Phòng chống Covid-19 cho công nhân lao động:
GS.TS Trần Quỵ, nguyên Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống SARS (2003)- Ảnh: M.K |
Virus SARS-CoV-2 chưa có thay đổi nhiều so với trước
Trao đổi với PV Cuộc sống an toàn sáng 31/7, GS.TS Trần Quỵ - nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, nguyên Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống SARS (2003) nhận định thời điểm hiện tại dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, nguy hiểm với mức độ lây lan nhanh trong cộng đồng, tỷ lệ ca bệnh nặng cao hơn so với đợt dịch lần trước. Chỉ chưa đầy 1 tuần, số ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng đã lên con số 93 ca, đặc biệt là tại vùng dịch Đà Nẵng.
Theo GS.TS Trần Quỵ: “Loại virus gây bệnh hiện nay chưa có thay đổi nhiều so với trước hoặc biến thể theo một dạng khác hẳn. Tuy nhiên có một số điểm mà cộng đồng cần phải lưy ý về tốc độ lây lan, triệu chứng, yếu tố thời tiết...”
Trước hết, dịch bệnh Covid-19 đang có tốc độ lây lan nhanh tại nhiều quốc gia trên thế giới, ở nhiều điều kiện thời tiết khác nhau, bất kể đang là mùa đông hay mùa hè.
Mặc dù người già là đối tượng dễ bị lây nhiễm, nhất là những người đang có bệnh nền như đái tháo đường, tim mạch, thận..., tuy nhiên dịch bệnh Covid-19 không loại trừ bất cứ lứa tuổi nào.
Ngoài ra, người nhiễm bệnh có thể không xuất hiện triệu chứng. “Đây là một vấn đề rất nguy hiểm. Người mang trong mình virus SARS-CoV-2 có thể không xuất hiện triệu chứng lâm sàng rõ rệt, cơ thể họ vẫn khỏe mạnh bình thường, dẫn đến việc chủ quan không đi khám, do đó càng làm lây lan cho cộng đồng”, GS.TS Trần Quỵ nói.
Ông cho rằng những điểm trên có liên quan chặt chẽ đến vấn đề phòng chống Covid-19 trong thời điểm hiện tại.
GS.TS Trần Quỵ cho rằng “Sau hơn 3 tháng không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, nhiều người dân, thậm chí các cơ quan đoàn thể tỏ ra chủ quan, không giữ thói quen đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách, khử khuẩn..., đặc biệt là tại các địa điểm du lịch đông người. Giờ là lúc chúng ta phải quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn trong vấn đề phòng chống dịch Covid-19, tuyệt đối không được phép chủ quan”.
Công nhân lao động cần làm gì để phòng chống Covid-19 trong tình hình mới?
Theo GS.TS Trần Quỵ, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, các xí nghiệp, công ty cần phải khởi động ngay các biện pháp chống dịch kiên quyết hơn trước. Đồng thời tiếp tục phối hợp với các cơ quan y tế trong việc triển khai các quy định phòng chống sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
“Đầu tiên cần phải tuyên truyền cho công nhân lao động hiểu rõ sự nguy hiểm của dịch bệnh. Đây là một kẻ thù dấu mặt, nếu không phòng dịch cẩn thận sẽ rất phức tạp. Chúng ta hay nói chống dịch như chống giặc, nhưng giặc còn có thể nhìn thấy mà chống, virus thì không thể phát hiện. Do đó chỉ có sự cảnh giác, thực hiện đeo khẩu trang, vệ sinh sạch sẽ, giữ cự ly tối thiểu 2m với những người xung quanh mới có thể đảm bảo an toàn”, GS.TS Trần Quỵ cho biết.
Theo GS.TS Trần Quỵ, để làm tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 cho công nhân lao động, cần lưu ý những điểm sau:
Thứ nhất, tổ chức công đoàn, ban giám đốc công ty phải luôn luôn quan tâm, nhắc nhở công nhân có ý thức tự giác thực hiện đúng quy định phòng chống dịch: Đeo khẩu trang, dùng nước sát khuẩn...
Thứ hai, các công ty cần có những thay đổi về điều kiện làm việc phù hợp với công tác phòng chống dịch bệnh. Chẳng hạn bố trí vị trí làm việc giãn cách, lắp các vách kính cho từng khu vực làm việc. Trang bị đầy đủ nước rửa tay, khẩu trang y tế hoặc kính ngăn giọt bắn cho công nhân trong quá trình làm việc.
Công nhân Công ty TNHH Piaggio Việt Nam, KCN Bình Xuyên, Vĩnh Phúc đeo khẩu trang làm việc trong xưởng sản xuất - Ảnh: M.K |
Thứ ba, các công ty phải phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế địa phương, trang bị đầy đủ phương tiện nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn dịch bệnh. Tổ chức xét nghiệm sớm và xét nghiệm nhiều lần cho công nhân trở về từ vùng dịch, đồng thời cho nghỉ làm để cách ly tại nhà.
Thứ tư, cần phải thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe của công nhân lao động, thậm chí phải có người phụ trách y tế túc trực, giám sát, nhắc nhở tại nơi làm việc. Công nhân có dấu hiệu mệt mỏi cần được kiểm tra theo dõi sớm.
Thứ năm, đảm bảo môi trường làm việc sạch sẽ, chế độ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng. Bổ sung các loại thức ăn có đạm, mỡ, đường; các loại hoa quả, vitamin, muối khoáng để tăng cường hệ miễn dịch cho công nhân lao động.
Các nhân viên Công ty TNHH CDL Precision Technology Việt Nam đang chuẩn bị đồ ăn cho công nhân - Ảnh: M.K |
Thứ sáu, các khu tập thể, khu nhà ở và xóm trọ công nhân cần được vệ sinh sạch sẽ, phun thuốc khử trùng. Các loại thuốc khử trùng và thiết bị y tế cần được mua ở nơi uy tín, có chứng nhận, tránh mua phải hàng giả.
Thứ bảy, công nhân cần bình tĩnh, tỉnh táo trong việc tiếp nhận thông tin. Nên tiếp nhận các thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh, không hoang mang. Ngoài ra, cần bình tĩnh thực hiện nghiêm các khuyến cáo của Bộ Y tế về biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid -19 trong tình hình mới.
GS.TS Trần Quỵ là nhà khoa học chuyên ngành Hô hấp, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Ông được biết đến như một người anh hùng trong cuộc chiến chống dịch SARS năm 2003. Ông là người có công lớn trong xây dựng, triển khai thực hiện Chương trình Quốc gia Phòng chống nhiễm khuẩn hô hấp cấp tỉnh ở trẻ em (ARI) năm 1984, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên khu vực châu Á - Thái Bình Dương triển khai có hiệu quả chương trình này Năm 2003, trong vai trò Trưởng ban, ông và các đồng nghiệp đưa Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới dập tắt dịch bệnh SARS năm 2003, được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao và nhiều quốc gia đến học tập. |