Người lao động phải nghỉ việc do dịch bệnh thì sẽ được hưởng lương. Trong ảnh: Xưởng sản xuất của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ - Ảnh: baocantho.com.vn |
Hiện tại, dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona gây ra vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Mặc dù tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, nơi khởi nguồn của dịch bệnh, những ngày qua số người nhiễm mới và tử vong do dịch liên tục giảm; song, các chuyên gia cảnh báo vẫn còn quá sớm để lạc quan, càng chưa thể an tâm với dịch bệnh nguy hiểm này. Ở nước ta, số người nhiễm mới và nghi nhiễm cũng đang được khống chế thành công, trong khi đó, nhiều bệnh nhân mắc cúm nCoV đã được điều trị khỏi bệnh và xuất viện. Tuy vậy, tâm trạng lo lắng vẫn thường trực ở đa số người dân.
Trước diễn biến của dịch, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tạm cho học sinh, sinh viên nghỉ học. Thời điểm 8/2/2020, tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước đồng loạt cho học sinh nghỉ học; đến nay, một số tỉnh đã cho học sinh đi học trở lại, nhưng phần lớn vẫn tiếp tục cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 2.
Học sinh, sinh viên được nghỉ học phòng, chống dịch bệnh; vậy người lao động - lực lượng chủ lực làm ra của cải cho xã hội có được nghỉ hay không? Khi nào họ được nghỉ và nếu nghỉ thì chế độ như thế nào? Câu hỏi này được nhiều người đặt ra.
Mức lương người lao động được hưởng khi nghỉ việc do dịch bệnh không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định - Ảnh minh họa: baodanang.vn |
Khoản 3, Điều 98 Bộ luật Lao động 2012 quy định về chế độ tiền lương ngừng việc do nguyên nhân khách quan là dịch bệnh nguy hiểm như sau: “Nếu vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định”.
Theo quy định trên, nếu người lao động phải nghỉ việc do dịch bệnh, họ vẫn có thể được nhận tiền lương ngừng việc theo thỏa thuận với người sử dụng lao động và mức lương không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng được quy định tại nơi làm việc.
Người lao động cũng có quyền từ chối hoặc rời bỏ nơi làm việc khi thấy rõ nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đe dọa nghiêm trọng tính mạng sức khỏe.
Các khu công nghiệp, các doanh nghiệp đông công nhân như ngành May là nơi có nguy cơ lây lan dịch Covid-19. Song, nếu người lao động phải nghỉ việc vì dịch bệnh thì vẫn sẽ được hưởng lương - Ảnh minh họa: laodongthudo.vn |
Khoản 2, Điều 140 của Bộ luật Lao động 2012 quy định về xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp như sau: "Người lao động có quyền từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình và phải báo ngay với người phụ trách trực tiếp. Người sử dụng lao động không được buộc người lao động tiếp tục làm công việc đó hoặc trở lại nơi làm việc đó nếu nguy cơ chưa được khắc phục”. Có thể hiểu, người lao động có quyền từ chối làm việc nếu nguy cơ xảy ra dịch bệnh có dấu hiệu rõ ràng.
Đó là hai căn cứ chính để người lao động thông báo với người sử dụng lao động về việc nghỉ làm mà vẫn được hưởng lương, không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động. Trường hợp dịch bệnh Covid-19 xảy ra, lan rộng tại nơi người lao động làm việc, đương nhiên người lao động phải nghỉ việc, được thăm khám sức khỏe, thậm chí phải cách ly và vẫn được hưởng mức lương không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Nước mắt chảy xuôi |
Vệ sinh điện thoại thế nào để phòng chống virus corona? |
Tận cùng nỗi đau của nữ công nhân có chồng, con và cả bản thân mang trong mình bạo bệnh |