Lễ cưới tập thể công nhân lao động lần thứ nhất do Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng tổ chức. Ở đây, tình yêu nam nữ công nhân có hoàn cảnh khó khăn đến tự nhiên, không đòi hỏi lương bổng mười, hai mươi triệu hay vật chất bao nhiêu. Ảnh congdoanhaiphong.vn |
Mạng xã hội thật hay, nhưng có phải lúc nào và cái gì cũng hay?
Có những cái tút đọc lần đầu rất thú vị, đọc lần hai thấy sự thú vị giảm đi quá nửa, đọc lần ba thì thấy bình thường. Đến lần thứ tư thì bắt đầu “bội thực” và lần thứ n thì… Thôi, chả nói nữa.
Ví dụ những cái tút thế này: “Ván đã đóng thuyền, tháo ra đóng lại có phiền không anh?”; “Nếu em là thuốc phiện, anh sẽ nghiện hay báo công an?”… năm ngoái thấy, năm nay vẫn thấy; người nọ chép của người kia. Nó cũng thú vị nhưng dùng đi dùng lại thì có cảm giác nhàm.
Lại có tút gây sốc, kiểu để câu like: “Khiếp, lương có mười lăm triệu cũng đòi yêu, đòi cưới. Quên cho nhanh nhé”; “Đàn ông con trai gì thời buổi này còn đi wave. Thế cũng dám đi tán gái”… Dạng tút này thường thấy ở các hội nhóm bạn trẻ, hẹn hò “khoe sang chảnh”. Nhưng nó cũng lan đến hội nhóm mạng xã hội công nhân. Và tôi đọc thấy sốc thật: “Đàn ông làm lương chưa tới mười triệu thì đừng nên có vợ các ông ạ. Chỉ làm khổ chị em”; “Lương mười triệu ai ăn ai nhịn. Đàn ông gì lương mười triệu cũng đòi cưới vợ?”; “Đưa mỗi tháng có mười lăm triệu, em đòi thêm nó chửi mắng mọi người ơi”…
Hình ảnh cặp vợ chồng và đứa con đèo nhau trên chiếc xe cà tàng ấm áp và hạnh phúc khiến cộng đồng mạng "phát hờn". Đâu phải đi xe gì hay lương bao nhiêu mới làm con người hạnh phúc. Ảnh soha.vn |
Ôi chao! Đọc đến toát cả mồ hôi. Bỗng nhiên tôi ngẩn ra đến một phút, thấy tủi cho cái phận đàn ông hẩm hiu của mình. Nhưng rồi tôi cũng thấy vui vì thật may, tôi “đã lừa được một người”, giờ không còn phải lăn tăn đi “khai báo lương” với ai; bởi tôi đi làm đã lâu, đã qua nhiều kỳ tăng lương mà lương hiện vẫn chưa đầy mười triệu!...
Của chồng công vợ; “Trên đồng cạn dưới đồng sâu/Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”… Xưa nay, vợ chồng người Việt vẫn nương tựa, đùm bọc nhau; cùng nhau, chồng cấy cày, vợ dệt vải mà làm nên sự nghiệp. Từ bao giờ vậy, người con gái đòi hỏi người con trai phải làm lụng đủ nuôi cả hai vợ chồng và những đứa con? Từ bao giờ vậy, người đàn ông bị coi là phương tiện kiếm tiền và thả giống?
Hoạt động cộng đồng làm cho nam nữ công nhân PVGAS gắn bó với nhau hơn. Nhiều mối tình nảy nở thông qua các hoạt động này. Họ hiểu và yêu thương nhau không vì lương mười hay hai mươi triệu hoặc đi xe loại gì. ảnh pvgas.com.vn |
Có hợp lý không, người công nhân vất vả sớm khuya; sẵn sàng làm thêm ca, kíp kiếm thêm chút thu nhập nhỏ nhoi để duy trì đời sống cho mình và người thân; anh ta dù rất muốn cũng khó lòng kiếm được hơn mười triệu. Nhất là trong thời buổi dịch bệnh này, còn việc làm đã may; việc bấp bênh còn hơn không. Phần đông lấy đâu ra lương hàng tháng trên mười triệu?
Dưới những dòng tút “sang chảnh” ấy, cộng đồng mạng vào bình luận không ngớt. Mỗi người một ý, nhẹ nhàng có, sẵng có, rất nặng lời có. Hầu như không có ít ý kiến nào đồng tình với cô gái kia. Tôi cũng không nghĩ có cô công nhân thật sự nào thả dòng tút ấy. Có vẻ như dòng tút ở một hội nhóm khác gây tranh cãi, khiến người nào đó “nhặt” nó thả vào hội nhóm công nhân để “thử đo” phản ứng thì hợp lý hơn?
Thật đáng sợ nếu trước khi yêu người ta đặt điều kiện phải có lương bao nhiêu, cứ như thể lương càng cao càng hạnh phúc. Trong ảnh, một hoạt động thể chất lành mạnh ở một công ty. Nhiều khi, tình cảm nam nữ bắt đầu một cách giản dị từ những hoạt động như thế. Ảnh moit.gov.vn |
Đời sống công nhân đang rất khó khăn. Nam nữ công nhân đều như vậy. Kiếm đồng tiền lúc này thật nhọc nhằn; dù thế nào cũng phải co kéo kiểu “nhiều no ít đủ”, không chỉ cho mình. Đòi hỏi, yêu cầu “trên trời” với người công nhân lúc này là xúc phạm họ và làm rẻ rúng cả người yêu cầu. Tôi nghĩ thế, còn bạn thì sao?
Covid-19: Cập nhật thông tin mới nhất ngày 14/7 |
Xe không giấy tờ được phép sang tên chính chủ từ ngày 1/8 |
Nghỉ hè của trẻ và áp đặt của người lớn |