
Tháng Công nhân – Điểm tựa cho những ước mơ lao động |
Họ có mặt ở khắp nơi: khu chế xuất, khu công nghiệp, công trường xây dựng, nhà máy sản xuất, hay trong những xưởng thủ công truyền thống. Chính họ, hơn ai hết, là lực lượng trực tiếp góp phần tạo nên sự phát triển thần kỳ của thành phố sau ngày giải phóng.
Sau ngày 30/4/1975, khi hàng loạt nhà máy, xí nghiệp bị bỏ lại, chính lực lượng công nhân là những người tiên phong tiếp quản, phục hồi sản xuất trong điều kiện thiếu thốn trăm bề. Họ là hiện thân cho tinh thần làm chủ, lòng tự trọng và ý chí quật cường của TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn chuyển mình hậu chiến.
Ông Nguyễn Văn Bình (73 tuổi), nguyên công nhân Xí nghiệp Dệt Thành Công, nhớ lại: "Lúc đó, nhà máy thiếu nguyên liệu, thiết bị hỏng hóc, nhưng chúng tôi động viên nhau, người biết hướng dẫn người chưa biết, từng bước khôi phục sản xuất”.
![]() |
Một góc đô thị TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: P.V |
Cuộc đổi mới 1986 trở thành bước ngoặt, mở ra làn sóng đầu tư nước ngoài (FDI) mạnh mẽ, đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh – nơi đầu tiên hình thành các khu chế xuất, khu công nghiệp. Lực lượng công nhân TP. Hồ Chí Minh nhanh chóng làm quen với sản xuất công nghiệp hiện đại, trở thành trụ cột trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, điện tử...
Là một trong hàng triệu công nhân góp sức cho giai đoạn này, bà Lâm Thị Phương (57 tuổi, quê Đầm Dơi, Cà Mau) kể: “Lúc đó, ai cũng háo hức vào khu công nghiệp vì có thu nhập tốt hơn. Nhưng công việc cực lắm, tăng ca suốt, có khi làm cả tháng không nghỉ”. Dù vậy, thu nhập ổn định từ nhà máy đã giúp bà và gia đình từng bước vươn lên, tạo dựng cuộc sống ở thành phố lớn.
Không chỉ trong ngành công nghiệp, người công nhân TP. Hồ Chí Minh còn là lực lượng chính kiến tạo những công trình mang tính biểu tượng. Anh Lê Hữu Thành, công nhân xây dựng với hơn 20 năm kinh nghiệm, từng tham gia công trình hầm Thủ Thiêm – chia sẻ: “Làm dưới lòng sông Sài Gòn là thách thức lớn. Nhưng chúng tôi tự hào khi góp sức cho một công trình mang tính biểu tượng”.
![]() |
Suốt những năm qua, công nhân lao động đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh. Trong ảnh: Hoạt động tại Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, quận 11. Ảnh: L.A |
Từ năm 1975 với khoảng 200.000 công nhân, đến năm 2025, TP. Hồ Chí Minh đã có trên 3 triệu lao động trong các lĩnh vực khác nhau. Một thành phố từng gánh chịu nhiều tổn thất sau chiến tranh, nay đã trở thành trung tâm kinh tế năng động nhất cả nước, đóng góp 22-25% GDP và hơn 27% tổng thu ngân sách quốc gia.
Ngày 6/6/1976, tại TP. Hồ Chí Minh diễn ra Hội nghị thống nhất Công đoàn toàn quốc, đánh dấu sự hợp nhất giữa hai miền Nam – Bắc. Từ dấu mốc ấy, hệ thống công đoàn thành phố được kiện toàn và không ngừng lớn mạnh.
Ngay từ những năm đầu sau giải phóng, khi nền kinh tế còn nhiều gian nan, Công đoàn TP. Hồ Chí Minh đã là chỗ dựa quan trọng, kiên định bảo vệ quyền lợi người lao động – từ đấu tranh đòi lương, bảo hiểm, cải thiện điều kiện làm việc, đến thương lượng tập thể.
