Trung bình một cán bộ công đoàn chuyên trách phụ trách hoạt động của 18,75 công đoàn cơ sở
Hoạt động Công đoàn - 05/08/2024 14:39 Gia Hưng
Trực tiếp: Lễ biểu dương cán bộ nữ công công đoàn cơ sở tiêu biểu, xuất sắc lần thứ 3 |
Hội thảo được đồng chủ trì bởi các đồng chí: Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; GS.TS Tạ Ngọc Tấn – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; GS.TS Lê Văn Lợi – Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Tham dự hội thảo có đại diện từ các cơ quan Đảng Trung ương như Ban Dân vận, Ban Kinh tế, Ban Tuyên giáo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cùng các cơ quan thuộc Chính phủ như Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch... Bên cạnh đó, hội thảo còn có các nhà lý luận, quản lý, các chuyên gia đến từ nhiều các cơ quan phối hợp tổ chức.
Các đồng chí đồng chủ trì Hội thảo. Ảnh: M. Thắng. |
Thiếu hụt nhân sự của hệ thống tổ chức Công đoàn
Theo GS.TS Tạ Ngọc Tấn – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, vấn đề lớn đang đặt ra đối với tổ chức Công đoàn là số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách còn rất thiếu so với nhu cầu thực tiễn.
Theo số liệu thống kê, tính đến hết quý I/2024, tổng số biên chế công đoàn địa phương được các tỉnh, thành ủy giao năm 2024 chỉ là 5.119 biên chế. Trong khi đó, số biên chế ở địa phương (bao gồm cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) của: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là 16.116 biên chế; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là 16.080 biên chế; Hội Liên hiệp Phụ nữ là 15.509 biên chế; Hội Nông dân là 14.436 biên chế.
Nếu không tính số đơn vị hành chính cấp xã ở các địa phương (khoảng 10.500 đơn vị), số biên chế của tổ chức Công đoàn cấp trên cơ sở không chênh lệch nhiều so với các tổ chức chính trị xã hội khác.
Nhưng nếu xét theo góc độ tốc độ thu hút vốn FDI, gia tăng các trung tâm kinh tế, các khu công nghiệp; gia tăng số lượng người tham gia thị trường lao động, số lượng đoàn viên công đoàn trong doanh nghiệp…, thì số lượng cán bộ công đoàn cơ sở đối diện với thách thức lớn về sự thiếu hụt nhân sự.
Theo số liệu của Tổng LĐLĐ Việt Nam, tính đến tháng 12/2023, cả nước có 11,225 triệu đoàn viên công đoàn sinh hoạt trong 124.325 công đoàn cơ sở, nhưng chỉ có 6.630 cán bộ công đoàn chuyên trách.
Nếu không tính phân cấp, trung bình một cán bộ công đoàn chuyên trách phụ trách hoạt động của 18,75 công đoàn cơ sở. Trong khi đó, số biên chế của tổ chức Công đoàn ngày càng thu hẹp.
Việc thiếu hụt nhân sự của hệ thống tổ chức Công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở sẽ tác động sâu sắc đến tình hình việc làm, vấn đề thu hút, tập hợp, giáo dục đoàn viên, người lao động; trong đó có vấn đề an ninh công nhân nói riêng, an ninh trật tự, an ninh chính trị nói chung.
Trung bình một cán bộ công đoàn chuyên trách hiện phụ trách hoạt động của 18,75 công đoàn cơ sở. Ảnh: PV |
“Đây là một vấn đề lớn, có tính chất cấp bách, cần được các cơ quan có trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, xem xét; để có những giải pháp nhanh chóng, hợp lý tăng cường số lượng cán bộ công đoàn phù hợp với bối cảnh, tình hình mới, nhất là trước thách thức, cạnh tranh từ sự xuất hiện các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.”, GS.TS Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, mô hình tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam hiện nay còn một số bất cập, hạn chế như: Mô hình công đoàn ngành chưa thật sự mang tính ngành nghề; Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp có nhiều cấp trung gian, nhất là các doanh nghiệp có quy mô lao động lớn, có nhiều đơn vị thành viên, làm giảm đi mối quan hệ trực tiếp giữa Ban Chấp hành công đoàn cơ sở với đoàn viên, người lao động; nhiệm vụ mỗi cấp chưa được phân định rõ, còn chung chung, trùng lắp làm cho việc kiểm điểm trách nhiệm của mỗi cấp công đoàn khó khăn, hiệu quả hoạt động chưa cao. Ngoài ra, năng lực của một bộ phận cán bộ công đoàn còn nhiều hạn chế; tổ chức ban nghiệp vụ ở một số ngành, địa phương chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.
