Cần làm rõ “lỗ hổng” về quy trình an toàn trong vụ 7 công nhân tử vong tại Yên Bái
Người lao động - 25/04/2024 07:25 Hà Vy
Vụ 7 công nhân tử vong: Đau thương người ở lại |
Máy nghiền bất ngờ hoạt động
Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn lao động tại Công ty CP Xi măng và Khoáng sản Yên Bái, tối 22/4 UBND tỉnh Yên Bái thông tin nhanh về vụ việc, xác định nguyên nhân ban đầu do sự cố động cơ điện của máy nghiền.
Theo đó, thời điểm nhóm công nhân chui vào trong lò quay để sửa chữa thì “lò bất ngờ hoạt động” khiến 7 người tử vong, 3 người bị thương.
Còn theo lời kể của công nhân Nông Văn Tuân, người trực tiếp tham gia nhóm gồm 10 người sửa chữa máy nghiền thì nhóm này và bộ phận kỹ thuật giám sát việc cấp nguồn cho máy nghiền số 3 hoạt động là hai đơn vị riêng biệt.
BS. Trịnh Trung - Phó Trưởng khoa Chấn thương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái (trái) báo cáo lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam về tình hình hồi phục sau tai nạn của công nhân. Ảnh: ThC |
Anh Tuân nói về quy trình sửa chữa: Buổi sáng sẽ thông báo cho trung tâm điều khiển biết lịch để ngắt điện máy, rồi nhóm công nhân mới vào bên trong máy để sửa chữa.
Điểm bật máy nghiền (trung tâm điều khiển) cách khu vực máy đang sửa chữa khoảng vài chục mét. Theo anh Tuân, thời điểm trước khi sửa chữa, trung tâm điều khiển đã biết và ngắt điện máy nghiền, nhưng anh không hiểu vì sao máy nghiền lại đột ngột chạy.
"Cầu dao thì nhóm em không được ngắt, có một đội khác ngắt cầu dao. Khi em ngã xuống, chỉ kịp hô to kêu cứu nhưng không có ai. Nghĩ đến 7 đồng nghiệp vẫn còn trong tháng máy, em cố gắng bật dậy, lết đến trung tâm điều khiển cách đó 20 mét để ngắt cầu dao. Nhưng khi tới phòng điều khiển, em không thấy ai. Hệ thống nút bấm, công tắc lại quá nhiều, em không biết nút nào là nút tắt máy, nên thấy nút nào ấn được thì ấn", anh Nông Văn Tuân nói và cho biết công việc thay tấm lát của máy nghiền không diễn ra thường xuyên, thường từ 5 đến 7 tháng mới phải thay một lần.
Anh Phạm Ngọc Long - một trong 3 công nhân bị thương cho biết, vì là công nhân sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị nên nhóm đều không có thẻ vận hành. Trước khi 7 công nhân vào bên trong máy nghiền thì đã được thông báo tắt điện rồi.
Cần điều tra làm rõ việc thực hiện các quy trình an toàn
TS. Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng Viện Khoa học ATVSLĐ cho rằng, nguyên nhân của việc hệ thống máy đột ngột hoạt động trong khi có nhiều người đang sửa chữa sẽ được cơ quan cảnh sát điều tra xác minh làm rõ. Tuy nhiên, về nguyên tắc, bất kỳ một hệ thống công nghệ nào trong quá trình sửa chữa, bảo dưỡng, dù có con người hay không thì đều khó tự động hoạt động được và cần một quy trình rất nghiêm ngặt.
Vị chuyên gia không ngờ vụ tai nạn lao động đau lòng trên lại xảy ra trong thời điểm hiện tại, bởi ngành Xi măng đã chuyển đổi thiết bị công nghệ sản xuất ngang tầm với mức tiên tiến của thế giới, một số đạt trình độ hiện đại.
Nhà máy Xi măng (thuộc Công ty CP Xi măng và Khoáng sản Yên Bái). Ảnh: Hồng Nguyên |
"Đây là vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, lặp lại những nguyên nhân của hàng chục năm trước đây trong ngành Sản xuất xi măng cũng như ngành chế biến và sản xuất vật liệu xây dựng. Sau này, nước ta đã ứng dụng những công nghệ sản xuất rất tiến bộ, đặc biệt là những quy trình, quy định pháp luật về an toàn, đưa ra những yêu cầu với những doanh nghiệp sản xuất ngành này. Chỉ cần tuân thủ đầy đủ, chắc chắn sẽ phòng ngừa được tai nạn" - TS Nguyễn Anh Thơ cho biết.
Qua theo dõi diễn biến của vụ việc từ cơ quan chức năng và báo chí, TS. Nguyễn Anh Thơ cho rằng, trong sự cố này, có rất nhiều điều cần lưu ý.