Chị Nguyễn Thị Hạnh – công nhân dệt may với hơn 20 năm gắn bó cùng Công đoàn Khu chế xuất Tân Thuận – chia sẻ: “Nhờ công đoàn lên tiếng, chúng tôi được tăng lương, có bảo hiểm đầy đủ. Nhờ vậy, tôi mới có thể nuôi hai con ăn học”.
![]() |
Những năm qua, các cấp công đoàn TP. Hồ Chí Minh luôn đồng hành cùng công nhân lao động trong mọi hoàn cảnh: Ảnh: CĐCC |
Với sự chuyển mình của nền kinh tế, đặc biệt là sự gia tăng doanh nghiệp FDI, tổ chức công đoàn càng phát huy vai trò trong việc thương lượng để người lao động được hưởng phúc lợi xứng đáng. Các chương trình như "Tết sum vầy", "Mái ấm công đoàn", "Tháng công nhân" đã thực sự đi vào cuộc sống, mang lại niềm tin và sự gắn bó cho hàng trăm nghìn lao động nhập cư.
Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, khi hàng trăm nghìn công nhân bị ảnh hưởng, Công đoàn TP. Hồ Chí Minh là lực lượng tiên phong tổ chức các chương trình như “Siêu thị 0 đồng”, “Bếp ăn từ thiện”, “Chuyến xe nghĩa tình”, “Đội tiếp ứng thực phẩm”, “Tổ công nhân tự quản”… Những mô hình này không chỉ cứu trợ tức thời, mà còn là minh chứng cho vai trò đồng hành dài hơi của công đoàn đối với đời sống công nhân.
Tính đến cuối năm 2024, TP. Hồ Chí Minh có 19.324 công đoàn cơ sở với hơn 1,5 triệu đoàn viên; riêng khu vực ngoài nhà nước đã có gần 1,3 triệu đoàn viên.
Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhận định: “Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, Công đoàn TP. Hồ Chí Minh phải chủ động, không để bị động bất ngờ. Phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng vượt qua thử thách, nắm bắt cơ hội từ khó khăn”.
![]() |
Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh tặng quà tết cho công nhân, người lao động trên địa bàn. Ảnh: CĐCC |
Thành phố đang hướng tới chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Những thay đổi ấy đặt ra yêu cầu về tư duy tổ chức, phương thức hoạt động và năng lực đại diện của công đoàn. Đồng thời, đặt ra yêu cầu mới cho người công nhân – phải liên tục nâng cao tay nghề, kỹ năng, thích ứng với công nghệ mới.
Công đoàn TP. Hồ Chí Minh đã nắm bắt xu thế đó bằng cách khơi dậy phong trào thi đua “Lao động giỏi – Lao động sáng tạo”, thu hút hàng nghìn sáng kiến cải tiến kỹ thuật, mang lại giá trị kinh tế thực tiễn cho doanh nghiệp và xã hội.
50 năm qua, TP. Hồ Chí Minh thay da đổi thịt từng ngày. Nhưng ở mọi thành tựu, luôn có dấu ấn của những giọt mồ hôi người công nhân. Họ chính là người đặt nền móng, là trụ đỡ cho mọi công trình, cho mọi bước phát triển thần tốc của thành phố này.
Dù không phải ai cũng được vinh danh, nhưng từng con đường, nhà máy, công trình hôm nay đều khắc ghi công sức họ. Và họ – hơn bất cứ ai – xứng đáng có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong hành trình ấy, Công đoàn sẽ luôn là người đồng hành tin cậy, gắn kết người lao động và bảo vệ họ bằng tất cả sự tận tâm và trách nhiệm.
![]() Những năm qua, công tác chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động là một trong những nội dung trọng tâm được các ... |
![]() Các cấp Công đoàn TP. Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ đoàn viên, người lao động cả ... |
![]() Ngày 18/2, nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025), Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP. HCM ... |