Người dân cả nước cơ bản ý thức rất tốt quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Trong ảnh, một khu phố ở quận Ninh Kiều, Cần Thơ chấp hành nghiêm chỉnh yêu cầu cách ly toàn xã hội của Chính phủ. Ảnh thanhnien.vn |
Người nhiễm hoặc nghi nhiễm dịch Covid-19 có quyền lợi và nghĩa vụ gì?
Đại dịch Covid-19 đang gây những hậu quả chưa từng có tiền lệ ở quy mô thế giới, trong đó có nước ta. Từ số người mắc chỉ dừng ở con số 16 trong thời gian dài, Việt Nam đã liên tiếp phát hiện những ca nhiễm Covid-19 mới, đến nay đã vượt 200 người, buộc Chính phủ phải thực hiện biện pháp quyết liệt chưa từng có là cách ly toàn xã hội trong hai tuần kể từ ngày 01/04/2020.
Xét đến cùng, người nhiễm và nghi nhiễm bệnh cũng chỉ là nạn nhân của dịch bệnh. Ngoài nhóm người già, có bệnh nền, người sống gần các tâm dịch, khu tập trung đông người có nguy cơ nhiễm dịch cao hơn thì bất cứ ai, không phân biệt sang hèn, giàu nghèo đều có thể bị nhiễm bệnh. Họ rất cần sự giúp đỡ của nhà nước và cộng đồng. Vậy, quyền và nghĩa vụ của người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 được pháp luật quy định như thế nào?
Căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, ngày 29/01/2020, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 219/QĐ-BYT về việc bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.
Con phố Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội đông đúc ngày thường, nay trở nên vắng tanh trong ngày đầu tiên cả nước thực hiện cách ly toàn xã hội. Chứng tỏ người dân đã ý thức cao nghĩa vụ và quyền lợi của mình trong phòng chống dịch Covid-19. Ảnh thanhnien.vn |
Ngày 01/02/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra. Theo đó, tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch được xác định là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu; trường hợp này, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm để phòng, chống dịch bệnh.
Theo đó, để bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A không có quyền được từ chối chữa bệnh mà thuộc trường hợp bắt buộc chữa bệnh (Điểm a, Khoản 1, Điều 66 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009); đồng thời, người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A phải được cách ly; hình thức cách ly bao gồm cách ly tại nhà, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác. Trường hợp các đối tượng phải được cách ly không thực hiện yêu cầu cách ly của cơ sở y tế thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly theo quy định của Chính phủ (Điều 49 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm).
Mặt khác, người mắc bệnh dịch nhóm A được khám và điều trị miễn phí (Khoản 2 Điều 48, Luật trên), quy định này vừa giúp người bệnh yên tâm chữa bệnh mà không phải lo lắng về gánh nặng chi phí khám bệnh, chữa bệnh, vừa giúp các biện pháp chống dịch được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả.
Cao Bằng đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ sức khỏe, nâng cao ý thức về trách nhiệm, quyền lợi của người dân trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh baotainguyenmoitruong.vn |
Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/2010 của Chính phủ và Thông tư số 32/2012/TT-BTC ngày 29/02/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được hưởng các chế độ sau:
1). Được miễn chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi phát hiện, điều trị các bệnh truyền nhiễm.
2). Được cấp không thu tiền các vật dụng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế theo định mức sử dụng do Bộ Y tế ban hành.
3). Được miễn chi phí di chuyển từ nhà, từ cơ sở, địa điểm phát hiện đối tượng phải thực hiện cách ly y tế đến cơ sở cách ly y tế hoặc từ cơ sở cách ly y tế này đến cơ sở cách ly y tế khác theo quyết định của người có thẩm quyền; được bảo đảm vận chuyển thuận lợi, an toàn và đúng quy định.
4). Trường hợp người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế đang trong thời gian cách ly mà mắc các bệnh khác phải khám, điều trị thì phải thanh toán chi phí khám bệnh, điều trị bệnh đó; nếu người đó có thẻ bảo hiểm y tế thì việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
5). Trường hợp người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tử vong thì được miễn chi phí cho việc bảo quản, quàn ướp, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
6). Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được cung cấp bữa ăn theo yêu cầu, phù hợp với khả năng của cơ sở thực hiện cách ly y tế. Chi phí tiền ăn do người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tự chi trả. Trường hợp người bị cách ly y tế là người thuộc hộ nghèo theo quy định thì được hỗ trợ tiền ăn theo mức 40.000 đồng/ngày trong thời gian cách ly y tế.
7). Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được cơ sở thực hiện cách ly y tế cấp giấy chứng nhận thời gian thực hiện cách ly y tế để làm căn cứ hưởng các chế độ theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn.
Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm cũng có các quy định trách nhiệm phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, như: khai báo trung thực diễn biến bệnh; tuân thủ chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc, nhân viên y tế và nội quy, quy chế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; đối với người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A ngay sau khi xuất viện phải đăng ký theo dõi sức khỏe với y tế xã, phường, thị trấn nơi cư trú (Khoản 1, Điều 34); trong trường hợp có dịch, người mắc bệnh dịch hoặc người phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nghi ngờ mắc bệnh dịch phải khai báo cho cơ quan y tế gần nhất trong thời gian 24 giờ, kể từ khi phát hiện bệnh dịch (Khoản 1, Điều 47).
Luật cũng nghiêm cấm hành vi: che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật (Khoản 3, Điều 8); cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm (Khoản 4, Điều 8); không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (Khoản 7, Điều 8).
Covid-19: Cập nhật thông tin mới nhất ngày 2/4 Tính đến 7h sáng ngày 2/4, Covid-19 đã xuất hiện ở 203 quốc gia và vùng lãnh thổ, trên 935.000 ca nhiễm virus corona chủng ... |
Thêm 4 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số ca mắc tại Việt Nam lên 222 trường hợp Sáng nay 2/4, Bộ Y tế công bố thêm 4 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số ca mắc tại Việt Nam lên 222 trường ... |
Từ mai (2/4) hàng ăn bán qua mạng, bán mang đi cũng phải ngừng hoạt động tại Đà Nẵng Từ 0h ngày 2/4, các cửa hàng ăn uống bán qua mạng và bán mang đi tại Đà Nẵng đều phải tạm ngừng hoạt động ... |
Doanh nghiệp có được chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động vì dịch bệnh? Nếu doanh nghiệp lâm vảo cảnh đình đốn, không có nguyên vật liệu sản xuất, không bán được sản phẩm, nợ nần chồng chất, không ... |