
1. Cơ sở lý luận về bản chất của giai cấp công nhân
Chủ nghĩa Mác Lênin khẳng định, bản chất của một giai cấp là sự thể hiện những đặc trưng và lợi ích của giai cấp đó trong việc xác lập sự thống trị của mình đối với xã hội thông qua chính đảng đại diện, thể hiện ở cả thượng tầng kiến trúc đến những kết cấu cơ sở hạ tầng xã hội, thể hiện trong các hình thái kinh tế - xã hội cụ thể từ khi giai cấp và nhà nước ra đời. Trong chủ nghĩa xã hội, Nhà nước là công cụ để giai cấp công nhân thực hiện quyền lãnh đạo, với mục tiêu giải phóng mình và toàn xã hội khỏi áp bức, bóc lột. Theo V.I.Lênin: "Đánh giá một Đảng xem có mang bản chất giai cấp công nhân hay không, không chỉ căn cứ vào thành phần công nhân trong Đảng nhiều hay ít, mà còn phải xem ai lãnh đạo nó, tính chất hoạt động của Đảng ấy thế nào? Và sách lược của Đảng đó ra sao? "[1].
![]() |
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại Hội thảo “Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Ảnh: PV. |
Bản chất giai cấp công nhân là một trong những đặc trưng cơ bản và quan trọng nhất của Đảng Cộng sản, vì nó không chỉ định hình mục tiêu, đường lối hoạt động của Đảng mà còn quyết định vai trò, vị trí của Đảng trong xã hội.
2. Bản chất công nhân của Đảng Cộng sản Việt Nam
Về mục tiêu, lý tưởng: Vận dụng sáng tạo trong điều kiện lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trước yêu cầu bức thiết của nhân dân, dân tộc, Đảng ta luôn xác định tính dân tộc đã bao hàm tính giai cấp công nhân, mục tiêu của Đảng phấn đấu hy sinh không chỉ vì lợi ích của giai cấp công nhân, mà còn vì lợi ích của nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam.
Về nền tảng tư tưởng: Đảng Cộng sản Việt Nam có nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Hệ thống tư tưởng này là tư tưởng của giai cấp công nhân trong lãnh đạo cách mạng tiến tới mục tiêu: “Đấu tranh cho lợi ích toàn dân”[2]. Trong những năm 20 của thế kỷ XX, cách mạng Việt Nam xuất hiện nhiều phong trào đại diện cho các tư tưởng khác nhau nhưng đều chịu thất bại. Điều đó càng khẳng định: “chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[3].
Về tổ chức và hoạt động: Đảng Cộng sản Việt Nam xác định lấy tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động theo; đảm bảo thống nhất về chính trị, tư tưởng và tổ chức; coi trọng công tác tự phê bình và phê bình, coi đây là quy luật phát triển của Đảng; trung thành với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, thể hiện bằng việc kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, ủng hộ sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội của nhân dân thế giới.
Về đội ngũ cán bộ, đảng viên: Đảng ta các định, đội ngũ cán bộ đảng viên phải là những người ưu tú, cách mạng, kiên trung và gương mẫu nhất. Họ phải thường xuyên tự tu dưỡng đạo đức, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Cán bộ Đảng cũng như cán bộ chính quyền, ngay cả Bác là cán bộ cao nhất đều là đày tớ của nhân dân, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phải cần, kiệm, liêm, chính”[4].
Như vậy có thể thấy được bản chất giai cấp công nhân của Đảng Cộng sản Việt Nam thể hiện ở mục tiêu, lý tưởng, hệ tư tưởng, tổ chức và hoạt động, cán bộ và đảng viên. Đây là yếu tố then chốt đảm bảo sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam trong quá trình Đảng ta lãnh đạo nhân dân giành độc lập dân tộc, tiến tới xây dựng xã hội mới với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”[5].
3. Bản chất công nhân của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Kỷ nguyên mới
Kỷ nguyên mới lần thứ nhất được đánh dấu mốc bằng việc giai cấp công nhân Việt Nam thắng lợi vĩ đại năm 1945, ra đời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tuy số lượng ban đầu khi ra đời là ít so với giai cấp nông dân và các giai tầng khác trong xã hội [6], song giai cấp công nhân Việt Nam đã phát huy được vị thế lãnh đạo xã hội của mình, thể hiện thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam trong đấu tranh giành được độc lập (1945), chiến thắng thực dân Pháp (1954), thống nhất đất nước (1975), xây dựng chủ nghĩa xã hội.
![]() |
Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung (nay là Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo) và Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang thăm hỏi công nhân mỏ than hầm lò của Công ty cổ phần Than Núi Béo_Ảnh: TTXVN |
Điều này minh chứng giai cấp công nhân là giai cấp “dũng cảm nhất, cách mạng nhất, luôn luôn gan góc đương đầu với bọn đế quốc thực dân. Với lý luận cách mạng tiên phong và kinh nghiệm của phong trào vô sản quốc tế, giai cấp công nhân ta đã tỏ ra là người lãnh đạo xứng đáng nhất và đáng tin cậy nhất của nhân dân Việt Nam”[7].
Kỷ nguyên mới thứ hai là trong thời kỳ đất nước tiến hành công cuộc đổi mới từ 1986 đến nay. Bản chất của giai cấp công nhân được thể hiện: “Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân”[8]. Gần 40 năm tiến hành đổi mới, chúng ta đã giành được những thành tựu “lịch sử”, thể hiện:
