Mái tóc mới - hành trình yêu thương và tái sinh

Hôm nay, trên bục giảng thân thương, cô Nguyễn Thị Nhật Linh, giáo viên Ngữ văn Trường THCS Thắng Nhất, TP. Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã trở lại với một vẻ đẹp kiên cường. Những sợi tóc đầu tiên đã xuất hiện sau ngày giông tố, đánh dấu sự hồi sinh diệu kì.
Hành trình yêu thương, đoàn kết và phát triển

Các học trò tinh nghịch bảo cô giống ca sĩ Mỹ Linh, còn đồng nghiệp thì nói vui rằng đó là "mái tóc của nghị lực". Trước lớp, với giọng nói dịu dàng, ánh mắt lấp lánh niềm vui nhưng ít ai biết rằng, để có được những giây phút bình dị của hiện tại, cô đã trải qua một hành trình đầy nước mắt, nghị lực và tình yêu thương của Công đoàn nhà trường – hành trình thoát khỏi lưỡi hái tử thần mang tên ung thư vú giai đoạn 3.

Mái tóc mới - hành trình yêu thương và tái sinh
Cô giáo Nguyễn Thị Nhật Linh đã trở lại hành trình gieo hạt yêu thương. Ảnh: ĐVCC

Tháng ngày giông bão

Sau khi sinh bé Út, cô Linh thường xuyên cảm thấy kiệt sức. Những cơn mệt mỏi, đau đớn hay ập đến. Mỗi khi cô cho con bú, cơn đau nhói từ tận sâu trong xương tuỷ lại xâm chiếm cơ thể cô, len lỏi vào từng tế bào. Đặc biệt là khi dòng sữa mẹ tuôn chảy, nỗi đau không chỉ xuyên qua bầu ngực mà còn lan tới tận óc, khiến cô choáng váng. Mắt cô cay xè, nhưng bàn tay vẫn âu yếm vỗ về con. Những đứa con bé bỏng chính là nguồn sức mạnh giúp cô thêm cứng cỏi, vượt qua mọi nỗi nhọc nhằn. Cô tự an ủi mình: “Có lẽ là do công việc quá vất vả, cộng thêm việc chăm sóc ba đứa trẻ mỗi ngày khiến cơ thể mệt mỏi. Mình chỉ cần nghỉ ngơi một chút, mọi thứ sẽ ổn thôi".

Cô Linh nhẹ nhàng áp bé Út vào lòng. Đôi môi hồng hào bé xíu của con hé mở ra như chú chim nhỏ đói mồi, mút lấy mút để dòng sữa ấm, mắt lim dim; thi thoảng, con ngừng lại, ngẩng đầu lên nhìn mẹ cười chúm chím đầy mãn nguyện. Nhìn dáng vẻ say sưa, đáng yêu của con, cô nén cơn đau, cắn chặt môi, bàn tay run run vỗ về tấm lưng nhỏ bé, cố nén tiếng thở dài sợ con giật mình.

Chồng cô là bộ đội hải quân, lênh đênh giữa trùng khơi để bảo vệ biển trời đất nước. Mỗi lần nhận được cuộc gọi từ anh, dù cơn đau đang giằng xé, cô vẫn cố gắng mỉm cười:

- Em và các con vẫn khỏe, anh cứ yên tâm công tác.

Cô giấu nhẹm những cơn đau. Cô biết, nếu nói ra, lòng anh sẽ nặng trĩu lo âu mà nhiệm vụ cao cả của quê hương không thể cho phép trái tim người lính chùng xuống vì những nỗi niềm bé nhỏ.

Mỗi đêm về, khi các con chìm vào giấc ngủ, một mình cô đối diện với những cơn đau. Nước mắt lăn dài, cô ôm các con chặt hơn, như thể sợ rằng nếu buông ra, mình sẽ vuột khỏi tầm tay điều quý giá. Trong cơn đau, cô nghĩ khôn, nghĩ dại… Nhỡ đâu mình có chuyện gì thì con sẽ ra sao? Chồng ở xa, ai sẽ chăm con? Nghĩ đến đó, nỗi sợ hãi dâng lên nghẹn cứng cổ họng.

