Liên Bộ Tài chính - Công Thương vừa phát đi thông tin về việc điều hành giá xăng dầu từ 15h30 ngày 13/2.
Theo đó, xăng E5 RON 92 tăng 540 đồng/lít, giá bán ra không cao hơn 22.860 đồng/lít.
Xăng RON 95 tăng 620 đồng/lít, giá bán ra không cao hơn 23.760 đồng/lít.
Dầu diesel giảm 960 đồng/lít, giá bán ra không cao hơn 21.560 đồng/lít.
Dầu hỏa giảm 980 đồng/lít, giá bán ra không cao hơn 21.590 đồng/lít.
Dầu mazut giảm 300 đồng/kg, giá bán ra không cao hơn 13.630 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này, Liên Bộ Tài chính - Công Thương không chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Đồng thời ngừng trích lập Quỹ bình ổn giá với xăng và trích lập 600 đồng/lít với dầu diesel, 200 đồng/lít với dầu hỏa.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá xăng có 3 lần tăng và 1 lần giữ nguyên.
Liên quan đến quản lý thị trường xăng dầu, mới đây tại dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu lần 2, Bộ Công Thương đưa ra phương án đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành trong quản lý xăng dầu.
Hiện, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, đồng thời là cơ quan chủ trì điều hành giá xăng dầu. Trong khi đó, Bộ Tài chính thực hiện việc giám sát trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá, rà soát tính toán công bố các khoản định mức để tính giá cơ sở.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã gửi công văn đề xuất giao Bộ Công Thương đảm nhận hết phần việc của Bộ Tài chính đang làm hiện nay. Bộ Tài chính sẽ chỉ thực hiện chức năng thanh, kiểm tra theo đúng quy định.
Theo Bộ Tài chính, việc giao thống nhất nhiệm vụ về giá chuyển về Bộ Công Thương sẽ giúp cơ quan chủ trì điều hành giá nắm bắt bản chất của các yếu tố hình thành giá cơ sở để điều hành giá xăng dầu phù hợp với thực tế phát sinh cũng như tăng cường công tác giám sát đối với chi phí thực hiện của các thương nhân.
Việc phân tán như hiện nay làm phát sinh thêm quy trình và gây khó khăn cho cơ quan điều hành giá vì giá cơ sở là tổng hòa của các yếu tố hình thành giá, không chỉ đơn giản là việc quyết định tăng/giảm giá tại thời điểm điều hành.
Đồng thời, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý, cấp phép các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu, hướng dẫn hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu… bảo đảm cung ứng xăng dầu được ổn định, đáp ứng nhu cầu xăng dầu trên địa bàn. Vì vậy, Bộ Công Thương có thể chủ động xác định chính xác và tính toán các yếu tố hình thành giá cơ sở và công bố điều hành, chủ động phương án điều hành trong những tình huống thiếu hụt, bất thường.