Một loạt các quy định tại Luật ATVSLĐ, Quy chuẩn kỹ thuật số 05/2012 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về khai thác và chế biến đá, Quy chuẩn quốc gia số 06/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về ATVSLĐ trong không gian hạn chế đến các quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn đều yêu cầu khi hệ thống vận hành phải tuân thủ rất nhiều quy định nghiêm ngặt. Đặc biệt, với một công việc trong "không gian hạn chế" thì bắt buộc người sử dụng lao động phải tập huấn, đào tạo, huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động.
Người lao động “làm việc trong không gian hạn chế” là công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ được quy định tại Thông tư số 06/2020/TT-BLĐTBXH ngày 20/8/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Đồng thời đây cũng là công việc bắt buộc tuân thủ Quy trình làm việc nghiêm ngặt theo QCVN 34:2018/BLĐTBXH - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động khi làm việc trong không gian hạn chế.
Người lao động phải nắm vững các phương án, có kỹ năng, hiểu quy trình một cách thuần thục. Bên cạnh đó, doanh nghiệp bắt buộc phải xây dựng phương án khẩn cấp, có cán bộ giám sát an toàn lao động đứng bên cạnh để khi xảy ra bất kỳ sự cố nào đều phải khắc phục, kiểm soát được ngay.
“Trong vụ việc này, cần điều tra làm rõ đơn vị này có thực hiện các quy trình đó hay không" - TS. Nguyễn Anh Thơ nhấn mạnh.
Công nghệ sản xuất xi măng ở Nhà máy xi măng thuộc Công ty CP Xi măng và Khoáng sản Yên Bái. Ảnh: Mạnh Cường |
Bên cạnh kiểm tra quy trình, quy phạm làm việc an toàn thì cần xem xét công tác huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động để họ nắm được các kỹ năng cần thiết hay chưa.
Theo quy định của pháp luật về huấn luyện ATVSLĐ, những lao động làm công việc yêu cầu như ngành Sản xuất xi măng phải được huấn luyện rất kỹ trước khi bắt đầu công việc và được huấn luyện định kỳ. Trước khi tiến hành công việc, họ phải được tập dượt.
Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định, trước khi giao việc, người sử dụng lao động phải huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động với thời gian ít nhất là 24 giờ theo quy định và định kỳ ít nhất 2 năm một lần phải được tập huấn lại hoặc tập huấn lại khi thay đổi công việc, dây chuyền, thiết bị, công nghệ. Thời gian tập huấn ATVSLĐ là bắt buộc và theo chương trình khung quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Đối với công nhân trực tiếp làm việc phải có phương án làm việc an toàn cụ thể, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, phương tiện, dụng cụ cứu hộ, cứu nạn trong các tình huống, sự cố khẩn cấp.
Doanh nghiệp cần bố trí hệ thống biển báo, thông tin, chỉ dẫn, cảnh báo về các yếu tố nguy hiểm, độc hại niêm yết, đặt ngay tại máy, thiết bị, khu vực làm việc để người lao động dễ thấy, dễ nhìn, dễ đọc và tuân thủ.
Ông Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng Viện Khoa học ATVSLĐ - Ảnh: Văn Quân |
Bên cạnh đó, TS Nguyễn Anh Thơ lưu ý các quy trình đóng điện, khởi động lại hệ thống đều đã được quy định rõ trong các quy định của pháp luật.
Vị chuyên gia lưu ý, với vụ tai nạn lao động tại Công ty CP Xi măng và Khoáng sản Yên Bái, các đoàn điều tra cần đánh giá lại toàn bộ quy trình thực hiện việc bảo trì, bảo dưỡng có đúng quy định?
Qua vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng này, TS Nguyễn Anh Thơ cho biết, cần nhìn nhận rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Một doanh nghiệp hoạt động rất lâu năm, trong quá trình kiểm tra, thanh tra, các cơ quan chính quyền đến đánh giá, giám sát cũng đã phải kiểm soát về mặt hiệu quả hoạt động, ATVSLĐ. Để xảy ra sự cố này, cần nghiêm túc rút ra các bài học kinh nghiệm nhằm phòng ngừa không xảy ra những việc tương tự.
"Với một sự cố nghiêm trọng như kể trên thì dù thế nào trách nhiệm của doanh nghiệp, các cấp quản lý là rất lớn”, TS. Nguyễn Anh Thơ nhấn mạnh.
Để giảm thiểu những sự cố đau lòng tương tự như vụ việc vừa qua, TS. Nguyễn Anh Thơ cho biết, trước hết cần thực hiện nghiêm công tác huấn luyện ATVSLĐ đặc biệt chú trọng việc huấn luyện cho đối tượng quản lý, người làm công tác ATVSLĐ tại cơ sở về việc xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn.
