Các bác sỹ, điều dưỡng của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: ST |
Khi mới yêu nhau, có cô điều dưỡng đành phải giấu người yêu là mình làm việc ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Bởi sợ chuyện tình đẹp chớm nở đã phai tàn vì công việc mà nhiều người ái ngại, dè chừng và ác cảm với những người thường xuyên tiếp xúc với các bệnh dễ lây trong bệnh viện. Thế rồi, cũng có người, ít thì đôi ba lần ngậm ngùi nghe bố mẹ chồng khuyên nhủ bỏ nghề, hay “căng” hơn là dọa vợ chồng li tán.
Điều dưỡng - những Blouse trắng thầm lặng, có số lượng chiếm tới 2/3 nhân lực của ngành Y tế. Họ có riêng một ngày “Quốc tế điều dưỡng” (ngày 2/3) là ngày thế giới tôn vinh những người chăm sóc sức khỏe cho người bệnh từ ban đầu đến khi phục hồi.
Làm nghề điều dưỡng, trước hết phải yêu thương người bệnh, nhẫn nại, lắng nghe, thấu hiểu như chính người thân của bệnh nhân. Nhất là những bệnh nhân phải cách ly và điều trị đặc biệt bởi mắc Covid-19. Với không ít người, việc phải thực hiện cách ly y tế bắt buộc tương tự việc bị “nhốt” và phải xa người thân. Do vậy, họ thường xuyên bồn chồn, buồn bực trong 4 bức tường. Cho dù, những căn phòng cách ly của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương được trang bị đầy đủ ti vi, internet, trang thiết bị y tế để người bệnh nguôi ngoai.
Đồng chí Đoàn Thu Nguyệt - Phó Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ: "Với những người bệnh do Covid-19 được cách ly, điều trị tại bệnh viên luôn nhận được sự chăm sóc tốt nhất, sự cảm thông và tận tình của bác sỹ, điều dưỡng".
Hơn 20 năm làm nghề, ngoài những bài giảng nghiệp vụ cho thế hệ sau, chị luôn động viên những đồng nghiệp trẻ tận tình, yêu nghề và yêu người bệnh như chính người thân của mình.
Điều khó khăn là, dù xã hội đã tiến nhiều bước về bình đẳng giới, nhưng trong mỗi gia đình, những người phụ nữ Á Đông vẫn đóng vai trò giữ lửa gia đình. Nhưng các điều dưỡng của bệnh viện, khi không phải ngày trực thì làm ca, hầu như không có ngày nghỉ. Đặc biệt kể từ trước Tết Nguyên đán, khi ngành Y tế sẵn sàng với phòng chống dịch thì trừ trường hợp đặc biệt, những bác sỹ, điều dưỡng có sức khỏe tốt đều phải luôn luôn có mặt tại bệnh viện.
Với không ít người, trong cuộc chiến chống dịch như chống giặc, người bệnh thì không thể bỏ mặc, nhưng con của không ít bác sỹ, điều dưỡng lại không có người trông nom. Có những người hàng chục năm mới tính chuyện sinh tiếp con thứ hai, một phần bởi không gửi được con cho ai chăm sóc.
Vất vả, cũng có người sợ bẩn vì phải giặt giũ, dọn dẹp chất thải của người bệnh nên tự chuyển đổi nghề nghiệp. Nhưng hầu hết các điều dưỡng đã xác định vào làm việc tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thì đã chấp nhận.
Điều dưỡng trưởng khoa Cấp cứu, chị Nguyễn Thị Thu Hà. Ảnh: ST |
“Mình luôn động viên các bạn trong khoa đừng nghĩ làm mà người bệnh phải trả ơn. Vì người bệnh không chủ động tự làm được nên họ phải nhờ cậy điều dưỡng. Hãy cứ nghĩ cho đi rồi cuộc sống sẽ bù đắp lại cho bạn” - đồng chí Đoàn Thu Nguyệt chia sẻ.
Đã xác định làm điều dưỡng chuyên ngành truyền nhiễm, khi có dịch bệnh, họ không hề sợ hãi và sẵn sàng làm việc vất vả hơn ngày thường để đáp ứng với các tình huống xảy ra. Những điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân cách ly còn được “đảo qua nhà”. Còn những điều dưỡng chăm sóc các ca dương tính với Covid-19 phải hoàn toàn ở lại bệnh viện.
