Dự báo xu hướng biến đổi của giai cấp công nhân Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045
Đảng với công nhân - 16/12/2024 09:05 PGS,TS. Dương Trung Ý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước |
Về xu hướng biến đổi tích cực
Một là, số lượng công nhân lao động từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vẫn sẽ tăng lên.
Trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư, một số công nghệ phát triển vượt bậc như: IoT, big data, AI… đã dẫn đến việc hình thành các ngành nghề mới liên quan trực tiếp đến những công nghệ này như nhân viên phát triển ứng dụng, kĩ sư trí tuệ nhân tạo, kĩ sư chế tạo rô bốt, kĩ sư viết phần mềm ứng dụng… Trong khi đó, một số ngành công nghiệp tập trung nhiều công nhân lao động giản đơn, công nhân cổ xanh được dự báo là có nguy cơ biến mất.
Công nhân làm việc tại một xưởng may tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: N.Lam. |
Thực tế là từ khi ra đời đến này, số lượng giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng tăng lên. Nếu như trước những năm đổi mới, số lượng công nhân nước ta là 7 triệu, đến năm 2007 là 9,5 triệu và năm 2013 tăng lên gần 11 triệu thì hiện nay đã có khoảng 16,5 triệu người. Do đó, dự báo về sự tăng lên của giai cấp này ở Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở khoa học.
Hai là, cơ cấu giai cấp công nhân Việt Nam sẽ có sự chuyển dịch
Về cơ cấu theo thành phần kinh tế: Với chủ trương chủ động tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế sâu rộng, đẩy mạnh thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ nước ngoài và các đối tác quốc tế cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ… để chủ động nắm bắt cuộc cách mạng này, tạo đà cho nền kinh tế Việt Nam cất cánh, thì đội ngũ công nhân ở khu vực doanh nghiệp nước ngoài đang ngày càng tăng lên.
Về cơ cấu ngành nghề: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra rất nhiều những ngành nghề mới, dựa trên sự phát triển của khoa học, công nghệ như: công nghệ in 3D, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật kết nối, chuỗi blockchain… những ngành nghề dựa trên sự tích hợp của các công nghệ được cho là nền tảng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã có mặt ở Việt Nam và đang tạo nên những bứt phá từng ngày từng giờ cho nền kinh tế năng động này.
Trước yêu cầu của doanh nghiệp, của nền kinh tri thức, giai cấp công nhân có sự chuyển dịch từ những ngành công nghiệp truyền thống như công nghiệp dệt may, da giày, công nghiệp chế biến thủ công, thủy hải sản, gia công hàng tiêu dùng… sang những ngành công nghiệp công nghệ cao. Như vậy, cầu về công nhân trí thức, thành thạo các kỹ năng đang có xu hướng gia tăng, ngược lại cầu về lao động thủ công, truyền thống lại giảm đi.
Cơ cấu công nhân theo giới: Khác với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, người công nhân chủ yếu vận hành máy móc trong một dây chuyền công nghiệp, đòi hỏi phải có sức khỏe trước tiên, khiến cho nhiều công nhân nữ khó khăn trong cơ hội kiếm được việc làm. Nhưng hiện nay, bối cảnh mới đang tạo điều kiện cho bình đẳng giới, vì cuộc Cách mạng này làm phát triển các ngành công nghiệp dịch vụ, công nghiệp phụ trợ mới như: nhà hàng, khách sạn, ngân hàng…, là các khu vực tập trung công nhân nữ rất nhiều.
Cơ cấu công nhân theo vùng: Một số địa phương do địa hình thuận tiện lại gần trung tâm, thu hút được nhiều sự đầu tư cả trong và ngoài nước. Nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, nhiều doanh nghiệp, công ty tư nhân cũng như nước ngoài, nhiều công ty khởi nghiệp thành công… tập trung chủ yếu ở một số tỉnh, thành phố như: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Bình Dương, Đồng Nai…
Trong tương lai, một số tỉnh như Hà Nội, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xây dựng các khu đô thị thông minh và thành phố thông minh, hoạt động và quản lí hoàn toàn theo hệ thống công nghệ mới nhờ vào trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật kết nối và dữ liệu lớn… Theo đó, các khu công nghệ cao sẽ được xây dựng tại đây và sẽ trở thành các trung tâm nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm các ứng dụng công nghệ mới, trước khi phổ biến trên thị trường. Do đó, sẽ là những nơi tập trung đông đảo công nhân và đặc biệt là đội ngũ công nhân trí thức.