Liên quan đến vụ tai nạn làm 10 người thương vong tại Công ty CP Xi măng và Khoáng sản Yên Bái, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn vừa ký ban hành công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng cường thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn lao động và xử lý vụ việc tai nạn lao động xảy ra tại Công ty CP Xi măng và Khoáng sản Yên Bái. UBND tỉnh đề nghị LĐLĐ tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp công đoàn trong công tác ATVSLĐ. Kiện toàn, nâng cao năng lực bộ máy, cán bộ làm công tác ATVSLĐ trong các cấp công đoàn. Đẩy mạnh công tác đào tạo, huấn luyện, tuyên truyền nâng cao nhận thức về an toàn trong lao động cho người sử dụng lao động, NLĐ nhất là mạng lưới an toàn vệ sinh viên trong các doanh nghiệp. Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền về ATVSLĐ. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cấp công đoàn với các cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ và điều tra tai nạn lao động để kịp thời phát hiện và yêu cầu khắc phục các vi phạm, các nguy cơ mất ATVSLĐ và kiến nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. |
Theo đồng chí Hồ Thị Kim Ngân - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam, qua một thời gian thực hiện phòng, chống dịch Covid-19, công tác kiểm tra, giám sát, thông tin tuyên truyền, huấn luyện về công tác ATVSLĐ chưa được đầy đủ và có thể trở thành nguyên nhân tiềm ẩn những vụ tai nạn lao động. Giai đoạn trước đây, Công đoàn có quyền kiểm tra việc chủ động xây dựng các kế hoạch kiểm tra công tác ATVSLĐ. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, Công đoàn chỉ được tham gia phối hợp. Do vậy, thời gian tới, đồng chí Hồ Thị Kim Ngân cho rằng, cần tính đến việc tăng cường hơn nữa các cơ chế kiểm tra, giám sát của nhiều đơn vị trong việc thực hiện công tác ATVSLĐ. |
Vụ 7 công nhân tử vong ở Yên Bái: Dấu hỏi về huấn luyện và an toàn vận hành Từ chi tiết một công nhân bị thương lết vào trung tâm điều khiển và loay hoay mất 30 phút mới tắt được nguồn điện ... |
Vụ tai nạn lao động 7 công nhân tử vong: Khởi tố nhân viên cân băng liệu Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để ... |
Vụ 7 công nhân tử vong: Đau thương người ở lại Các công nhân tử vong trong vụ tại nạn lao động tại Công ty CP Xi măng và Khoáng sản Yên Bái đều có hoàn ... |
Tin cùng chuyên mục
Người lao động - 22/11/2024 08:01
Trên 90% bệnh nhân hài lòng: Thành quả từ sự đồng lòng của cán bộ, viên chức ngành Y
Hơn 90% bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hài lòng. Đây là kết quả cho những nỗ lực đổi mới, đồng lòng trong phong cách phục vụ của cán bộ nhân viên ngành Y.
Đời sống - 19/11/2024 14:53
Thu nhập người lao động tại các doanh nghiệp Nhà nước tăng thế nào trong năm 2024?
Năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tăng trên 10%. Kết quả này không chỉ phản ánh sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế mà còn là minh chứng cho sự đóng góp của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo đời sống người lao động.
Đời sống - 15/11/2024 16:53
Vĩ thanh - trở lại Hua La mùa cà phê
Một năm sau, đầu tháng 11/2024, chúng tôi trở lại xã Hua La (Sơn La), nơi có những cây cà phê đang vào mùa thu hoạch.
Đời sống - 13/11/2024 15:31
Công đoàn cơ sở kiện doanh nghiệp đòi quyền lợi cho người lao động
Mới đây, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Kobelco E&M Việt Nam (Khu Công Nghiệp Biên Hòa II, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) đã có đơn khởi kiện doanh nghiệp này để đòi tiền lương và quyền lợi cho người lao động.
Người lao động - 11/11/2024 17:50
Rục rịch công bố thưởng Tết, người lao động kỳ vọng mức tương xứng
Còn hơn 2 tháng nữa đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, một số doanh nghiệp và công đoàn cơ sở đang dần lên kế hoạch chi lương, thưởng, quà Tết, sao cho vừa phù hợp với tình hình kinh doanh, vừa đáp ứng nguyện vọng của người lao động.
Đời sống - 09/11/2024 16:41
Phòng trọ tối thiểu 5m2/người: Công nhân vừa mừng vừa lo
Được ở trong phòng trọ rộng rãi, thoáng mát là điều ai cũng mong muốn. Nhưng với công nhân lao động sẽ đi kèm với nỗi lo chi phí thuê trọ tăng cao, vì “tiền nào của nấy”…