Những cơn đau này ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Thấy không thể nào gắng gượng được nữa, cô gửi con cho người thân rồi âm thầm bắt xe lên bệnh viện trên Sài Gòn thăm khám. Sau khi khám xét, bác sĩ bảo cô có một khối u trong ngực cần được sinh thiết.

Hai tuần chờ đợi kết quả sinh thiết dài như cả thế kỉ. Ban ngày cô gắng gượng đi dạy, tối về bên mái nhà nhỏ, nhìn ánh mắt hồn nhiên của những đứa con thơ mà nước mắt cô lặng lẽ tuôn rơi, thầm cầu mong thần may mắn sẽ mỉm cười với mình.

Ngày lên Sài Gòn nhận kết quả, chân cô như khụy xuống ngay trước cửa phòng khám. “Ung thư vú giai đoạn 3”. Trời đất quay cuồng, mọi thứ xung quanh mờ nhòe đi. Tờ giấy trên tay cô run bần bật. Cô không còn cảm nhận được gì ngoài một nỗi sợ kinh hoàng đang siết chặt lấy tim mình.

Ba đứa con thơ dại… Bé Út… Chúng còn quá nhỏ, quá non nớt. Cô chưa kịp dạy con những điều giản dị nhất. Chưa kịp nhìn thấy chúng trưởng thành. Ý nghĩ mình có thể phải rời xa các con khiến cô nghẹt thở.

Đêm hôm đó, khi các con đã ngủ say, cô ngồi bó gối trong màn đêm tĩnh lặng chỉ có nhịp thở đều của ba thiên thần nhỏ vang lên nhè nhẹ, nước mắt cô trào ra ướt đẫm cả áo. Nỗi sợ hãi, nỗi đau thể xác và tình thương con đan vào nhau, giằng xé tâm can người mẹ trẻ. Cô miên man suy nghĩ rồi thiếp đi bên cạnh ba đứa con nhỏ vẫn đang ngủ ngon lành – bình yên và hoàn toàn chưa hiểu gì về giông bão đang chờ đợi phía trước.

Những ngày tiếp theo là chuỗi thời gian tăm tối, nó bào mòn cô cả thể chất lẫn tinh thần. Mỗi sáng, cô vẫn lên lớp với nụ cười dịu dàng, nhưng đêm về là những giọt nước mắt lại không ngừng tuôn rơi. Căn bệnh quái ác không chỉ khiến cô kiệt quệ về sức khỏe mà còn là gánh nặng đè lên vai người phụ nữ bé nhỏ.

Vòng tay Công đoàn – điểm tựa vững vàng

Gương mặt vốn hay cười, hay nói của cô Linh giờ đượm một nỗi buồn sâu thẳm. Trong những giờ trống tiết, cô lặng lẽ ngồi thu mình ở phòng nghỉ giáo viên, đôi tay lạnh ngắt siết chặt vạt áo như muốn che giấu một nỗi đau không lời.

Cô Hòa - Tổ trưởng Công đoàn đã nhận ra sự khác lạ của người đồng nghiệp thân yêu. Một chiều muộn, khi hành lang chỉ còn lại tiếng gió lùa, cô Hòa bước đến, nhẹ nhàng nắm lấy tay cô Linh:

- Linh à, em có chuyện gì sao?

Cô Linh giật mình, đôi mắt hoe đỏ nhưng vẫn cố gắng nở nụ cười:

- Dạ… không có gì đâu chị. Mấy nay bé Út quấy quá nên em hơi mệt.

