Nghệ An hiện thiếu 2.500 giáo viên bậc mầm non - Ảnh minh họa. |
Đến hẹn... lại thiếu giáo viên
Tại huyện Nghi Lộc (một huyện giáp ranh với thành phố Vinh, Nghệ An) hiện nay số lượng giáo viên thiếu khá nhiều với gần 300 giáo viên. Trong đó, riêng tiểu học thiếu hơn 200 giáo viên. Năm học 2019 - 2020, tổng số giáo viên mầm non của huyện Nghi Lộc là 615 giáo viên/410 nhóm, lớp.
Đặc biệt, nhiều trường mầm non của huyện không tuyển được giáo viên vì không có biên chế. Thực tế này khiến tỉ lệ giáo viên đứng lớp rất thấp, chỉ khoảng 1,3 - 1,4 giáo viên/lớp, điển hình như các trường mầm non thuộc các xã Nghi Phương, Nghi Đồng và Nghi Xá. Trong khi đó, theo Thông tư 06/2015 liên tịch của Bộ GD&ĐT - Bộ Nội vụ quy định số lượng giáo viên mầm non/nhóm, lớp tối đa là 2,2 - 2,5.
Năm học 2019 - 2020, Trường Mầm non Nghi Đồng (xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc) có 345 học sinh/11 nhóm lớp. Năm học 2017 - 2018, toàn trường có 10 giáo viên thì 1 giáo viên nghỉ sinh dẫn đến chỉ có 9 giáo viên/11 nhóm lớp (khoảng 0,9 giáo viên/lớp).
Không riêng bậc mầm non, huyện Nghi Lộc hiện thiếu 78 giáo viên bậc Tiểu học (theo tỉ lệ 1,2 giáo viên/ lớp). Lý giải về nguyên nhân thiếu giáo viên, thầy Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nghi Lộc lý giải, do dân số cơ học tăng, quy mô số lớp của bậc mầm non và tiểu học trên địa bàn tăng quá nhanh, trong khi định biên lại giảm, công tác tinh giản biên chế được siết chặt và giao chỉ tiêu giáo viên hàng năm hạn chế, không đủ theo kế hoạch phát triển trường lớp của cơ sở. Năm học 2019 - 2020, toàn huyện tăng khoảng 1.700 học sinh và dự báo tiếp tục tăng trong vài năm tới. Dù được bổ sung một lượng giáo viên nhất định (từ nguồn biệt phái và định biên) nhưng vẫn còn thiếu.
Không riêng huyện Nghi Lộc, thực trạng thiếu giáo viên (chủ yếu ở bậc mầm non, tiểu học) còn diễn ra ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Riêng bậc mầm non toàn tỉnh Nghệ An thiếu 2.500 giáo viên, nên các trường, các địa phương rất áp lực, ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An cho hay.
Loay hoay... tìm giải pháp
Giáo viên vùng cao Nghệ An vượt khó đến trường - Ảnh: Tuệ Minh |
Năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh Nghệ An dự kiến tăng hơn 20.000 học sinh. Trong đó, tăng nhiều nhất là bậc tiểu học với hơn 18.000 học sinh, bậc THCS tăng hơn 2.000 học sinh. Học sinh vào lớp 10 tăng 2.800 em so với năm học 2018 - 2019. Với số học sinh tăng như trên, Nghệ An dự kiến sẽ tăng 237 lớp so với năm học trước. Số lượng học sinh các cấp tăng, thiếu giáo viên là điều không thể tránh khỏi.
Đặc biệt, việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày là tiêu chí bắt buộc ở các trường chuẩn quốc gia. Theo chiến lược phát triển giáo dục 2012 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có mục tiêu “đến năm 2020, 90% trường tiểu học và 50% trường THCS tổ chức dạy học 2 buổi/ngày”.
Tuy nhiên, muốn tổ chức dạy 2 buổi/ngày thì đội ngũ giáo viên phải đủ với định biên 1,5 giáo viên/lớp. Trong khi đó, những năm qua, nhiều địa phương không được giao chỉ tiêu biên chế giáo viên hoặc được giao song vẫn đang thiếu nên nhiều trường chỉ bố trí được 1,2 giáo viên/lớp (định mức áp dụng cho trường dạy 1 buổi/ngày). Điều này dẫn tới áp lực cho lãnh đạo các nhà trường khi phương án thực thi, nhất là “tự cân đối” nhân lực đào tạo giáo viên “đa năng”, kiêm nhiệm nhiều việc như dạy thêm môn phụ, đảm nhiệm vai trò làm giám thị…
Để giải quyết thực trạng trên, năm học này một số địa phương được cho phép tuyển dụng. Thầy Nguyễn Viết Lộc, Trưởng phòng GD&ĐT Tx. Hoàng Mai cho biết, hiện tỉ lệ giáo viên mầm non trên địa bàn thị xã là 1,7/lớp, bằng với mặt bằng chung của tỉnh. Trong khi đó, giáo viên bậc tiểu học đang thiếu, hiện thị xã đang tuyển 21 giáo viên.
Cùng với đó, chủ trương điều động, biệt phái giáo viên, giải pháp tình thế đã được nhiều địa phương thực hiện trong việc giải quyết tình trạng thừa, thiếu cục bộ, đảm bảo cân bằng tỉ lệ giáo viên và điều kiện công tác giữa các trường trong vùng.
Ở bậc học mầm non, để khắc phục tình trạng trên, Sở GD&ĐT Nghệ An đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập giai đoạn 2018 - 2025, để giảm áp lực tăng quy mô công lập trong bối cảnh không tăng được biên chế giáo viên. Đồng thời, đề xuất ổn định, giữ không tăng quy mô nhóm lớp trong 2 năm gần đây để không gây quá tải do thiếu giáo viên, giảm dần quy mô nhóm lớp ở vùng có khả năng phát triển ngoài công lập, từ đó tăng dần tỉ lệ giáo viên/lớp.
Dự kiến đến năm 2025, tỉnh Nghệ An sẽ chuyển 20% trường mầm non công lập thành đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên. Theo đó, sẽ tăng được hơn 2.000 giáo viên hưởng lương từ nguồn thu ngoài ngân sách, tăng tỉ lệ giáo viên mầm non mà không tạo áp lực biên chế.
Tuy nhiên, việc điều động, biệt phái giáo viên… đó cũng chỉ là những giải pháp tạm thời của các địa phương cũng như ngành giáo dục trước thực trạng thiếu giáo viên mỗi dịp vào năm học mới.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tình trạng thiếu giáo viên diễn ra ở nhiều địa phương. Hiện toàn quốc thiếu trên 49.000 giáo viên mầm non, tạo áp lực lớn cho đội ngũ trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ. Một số tỉnh thiếu giáo viên mầm non cao như Thái Bình, Sơn La, Gia Lai, Nghệ An, Thanh Hóa, Đồng Nai… Bên cạnh đó, nhân viên nấu ăn, bảo vệ, phục vụ trong cơ sở giáo dục mầm non thiếu về số lượng và chưa có cơ chế để thực hiện chế độ và chính sách. |
Nước mắt của người giáo viên 19 năm công tác bỗng chốc nhận thông báo chấm dứt hợp đồng 'Từng ấy năm đứng trên bục giảng, cũng đào tạo ra nhiều học trò xuất sắc, nhưng giờ đây nhiều người gọi mình là ... ... |
Thót tim cảnh giáo viên cắm bản lội suối chảy xiết trở lại trường Hết thời gian nghỉ hè, nhiều giáo viên cắm bản ở hai xã Mường Ải, Mường Típ (huyện biên giới Kỳ Sơn, Nghệ An) khăn ... |