Nữ công nhân gắn bó 20 năm với Công ty PouYuen "chưa bao giờ nghĩ một ngày sẽ mất việc”
Người lao động - 13/06/2020 19:20 LÊ TUYẾT
Cảnh đông đúc thường thấy khi công nhân Công ty PouYuen Việt Nam rời khỏi nhà máy. |
Chị Kim Hân, làm việc ở Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (Công ty PouYuen Việt Nam, quận Bình Tân, TP.HCM) từ năm 2000. Năm đó chị Hân 20 tuổi, nhớ lại khoảng thời gian đã qua, bất chợt chị thở dài: “Cả tuổi trẻ, thanh xuân gắn bó với nhà máy và những chuyến xe đưa đón đi đi về về mỗi ngày. Nếu mà nghỉ việc, chẳng biết mình sẽ hụt hẫng thế nào?”.
Chị Hân quê ở Tiền Giang. Chị bảo, 20 năm trước, con gái ở quê không được ba mẹ cho đi học nhiều, lớn lên là đi lấy chồng. Mà hồi đó nhà chị khổ quá, chị nghĩ “mình đi lấy chồng thì ai đỡ đần cha mẹ nuôi các em”. Chị kể: “Thật may, lúc đó Công ty PouYuen xuống dưới quê tôi tuyển công nhân, mỗi ngày đều có xe đưa đón đi làm. Tôi đăng ký và được công ty nhận”.
Năm 2005, chị lấy chồng, anh làm cùng công ty. Từ đó, chị chuyển về Long An sinh sống. Hằng ngày, hai vợ chồng thức dậy từ 3 giờ sáng, chị chuẩn bị bữa sáng cho cả gia đình, 4 giờ vợ chồng cùng ra trạm xe, theo xe đưa đón lên công ty làm việc. Hai đứa con của anh chị đều do ông bà nội bế bồng, chăm sóc. Hơn 2 năm trước, chồng chị đột ngột ra đi sau một cơn đột quỵ. Chị bồi hồi nhớ lại: “Anh ấy ra đi quá bất ngờ. Thời điểm đó tôi cứ nghĩ mình không sống nổi, không thể vượt qua được cú sốc đó. Nhưng rồi cũng phải sống, vì tôi còn hai con phải chăm sóc, còn ba mẹ chồng phải phụng dưỡng. Tôi lại gắng gượng đi làm”.
Công nhân Công ty PouYuen Việt Nam chờ xe đưa đón vào lúc 3 giờ sáng tại một điểm đón ở Long An |
Vì là công nhân có thâm niên, làm việc chăm chỉ nên lương cơ bản của chị được tăng đều qua các năm. Mỗi tháng, với tiền lương gần 10 triệu đồng, chi tiêu tiết kiệm, cuộc sống của gia đình 5 người gồm chị, hai con và ba mẹ chồng cũng vừa đủ.
“Tôi cứ nghĩ mọi thứ sẽ yên bình như thế. Tôi sẽ cố gắng hết sức để nuôi hai đứa con, là chỗ dựa cho ba mẹ chồng nhưng thật không ngờ, bây giờ tôi và cả gia đình đang đối mặt với một cú sốc mới. Khả năng cao tôi sẽ mất việc”, chị Hân thở dài.
Chị bảo, từ khi dịch Covid-19 ập đến, những thông tin về việc công ty có công nhân quá đông, phải nghỉ để phòng dịch; công ty bị cắt đơn hàng, không có việc làm, phải cho công nhân nghỉ việc… dồn dập đến khiến chị ăn không ngon, ngủ không yên, lúc nào cũng bồn chồn lo lắng.
“Mỗi lần nghe ai đó bảo cắt giảm công nhân là tôi muốn trào nước mắt. Thỉnh thoảng anh chị em công nhân lại truyền tai nhau thông tin “công ty sẽ cắt giảm công nhân lâu năm”, vài hôm lại nghe “công ty sẽ cắt giảm toàn bộ công nhân đi xe đưa đón”, vài bữa lại nghe “công nhân ở bộ phận nào không có đơn hàng sẽ bị cắt giảm trước”…. mà tất cả những cái đó tôi đều liên quan”, chị Hân thở dài.
Công nhân Công ty PouYuen vào nhà máy làm việc |
Chị bảo: “Người ta bảo phải cắt giảm công nhân lâu năm trước vì công nhân lâu năm lương cao quá, công ty đang khó khăn, gánh không nổi. Người ta lại bảo sẽ cắt giảm công nhân đi xe đưa đón vì trước đây do nhu cầu sản xuất mở rộng, người ta không tìm được công nhân ở trên thành phố, mới về quê tuyển người. Giờ đơn hàng không có, công nhân trên thành phố thất nghiệp quá trời, tại sao phải tốn chi phí đưa đón công nhân tận dưới Tiền Giang, Long An, Bến Tre… Người ta lại bảo bộ phận không có đơn hàng phải cắt giảm vì công ty không có kinh phí để trả lương chờ việc khi mà dịch bệnh khiến họ rất khó khăn. Trời ơi, người ta bảo cái gì cũng có lý hết. Còn cái lý của mình là gì đây, 20 năm gắn bó, 4 miệng ăn phụ thuộc vào mình, nhưng đó chỉ là cái lý của mình thôi. Ai nghe cho?”.
Mấy hôm nay, chị vẫn đi làm nhưng không đều. Chị nói rằng, đêm trước khi đi ngủ, chị đều mong cho tới 3 giờ sáng để được thức dậy sửa soạn đi làm. Chị chẳng thấy mệt mỏi gì cả bởi bây giờ, có việc, được đi làm là hạnh phúc nhất trên đời.
