Thiếu nước sạch sinh hoạt là vấn đề "nhức nhối" mà nhiều người dân Hà Nội đang phải đối mặt sau sự cố nước Sông Đà bị nhiễm dầu thải. Ảnh: MC |
Trong sự cố nước Sông Đà, bên cạnh những phẫn nộ, bức xúc trước thói vô trách nhiệm của Công ty cấp nước Sông Đà, tôi vẫn thấy từng đoàn người trật tự, xếp hàng chờ đến lượt hứng từng xô nước nhỏ. Họ như cùng “dìu” nhau qua hoạn nạn này.
Tôi đã xem những tấm ảnh người Hà Nội nhẫn nại vào hàng chờ lấy nước sạch không có cảnh hỗn loạn, chen lấn, xô đẩy hay giành giật nhau dù đang đêm tối và xe chở nước có hạn, dù nước lúc có lúc mất, khi sạch khi bẩn và thông tin nhiễu loạn.
Tưởng rằng sẽ lại bực tức, chán nản, giận dữ như khi gặp những thảm cảnh tương tự. Nghĩ chắc rồi sẽ không ít chuyện buồn lòng khi nước ít người nhiều và phẫn nộ ngày càng cao. Nhưng không, họ còn nhường nhịn, đến, lấy và ra về trong trật tự mà chưa nghe những câu chuyện phản cảm nào trong tình cảnh nhà nhà mất nước, thiếu nước này. Tôi nghĩ thái độ ấy đáng trân trọng và cần hoan hô!
Tôi đọc được những dòng này: “Nhà anh Thao ở Kim Giang, Thanh Xuân có dự trữ một téc nước 2 m3 nên tạm thời chủ động được một phần nước tắm giặt. Nước không còn mùi nhưng anh cũng không yên tâm dùng để ăn uống. Anh dự định chia sẻ 1/3 số nước ở quê gửi ra với bà con sống cùng khu phố. Còn lại, gia đình 6 người sẽ dùng tiết kiệm trong khoảng 5 ngày tới”. Tôi cho rằng những nghĩa cử như vậy cần ghi nhận.
Và đây nữa: “Đêm muộn, cả tầng í ới gọi nhau tìm mối để mua chung nước. Người đi siêu thị vét nước đóng chai, người đi tắm nhờ hoặc có phương án di tản đâu đó vài ngày. Gặp nhau ở thang máy, ai cũng lộ nét mệt mỏi khi chưa rõ đến bao giờ mới cấp nước trở lại nhưng vẫn cố an ủi nhau vài ngày sẽ có”.
Tôi còn đọc được những dòng viết hàng xóm láng giềng hay quen biết chia sẻ nhau những chai nước sạch ít ỏi, lấy nước giúp nhau hay nhường cho bà già, trẻ nhỏ trước. Những người hàng xóm trong các khu chung cư ít khi trò chuyện lại giúp nhau xách từng can nước cho chị có thai, bác già vừa qua bạo bệnh hay em nhỏ đang khệ nệ. Dường như, đồng bào mình lúc hoạn nạn có khi lại thương nhau nhiều hơn.
Đồng nghiệp tôi viết trên trang nhà anh ấy: “Trong cơn khủng hoảng mang tên "mất nước", người Hà Nội vẫn điềm tĩnh, nhẫn nại xếp hàng nhận từng xô nước. Dù có lúc chủ đầu tư điều xe chở nước tưới cây đi lấy nước sạch cho dân ăn. Trong số đó có những người sẵn sàng mời mọi người đến lấy nước sạch, đến tắm giặt hay vệ sinh khi cần”.
Tôi nghĩ đó không phải là thái độ cam chịu hay nhẫn nhịn, cũng chẳng thể là chuyện tặc lưỡi cho xong. Có lẽ họ hiểu rằng những người đồng cảnh cần được sẻ chia, đồng cảm và giúp đỡ lẫn nhau trong hoạn nạn. Người đáng trách và đáng trút lên giận dữ là Công ty nước sạch Sông Đà, kẻ đổ trộm dầu thải đầu nguồn chưa biết khi nào tìm ra và cơ quan quản lý chậm chạp, yếu kém trong sự cố này.
Nhiều trường học tại Hà Nội ngừng sử dụng "nước bẩn" Trước tình trạng nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu thải, nhiều trường học ở Hà Nội đang phải cố gắng tìm các biện pháp ... |
Hà Nội “khát”! Trước tình trạng nguồn nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu thải, Hà Nội “khát” một ngày, vài ngày hay nhiều ngày hơn, không ai ... |
Nước bẩn là tội ác! An toàn của rất nhiều người dân Hà Nội bị đe dọa trước tình trạng ô nhiễm của "nước sạch" sông Đà. |