Lớp học đại học đầu tiên cho công nhân tại thành phố Hồ Chí Minh. |
Nỗi niềm cất giấu
Trên chuyến tàu đưa công nhân từ Sài Gòn về Vinh, tôi có dịp gặp Duyên, cô gái quê Quảng Bình, hiện đang làm công nhân tại KCN Việt Nam - Singapore tỉnh Bình Dương. Trước khi đi làm công nhân, Duyên đã tốt nghiệp cử nhân Văn của trường Đại học Khoa học Huế.
Duyên tâm sự: Quê em vùng đất Quảng Bình chẳng có gì ngoài gió và cát. Dân miền Trung thì đều nghèo, anh cũng biết. Chúng em được bố mẹ cho ăn học, cũng mong muốn sau này ra trường thoát cảnh chân lấm tay bùn, có công việc ổn định, có thu nhập để lo cho cuộc sống bản thân và gia đình. Từ nhỏ em đã mơ ước làm cô giáo. Đó là lý do em thi vào khoa Văn, trường Đại học Khoa học Huế. Nhưng cuộc sống không như mình dự tính anh ạ. Ra trường, em mất một năm đi rải hồ sơ, từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế, thậm chí em vào cả Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh tìm cơ hội việc làm phù hợp với chuyên môn. Nhưng cuối cùng vẫn chẳng có nơi nào nhận. Vì thế, em đành muối mặt giấu bằng đại học để nộp hồ sơ vào làm công nhân tại KCN ở Bình Dương.
“Em không muốn thế này anh ạ. Nhưng biết làm thế nào. Chẳng nhẽ cứ đi rải hồ sơ rồi ngồi chờ việc mãi. Trước khi quyết định làm công nhân, em không biết mình đã có bao nhiêu đêm thức trắng, dày vò, tự vấn bản thân để rồi suy tính được mất, thiệt hơn. Lý tưởng là một chuyện, nhưng thực tế lại là chuyện khác, hơn nữa ở đời còn có sự may rủi. Trong khi đó, cơm áo gạo tiền thì không thể không lo... Em nghĩ vậy, phải không anh?” - Duyên hỏi lại tôi.
Câu chuyện của Duyên khiến tôi nhớ lại rất nhiều trường hợp tương tự tôi đã gặp trước đó, như: Nga - công nhân tại KCN Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Xã hội học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (Hà Nội); Linh - công nhân KCN Đồng Văn I, Hà Nam, tốt nghiệp cử nhân Đại học Nông Nghiệp Hà Nội; Hùng - công nhân KCN Hoàng Long (Thanh Hóa), tốt nghiệp cử nhân Đại học Thương mại…
Hùng - công nhân KCN Hoàng Long (Thanh Hóa) từng chia sẻ với tôi: Rất ít người có thể chấp nhận việc đi làm công nhân khi tốt nghiệp đại học. Riêng em suy nghĩ khác, nếu làm công việc văn phòng không đúng chuyên môn, mỗi tháng giỏi lắm em chỉ nhận được mức lương 4 đến 5 triệu. Trong khi đó, ở Hà Nội mọi thứ đều đắt đỏ. Làm công nhân ở quê, mỗi tháng em cũng có thu nhập chừng ấy, nhưng bù lại không phải mất tiền nhà, chi phí sinh hoạt cũng thấp hơn nên có điều kiện để phụ giúp bố mẹ.
Trong câu chuyện của Duyên và Hùng, có thể thấy họ đã chấp nhận việc từ bỏ giấc mơ nghề nghiệp theo đúng chuyên môn được học để đi làm công nhân, làm công việc chân tay. Họ đã cùng đường, họ định hướng nghề nghiệp sai so với nhu cầu của xã hội hay họ thiếu bản lĩnh…? Những điều đó, người ngoài cuộc khó mà đoán định. Chỉ biết rằng, với họ đó là một sự tổn thất, chí ít là thời gian của 4 năm đại học.