“Tôi nghe là ngày 22 tháng 6 này mới có thông báo chính thức ai được ở lại làm, ai nghỉ. Việc được ở lại làm hay nghỉ sẽ được xét trên nhiều mặt, cán bộ trực tiếp, gián tiếp đánh giá. Mong ước lớn nhất của tôi bây giờ là tiếp tục được đi làm, còn không được thì cũng đành chịu. Tôi cũng phải tính đến phương án bị công ty cho nghỉ. Nhưng mà tính là tính vậy thôi, cụ thể tính như thế nào tôi chưa biết được”, chị Hân bộc bạch.
Nhiều năm qua, Công ty PouYuen Việt Nam là doanh nghiệp sử dụng đông công nhân nhất ở TP.HCM |
Liên quan đến việc cắt giảm lao động ở Công ty PouYuen Việt Nam, ông Lê Minh Tấn – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM cho hay, Công ty đã có báo cáo về Sở về việc dự kiến sẽ cắt giảm 6.000 công nhân. Sau khi có báo cáo chính thức từ công ty, Sở sẽ phối hợp với Bảo hiểm xã hội, UBND quận Bình Tân hỗ trợ xin việc cho công nhân và giải quyết các chế độ liên quan cho công nhân.
Trước đó, như cuocsongantoan.vn đưa tin, từ tháng 2/2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên Công ty PouYuen chỉ có đơn đặt hàng cũ, đơn đặt hàng mới rất ít nên ảnh hướng rất lớn đến sử dụng nhân công. Công ty sẽ cắt giảm nhân sự ở các bộ phận không có đơn hàng. Công ty dự kiến sẽ cắt giảm khoảng 6.000 nhân sự. Quá trình cắt giảm theo lộ trình 3 tháng, từ tháng 6 đến tháng 8. Dự kiến việc cắt giảm lao động này sẽ thực hiện theo Điều 38 Bộ luật Lao động hiện hành.
Thời gian tới, công ty sẽ nỗ lực để tìm kiếm đơn hàng mới, phục hồi sản xuất và khi tuyển dụng lại lao động, công ty sẽ ưu tiên tuyển các công nhân đã từng làm việc ở công ty.
Covid-19: Cập nhật thông tin mới nhất ngày 13/6 Cập nhật thông tin Covid-19 lúc 7h sáng ngày 13/6, tổng số người nhiễm trên toàn cầu đã vượt quá 7,7 triệu người với hơn ... |
Đà Nẵng: Tai nạn lao động tại công trình xây dựng khiến một nam công nhân tử vong Tại công trình xây dựng trên đường Phan Đình Thông, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng vừa xảy ra một vụ tai ... |
Từ năm 2021, tiền lương làm thêm giờ được tính như thế nào? Tiền lương làm thêm giờ sẽ được tính như thế nào là vấn đề đang được nhiều người lao động quan tâm. |
Tin cùng chuyên mục
Người lao động - 22/11/2024 08:01
Trên 90% bệnh nhân hài lòng: Thành quả từ sự đồng lòng của cán bộ, viên chức ngành Y
Hơn 90% bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hài lòng. Đây là kết quả cho những nỗ lực đổi mới, đồng lòng trong phong cách phục vụ của cán bộ nhân viên ngành Y.
Đời sống - 19/11/2024 14:53
Thu nhập người lao động tại các doanh nghiệp Nhà nước tăng thế nào trong năm 2024?
Năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tăng trên 10%. Kết quả này không chỉ phản ánh sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế mà còn là minh chứng cho sự đóng góp của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo đời sống người lao động.
Đời sống - 15/11/2024 16:53
Vĩ thanh - trở lại Hua La mùa cà phê
Một năm sau, đầu tháng 11/2024, chúng tôi trở lại xã Hua La (Sơn La), nơi có những cây cà phê đang vào mùa thu hoạch.
Đời sống - 13/11/2024 15:31
Công đoàn cơ sở kiện doanh nghiệp đòi quyền lợi cho người lao động
Mới đây, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Kobelco E&M Việt Nam (Khu Công Nghiệp Biên Hòa II, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) đã có đơn khởi kiện doanh nghiệp này để đòi tiền lương và quyền lợi cho người lao động.
Người lao động - 11/11/2024 17:50
Rục rịch công bố thưởng Tết, người lao động kỳ vọng mức tương xứng
Còn hơn 2 tháng nữa đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, một số doanh nghiệp và công đoàn cơ sở đang dần lên kế hoạch chi lương, thưởng, quà Tết, sao cho vừa phù hợp với tình hình kinh doanh, vừa đáp ứng nguyện vọng của người lao động.
Đời sống - 09/11/2024 16:41
Phòng trọ tối thiểu 5m2/người: Công nhân vừa mừng vừa lo
Được ở trong phòng trọ rộng rãi, thoáng mát là điều ai cũng mong muốn. Nhưng với công nhân lao động sẽ đi kèm với nỗi lo chi phí thuê trọ tăng cao, vì “tiền nào của nấy”…
- Hành trình thầm lặng và trách nhiệm của người lái xe chở vật liệu nổ công nghiệp
- Vào nghiệp đoàn, người lao động phấn khởi có thu nhập ổn định
- LĐLĐ tỉnh Long An dự chi hơn 40 tỷ đồng chăm lo Tết Nguyên đán 2025
- Những Mái ấm Công đoàn mang nặng nghĩa tình ở Sóc Trăng
- Công đoàn góp sức xây dựng nông thôn mới