Yêu cầu cấp bách: Đổi mới mạnh mẽ, thực chất, toàn diện hơn
Hội thảo đã khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của tổ chức Công đoàn cũng như những thành tựu rất to lớn mà tổ chức Công đoàn đã đạt được.
Trong quá trình Cách mạng Việt Nam, nhất là trong gần 40 năm Đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, hoạt động công đoàn ngày càng đi vào chiều sâu, mở rộng sang khu vực kinh tế ngoài nhà nước; các cấp Công đoàn phối hợp ngày càng hiệu quả với các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và người sử dụng lao động, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.
Các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước được phát động rộng rãi, thu hút, khơi dậy động lực của đoàn viên, người lao động, góp phần tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế - xã hội.
Công đoàn đã làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, nhà nước với công nhân, người lao động, tích cực tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn nhấn mạnh: “Nghị quyết số 02-NQ/TW về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam với nhiều chính sách mạnh mẽ, quyết liệt đã “thổi luồng sinh khí mới” cho hoạt động công đoàn, là sự cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng trong chỉ đạo, định hướng hoạt động công đoàn, đồng thời là cơ sở để đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”. Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam đã sớm ban hành và chỉ đạo các cấp công đoàn triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết 02-NQ/TW. Đến nay, đã có 14/35 đề án và kế hoạch theo chương trình hành động được triển khai; 21 nội dung còn lại đang tiếp tục được nghiên cứu và đề xuất theo tiến độ. |
Tuy nhiên hiện nay, bối cảnh thế giới diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp; tình hình trong nước cũng đã có những thay đổi to lớn, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, toàn diện, cơ cấu xã hội cùng sự phân hóa về lợi ích vật chất và vị thế xã hội, quan hệ lao động đã có nhiều biến động, chuyển dịch to lớn.
Bối cảnh đó đang đặt ra cho giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam những thuận lợi cơ bản và cả những khó khăn, thách thức mới, đặt ra những yêu cầu ngày càng cao, đa dạng đối với tổ chức Công đoàn về cả sứ mệnh, phương thức tổ chức và hoạt động thực tiễn. Yêu cầu cấp bách đặt ra là phải đổi mới mạnh mẽ, thực chất hơn, toàn diện các mặt hoạt động về tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam với những nội dung cụ thể:
Một là: Tổ chức, bộ máy của từng cấp công đoàn cần đổi mới sắp xếp theo hướng tinh gọn, linh hoạt; phải làm rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, trách nhiệm mỗi cấp công đoàn; và đảm bảo điều kiện để tổ chức công đoàn thực hiện tốt nhất vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình.
Hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động công đoàn ngành đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Hai là: Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn cần đổi mới chương trình, cập nhật nội dung, biên soạn mới tài liệu đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng tổ chức; tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách các cấp, đặc biệt ở cấp trên trực tiếp cơ sở.
Ba là: Đổi mới mạnh mẽ phương thức thu hút, tập hợp người, vận động đoàn viên, người lao động; tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở; các cấp công đoàn thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan khảo sát, điều tra, thống kê nắm tình hình công nhân lao động và doanh nghiệp, đánh giá, phân loại doanh nghiệp theo từng địa bàn hoạt động và số lượng công nhân lao động, xác định các doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập công đoàn cơ sở theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Bốn là: Đổi mới công tác chỉ đạo, định hướng của công đoàn cấp trên đối với công đoàn cấp dưới trong hoạt động giám sát, trong đó đặc biệt là vai trò chỉ đạo, định hướng của Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Ngoài ra cần hoàn thiện quy định về tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát của tổ chức công đoàn. Xây dựng mô hình phúc lợi công đoàn đáp ứng nhu cầu của đoàn viên, người lao động; nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn pháp luật và tham gia giải quyết tranh chấp lao động tập thể của các cấp công đoàn.