Nhưng làm sao cô Hòa có thể tin lời nói dối vụng về ấy? Hơn mười năm gắn bó, cô Hòa hiểu rõ người em đồng nghiệp này hơn ai hết. Cô Hòa siết nhẹ tay cô Linh, giọng ân cần:

- Chị em mình sống với nhau từng ấy năm, em còn định giấu chị sao? Cứ nói đi, chị nghe.

Cô Linh bật khóc như một đứa trẻ, những giọt nước mắt chảy dài trên gò má xanh xao. Đôi tay run run lôi từ trong túi xách ra tờ giấy khám bệnh.

Cô Hòa cầm lấy, đọc lướt qua dòng chữ lạnh lùng mà nhói buốt: "Ung thư vú giai đoạn 3".

Linh nghe rõ tiếng thở dài đầy xót xa của người chị đồng nghiệp. Không nói nên lời, cô Hòa kéo Linh vào lòng, vỗ nhè nhẹ lên tấm lưng gầy guộc của người phụ nữ tảo tần, giọng trấn an:

- Đừng lo em ạ “còn nước còn tát”. Ở giai đoạn 3 mình vẫn còn chữa được. Bạn chị, cô Trang dạy ở Châu Đức cũng mắc bệnh này nhưng kiên trì điều trị nên giờ vẫn khỏe mạnh, dạy học hơn mười năm nay rồi. Em phải vững vàng lên!

Mái tóc mới - hành trình yêu thương và tái sinh
Cô giáo Nguyễn Thị Nhật Linh đã trở lại hành trình gieo hạt yêu thương. Ảnh: ĐVCC

Từ hôm đó, câu chuyện của cô Linh lan ra khắp trường. Những cái ôm động viên, những ánh mắt sẻ chia đầy yêu thương được dành tặng cho cô. Những cô cậu học sinh nhỏ hiểu chuyện gấp hạc ước nguyện may mắn sẽ đến với cô giáo. Sau khi nhận được báo cáo của Công đoàn nhà trường, cô Nguyễn Thị Hoa - Hiệu trưởng Nhà trường nhanh chóng họp, sắp xếp công việc, phân công giáo viên hỗ trợ dạy thay cô Linh, tạo điều kiện hết sức cho cô Linh chữa bệnh. Những ngày cô đi thăm khám, đi mổ, rồi đi hóa trị, các đồng nghiệp- những công đoàn viên nhân ái, năng nổ thay nhau đứng lớp. Không ai bảo ai, mỗi người một tay hỗ trợ cô từ vật chất đến tinh thần.

Cô Hòa còn tận tình mời cô Trang – người từng vượt qua căn bệnh quái ác này đến tận nhà cô Linh, ngồi bên cô Linh hàng giờ, vừa chia sẻ kinh nghiệm điều trị, vừa truyền cho cô niềm tin rằng: Ung thư không phải là dấu chấm hết!

Không những bản thân mang trọng bệnh, hoàn cảnh của cô cũng vô cùng éo le – chồng đi hải quân biền biệt, mẹ chồng bận chăm anh chồng cũng bị ung thư, mẹ đẻ của cô thường xuyên đi chạy thận. Công đoàn Trường THCS Thắng Nhất quyết định tổ chức quyên góp ủng hộ, giúp cô Linh phần nào vượt qua sóng gió của cuộc đời. Công đoàn quyên góp được 32 triệu đồng, con số thấm đẫm tình người và sự sẻ chia ấm áp.

Đón nhận món quà của Công đoàn nhà trường trên tay, cô Linh nghẹn ngào vì xúc động, cô hiểu rằng: Tình thương của Công đoàn, của đồng nghiệp, của người thân chính là điểm tựa giúp cô đứng lên, cô không được phép gục ngã. Trong cuộc chiến này, cô không hề đơn độc.

