e magazine
11/04/2025 07:55
Những đôi “tay vàng” tạo nên “bước chân thế giới”

11/04/2025 07:55

Trên những chuyến hàng giày thể thao xuất khẩu đi châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… người ta thường nhắc đến thương hiệu, mẫu mã, công nghệ. Nhưng phía sau mỗi đôi giày hoàn thiện, có hàng ngàn bàn tay lao động lặng lẽ của công nhân – những người đã gắn bó cả tuổi thanh xuân trong các nhà máy, xí nghiệp, góp phần đưa ngành giày da Việt Nam vươn xa trên bản đồ thế giới.
Những đôi “tay vàng” tạo nên “bước chân thế giới”
Những đôi “tay vàng” tạo nên “bước chân thế giới”

4 giờ sáng, khi phố xá vẫn còn chìm trong giấc ngủ, Nguyễn Thị Diễm Trinh (SN 1997, công nhân Cty TNHH TKG Taekwang Cần Thơ) đã thức giấc, chuẩn bị cho ca làm.

Trinh quê ở xã nghèo Long Thạnh (huyện Phụng Hiệu, tỉnh Hậu Giang). 5 năm trước, Trinh theo chân những người quen rời quê lên Cần Thơ tìm việc, với hy vọng có thể kiếm được tiền, giúp cuộc sống gia đình tốt hơn.

Hành trang của Trinh ngoài… hai bàn tay trắng, là một niềm tin mãnh liệt vào tương lai. Ngày đặt chân đến khu công nghiệp, giữa biển người xa lạ, Trinh đã bỡ ngỡ khi thấy hàng ngàn công nhân đang tất bật trong những xưởng giày lớn. “Lúc đó, em hoang mang lắm, không biết mình có trụ nổi không”, Trinh nhớ lại.

Như bao công nhân khác, những ngày đầu chập chững bước vào nghề, đôi chân của Trinh còn lóng ngóng như những đứa trẻ mới tập đi. Họ vụng về với từng đường dao cắt da, tay run khi bấm từng mũi chỉ, loay hoay giữa những dãy máy may, máy dán keo, máy ép đế hoạt động không ngừng nghỉ.

Những đôi “tay vàng” tạo nên “bước chân thế giới”

Vợ chồng Nguyễn Thị Diễm Trinh, đều là công nhân Cty TNHH TKG Taekwang Cần Thơ.

Làn da mềm nhanh chóng chai sạn, những ngón tay dần quen với mùi keo, mùi da thuộc, quen với những vết xước, vết cắt do thao tác chưa thuần thục. Nhưng qua từng ngày, từng tháng, họ dần nắm bắt được nhịp độ công việc, đôi tay trở nên nhanh nhẹn, đôi mắt tinh tường hơn, cảm nhận được từng nếp da, từng đường chỉ.

Sau thời gian học và thử việc, Trinh đã không còn là cô gái vụng về ngày nào. Trinh được nhận vào làm công nhân chính thức ở bộ phận IP (đế giày).

“Sản xuất đế giày có nhiều công đoạn, riêng công việc của em là sử dụng các máy móc chuyên dụng để cắt, ép hoặc định hình các tấm vật liệu thành hình dạng của đế giày theo bản thiết kế đã được chuẩn bị sẵn. Đây là công đoạn đòi hỏi sự chính xác cao để đảm bảo rằng đế giày đạt yêu cầu về kích thước và hình dáng”, Trinh kể.

Trinh là một trong số hàng triệu lao động của ngành giày da – một ngành mà Việt Nam đang đứng thứ 3 thế giới về sản xuất với 1,4 tỷ đôi/năm (sau Trung Quốc và Ấn Độ); đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu với 1,3 tỷ đôi/năm (chỉ sau Trung Quốc). Và đằng sau những con số ấn tượng ấy là những giọt mồ hôi thầm lặng, với cả nước mắt của hàng triệu người thợ giày không tên, không tuổi.

