Do dịch bệnh, rất nhiều doanh nghiệp hoãn thực hiện hợp đồng lao động với người lao động hoặc cho người lao động nghỉ chờ việc. Ảnh laodongthudo.vn |
Thế giới chưa bao giới chứng kiến một đại dịch tác động mạnh mẽ, sâu sắc và nhiều chiều đến thế vào toàn bộ nền sản xuất, xã hội của loài người. Ở nước ta, do dịch bệnh bước vào giai đoạn ba với nguy cơ lây nhiễm cộng đồng không nhỏ và sự “thắt nút” trong nguồn cung cầu hàng hóa, nguyên vật liệu, sản xuất đang bị đình đốn, việc làm, đời sống của người lao động rất khó khăn.
Hiện rất nhiều xí nghiệp đang phải sản xuất cầm chừng, cho công nhân giãn việc, nghỉ chờ việc, hoãn thực hiện hợp đồng lao động với người lao động. Thậm chí, nhiều xí nghiệp phá sản, người lao động lâm vào cảnh thất nghiệp.
Pháp luật quy định, đối với công nhân lao động thất nghiệp, mất việc, chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp với người lao động mà đủ điều kiện sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Vậy, đối với công nhân bị công ty hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ chờ việc thì có được hưởng trợ cấp thất nghiệp hay không?
Lao động nữ là những người dễ bị tổn thương trong các biến cố. Họ cũng là đối tượng chiếm tỷ lệ lớn phải nghỉ chờ việc, bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động trong dịch bệnh hiện nay. Tuy nhiên, nếu nghỉ chờ việc, hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ảnh laodongthudo.vn |
Về vấn đề này, Điều 49 Luật Việc làm 2013 quy định điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:
“Điều 49. Điều kiện hưởng
Người lao động quy định tại Khoản 1, Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
…”.
Như vậy, điều kiện đầu tiên và tiên quyết để được hưởng trợ cấp thất nghiệp là phải “chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc”.
Việc tạm hoãn hợp đồng lao động không phải là căn cứ để chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 Bộ luật Lao động 2012; do đó, mối quan hệ lao động vẫn tồn tại. Trong trường hợp này người lao động không đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tương tự, người lao động nghỉ chờ việc thì hợp đồng lao động của họ với người sử dụng lao động vẫn có hiệu lực; trường hợp này người lao động cũng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Covid-19: Cập nhật thông tin mới nhất ngày 15/4 |
"Hoa cười người héo", chuyện "bi hài" ở thôn Hạ Lôi (Mê Linh - Hà Nội) |
“ATM gạo” và cuộc “giải cứu sự lương thiện” |