Chị Thạch, chị Lan nhận gạo và thực phẩm hỗ trợ từ nhóm tình nguyện viên. |
Từ con phố Trần Bình (Cầu Giấy, Hà Nội), chúng tôi men theo ngõ nhỏ để vào nơi ở của gia đình chị Phạm Thị Thạch. Trong căn nhà lợp tôn rộng chừng hơn 15 m2 là nơi sinh sống của 4 con người (chị sống cùng anh trai và vợ chồng con gái chị). Khoảng không gian ít ỏi phía trước treo mấy bộ quần áo cũ; lối đi lại gần như bị bịt kín bởi nơi ấy là chỗ tập kết giấy vụn, chai nhựa… mà chị Thạch đi thu gom về hằng ngày.
Chị Thạch bị tật ở chân trái bẩm sinh, sau này lại bị teo, co quắp tay trái nên không thể làm được việc nặng, việc đi lại hằng ngày cũng rất khó khăn. Anh trai chị đau yếu quanh năm. Đứa con gái lấy chồng, đang có bầu, ốm nghén không làm được việc, trong khi đó chồng đi làm bảo vệ, nhưng mấy tháng vừa rồi cũng thất nghiệp.
Anh trai chị Thạch chuẩn bị bữa trưa sau khi nhận được thực phẩm hỗ trợ từ nhóm tình nguyện viên. |
Để duy trì cuộc sống, hằng ngày, chị Thạch đi nhặt ve chai. Chị đi từng xóm, xin chai nhựa, sách báo cũ bỏ đi của mọi người về gom lại để bán. Mỗi ngày được vài chục ngàn, đủ mua cân gạo, rau cháo qua ngày. Mấy tháng nay, dịch bệnh Covid-19 kéo dài, hàng quán đóng cửa, việc thu lượm ve chai cũng vì thế mà hạn chế. Cuộc sống của gia đình chị Thạch vốn dĩ khó khăn, lại càng khó khăn hơn.
Mấy hôm nay, nghe hàng xóm nói có phát gạo ủng hộ ở chợ Nghĩa Tân, chị Thạch sang rủ chị Lan - người mù ở trong xóm - cùng đi. Cảnh một người què, dẫn theo một người mù lòa đi xin gạo, ai nhìn thấy cũng đều thương cảm.
“Sáng nay, tôi sang rủ chị Lan, hai chị em đi bộ hơn 4 cây số ra chợ Nghĩa Tân xin gạo, mỗi người xin được 2 cân. Nhưng gạo đựng trong túi giấy, đi giữa đường thì bị rách, rơi mất một ít. May có người cho túi ni lông bọc lại. Hai chị em vừa đi vừa tiếc” - chị Thạch cho biết.
Hoàn cảnh của chị Vương Thị Ngọc Lan éo le không kém chị Thạch. Chồng chị Lan mất hơn 11 năm trước khi các con chị còn nhỏ, đứa đầu vừa tròn 10 tuổi, đứa thứ 2 mới được 7 tuổi. 6 năm trước, đôi mắt chị tự dưng mờ dần rồi tối hẳn. Hai đứa con đều phải bỏ học giữa chừng, đứa lớn đi vào Tây Nguyên làm thợ xây, đứa bé xin chạy bàn tại quán cà phê. Dịch bệnh xảy ra, đứa lớn không có tiền về nhà; đứa bé cũng mất việc. Mẹ con chị Lan mấy tháng nay trông chờ vào số tiền trợ cấp ít ỏi của chị, tằn tiện nhưng không đủ sống, cơm bữa có bữa không.
Chị Lan cho biết: “Tôi mù lòa, chỉ quanh quẩn ở nhà. Đi ra ngõ phải cầm theo gậy. Trước khi có dịch, cháu thứ 2 làm ở quán cà phê, mỗi tháng cũng được 3 triệu. Mẹ con tằn tiện chi tiêu, đủ 2 bữa qua ngày. Nhưng dịch bệnh xảy ra, cháu nó mất việc, ngồi ở nhà. Ở trong Tây Nguyên, thằng đầu cũng mất việc. Thành thử mấy mẹ con lâm vào khốn khó”.
“Sống giữa đất Thủ đô, nhưng thú thật, 2 tháng nay, mẹ con chưa biết miếng thịt là gì. Nếu dịch bệnh kéo dài mãi thế này, chỉ lo chết đói”. - chị Lan tâm sự.
Theo chị Phạm Việt Vân - Phó Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Du học và Du lịch Đông Nam Á: “Mấy hôm trước, công ty chúng tôi phát gạo. Giữa buổi thấy hai chị, một mù, một què dắt nhau đến xin. Nghe các chị ấy kể, phải vừa đi bộ mất 3 cây số. Chúng tôi thấy ái ngại, nên cho nhân viên chở gạo và người về tận nhà. Không ngờ đến nhà chứng kiến gia cảnh khốn khó, nên mấy chị em bàn nhau gom tiền mua thêm 4 yến gạo; 4 cân thịt, dầu ăn, nước mắm, mì chính, mì tôm và bí xanh… đến biếu mỗi gia đình một ít. Chúng tôi cũng đang tiếp tục vận động các mạnh thường quân để ủng hộ thêm cho 2 chị ấy, với mong ước “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều", tất cả cùng chung tay vượt qua quãng thời gian khốn khó do dịch bệnh”.
Nhận được sự hỗ trợ từ nhóm tình nguyện, chị Phạm Thị Thạch cho biết: “Hai gia đình chúng tôi không biết nói gì hơn, ngoài lời cảm ơn chân thành nhất”.
Nhìn cảnh anh trai chị Thạch tất bật chuẩn bị bữa trưa từ những thực phẩm do nhóm chị Vân mang đến, chúng tôi đều cảm thấy ấm lòng. Chúng tôi tin rằng, cả trong những ngày gian khó này, cũng sẽ không có một người nghèo, người yếu nào bị bỏ lại, bởi ngoài Chính phủ, chính quyền sở tại, các cơ quan ban ngành chức năng, các tổ chức, doanh nghiệp, mỗi người dân cũng đang chung tay gom góp để cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh, cùng chau chia sẻ từng bát gạo, từng gói mì, giúp người nghèo, người yếu thế vững tâm vượt qua khó khăn, hoạn nạn.
Covid-19: Cập nhật thông tin mới nhất ngày 16/4 Tính đến 7h sáng ngày 16/4, Covid-19 đã xuất hiện ở 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 2 triệu người nhiễm virus corona ... |
Sò cõng gạch, ông Tây ăn xin và chúng ta… Chính phủ đã thông qua gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng cho hơn 20 triệu người khó khăn nhất trong đại dịch Covid ... |
Người lao động nên đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp học nghề nếu thất nghiệp Theo BHXH Việt Nam, trong thời điểm dịch Covid-19, nếu không may bị thất nghiệp, người lao động nên đăng ký nhận trợ cấp thất ... |