Những đôi “tay vàng” tạo nên “bước chân thế giới”

Từ một công nhân học việc, đến nay chị Nguyễn Thị Quỳnh Như (SN 1986, công nhân Công ty TNHH Changshin Việt Nam, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) đã thành thạo từng công đoạn, từ cắt da, may mũ, dán đế cho đến kiểm tra chất lượng.

Những sản phẩm do chị và đồng nghiệp làm ra giờ đây không chỉ xuất hiện trên thị trường Việt Nam mà còn xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu. Chị chia sẻ: “Làm nghề này quen rồi anh ơi. Hồi mới vô xưởng, nghe tiếng máy chạy ù tai, đứng một chỗ mà chân run, tay cứng. Nhưng giờ, nhắm mắt tôi cũng ráp được cả chục công đoạn”, chị cười hiền, ánh mắt vẫn chưa hết vẻ mệt mỏi sau ca làm đêm hôm trước.

Một đôi giày có thể qua tay 20 – 30 công nhân ở các bộ phận khác nhau, như: cắt, ép, may, thêu, lắp ráp, hoàn thiện. Ai cũng làm một phần rất nhỏ nhưng thiếu ai thì sản phẩm cũng không thể thành hình.

Những đôi “tay vàng” tạo nên “bước chân thế giới”

Chị Nguyễn Thị Quỳnh Như làm việc tại Công ty TNHH Changshin Việt Nam.

Mỗi ngày, chị Như cùng tổ mình hoàn thành hàng trăm sản phẩm. Những đôi giày mang thương hiệu nổi tiếng của Nike đều có công sức của chị. “Mình không tạo ra thương hiệu, nhưng mình giữ gìn nó bằng sự chính xác và tận tâm”, chị nói thêm.

Không chỉ là người thợ lành nghề, nhiều công nhân còn là chủ nhân của các sáng kiến kỹ thuật, cải tiến máy móc giúp nâng cao năng suất và chất lượng.

Anh Nguyễn Thanh Hiếu, quản lý xưởng sản xuất ở Changshin Việt Nam là một trong những cá nhân xuất sắc của Đồng Nai được Tổng LĐLĐ Việt Nam khen thưởng trong Chương trình 1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19. Tiêu biểu trong đó phải kể đến 2 sáng kiến: cải tiến cắt băng keo cho công đoạn mã hàng Invincible bằng máy cắt laser và cải tiến giảm chi phí coating mold DMC mã hàng Free 5.0. Cả 2 sáng kiến của anh đã góp phần làm giảm chi phí và chống thất thoát trong quá trình sản xuất, làm lợi cho doanh nghiệp trên 5 tỷ đồng.

Ngành giày da là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực, sử dụng hơn 1,5 triệu lao động, chủ yếu là nữ công nhân. Để giữ vững đơn hàng và thị trường, đòi hỏi quy trình sản xuất phải chuẩn chỉnh, chất lượng đồng đều và tiến độ nghiêm ngặt.

Chị Đoàn Thị Kim Tuyến – Tổ trưởng tổ hoàn thiện tại một nhà máy ở Long An – cho biết: “Chúng tôi làm việc theo quy trình quản lý chất lượng 5S, mỗi công nhân phải tự kiểm tra sản phẩm của mình trước khi chuyển tiếp. Chỉ cần một lỗi nhỏ cũng ảnh hưởng cả dây chuyền”.

Những đôi “tay vàng” tạo nên “bước chân thế giới”
Những đôi “tay vàng” tạo nên “bước chân thế giới”

Đồng hành trong sự phát triển của ngành giày da với hàng triệu công nhân lao động không thể thiếu vai trò của tổ chức Công đoàn. Những năm qua, việc chăm lo cho công nhân giày da không chỉ dừng lại ở những khoản hỗ trợ lúc hoạn nạn; mà tại nhiều doanh nghiệp, công đoàn còn là cầu nối giữa người lao động và lãnh đạo, đề xuất cải thiện bữa ăn ca, điều chỉnh thời gian làm việc hợp lý, hay vận động tổ chức khám sức khỏe định kỳ miễn phí.