Nguyễn Xuân Vương - điều dưỡng Khoa Cấp cứu của bệnh viện, người tham gia chuyến bay chở 30 công dân Việt Nam từ Vũ Hán về nước chưa bao giờ nghĩ mình làm việc vì tiền. Vương kể: "Khi làm những công việc như chuẩn bị bữa ăn cho bệnh nhân, giúp cho giặt giũ quần áo bẩn, thấy người bệnh buồn chán, kiếm đủ trò để được tiếp xúc, trò chuyện nhiều hơn với mình cho 14 ngày trôi nhanh…". Vương luôn tận tình giúp đỡ. Thậm chí, người bệnh đặt hàng online trên mạng, cũng nhờ Vương hoặc đồng nghiệp nhận giúp.
Đã 14 năm làm việc tại bệnh viện, lo bữa ăn giấc ngủ của bệnh nhân, Điều dưỡng trưởng Khoa Cấp cứu Nguyễn Thị Thu Hà luôn mở đầu ngày mới với tâm thái tươi vui truyền cảm hứng cho người bệnh. Trong dịch Covid-19, chị đã chăm sóc một phụ nữ 55 tuổi và 3 bệnh nhân khác ở Vĩnh Phúc dương tính nCoV.
Chị là một trong 20 điều dưỡng tuyến trong của bệnh viện chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19. Cả tháng trời, chị không về nhà. Các con phải gửi ông bà chăm sóc để tập trung chăm sóc bệnh nhân. Bởi chị hiểu nỗi mong ngóng của người bệnh nhanh chóng có kết quả xét nghiệm Covid-19. Cứ mỗi bệnh nhân ra viện, chị lại tự tay sắp xếp quần áo cho họ, lưu luyến chia tay để họ đoàn tụ với gia đình.
Chăm sóc người bệnh, nhưng chính các điều dưỡng lại gặp sự kì thị khiến họ không khỏi áp lực và buồn tủi. Có người, dù không làm việc ở khu cách ly hoặc khu điều trị trực tiếp, khi về phòng trọ chủ phòng trọ không cho về, rắc vôi bột “khử khuẩn” phòng ở. Có người, nhà ở Nam Từ Liêm, bị hàng xóm dè chừng, cảnh giác, chính quyền địa phương gọi điện yêu cầu lãnh đạo bệnh viện giữ người ở lại, không cho về nhà. Đó là những nỗi buồn, những áp lực mà các bác sỹ cùng điều dưỡng phải vượt qua.
Chia sẻ về công tác chăm lo, đại diện, bảo vệ người lao động ngành Y trước áp lực dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, PGS.TS Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết: "Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ trực tiếp bằng vật chất, kiến nghị các cơ quan chức năng quan tâm về chế độ chính sách cho các y bác sỹ phòng chống dịch Covid-19. Trong thời gian tới, Công đoàn Y tế Việt Nam cũng đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp xử lý với người dân không hợp tác với ngành Y tế trong cách ly dịch bệnh, tung tin giả gây hoang mang lo lắng trong dư luận, kì thị nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch".
Từ vụ 2 trẻ nhỏ tử vong trong bể nước và quy tắc an toàn cha mẹ cần lưu tâm Nhiều vụ tai nạn đau lòng khi để trẻ nhỏ ở nhà một mình khiến nhiều bậc cha mẹ lo sợ. Mới đây nhất là ... |
Daegu quá tải, Vũ Hán thứ 2 hiện hình tại Hàn Quốc Tờ Korea Herald hôm nay đã cảnh báo về tình trạng quá tải ở tâm dịch Daegu. Trong đó thiếu nhất là giường bệnh và ... |
Cô gái Hàn Quốc nhiễm virus corona nhổ nước bọt vào nhân viên y tế ở Daegu Khi được đưa tới Trung tâm Y tế Daegu, cô gái người Hàn Quốc nhiễm virus corona buông lời mắng chửi và nhổ nước bọt ... |
WHO: 10 điều cơ bản để bảo vệ bản thân và cộng đồng khỏi Covid -19 Tại cuộc họp báo ngày 28/2 về tình hình dịch Covid -19 trên thế giới, bên cạnh việc nâng mức cảnh báo cao nhất với ... |