Các đại biểu thảo luận bên lề Hội thảo. Ảnh: M. Thắng |
Đặc biệt, tiếp tục nâng cao hiệu quả đối thoại, thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể trong các cấp công đoàn; xây dựng cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin hiệu quả giữa cơ quan nhà nước, các cấp công đoàn và hoà giải viên lao động nhằm chủ động nắm bắt tình hình và hỗ trợ các bên trong quan hệ lao động từ khâu đề xuất nội dung thương lượng đến quá trình thương lượng, thực hiện thoả ước lao động tập thể và giải quyết tranh chấp.
Bên cạnh đó, tổ chức Công đoàn cần tổ chức đa dạng nhiều hình thức phù hợp với điều kiện cụ thể của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, địa phương để lắng nghe được nhiều nhất tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của người lao động; trên cơ sở đó khái quát thành những vấn đề cần thiết phải xây dựng chính sách, pháp luật để điều chỉnh đối với đa số người lao động; làm tốt nhiệm vụ đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh; theo đuổi, bám sát đến cùng những vấn đề đã đề xuất trong quá trình xây dựng pháp luật, hoạch định chính sách.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành của người đứng đầu các cấp công đoàn đối với công tác tài chính, tài sản; đẩy mạnh công tác quản lý thu tài chính công đoàn, triển khai quyết liệt các giải pháp để thu đúng, thu đủ và kịp thời, chống thất thu kinh phí và đoàn phí, tăng dần tỉ trọng thu đoàn phí trong cơ cấu thu tài chính công đoàn; thực hiện phân bổ, giao dự toán chi tài chính công đoàn đúng quy định.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả công đoàn tham gia thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp giữa Công đoàn với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Đổi mới tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, tổng kết, đánh giá tính hiệu quả, sức lan tỏa của các phong trào thi đua để điều chỉnh, hoàn thiện, tập trung phát triển có trọng điểm. Tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, giám sát thực hiện các phong trào thi đua đảm bảo tính thường xuyên, liên tục.
Song song với đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động, GS.TS Tạ Ngọc Tấn cũng khuyến nghị, Tổng LĐLĐ Việt Nam cần chú trọng công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn; gắn công tác nghiên cứu của Tổng LĐLĐ Việt Nam với công tác nghiên cứu lý luận của Đảng; cung cấp thông tin, dữ liệu khoa học về công nhân, công đoàn một cách tin cậy, khách quan, cập nhật; chia sẻ, gửi kết quả về Hội Đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng khoa học của các ban Đảng.
GS.TS Tạ Ngọc Tấn khẳng định rằng kết quả hội thảo sẽ là cơ sở quan trọng cho Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Hội đồng Lý luận Trung ương tiếp tục nghiên cứu, củng cố và phát triển lý luận về công đoàn, nhằm nâng cao hiệu quả và vai trò của công đoàn trong tương lai.
Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn cũng hy vọng, các ý kiến đóng góp từ hội thảo sẽ góp phần hình thành những tư duy và định hướng chiến lược mới, nâng cao hiệu quả và vai trò của Công đoàn Việt Nam, đáp ứng kỳ vọng của giai cấp công nhân và người lao động.
Tin tưởng rằng, với truyền thống vẻ vang, kinh nghiệm quý báu qua 95 năm hoạt động và những định hướng đúng đắn của Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị, Công đoàn Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới tổ chức, nhanh chóng hoàn thiện phương thức hoạt động, không ngừng phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của Đảng, sự tin tưởng, ủng hộ của đoàn viên, người lao động trong tình hình mới.