Một là: Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn được kiên định giữ vững và vận dụng sáng tạo. Đảng ta đã đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, xây dựng và hoàn thiện lý luận về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tổ chức, kiện toàn hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, cơ quan tư pháp,… với mục tiêu: “Trong chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ giữa Ðảng, Nhà nước và nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”[9].
Nhờ đó, mặc dù phải trải qua những giai đoạn thử thách lớn như sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu năm 1991, sự cô lập về ngoại giao trong những năm 90, sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch, nhưng hệ tư tưởng chủ đạo của chúng ta vẫn luôn được giữ vững, hệ thống chính trị không ngừng được hoàn thiện, từng bước đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh mới.
Hai là: Đất nước đã chuyển từ nền kinh tế kế hoạch, tập trung sang xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đạt nhiều thành tựu, giúp nước ta thoát khỏi khủng hoảng (1996), vươn lên hàng ngũ các nước phát triển trung bình ( từ 2008). Đảng ta đã nhận thức, thừa nhận kinh tế thị trường là phương thức tất yếu để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện đầy đủ bản chất ưu việt của chế độ, tạo ra những xung lực mới cho sự phát triển đất nước, là “mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội”[10].
Ba là: văn hóa Việt Nam phát triển mạnh mẽ, giữ vững bản sắc dân tộc và tiếp thu tinh hoa nhân loại. Hệ thống giá trị văn hóa mới mang bản chất giai cấp công nhân, đề cao tinh thần lao động, sáng tạo và đoàn kết. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phản ánh sâu sắc đời sống xã hội, góp phần nâng cao nhận thức chính trị và tư tưởng. Nhà nước chú trọng bảo tồn di sản văn hóa, phát triển giáo dục, khoa học, công nghệ nhằm phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Văn hóa dân chủ, tiến bộ ngày càng lan tỏa, cổ vũ tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội.
Bốn là: Từ “hai phe” và “đối địch”, trong thời kỳ đổi mới, Việt Nam đạt nhiều thành tựu đối ngoại mang bản chất giai cấp công nhân, thể hiện qua việc: “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”[11] Đảng ta kiên định đường lối độc lập, tự chủ, bảo vệ lợi ích quốc gia và quyền lợi của nhân dân lao động. Nhờ vậy đã góp phần tạo dựng mối quan hệ hòa bình, hữu nghị với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, hàng trăm chính Đảng Cộng sản, và cánh tả ở các quốc gia, thể hiện tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản.
Năm là: Quốc phòng, an ninh được giữ vững, đạt nhiều thành tựu, thể hiện bản chất giai cấp công nhân. Nhờ giữ vững sự lãnh đạo “tuyệt đối, trực tiếp, mọi mặt” của Đảng đối với lực lượng vũ trang, chúng ta đã giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường sức mạnh quân đội theo hướng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Lực lượng vũ trang nhân dân được củng cố, gắn bó chặt chẽ với nhân dân, phát huy vai trò nòng cốt trong bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, mở rộng hợp tác quốc phòng với các nước, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Trong Kỷ nguyên mới lần thứ ba, đã được Đảng ta xác định lấy dấu mốc từ Đại hội XIV. Qua thời gian đổi mới, Đảng ta chỉ rõ nhờ những thành tựu to lớn đã đạt được mà: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[12]. Điều này cũng minh chứng cho chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng ta với việc bản chất giai cấp công nhân của Đảng ta không những được giữ vững, mà còn phát huy mạnh mẽ. Tuy vậy, trong bối cảnh hiện tại, việc giữ vững bản chất của giai cấp công nhân cũng đứng trước nhiều hạn chế và thách thức như: Còn bất cập của mô hình xã hội chủ nghĩa đang trong quá trình hoàn thiện; sự suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Về phía giai cấp công nhân, bên cạnh hạn chế là trình độ còn thấp, tính giác ngộ, kỷ luật chưa cao; họ còn đứng trước tác động như: mặt trái toàn cầu hóa, sự chia rẽ trong phong trào đấu tranh. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch cho rằng hiện nay chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, giai cấp công nhân Việt Nam nên “nhường” lại sứ mệnh cho trí thức, doanh nhân lãnh đạo thì mới có thể đưa đất nước cất cánh được; nếu “Đảng Cộng sản là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc” sẽ dẫn đến phai nhạt lý tưởng, biến chất Đảng [13]; sự suy thoái của một đội ngũ cán bộ đảng viên đã “ăn vào xương tủy”, thì “thời gian không thể kéo dài để cho Đảng Cộng Sản Việt Nam "phê bình, tự phê bình, cảnh cáo" các đảng viên của mình”[14],…
Đại hội Đại biểu lần thứ XIII đã xác định 4 kiên định[15] để: “quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”[16]. Để giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng Cộng sản Việt Nam trong điều kiện hiện nay, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp:
