|
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã chia sẻ với tạp chí Lao động Công đoàn về bài viết: “Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế và chuyển đổi số mạnh mẽ, cạnh tranh gay gắt trên trường quốc tế, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đưa ra lời cảnh tỉnh: “Nếu người lao động không chủ động nâng cao năng lực, họ sẽ là những người đầu tiên có nguy cơ bị đào thải khỏi guồng quay tự động hóa”. Ngược lại, những ai linh hoạt, cầu tiến và dám thay đổi sẽ trở thành “tài sản chiến lược” của doanh nghiệp. Một mối quan hệ lao động hài hòa, bền vững phải bắt đầu từ sự chủ động ở cả hai phía, nơi lợi ích chung vượt lên trên lợi ích riêng. |
|
Từng là lợi thế then chốt giúp Việt Nam hút vốn FDI và phát triển công nghiệp, nguồn lao động dồi dào và giá rẻ nay đang mất dần chỗ đứng. Chuyên gia Phạm Chi Lan chỉ ra rằng, sự cạnh tranh hiện nay không còn nằm ở lợi thế lao động giá rẻ. Nếu chỉ trông cậy vào yếu tố này, Việt Nam sẽ nhanh chóng tụt hậu. Câu nói này là một hồi chuông báo động. Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0, năng suất và chất lượng là hai trụ cột chính tạo nên sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Máy móc đang dần thay thế con người ở cả khâu thủ công lẫn phân tích, ra quyết định. Những công việc từng “ổn định” nay trở nên bấp bênh vì robot không đòi hỏi lương, không cần nghỉ phép, và quan trọng hơn robot không mắc lỗi cảm xúc. Trong cuộc chơi mới, những ai không chịu học hỏi, thay đổi chắc chắn sẽ bị bỏ lại phía sau. Chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh, nếu chứng minh được năng lực, khả năng linh hoạt, khả năng học hỏi và cải tiến trong từng sản phẩm người lao động sẽ có vị trí không thể thay thế, thậm chí còn là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Ở đây, người lao động không còn là “người làm thuê” đơn thuần mà là một phần của chiến lược phát triển bền vững. Điều này có nghĩa, bản thân người lao động phải tái định vị chính mình, từ tư duy “làm để được trả lương” sang tư duy “làm để đóng góp, làm để phát triển”. Chỉ khi người lao động coi mỗi công việc là một trải nghiệm học tập, một cơ hội rèn luyện kỹ năng và phát triển bản thân, họ mới thực sự trở thành nhân tố không thể thiếu.
Vượt khỏi khuôn khổ “chủ - thợ”, chuyên gia Phạm Chi Lan kêu gọi xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, nơi cả hai cùng chia sẻ lợi ích và rủi ro. Sự phát triển bền vững phải đến từ hai phía, doanh nghiệp tạo điều kiện, người lao động chủ động vươn lên. Đây không phải là khẩu hiệu, mà là một triết lý sống còn trong một nền kinh tế thị trường hiện đại. Nếu doanh nghiệp mạnh, người lao động có việc làm ổn định, thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt. Nếu người lao động có trình độ, doanh nghiệp có năng suất, có uy tín, có thị trường. Người chủ, các nhà quản trị và người lao động trong mỗi doanh nghiệp đang cùng nhau chung sống trên một con thuyền, người cầm lái, người cầm chèo. Có gắn kết và hoạt động nhịp nhàng thì thuyền mới lướt nhanh và vượt qua sóng gió, bão táp được. Khi người lao động chỉ đòi hỏi quyền lợi, còn doanh nghiệp chỉ quan tâm lợi nhuận thì sự đổ vỡ là điều tất yếu. Trước những biến động mới, họ phải cùng nhau suy nghĩ, chung sức cùng nhau khắc phục khó khăn, đổi mới mạnh mẽ để vượt lên. |
Việc cắt giảm hàng nghìn lao động sau khi đưa vào vận hành hệ thống máy móc không còn là viễn cảnh, mà là thực tế đang diễn ra tại không ít doanh nghiệp. Thế nhưng, theo bà Lan, vấn đề không nằm ở công nghệ, mà ở việc con người có chịu thích nghi hay không. Doanh nghiệp sẽ giữ lại những người có năng lực, có tinh thần cầu tiến, sẵn sàng thích ứng với thay đổi. Trong kỷ nguyên tự động hóa, người lao động không thể tiếp tục sống bằng kinh nghiệm cũ. Họ phải học kỹ năng mới, tư duy mới. Họ cần biết cách phối hợp với máy móc, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chứ không thể ngồi chờ công việc cũ quay lại. Ai không thay đổi sẽ bị thay thế, đó là quy luật nghiệt ngã nhưng công bằng. Trong bối cảnh đó, theo chuyên gia Phạm Chi Lan, công đoàn không thể chỉ là người “đấu tranh” với chủ doanh nghiệp. Vai trò của công đoàn là kết nối, đồng hành, là khơi dậy năng lực của người lao động, chia sẻ cùng doanh nghiệp. Công đoàn có thể tổ chức đào tạo kỹ năng, kết nối người lao động với các chương trình nâng cao trình độ, phản ánh kịp thời khó khăn từ hai phía để tìm ra điểm cân bằng. Đặc biệt, công đoàn cần tham gia sâu hơn vào việc giám sát trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp từ nhà ở, bữa ăn, đến không gian sinh hoạt, nhằm đảm bảo đời sống công nhân ổn định và có chất lượng.
Chuyên gia Phạm Chi Lan đưa ra một thông điệp rất thấm thía: “Không thể có sự phát triển nếu doanh nghiệp đơn độc chống chọi, hoặc người lao động không sẵn sàng thay đổi tư duy”. Điều then chốt chính là thái độ. Khi người lao động xem việc học là con đường sống, còn doanh nghiệp coi người lao động là bạn đồng hành, thì nền tảng phát triển bền vững mới thực sự được xây dựng. Sự chia sẻ rủi ro và lợi ích không thể chỉ nằm trên văn bản, mà phải trở thành văn hóa. Chỉ khi hiểu nhau, cùng nhau vượt khó, thì mới có thể đối diện được với những thách thức ngày càng lớn của thời đại. Và chính ở đó, mỗi người lao động sẽ thấy được giá trị của mình, không còn “mờ nhạt” trong dây chuyền sản xuất, mà là một “mắt xích” không thể thiếu trong bức tranh phát triển chung. Lời kêu gọi của chuyên gia Phạm Chi Lan không chỉ dành cho người lao động, mà còn cho cả doanh nghiệp, công đoàn và vấn đề chính sách. Nhưng trên hết, đó là lời nhắc nhở về trách nhiệm của mỗi cá nhân. Trong thế giới biến động, không ai cứu được ta nếu ta không tự cứu mình. Và hành trình ấy, dù gian nan nhưng đầy hứa hẹn cho những ai dám thay đổi để vững bước tới tương lai. |
|
Bài viết: HỒNG NGỌC Thiết kế: AN NHIÊN |