưng không tuyển được. Thời điểm này các công ty tuyển dụng có nhiều chính sách ưu đãi hơn. Còn giáo viên mầm non nghỉ hè không có lương, không đóng bảo hiểm. Do vậy, đã có giáo viên nghỉ việc ở nhà kinh doanh, làm các công việc khác hoặc đi làm công ty. Tình trạng này diễn ra cách đây đã mấy năm” - cô Tâm chia sẻ.

Cũng theo Hiệu trưởng Trường Mầm non Nam Hoà, chương trình giáo dục mầm non có rất nhiều nội dung mới đòi hỏi giáo viên phải đáp ứng như khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng nhiều phần mềm khi tham gia giảng dạy và các phương pháp dạy học mới.

"Mỗi khối học ở trường mầm non có đặc thù riêng. Khối nhà trẻ, các cô giáo vất vả về chăm sóc. Khối lớp lớn hơn thì không phải chăm sóc nhiều nhưng kiến thức lại nhiều hơn và tất cả trẻ mầm non đều chưa ý thức được việc bảo vệ bản thân" - cô Tâm đánh giá.

Giáo viên mầm non - nghề nặng nhọc

Cô giáo mầm non chăm sóc trẻ. Ảnh: Thu Chinh

Giáo viên mầm non - nghề nặng nhọcTrẻ mầm non trong giờ hoạt động. Ảnh: Thu Chinh

mong được xếp vào danh mục nghề nặng nhọc

Không ít giáo viên của Trường Mầm non Nam Hoà băn khoăn về chế độ tiền lương thấp, công việc áp lực, nặng nhọc. Trong một thời gian dài, giáo viên cấp học mầm non không có biên chế. Đến năm 2009 mới có một số rất ít giáo viên được vào biên chế.

Vào thời điểm năm 2010, tỉnh Thái Nguyên đã được giao biên chế mầm non cho các địa bàn theo lộ trình, ưu tiên các huyện, xã khó khăn. Số giáo viên mầm non hợp đồng lâu năm ở những địa bàn này cơ bản đã được giải quyết, trong đó có Trường Mầm non Nam Hòa.

Cũng thời điểm đó, nhiều giáo viên trình độ đạt chuẩn, công tác từ 10 năm trở lên (có trường hợp công tác trên 20 năm) của Trường Mầm non Nam Hòa đã được xét tuyển vào biên chế. Các cô giáo chỉ có bằng Trung cấp, hoặc cao nhất là Cao đẳng nên thu nhập vẫn còn hạn chế.

Cô giáo Hoàng Thị Thảo đã có 23 năm làm nghề, kể: “Yêu cầu về phương pháp giáo dục trẻ có rất nhiều thay đổi, chương trình cũng khác. Trong khi đó, làm nghề này, trẻ ngày càng lớn lên thì sức mình càng yếu đi. Độ nhanh nhẹn giảm, công tác chăm sóc trẻ hạn chế rất nhiều, nhất là với tình hình hiện nay yêu cầu về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy đòi hỏi giáo viên phải nhanh nhạy, sử dụng thành thạo các phần mềm để soạn giáo án... Đây là một hạn chế và khó khăn cho các cô giáo lớn tuổi".

Đại diện Công đoàn Trường Mầm non Nam Hòa cho biết, ngoài tiền lương, giáo viên mầm non không được hỗ trợ tiền trông trẻ vào giờ nghỉ trưa. Chính vì áp lực công việc, thu nhập thấp, nhiều cô giáo trẻ bỏ nghề.

Năm 2019, khi Bộ luật Lao động (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, quyết định tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động từ 60 lên 65 tuổi (đối với nam) và 55 lên 60 tuổi (đối với nữ), Công đoàn Giáo dục Việt Nam tiến hành khảo sát ý kiến cấp học mầm non huyện Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên).

Các cô giáo mầm non bày tỏ mong muốn nghề này được công nhận vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại để được nghỉ hưu ở độ tuổi 55.

Theo báo cáo mới đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước hiện có 378.381 giáo viên mầm non, tỷ lệ 1,86 giáo viên/lớp. Năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục đang đặt mục tiêu đạt tỷ lệ 2 giáo viên/lớp.

Tại tỉnh Nghệ An, thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh cho thấy, tính từ năm 2021 đến nay, toàn thành phố có hơn 30 giáo viên xin nghỉ việc ở cả ba cấp học, trong đó chủ yếu là giáo viên mầm non.