Những đôi “tay vàng” tạo nên “bước chân thế giới”

CĐCS Công ty CP TKG Taekwang Vina (Đồng Nai) luôn đồng hành, chăm lo đời sống cho công nhân lao động.

Như CĐCS Công ty CP TKG Taekwang Vina (Đồng Nai) đã cho ra đời nhiều mô hình thiết thực chăm lo cho người lao động. Điển hình là mô hình Siêu thị công nhân đã duy trì trên 15 năm và phục vụ cho hàng trăm ngàn lượt công nhân. Khi công nhân cần mua các mặt hàng thiết yếu nhưng chưa có tiền mặt thì có thể đến siêu thị công nhân nằm gần nhà xe công ty để mua hàng, đến kỳ nhận lương sẽ thanh toán.

Hằng năm, Công đoàn phối hợp với công ty tổ chức cho người lao động được đi nghỉ dưỡng để tái tạo sức lao động. Vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, công nhân còn được hỗ trợ với nhiều hoạt động cụ thể như: Tổ chức Ngày hội gia đình TGK Taekwang Vina, thưởng Tết cho người lao động và nhiều người còn được hỗ trợ phương tiện đi lại để về quê sum họp cùng gia đình. Không dừng lại ở đó, hàng năm Công đoàn cơ sở công ty còn tổ chức tuyên dương con công nhân lao động có thành tích học giỏi sống tốt, hỗ trợ kịp thời cho những công nhân có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo.

Một trong những mô hình được nhiều công nhân đánh giá rất cao, đó là mô hình Trường mầm non tư thục Thái Quang Taekwang Vina tại P.Long Bình (TP.Biên Hòa). Trường có diện tích 7.500m2, được xây theo hình chữ S, gồm 18 phòng học cùng các phòng chức năng: thư viện, âm nhạc, vận động phát triển thể chất, hội họa... với kinh phí đầu tư hàng chục tỷ đồng.

Những đôi “tay vàng” tạo nên “bước chân thế giới”

Đồng chí Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch CĐCS Công ty CP TKG Taekwang Vina, cho biết, ngôi trường ra đời đã đáp ứng được nhu cầu của phần đông nữ công nhân đang làm việc tại công ty, để cha mẹ của trẻ yên tâm làm việc. Công nhân có con gửi ở trường được công ty hỗ trợ 60% học phí. Điều này giúp giảm bớt gánh nặng vật chất cho công nhân khi phải đi làm xa quê. Từng không gian lớp học đến bữa ăn cho con công nhân luôn phải đảm bảo sạch sẽ và chất lượng để cha mẹ yên tâm công tác.

Nhờ thực hiện tốt việc chăm lo cho đời sống người lao động nên năng suất lao động của công ty luôn ở mức cao, công nhân làm việc ở công ty như làm việc nhà. Không chỉ làm việc với năng suất tốt, người lao động còn có rất nhiều sáng kiến, làm lợi cả chục tỷ đồng cho công ty mỗi năm.

Ca làm kết thúc, dòng công nhân lại rời nhà máy, đạp xe hoặc bắt xe buýt trở về những dãy trọ chật hẹp. Họ sống giản dị, chịu khó, nhưng đầy hy vọng. Bởi hơn ai hết, họ hiểu rằng, chính những đôi tay chai sạn ấy đang góp phần tạo dựng thương hiệu giày da Việt Nam. Và trong tiếng máy may rì rầm, tiếng cắt da phập phập, có cả giấc mơ về một tương lai đủ đầy hơn – không chỉ cho họ, mà cho cả ngành giày da nước nhà.

TRẦN LƯU

Ảnh: T.L - ĐVCC

Đồ họa: TRƯỜNG SƠN

TRẦN LƯU

Xem phiên bản di động