Thứ nhất, kiên định nắm vững, trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Cùng với đó, không ngừng hoàn thiện hệ thống lý luận, đường lối, chính sách phù hợp với thực tiễn mới trên cơ sở “giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng”[17]. Tăng cường giáo dục lý tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tích cực đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng.
![]() |
|
Thứ hai, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Xác định đây là “chìa khóa” để thực hiện thắng lợi mục tiêu “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[18]. Cần tiếp tục thực hiện đổi mới tư duy lý luận, vận dụng sáng tạo thế giới quan, phương pháp luận duy vật biện chứng vào thực tiễn đất nước. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đi đôi với xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, nâng cao hiệu lực của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân.[19]
Thứ ba, đề ra các chủ trương, đường lối nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa các giai tầng trên quan điểm: “Lợi ích giai cấp công nhân thống nhất với lợi ích của toàn dân tộc trong mục tiêu chung là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”[20]. Thực hiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt các vấn đề văn hóa, xã hội, thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc để phục vụ mục tiêu: “khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”[21].
Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng. Ngoài việc chú trọng công tác kiểm tra, giám sát nói chung, cần chú trọng công tác kiểm tra việc thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị về xây dựng giai cấp công nhân hiện đại và tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và nhân rộng những điển hình tiên tiến, đồng thời ngăn chặn và đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, rào cản sự phát triển của giai cấp công nhân
Thứ năm, Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh làm cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng. Cần tiếp tục thực hiện hiệu quả, thiết thực hệ thống giải pháp, trọng tâm là những giải pháp được xây dựng tại các Nghị quyết[22]. Trên cơ sở đó, từng bước thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam trong điều kiện mới, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu to lớn mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
[1] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, M, 1980, tập 41, tr.313
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 8, tr.275.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 289
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 11, tr. 113
[5] Xem Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.24.
[6] Giai cấp công nhân Việt Nam xuất hiện khi có cuộc khai thác thuộc địa lần thứ I (từ năm 1897 đến năm 1914) của thực dân Pháp. Khu công nghiệp tập trung ở Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Nam Định, Vinh-Bến Thủy, Hòn Gai đã làm cho số công nhân tăng nhanh... Số lượng công nhân năm 1906 là 49.500 người trong đó có 1.800 thợ chuyên môn. Xem: https://nvsk.vnanet.vn/1-su-hinh-thanh-giai-cap-cong-nhan-viet-nam-1-39639.vna.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 12, tr. 407
[8] Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua ngày 19/01/2011
[9] Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.28
[10] Xem: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII tại Đại hội IX của Đảng, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-ix/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-viii-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-ix-cua-dang-1545
[11] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQGST, H. 2021, t. I, tr. 161 - 162
[12] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 25
[13] Xem: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/story/2006/02/060215_banchat_congnhan
[14] Xem: https://www.bbc.com/vietnamese/forum-54523183
[15] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tập1, tr.180
[16] Xem Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.23
[17] Xem Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr.287-288.
[18] ĐCSVN:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I,Nxb CTQGST, Hà Nội, 2021,tr.57
[19] Lê Đức Bình, Bản chất giai cấp công nhân của Đảng, kỷ yếu hội thảo khoa học, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 2018
[20] Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, t. 60, tr. 131
[21] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021
[22] Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28-01-2008 của Ban Chấp hành trung ương Đảng khoá X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, Kết luận số 79 - KL/TW ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW
Tin mới hơn

Công đoàn thổi lửa, động viên, dẫn dắt công nhân vào Đảng
Tin tức khác

Chị Mai Chi và hành trình gieo những hạt mầm trách nhiệm

Nhân tố nòng cốt xây dựng tổ chức Đảng và Công đoàn trong doanh nghiệp

Giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam: Trụ cột trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Người đảng viên bước ra từ những con đường sạch

20 năm giữ nguồn nước sạch: Chuyện về một đảng viên tận tâm