Theo yêu cầu chuyên môn, giáo viên còn phải lo rất nhiều loại hồ sơ sổ sách như kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo; sổ theo dõi trẻ em, sổ theo dõi tài sản,... Ngoài ra, các cô còn tham gia các cuộc thi và hoạt động phong trào, một số ngày nghỉ còn phải tham gia lao động, dọn dẹp vệ sinh…

Giáo viên mầm non - nghề nặng nhọcCông đoàn ngành Giáo dục tỉnh Nghệ An thăm, động viên giáo viên mầm non phải nằm viện điều trị. Ảnh: CĐCC

Theo đồng chí Đặng Văn Hải - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục tỉnh Nghệ An, các cô giáo mầm non hiện nay rất vất vả do tiền lương eo hẹp, chưa đảm bảo cuộc sống. Trung bình mỗi cô phải chăm sóc, giáo dục hơn 10 cháu, cường độ làm việc cao, luôn phải đến sớm đón trẻ và về muộn để trả trẻ... Thực tế, đây là thời gian làm việc ngoài giờ nhưng các cô giáo mầm non chưa được tính toán tăng thêm vào tiền lương.

Các cô cần được bồi dưỡng, trau dồi nâng cao trình độ nhưng bắt buộc phải tham gia vào ngày nghỉ. Buổi đó không được tính vào tiền công, tiền lương, chế độ làm thêm giờ hay làm vào ngày nghỉ.

Giáo viên mầm non - nghề nặng nhọcCông đoàn ngành Giáo dục tỉnh Nghệ An thăm và tặng quà giáo viên và học sinh mầm non tại Trường Mầm non Mai Sơn, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Ảnh: CĐ

"Chưa kể những áp lực vô hình từ mong muốn, đòi hỏi ngày càng cao của cha mẹ các cháu. Nhiều cô giáo mầm non trong độ tuổi sinh nở, nuôi con nhỏ chịu áp lực tâm lý. Do vậy, việc đề xuất đưa công việc của giáo viên mầm non vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại là hoàn toàn hợp lý" - đồng chí Đặng Văn Hải cho biết.

Giáo viên mầm non - nghề nặng nhọc Giáo viên mầm non - nghề nặng nhọc
Cô giáo mầm non vừa ẵm trẻ, dỗ dành, vừa dạy trẻ và làm đồ dùng, đồ chơi... Ảnh: Thu Chinh

công đoàn tích cực tham gia đề xuất cho người lao động

Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, qua khảo sát của ngành Giáo dục và Đào tạo, trong số 10.698 ý kiến gửi về có tới 96% ý kiến đồng tình việc giáo viên mầm non được về hưu ở tuổi 55. Qua những chuyến công tác, tìm hiểu thực tế ở địa phương của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, các cô giáo mầm non cũng luôn bày tỏ nguyện vọng không phải làm việc đến năm 60 tuổi.

Cường độ làm việc cao, áp lực từ việc đảm bảo an toàn cho trẻ tạo ra căng thẳng nghề nghiệp kéo dài, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người lao động. Vì vậy, 55 tuổi trở đi, các cô sẽ không đủ sức khỏe để đảm bảo các thao tác chuyên môn (phải nhảy, múa, hát, vận động...), nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra.

Do đó, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề xuất nữ giáo viên mầm non được nghỉ hưu ở độ tuổi như trước đây (55 tuổi) là phù hợp. Đồng thời, Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng đang phối hợp với đơn vị chức năng của Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện Đề án đánh giá điều kiện lao động của giáo viên mầm non để củng cố cơ sở khoa học cho việc đề xuất đưa công việc của giáo viên mầm non vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại.

Tại Diễn đàn Người lao động năm 2023, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết, cơ quan này đang phối hợp Bộ Nội vụ kiến nghị, xem xét việc nâng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, tiểu học. Bước đầu, hai cơ quan đã có sự thống nhất.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét việc đưa đối tượng giáo viên mầm non vào ngành nghề nặng nhọc, độc hại, liên quan đến tuổi nghỉ hưu cho giáo viên mầm non.

Điều này hết sức có ý nghĩa cho giáo viên mầm non, nhất là những giáo viên cắm bản, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nơi biên giới, có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

-----

Bài viết: HÀ VY

Ảnh: Thu Chinh

Video: HÀ VY

Thiết kế: HÀ VY

Xem phiên bản di động