Những tháng ngày điều trị gian khổ trôi qua trong bao yêu thương, sẻ chia. Cô Linh đi viện, đồng nghiệp thay nhau dạy dỗ học trò của cô. Công đoàn viên còn cử người trông bé Út, cử người đưa đón hai bé lớn đi học. Những hộp tam thất, những trái cam ngọt lành cùng những lời động viên của công đoàn viên gửi đến cô Linh đều đặn như một liều thuốc tinh thần giúp cô có thêm sức mạnh chiến đấu.

Hành trình hồi sinh

Những đợt hóa trị dài khiến mái tóc đen tuyền óng mượt của cô Linh rụng sạch. Chiếc khăn trùm đầu, mái tóc giả trở thành người bạn đồng hành trong suốt hành trình chữa bệnh. Nhưng hơn cả vẻ ngoài, điều khiến cô canh cánh trong lòng là những lo âu trong tâm trí: “Liệu mình có thể chiến thắng trên hành trình này không; mình có thể được quay lại lớp học; được nhìn các con khôn lớn, trưởng thành hay không?”

Nhờ vào sự động viên, giúp đỡ vô điều kiện từ Công đoàn và tập thể nhà trường, cô tìm lại được nghị lực để tiếp tục sống. Công đoàn là vầng sáng ấm áp dẫn lối cô qua những tháng ngày tăm tối. Sau gần hai năm kiên cường chiến đấu, cô đã vượt qua được lưỡi hái tử thần, một phép màu thực sự đã xuất hiện trong hành trình hồi sinh của cô.

Mái tóc mới - hành trình yêu thương và tái sinh
Gia đình nhỏ của cô Linh quây quần bên nhau mỗi khi chú bộ đội về thăm nhà (Hình ảnh trước khi cô Linh ngã bệnh). Ảnh: ĐVCC

Ca phẫu thuật thành công là bước đệm đầu tiên, rồi cô tiếp tục mạnh mẽ đối mặt với những tháng ngày hóa trị đầy đau đớn. Phác đồ điều trị hiệu quả, cơ thể cô nhanh chóng đáp ứng thuốc, bệnh tình dần dần thuyên giảm. Sức khỏe của cô dần ổn định và một niềm tin mới vào cuộc sống lại dâng trào trong lòng cô.

Khi cô trở lại bục giảng, mái tóc mới mọc lên, những sợi tóc lún phún như những mầm non nhỏ bé, mạnh mẽ vươn lên từ đất cứng để đón nhận ánh sáng mặt trời. Ngày cô trở lại lớp học, niềm vui vỡ òa khắp không gian. Các học trò ngây ngô trêu đùa: "Cô trông giống ca sĩ Mỹ Linh quá ạ!". Cô cười – nụ cười ấy chứa đựng tất cả sự hạnh phúc và lòng biết ơn sâu sắc. Hơn ai hết, cô hiểu rằng chính mái nhà Công đoàn đã kéo cô lên từ vực thẳm tuyệt vọng, trao cho cô sức mạnh để tiếp tục hành trình gieo hạt yêu thương.

Lời cảm ơn từ trái tim

Hôm nay, trở lại với Trường THCS Thắng Nhất thân yêu, trái tim cô rộn ràng niềm hạnh phúc và lòng biết ơn vô hạn. Mỗi bài giảng của cô không chỉ chứa đựng những kiến thức chuyên môn, mà còn là bài học về nghị lực sống, về sức mạnh của tình nhân ái. Từ tận sâu trong đáy lòng, cô thầm cảm ơn Công đoàn nhà trường– nơi tình người luôn nồng ấm, đã trao tặng cho cô niềm hy vọng, nâng bước cô trên hành trình tái sinh đầy diệu kỳ.

Giữa biển trời yêu thương, cô như chiến binh mạnh mẽ, kiên cường chiến đấu với bệnh tật. Và giờ đây, cô mỉm cười, nụ cười tươi sáng như đóa hoa giữa trời trong, cô tiếp tục viết nên câu chuyện của chính mình, không ngừng vươn lên, truyền cảm hứng cho cuộc sống thêm tươi đẹp.

