Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An - nơi phát hiện và điều trị cho ba bệnh nhi bị nhiểm vi khuẩn "ăn thịt người" - Ảnh: N.A |
Tối ngày 14/9, Bác sỹ Trần Văn Cương – Phó Giám đốc Bệnh viện Sản nhi Nghệ An xác nhận thông tin trên.
Theo thống kê từ Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, từ tháng 7 đến tháng 9, bệnh viện đã tiếp nhận 3 cháu bé với biểu hiện sốt, sưng đau tuyến mang tai, gia đình nghi bị quai bị, điều trị ở nhà không đỡ mới nhập viện.
Sau khi được các bác sỹ cấy mủ, xét nghiệm máu thì phát hiện vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (vi khuẩn ăn thịt người), bệnh có tên Whitmore - bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm.
Trong đó, bệnh nhân Nghiêm Thanh T. (14 tuổi, ở Đức Thọ, Hà Tĩnh) điều trị 50 ngày, đã được xuất viện. Hai bệnh nhi Hoàng Văn C. (10 tuổi, ở Thanh Ngọc, Thanh Chương, Nghệ An) và Nguyễn Công H (11 tuổi, ở Công Thành, Yên Thành, Nghệ An) hiện đang được theo dõi và điều trị tại Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.
Theo bác sỹ Trần Văn Cương, 3 trường hợp bệnh nhi nhiễm vi khuẩn “ăn thịt người” chủ yếu là người từ các huyện được điều trị tại các khoa Răng – Hàm – Mặt và Tai – Mũi – Họng. Khi bị nhiễm vi khuẩn này sẽ gây viêm mô tế bào đầu mặt cổ.
Vi khuẩn “ăn thịt người” thường sống trong đất cát, con đường lây nhiễm chính của bệnh là qua tiếp xúc các vết trầy xước trên da với đất hoặc nước có có vi khuẩn. Lây nhiễm qua con đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất có vi khuẩn.
Bệnh này bệnh viện đã gặp mấy năm rồi nhưng năm nay chắc do thời tiết nóng ẩm nên số trường hợp mắc bệnh có xu hướng nhiều hơn, bác sỹ Cương cho biết thêm.
Các bác sỹ khuyến cáo, những người làm việc tiếp xúc nhiều với môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động phù hợp. Trong quá trình làm việc, đi lại, nếu phải đi chân đất, lao động thiếu phương tiện phòng hộ thì rất dễ bị lây nhiễm.
Do vậy người dân khi lao động, sinh hoạt tiếp xúc trực tiếp với bùn đất, đặc biệt môi trường sau mưa lũ cần phải có các biện pháp phòng hộ như đi ủng, tất ni lon. Đặc biệt những ai có các vết thương, mụn nhọt… cần tránh tiếp xúc trực tiếp với bùn, đất, nguồn nước ô nhiễm. Nếu không may bị bẩn cần phải được rửa sạch bằng xà phòng kháng khuẩn và lau khô.
Bệnh whitmore có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời. Tỷ lệ tử vong chung của các bệnh nhân nhiễm bệnh whitmore từ khoảng 40 - 60%. Đối với những trường hợp nhiễm khuẩn cấp có thể tử vong trong vòng 1 tuần kể từ khi phát bệnh.
Bệnh whitmore còn có nhiều biến chứng nguy hiểm. Đôi khi chỉ là một vết xây xước nhỏ nhưng khi được tiếp xúc với môi trường đất, nước có vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei thì nguy cơ bị nhiễm cao, sau đó gặp phải các biến chứng nặng hơn như nhiễm trùng máu, áp xe, viêm phổi... Nếu không có cách phát hiện nhanh, bệnh nhân có khả năng tử vong chỉ trong vài ngày.
Hiện nay whitmore là căn bệnh chưa có vắc xin tiêm phòng, cũng chưa có bất kỳ khuyến cáo nào về sử dụng kháng sinh dự phòng. Do đó những biện pháp phòng tránh trên mặc dù rất căn bản nhưng chúng ta không được chủ quan.
Hãy để mỗi người tự sống Các ông các bà không thích sao Hàn không đồng nghĩa với việc các vị cợt nhả những người thích nó. |
Sở Giao thông vận tải Nghệ An "đổ lỗi" cho nhà thầu thi công ẩu? Sau khi Cuộc sống an toàn đăng bài “Thi công đường giao thông biên giới, nhà thầu đổ đất đá xuống sông Nậm Mộ”, Sở ... |
Sống gần Rạng Đông, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khuyên dân trong bán kính 500 m yên tâm Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định những thông số về chất lượng không khí, môi trường ngoài kho Rạng ... |