Nhà sưu tập Đức Minh (đứng) cùng các họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, NST Nguyễn Bá Đạm tại nhà riêng, năm 1974 - Ảnh: Internet |
Một thời ''khổ nghèo và thơ mộng..."
Nhà sưu tập Đức Minh (1920-1983) là một nhân vật ngoại hạng, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc sưu tầm, lưu giữ nhiều kiệt tác hội họa Việt Nam. Bản thân là một nhà tư sản giàu có thời Pháp thuộc, lại say đắm và am hiểu nghệ thuật, cho đến lúc cuối đời, ông đã gây dựng cho mình một bộ sưu tập khoảng 2000 tác phẩm.
Tạm không nói đến số phận của những tác phẩm nghệ thuật ấy sau khi ông qua đời..., ông Đức Minh là một trường hợp khác biệt so với phần còn lại của giới sưu tầm thời ấy!
Giữa những năm tháng ngặt nghèo, thiếu thốn của thời chiến/bao cấp, thủ đô Hà Nội vẫn còn có một nhóm người rất "mê" tranh: ông Phạm Văn Bổng, ông Tô Ninh, ông Việt Chiến, ông Lâm cà phê...
Họ có mối quan hệ thân thiết, nếu không muốn nói là “tri âm tri kỷ” với các họa sĩ cũng nghèo khổ và mang đầy tâm trạng. Họ yêu nghệ thuật, trân trọng tài năng và đồng cảm với những suy tư tâm tình của nghệ sĩ. Đó là lý do cho sự hình thành của các bộ sưu tập tranh "vang bóng" đến tận bây giờ.
Anh Phạm Phú Tín (con trai ông Phạm Văn Bổng) và một nhà sưu tập nước ngoài tại nhà riêng, bên những tác phẩm do cha anh sưu tầm, 2015 - Ảnh: Instagram |
Ông Nguyễn Mạnh Phúc nhớ lại: "Họa sĩ nghèo, tranh vẽ ra không bán được, mà có bán được thì giá cũng không cao. Còn các ông ấy thì thích chơi tranh, lại không có tiền. Hầu như không có mua bán, thường là xin nhau, hoặc đãi nhau bữa rượu. Ông Lâm thì đổi cà phê lấy tranh..."
Trong cái thời buổi nghèo khó, hồn nhiên thơ mộng ấy, họ cũng chỉ coi việc sưu tầm tranh là để thỏa mãn sở thích, duy trì một thú chơi mà chẳng màng tới một ngày những tác phẩm ấy trở thành tài sản kinh tế lớn.
Ngày đó đã tới rồi, nhưng họ thì đã đi xa...
Sự xuất hiện của những vị khách nước ngoài
Kể từ sau thời kỳ đổi mới, đặc biệt giai đoạn giữa thập kỷ 90 đến những năm đầu thiên niên kỷ mới là một thời kỳ đầy sôi động của thị trường nghệ thuật/hội họa Việt Nam. Cơ chế mở cửa đã giúp đời sống nghệ sĩ được cải thiện đáng kể, trong khi giới sưu tầm ngoại quốc thì nhận ra nền hội họa Việt Nam là một miền đất lạ lẫm, hay ho, đầy sức quyến rũ.
Các gallery ồ ạt ra đời, những ấn phẩm nghệ thuật mới được xuất bản, một thế hệ họa sĩ mới trưởng thành với nhiều cách tân táo bạo, các triển lãm cũng liên tục diễn ra... để phục vụ những khách hàng đến từ châu Âu, châu Mỹ, và một số quốc gia phát triển trong khu vực.
Tác phẩm của họa sĩ Hồng Việt Dũng, một gương mặt tiêu biểu trong số những họa sĩ trưởng thành sau thời kỳ đổi mới, được treo tại một trung tâm thương mại sầm uất ở Hong Kong - Ảnh: Instagram |
Trong nước dù lác đác có người mua tranh nhưng vẫn chưa hình thành thị trường. Các gallery trở nên giàu có, phát đạt nhờ bán tranh cho người nước ngoài. "Một loạt họa sĩ mới nổi lúc ấy ngộ nhận rằng thế giới đánh giá cao tác phẩm nghệ thuật của họ, nhưng thực chất người ta mua là để thỏa mãn sự tò mò đối với nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam", một nhà sưu tầm nhận xét.
Còn trong bài viết đăng trên báo Tuổi trẻ cuối tuần, số ra ngày 17/8/2018, họa sĩ Lê Thiết Cương nhận định về giai đoạn này: "Tấm huân chương nào cũng có hai mặt, một thị trường nghệ thuật phát triển nóng như vậy không sớm thì muộn cũng bộc lộ những mặt trái của nó... Thị trường nghệ thuật giai đoạn 1995-2005 không thể tiếp tục phát triển vì đầu vào của nó không còn nghệ thuật nữa mà chỉ là nghệ thuật thị trường".
Phong trào người Việt chơi tranh Việt
Như đã đề cập trong bài viết trước, những năm gần đây rộ lên trào lưu hồi hương các tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ bậc thầy trưởng thành từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, đặc biệt là các bộ tứ huyền thoại: "Phổ - Thứ - Lựu - Đàm", "Nghiêm - Liên - Sáng - Phái"...
Quang cảnh buổi khai mạc triển lãm các tác phẩm tiêu biểu của họa sĩ Nguyễn Thụ do tập đoàn Thái Bình Dương mua lại từ nhà sưu tập Thái Lan, ngày 10/12/2018 - Ảnh: SGGP |
Ở một phân khúc khác, nhiều nhà sưu tập/đầu tư lại lựa chọn sưu tầm tác phẩm của các nghệ sĩ đương đại, giá cả vừa phải, có khả năng tăng giá trong tương lai nếu mua đúng/mua trúng.
Lực lượng những người mua tranh (tạm gọi là nhà sưu tập) có thể phân thành các nhóm sau: Nhà sưu tập có ý thức tích lũy, giao lưu trao đổi, vừa chơi vừa tạo ra giá trị thặng dư; Những người thích giữ tranh hơn giữ tiền, và họ ý thức sâu sắc tranh là tài sản; Những người sử dụng tranh như một nét văn hóa, tạo ra giá trị tinh thần cho tổ ấm, hoặc cộng đồng; Các nhà sưu tập nước ngoài.
Nhưng dù sưu tập bằng sở thích, cảm nhận của cá nhân hay nghe theo lời khuyên của cố vấn thì việc thành công hay không vẫn ở trình độ thẩm định.
Sôi động thị trường mua bán tác phẩm nghệ thuật: Khi bức tranh là cả một gia tài |