Dẫu biết rằng hành trình phía trước còn dài và lắm nỗi gian nan nhưng trên mỗi bước đi của đường đời, cô Linh luôn tin vào sức mạnh của tình yêu thương và sự sẻ chia. Chính Công đoàn Trường THCS Thắng Nhất đã giúp cô hiểu rằng: “Ở đâu có tình người, ở đó không có bão tố nào có thể quật ngã được chúng ta”.

Tác phẩm tham dự Cuộc thi viết “Vòng tay Công đoàn” lần thứ V do Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức.

Cuộc thi nhằm tuyên truyền, cổ vũ những trường hợp đoàn viên, người lao động được tổ chức Công đoàn, cán bộ công đoàn chăm lo, bảo vệ thiết thực, hiệu quả; nhờ đó có sự thay đổi tích cực trong cuộc sống.

Thông qua bài viết nêu bật nỗ lực của tổ chức Công đoàn, cán bộ công đoàn trong việc thực hiện nhiệm vụ cốt lõi đại diện bảo vệ, chăm lo cho đoàn viên, người lao động; góp phần khẳng định Công đoàn Việt Nam đã, đang và sẽ mãi là chỗ dựa vững chắc, tin cậy, nơi gửi gắm niềm tin của đoàn viên, người lao động.

Mời độc giả xem thêm TẠI ĐÂY

Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi: vongtaycongdoan.ldcd@gmail.com

Vượt qua nỗi đau bệnh tật mới thấy giá trị tình yêu thương Vượt qua nỗi đau bệnh tật mới thấy giá trị tình yêu thương

Tôi là đoàn viên Công đoàn Trung tâm Quản lý Tiền mặt Hồ Chí Minh – VietinBank. Tôi từng đối diện với nỗi sợ hãi ...

Chị Huỳnh Thị Huyền Trang và hành trình vượt khó tại Cảng Hàng không Cà Mau Chị Huỳnh Thị Huyền Trang và hành trình vượt khó tại Cảng Hàng không Cà Mau

Với nụ cười luôn rạng rỡ, chị Huỳnh Thị Huyền Trang - nhân viên vệ sinh của Đội Phục vụ mặt đất, Cảng Hàng không ...

Sợi dây yêu thương từ mái ấm công đoàn Sợi dây yêu thương từ mái ấm công đoàn

Công đoàn Trường THPT Đức Trọng (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) đã xây dựng được tập thể đoàn kết, vững mạnh như một gia ...

Vòng tay lớn của Công đoàn Thư viện TMU

Vòng tay lớn của Công đoàn Thư viện TMU

Tổ Công đoàn Thư viện như một vòng tay rộng lớn, ôm trọn những trái tim yêu nghề, cống hiến cho sự phát triển của Trường Đại học Thương Mại.
Thầy hiệu trưởng tận tụy, sáng tạo

Thầy hiệu trưởng tận tụy, sáng tạo

Trường THCS Hòa Phú (Ứng Hòa, Hà Nội) là ngôi trường có truyền thống dạy và học vững mạnh, nơi thầy trò luôn nỗ lực thi đua giảng dạy tốt, luôn nhận được sự tin tưởng và yêu quý từ phụ huynh học sinh. Góp phần vào sự phát triển đó là nhiều tấm gương tận tụy, sáng tạo, trong đó nổi bật là thầy giáo Trần Hữu Phúc – Hiệu trưởng nhà trường.
Nghị lực vượt khó của cô nuôi mầm non

Nghị lực vượt khó của cô nuôi mầm non

Chị Nguyễn Thị Hà- cô nuôi Trường Mầm non Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) là người phụ nữ không được may mắn trong cuộc sống gia đình. Bằng nghị lực vượt khó cùng với sự quan tâm, chia sẻ của tổ chức Công đoàn nơi chị làm việc đã giúp chị tìm thấy giá trị cuộc sống.
Công đoàn Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân: Vững bước cùng người lao động