Ngược lại, ở những vùng địa hình phức tạp hơn như: vùng núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo… tập trung đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, kinh tế khó khăn, cơ sở hạ tầng còn nghèo nàn, chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư, phát triển kinh tế.
Ba là, dự báo chất lượng giai cấp công nhân Việt Nam sẽ tăng lên để đáp ứng được yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, và kinh tế tri thức
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế tri thức, hội nhập quốc tế… đang đặt ra các yêu cầu mà giai cấp công nhân nếu muốn nắm bắt được cơ hội có được việc làm tốt hơn, nhiều lựa chọn hơn, và nâng cao chất lượng cuộc sống thì không còn cách nào khác là phải chuẩn bị đầy đủ những kiến thức, kỹ năng cần có, đồng nghĩa với việc họ đang tiệm tiến đến việc nâng cao chất lượng giai cấp mình.
Công nhân làm việc tại xưởng lắp ráp, Công ty THACO Mazda. Ảnh: THACO. |
Bốn là, về phẩm chất chính trị, lập trường tư tưởng của giai cấp công nhân. Với những yêu cầu, đòi hỏi về trình độ tay nghề, về kỹ năng công việc… mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra, đã làm phát triển đội ngũ công nhân công nghệ cao, công nhân trí thức. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mang đến cho đội ngũ công nhân này cơ hội việc làm tốt với thu nhập cao, và một cuộc sống ổn định. Đây là điều kiện để công nhân một mặt nâng cao tri thức của mình, một mặt dễ dàng giác ngộ và bản lĩnh tư tưởng, chính trị lập trường giai cấp vững vàng hơn.
Về xu hướng biến đổi tiêu cực
Một là, làm tăng nguy cơ mất việc đối với một bộ phận công nhân lao động giản đơn, không kịp thích ứng với bối cảnh mới. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với sự phát triển của kinh tế tri thức đang và sẽ tác động dẫn đến sự chuyển dịch từ những ngành công nghiệp truyền thống như công nghiệp dệt may, da giày, công nghiệp chế biến thủ công thủy hải sản, gia công hàng tiêu dùng… sang những ngành công nghiệp công nghệ…
Rõ ràng rằng trong tương lai cầu về công nhân trí thức, thành thạo các kỹ năng đang có xu hướng gia tăng, ngược lại cầu về lao động thủ công, truyền thống lại giảm đi. Trong khi đó, hiện nay tỷ lệ công nhân lao động trong các ngành lao động chân tay, lao động giản đơn vẫn còn nhiều.
Hai là, cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra bài toán giải quyết việc làm cho công nhân nữ trong tương lai. Có thể nhìn thấy số lượng công nhân nữ làm việc tập trung trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là cao nhất chiếm tới 68% tổng số công nhân nữ hiện nay, nhưng công việc chủ yếu của họ là nhân viên sản xuất, tức gia công, lao động chân tay đơn thuần. Trong khi đó, hai xu hướng mà cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang tới đó là: nhà máy chuyển dịch về nơi khoa học công nghệ phát triển, và xu hướng thứ hai là nhà máy sẽ chuyển về nơi gần thị trường tiêu thụ để nắm bắt nhanh nhất có thể thị hiếu của khách hàng…
Ba là, những vấn đề xã hội có thể nảy sinh trong giai cấp công nhân Việt Nam. Khi công nhân lao động tập trung chủ yếu ở thành thị, những vùng giao thông đi lại thuận lợi, cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng phát triển, nơi tập trung nhiều khu công nghệ cao, khu chế xuất… dẫn đến bài toán về đời sống của công nhân như làm thế nào để đáp ứng yêu cầu về chỗ ăn, ở, sinh hoạt và các dịch vụ đi kèm… Cùng với đó, dễ dẫn đến nhiều vấn đề xã hội phức tạp nảy sinh như tệ nạn cờ bạc, ma tuý, mại dâm...
