
Ông Tô Mạnh Linh – Phó Giám đốc Thị trường, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Tập đoàn Vinacontrol cho rằng vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần trong công nhân lao động thời gian qua có xu hướng ngày càng gia tăng.
Điều này được thể hiện rõ nét qua việc đánh giá hai phương án hưởng bảo hiểm xã hội một lần được Chính phủ đề xuất trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và các ý kiến tranh luận, thảo luận về 2 phương án hưởng bảo hiểm một lần tại Kỳ họp Quốc hội tháng 11 năm ngoái.
![]() |
Ông Tô Mạnh Linh – Chủ tịch Công đoàn Chi nhánh Công ty CP Vinacontrol Hà Nội. Ảnh: Mai Quý |
Theo ông Linh, chính sách cho người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần cần được duy trì và không phân biệt trước hay sau khi có luật sửa đổi, bởi đây là quyền lợi chính đáng của người lao động.
“Điều này hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc, công bằng của bảo hiểm xã hội được nêu trong quan điểm xây dựng Luật, cũng như mục tiêu, ý nghĩa về chính sách bảo hiểm xã hội. Hơn thế nữa, việc dừng chính sách rút bảo hiểm xã hội một lần có thể càng dẫn đến tâm lý quan ngại của người dân đối với Quỹ Bảo hiểm xã hội”, ông Linh nói.
Có nhiều nguyên dẫn dẫn tới việc người lao động gia tăng rút bảo hiểm xã hội một lần, song ông Linh cho rằng cần xét đến “sự hài lòng và sự trung thành” của người lao động đối với bảo hiểm xã hội.
Dẫn Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), ông Linh cho biết Điều 126 đến Điều 128 nói về đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội. “Như vậy có thể xem Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang vận hành như một tổ chức kinh doanh tài chính và các khách hàng ở đây gồm có người gửi tiền – tức người lao động và người vay tiền là các định chế phù hợp với Danh mục đầu tư được nêu trong Điều 127 Luật BHXH (sửa đổi)”, ông Linh nhận định.
![]() |
Toàn cảnh Hội nghị tiếp xúc cử tri là cán bộ, đoàn viên công đoàn, người lao động Thủ đô, lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Công đoàn (sửa đổi). Ảnh: Minh Khôi |
Theo thống kê của LĐLĐ TP Hà Nội, hiện nay, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc toàn thành phố đạt trên 2,05 triệu người, tăng 88.126 người so với cùng kỳ năm 2023. |
“Liệu có hay không tâm lý sợ Quỹ Bảo hiểm xã hội không duy trì được, nên chủ động rút trước cho an toàn? Ngoài việc liên quan đến vấn đề nguồn thu, phương án chi trả bảo hiểm xã hội, tâm lý này còn đặc biệt liên quan đến danh mục đầu tư và phương thức đầu tư của Quỹ Bảo hiểm xã hội, hay còn được nói một cách dân dã là tiền đóng bảo hiểm xã hội của người dân đang được đổ vào đâu?", ông Tô Mạnh Linh đặt câu hỏi.
Theo khoản 1, Điều 127 của Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), danh mục đầu tư của Quỹ Bảo hiểm xã hội tại thị trường trong nước gồm có 4 trường hợp. Trong đó, có trường hợp đầu tư trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi của các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước trên 50% vốn điều lệ, trừ các ngân hàng thương mại đang được kiểm soát đặc biệt.
Đây là điểm mới, thay thế hoàn toàn cho khoản 4, Điều 92 trong Luật Bảo hiểm xã hội 2014 song ông Linh tỏ ra lo ngại rằng sau những sự việc xảy ra gần đây, trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi có thực sự là kênh đầu tư an toàn?
Ông cho rằng cần thận trọng trong đầu tư từ nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội nhưng cũng cần mạnh dạn, quyết đoán lựa chọn một số lĩnh vực đang còn nhiều dư địa phát triển, khả năng thu hồi vốn cao và vừa trực tiếp liên quan đến vấn đề an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Công đoàn Vinacontrol Hà Nội, cơ chế quản lý, vận hành Quỹ Bảo hiểm xã hội cần tiếp tục được hoàn thiện nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, hiệu quả; nhằm tạo nền tảng để xây dựng lòng tin, sự trung thành của người dân đối với bảo hiểm xã hội.
Bà Hoàng Thị Oanh - Ủy viên BCH Công đoàn Tạp chí Phổ biến pháp luật Việt Nam cho rằng cần có biện pháp để người lao động ở lại hệ thống bảo hiểm xã hội lâu hơn và tạo điều kiện để họ có đủ điều kiện hưởng lương hưu.
“Tôi đồng ý với quan điểm đề xuất giảm lợi ích từ việc rút bảo hiểm xã hội một lần theo phương án 2 của điểm đ tại Điều 77. Tuy nhiên, kiến nghị mức rút bảo hiểm xã hội không phải là 50%, mà tương ứng với mức đóng bảo hiểm của người lao động, để người lao động chỉ có thể rút khoản tiền họ đóng vào quỹ, còn khoản tiền mà người sử dụng dụng lao động đóng sẽ được giữ lại để chi trả một phần lương hưu sau này. Hoặc sửa đổi điều kiện hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và đặc biệt là quy định về trợ cấp hằng tháng với người đủ tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ thời gian tham gia bảo hiểm xã hội”, bà Oanh nêu quan điểm.
Theo bà Oanh, phương án này khắc phục được tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần của thời gian qua, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, giúp người lao động thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, góp phần ổn định cuộc sống khi về già.
Video: Ông Tô Mạnh Linh – Phó Giám đốc Thị trường, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Tập đoàn Vinacontrol.
Hội nghị tiếp xúc cử tri là cán bộ, đoàn viên công đoàn, người lao động Thủ đô, lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Công đoàn (sửa đổi) do Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội phối hợp với LĐLĐ TP Hà Nội tổ chức chiều 13/5/2024. Hội nghị nhằm tạo diễn đàn để đại biểu Quốc hội Thành phố tiếp xúc, lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của cử tri là đoàn viên, công nhân lao động về việc làm, thu nhập, đời sống. Từ đó, đại biểu Quốc hội Thành phố tổng hợp và phản ánh ý kiến với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan, góp phần xây dựng chính sách, pháp luật đảm bảo khả thi, sát thực tế. Đây cũng là một hoạt động trọng tâm của chuỗi các hoạt động trong Tháng Công nhân năm 2024 của LĐLĐ TP Hà Nội. Chương trình hội nghị tiếp xúc cử tri tập trung vào 2 nội dung chính, đó là: (1) Phản ánh thực tiễn thi hành, nêu ý kiến góp ý đối với các dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Luật Công đoàn (sửa đổi). (2) Các ý kiến đề xuất, kiến nghị, phản ánh của đoàn viên, người lao động về vấn đề việc làm, thu nhập, đời sống, các chế độ chính sách về Lao động, Bảo hiểm xã hội; về tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động. |
![]() Chưa đánh giá được việc rút bảo hiểm xã hội một lần thế nào là hợp lý, song các chuyên gia cho rằng cần lựa ... |
![]() Rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần nhưng chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt trong 2 tháng, nữ công nhân chỉ biết ... |
![]() Truy lĩnh bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được hiểu là việc người lao động hưởng quyền lợi BHTN đúng ra được nhận từ trước đó ... |