Công đoàn Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân: Vững bước cùng người lao động

Công đoàn cơ sở Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (Công đoàn Nhà máy) được thành lập ngày 01/3/2019 tại Quyết định số 46/QĐ-CĐĐVN của Công đoàn Điện lực Việt Nam. Với phương châm "Con người là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp", trong chặng đường hơn 6 năm qua ngay từ khi thành lập, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, Công đoàn Nhà máy đã vững bước, đồng hành cùng người lao động (NLĐ), đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ ngày càng được nâng cao.
Thầy giáo khuyết tật truyền lửa “nghị lực” cho sinh viên

Thầy giáo khuyết tật truyền lửa “nghị lực” cho sinh viên

Dù khiếm khuyết đôi chân nhưng thạc sĩ Lê Thanh Bình - Phó trưởng phòng Phụ trách Phòng Thanh tra - Pháp chế của Trường Đại học Tiền Giang vẫn không ngừng nỗ lực vươn lên và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
Tìm thấy sự gắn kết và động lực để phát triển

Tìm thấy sự gắn kết và động lực để phát triển

Nhìn lại chặng đường đã qua trong tổ chức Công đoàn Trung tâm Quản lý luồng không lưu (Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam), tôi không khỏi bồi hồi và tự hào khi nghĩ về những năm tháng được gắn bó với một tập thể giàu tình yêu thương, trách nhiệm và đoàn kết. Công đoàn không chỉ là nơi bảo vệ quyền lợi cho người lao động mà còn là mái nhà chung, nơi chúng tôi cùng nhau chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và động viên nhau vượt qua mọi thử thách.
Khúc khải hoàn được viết bằng tình thương

Khúc khải hoàn được viết bằng tình thương

Câu chuyện của cô Trần Thị Huế – giáo viên môn Ngữ văn Trường THCS Châu Thành (TP Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu) được viết bằng tình thương. Nó không chỉ khẳng định cho sức mạnh của tình yêu thương mà còn là lời nhắc nhở về giá trị của sự đoàn kết, đồng lòng trong những thời khắc khó khăn nhất của cuộc đời của con người.
Chị Trần Thị Thanh Tuyền: Tư duy mở trong xây dựng phát triển tổ chức Công đoàn

Chị Trần Thị Thanh Tuyền: Tư duy mở trong xây dựng phát triển tổ chức Công đoàn

Chị Trần Thị Thanh Tuyền, Giám đốc các chi nhánh VTVcab khu vực phía Nam, là một hình mẫu tiêu biểu của người cán bộ công đoàn tận tâm, luôn bảo vệ quyền lợi chính đáng cho đoàn viên và người lao động. Với tư duy cởi mở và bản lĩnh vững vàng, chị đã dẫn dắt các chi nhánh Tiền Giang, An Giang, Cần Thơ vươn lên trở thành những đơn vị xuất sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh do Tổng công ty giao phó.
Hành trình yêu thương, đoàn kết và phát triển

Hành trình yêu thương, đoàn kết và phát triển

Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh) từ một ngôi trường nhỏ bé trong những ngày đầu gian khó đã vươn lên trở thành biểu tượng của sự phát triển và tâm huyết nghề giáo. Thành tựu ấy không thể thiếu sự đồng hành thầm lặng nhưng mạnh mẽ của công đoàn – những người luôn sát cánh trong mọi thử thách.
Tạo động lực để giáo viên cống hiến hết mình cho giáo dục

Tạo động lực để giáo viên cống hiến hết mình cho giáo dục

Những nỗ lực của Công đoàn Trường THCS Linh Trung (TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) trong những năm qua đã góp phần tạo nên một môi trường làm việc thân thiện, tích cực, nơi mỗi đoàn viên đều cảm nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ tổ chức của mình.