Chú trọng đào tạo cán bộ và chuyển đổi số hoạt động công đoàn Đó là một trong những nhiệm vụ, khâu đột phá trong năm 2024 để triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Công đoàn ... |
Nâng cao chất lượng cán bộ công đoàn cơ sở là giải pháp đột phá Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở (CĐCS) là nội dung quan trọng được Công đoàn tỉnh Lâm Đồng triển ... |
Luật Công đoàn (sửa đổi): Cần bổ sung hành vi trốn, chậm đóng kinh phí công đoàn Nhiều ý kiến góp ý hoàn thiện dự án luật, nhất là cơ chế quản lý tài chính công đoàn được nêu tại hội nghị ... |
Tin cùng chuyên mục
Hoạt động Công đoàn - 24/11/2024 10:25
"Ngôi nhà yêu thương" - Công đoàn Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội
“Ngôi nhà yêu thương” mà tôi đang nhắc đến đó chính là Công đoàn Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội, nơi đã thắp sáng niềm tin cho biết bao thế hệ học viên, tạo động lực cho cán bộ không ngừng phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ phòng, chống tệ nạn xã hội.
Hoạt động Công đoàn - 24/11/2024 06:39
Cô giáo mắc bệnh nan y truyền cảm hứng sống tích cực, lạc quan cho đồng nghiệp
Cô Trịnh Thị Thủy – Giáo viên dạy môn Vật lí Trường THPT Nguyễn Tất Thành (quận 6, Tp Hồ Chí Minh) là người giàu nghị lực và sự lạc quan. Dù mang trong mình căn bệnh nan y nhưng bằng niềm tin yêu cuộc đời, cô vẫn mỉm cười, sống tích cực. Cô trở thành điểm sáng truyền cảm hứng cho đồng nghiệp.
Hoạt động Công đoàn - 24/11/2024 06:35
Công đoàn TP. Hồ Chí Minh đồng hành cùng công nhân trong mọi hoàn cảnh
Giữa vô số khó khăn do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, các cấp công đoàn TP. Hồ Chí Minh đã nỗ lực chăm lo, giúp đời sống công nhân lao động được ổn định, để an tâm sản xuất…
Hoạt động Công đoàn - 23/11/2024 16:09
Công đoàn MICCO: Dành những gì tốt nhất cho người lao động
Nhiều năm qua, Công đoàn Công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ Việt Bắc – MICCO (Đông Triều, Quảng Ninh) đã thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình trong việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên, người lao động; tiếp tục nâng cao chất lượng và tích cực đổi mới phương thức, cách thức tổ chức các hoạt động; tạo điều kiện tốt nhất để người lao động an tâm công tác và cống hiến.
Hoạt động Công đoàn - 23/11/2024 08:51
Anh Nguyễn Thành Nhân - 25 năm gắn bó với Trường THPT Ngô Gia Tự
Hơn 25 năm qua, anh Nhân là một phần không thể thiếu của tập thể Trường THPT Ngô Gia Tự (xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh).
Hoạt động Công đoàn - 22/11/2024 18:44
Hành trình thầm lặng và trách nhiệm của người lái xe chở vật liệu nổ công nghiệp
Với hơn một thập kỷ gắn bó với Công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ Bắc Trung Bộ - MICCO, anh Bùi Công Quyền đã trở thành một phần không thể thiếu của đội ngũ lái xe. Nhưng phía sau tay lái ấy là một người đàn ông với những trăn trở, khát vọng vượt xa khỏi công việc hằng ngày.
- Fan Việt bùng nổ cảm xúc sau lời chào chính thức từ Imagine Dragons
- "Ngôi nhà yêu thương" - Công đoàn Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội
- Những trường hợp nghỉ làm có lương và 3 quy định dành riêng cho lao động nữ
- Cô giáo mắc bệnh nan y truyền cảm hứng sống tích cực, lạc quan cho đồng nghiệp
- Công đoàn TP. Hồ Chí Minh đồng hành cùng công nhân trong mọi hoàn cảnh