Bên cạnh đó còn là vấn đề an ninh trong công nhân. Việc mở rộng hội nhập quốc tế, mà điển hình là gia nhập CPTPP (Việt Nam đã là thành viên từ 2018), về vấn đề công nhân gia nhập công đoàn Việt Nam gặp nhiều thách thức từ những quy định của tổ chức này về việc người lao động tự do lựa chọn. Nhà nước cũng chịu nhiều sức ép về sửa đổi pháp luật lao động, công đoàn về quyền tự do thành lập hoặc gia nhập tổ chức công đoàn theo sự lựa chọn của người lao động, tự chủ trong hoạt động công đoàn, quyền đình công cho phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế trước khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực để thực thi…
Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Datalogic Việt Nam. Ảnh: Datalogic Việt Nam. |
Bốn là, dự báo nhưng tác động tiêu cực đến ý thức chính trị của giai cấp công nhân Việt Nam. Một nghịch lý đang diễn ra trong xã hội đó là nếu như một bộ phận công nhân trí thức đảm nhiệm các công việc mới liên quan đến trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, dữ liệu lớn… những lĩnh vực được dự đoán là sẽ tạo ra nhiều việc làm hấp dẫn với mức thu nhập cao, những công nhân kĩ thuật cao, công nhân trí thức sẽ ngày càng giàu lên, thì ngược lại những công nhân đảm nhiệm những công việc chủ yếu liên quan đến lao động chân tay, ở những ngành công nghiệp truyền thống không những có nguy cơ bị thất nghiệp, mà còn ngày càng nghèo đi.
Từ nay đến năm 2030 và cả năm 2045, sự phát triển giai cấp công nhân vẫn là kết quả từ tổng hòa sự vận dụng các đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh thế giới và Việt Nam. Từ thực tế, nhất là những năm đổi mới đất nước, đã chứng minh, nếu đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước đúng đắn, sát thực, đáp ứng được đòi hỏi khách quan của môi trường đương đại sẽ thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Đường lối và chính sách ấy được vận dụng sáng tạo vào xây dựng giai cấp công nhân sẽ làm cho giai cấp công nhân phát triển phù hợp với định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước; người công nhân sẽ là một hình mẫu của con người mới Việt Nam; cả giai cấp công nhân sẽ là nòng cốt trong liên minh công - nông - trí thức và khối đại đoàn kết toàn dân tộc - động lực to lớn của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nếu đường lối và chính sách không phù hợp hoặc vận dụng thiếu cụ thể, không đủ các nguồn lực cần thiết... thì sự phát triển giai cấp công nhân sẽ không đáp ứng được vị trí, vai trò quan trọng của mình trong sự nghiệp đổi mới đất nước.
Từ nay đến giữa thế kỷ XXI, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra những vấn đề mới nặng nề và phức tạp đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, Đảng và Nhà nước ta cũng phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để nâng cao chất lượng lãnh đạo và quản lý, trong đó có hoạch định đường lối, chính sách nói chung và tác động đến giai cấp công nhân nói riêng, đưa đất nước vững bước đi lên trở thành: Nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nâng cao ý thức chính trị cho giai cấp công nhân trong tình hình mới Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X nêu rõ “Giai cấp công nhân Việt Nam là một ... |
Giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh Bối cảnh mới của toàn cầu hóa và cuộc CMCN 4.0 đang tác động sâu sắc vào sản xuất, quản lý và đời sống xã ... |
Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước Tuy chỉ chiếm khoảng 14% dân số, 27% lực lượng lao động nhưng lực lượng công nhân cùng với người sử dụng lao động đóng ... |
- LĐLĐ tỉnh Bình Phước đạt và vượt các chỉ tiêu Tổng Liên đoàn giao năm 2024
- “Công nghệ VAR” khi tham gia giao thông
- Muôn nẻo yêu thương: Thắp lửa nghị lực, lan tỏa hạnh phúc giữa đời thường
- Nissan Patrol 2025 ra mắt tại Việt Nam đầu năm tới?
- Cơ hội sở hữu Corolla Cross bản xăng với ưu đãi 50% thuế trước bạ