Khao khát vươn lên
Trong lần công tác tại Bắc Ninh, tôi có khá ấn tượng với công nhân Nguyễn Thị Hải đang làm việc nhà máy Samsung Electronics Việt Nam (SEV) tại Bắc Ninh. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Hải đã tạm gác lại giấc mơ học đại học để đi làm công nhân. Nhưng với khao khát được vươn lên làm chủ kiến thức, Hải đã tham gia học cao đẳng theo chương trình cao đẳng nội bộ của Samsung kết hợp với trường Cao đẳng Công nghệ Bắc Hà (Bắc Ninh), rồi tiếp tục học lên và nhận bằng cử nhân theo chương trình đại học liên thông ngành Điện tử truyền thông tại Đại học Công nghiệp Hà Nội. 6 năm làm việc tại Samsung, từ nhân viên sản xuất đứng máy ở dây chuyền lắp ráp, Hải đã được lên làm việc ở khối văn phòng, bộ phận hành chính nhân sự, chịu trách nhiệm quản lý về bữa ăn cho công nhân trong một canteen của nhà máy.
Hải cho biết: Việc vừa học, vừa làm chưa bao giờ là dễ dàng cả. Nhưng nếu chúng ta có quyết tâm, biết sắp xếp thời gian hợp lý, tôi tin ai cũng có thể làm được. Tôi học lên đại học không phải vì để có tấm bằng trưng diện. Tôi muốn thay đổi, muốn thử thách bản thân, chinh phục những mục tiêu cao hơn. “Tại sao chúng ta không thử sức nếu biết rằng đích đến sẽ làm thay đổi cuộc sống của bản thân mình?” - Hải trả lời tôi bằng cách đặt câu hỏi.
Trước đó, tôi được biết chương trình đại học hệ vừa học vừa làm dành cho công nhân do LĐLĐ TP. HCM và Trường Đại học Kinh tế phối hợp thực hiện. Mô hình này được triển khai từ cuối năm 2017 và được khá nhiều CNLĐ tại TP. Hồ Chí Minh tham gia. Đây là mô hình vừa làm vừa học đầu tiên trong cả nước dành cho công nhân trực tiếp sản xuất nhằm mục đích nâng cao trình độ học vấn, tay nghề cho công nhân, giúp công nhân chủ động thích nghi với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Khi phỏng vấn về lý do tham gia lớp học đại học hệ vừa học vừa làm này, nhiều công nhân khẳng khái bày tỏ quan điểm “Nếu không học để nâng cao trình độ, thêm kiến thức, chúng tôi sợ mình sẽ bị tụt hậu”.
Tôi còn nhớ như in, trên chuyến tàu Sài Gòn - Vinh, tôi đã kể cho Duyên nghe về câu chuyện của Nguyễn Thị Hải. Tôi cũng kể cho Duyên nghe mô hình đào tạo đại học dành cho công nhân ở TP. Hồ Chí Minh. Tôi nói với Duyên rằng: Bỏ bằng đại học đi làm công nhân hay từ công nhân học lên đại học, hai hành trình ấy nhìn bề ngoài có vẻ ngược hướng, nhưng về bản chất là đều giống nhau tại một điểm, đó là nó xuất phát từ nhu cầu của mỗi cá nhân, người muốn có công việc, thu nhập để duy trì cuộc sống, người muốn hoàn thiện mình hay thực hiện ước mơ còn dang dở. Suy cho cùng, xuôi hay ngược chẳng quan trọng. Quan trọng là trong mọi hoàn cảnh chúng ta phải cố gắng để làm chủ bản thân mình, làm chủ kiến thức, làm chủ máy móc… Hãy đặt tấm bằng đại học vào ngăn tủ và đi học những điều mà mình còn thiếu như tin học, ngoại ngữ, chuyên môn, học những điều mà ở trường đại học không dạy chúng ta nhưng với cuộc sống lại vô cùng thiết thực. Và nếu giả dụ, mình lựa chọn sai đường, thì việc quay lại, tìm một con đường khác thì có sao đâu, miễn là chúng ta hãy cố gắng để vươn tới đích.
NỊNH A SỀNH - CHÀNG CÔNG NHÂN THỢ LÒ DÂN TỘC SAY MÊ LAO ĐỘNG |
Nguyễn Hoài Nam: Chàng công nhân trẻ say mê sáng tạo |
Hải Phòng, tin vui cho 2.000 công nhân bơ vơ vì giám đốc nước ngoài bỏ trốn |